Vẫn Còn Người Khóc Tố Như - Ngày Mới Online

Tối 26/9/2020, tại Trung tâm Văn hóa điện ảnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765 - 2020), và tưởng niệm 200 năm (1820 - 2020), ngày mất của Nguyễn Du Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới

Nguyễn Du tên chữ Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh ngày 23/11 năm Ất Dậu, tức ngày 3/1/1766 tại phường Bích Câu, Thăng Long. Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương bất hủ bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm, trong đó, sáng tác chữ Hán, gồm có: Kiệt tác Đoạn trường tân thanh (Tiếng kêu mới về nỗi đau dứt ruột), tức tác phẩm Truyện Kiều, gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát, Văn chiêu hồn nguyên có tên là “Văn tế thập loại chúng sinh”, nghĩa là Văn tế mười loại người, là một ngâm khúc gồm 184 câu viết theo thể song thất lục bát. Thác lời trai phường nón làm thơ tỏ tình với cô gái phường vải. “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ” gồm 98 câu, viết theo lối văn tế…

Truyện Kiều là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lý và ngợi ca vẻ đẹp của con người. Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc thế. Từ Truyện Kiều nói riêng và toàn bộ trước tác của Nguyễn Du nói chung, ông được các thế hệ người Việt Nam tôn vinh là Đại thi hào dân tộc. Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) họp ở Paris đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15 phê chuẩn Quyết định số 191EX/32 và 192EX/32, nhất trí vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa Hội đồng Hòa bình thế giới vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới năm 2015

3741 myyyi thi hao nguyyn du
Thắp hương bên mộ, tưởng niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du

Không chỉ là một “ngôi sao sáng” trên bầu trời văn học cổ Việt Nam, Đại thi hào Nguyễn Du còn là một Danh nhân văn hóa thế giới, được cả thế giới biết đến và công nhận. Tác phẩm “Truyện Kiều” của ông đã trở thành một tài sản văn học chung của thế giới, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng. Khu lưu niệm Nguyễn Du được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Hơn 200 năm trước, Nguyễn Du từng tự hỏi: liệu 300 năm nữa thiên hạ có ai khóc Tố Như không? (Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như - Độc Tiểu Thanh ký).

Sau 300 năm, hay 500 năm, hay cả nghìn năm sau nữa, người đời vẫn nhớ đến Nguyễn Du, với sự trân trọng bởi những gì ông đóng góp cho dân tộc và để lại cho đời.

Năm 1965, sau 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du, hai nhà thơ lớn của Việt Nam là nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Nguyễn Bính đã có những dòng thơ như tiếng khóc Tố Như. Trong bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du”, nhà thơ Tố Hữu viết: “Mai sau dù có bao giờ/ Câu thơ thuở trước đâu ngờ hôm nay”. Nhà đồng cảm với đại thi hào khi cảm nhận “Đau đớn thay phận đàn bà /Hỡi ôi thân ấy biết là mấy thân”. Còn khóc Nguyễn Du ư? Nhà thơ Tố Hữu đã thốt lên tiếng lòng: “Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương/Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng/Nhân tình, nhắm mắt chưa xong/Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như? Mai sau, dù có bao giờ...Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay… Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.”

Còn nhà thơ Nguyễn Bính viết bài thơ “Vịnh cụ Tiên Điền” trước lúc nhà thơ từ giã cõi đời đã ghi nhận: “Trăm năm trong cõi người ta/Một thiên tuyệt bút, gọi là để sau… Thương vui bởi tại lòng này/Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời/Lòng thơ lai láng bồi hồi/Tưởng người nên lại thấy người về đây...” .

Tình thơ tưởng nhớ Tố Như, Nguyễn Bính như lại thấy người về đây, như định mệnh để đón thi nhân về thế giới bên kia nơi Tố Như đang chờ.

Thơ viết về Tố Như, khóc về Tố Như, thời nào cũng có. Nhà Kiều học Vương Trong- Đại tá –nhà thơ quân đội, năm 1982 trở về sau chiến tranh, ông đến thăm bên mộ cụ Nguyễn Du, trạnh lòng khóc trước mộ người “Tưởng là phận bạc Đạm Tiên/Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây/Ngẩng trời cao, cúi đất dày/Cắn môi, tay nắm bàn tay của mình/Một vùng cồn bãi trống chênh/Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề…”.

Lời thơ, nước mắt, cũng chính là trọng trách của nhà thơ xứ nghệ Vương Trọng với cụ Tố Như. Dường như cụ đã chọn người mang họ Vương của Thúy Kiều, mang tên Trọng của chàng Kim Trọng, có mối tơ duyên với người con gái tên Vân, như Thúy Vân, em gái Thúy Kiều, để lên tiếng bằng thơ bên ngôi mộ tiêu điều của cụ Nguyễn Du. Tiếng thơ nói hộ tiếng lòng của Vương Trọng: “Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân/Phong trần còn để phong trần riêng ai…Bao giờ cây súng rời vai / Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên /Trái tim lớn giữa thiên nhiên/Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa”. Lời thơ ấy, như tiếng sấm rền, góp phần làm nên khu di tích Nguyễn Du khang trang của hôm nay.

3559 khu luu niym nguyyn du y ha tynh
Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh

Hai trăm năm tưởng nhớ ngày đại thi hào Nguyễn Du qua đời, có rất nhiều thi sĩ làm thơ tưởng nhớ Người. Nhà thơ Nguyễn Lân Cẩn có bài “Nguyễn Du ơi”, cả 4 câu đầu của bài thơ đã khóc Nguyễn Du rồi :“Thời gian chớp mắt Người ơi/Còn trăm năm nữa ai người khóc ông*/Cõi người ngờm ngợp mà trông/Bao nhiêu nước mắt thành sông lâu rồi…”. Cả 4 câu thơ kết vẫn là lời khóc Tố Như:“Hoe hoe giọt lệ lưng tròng/ Hai trăm năm khóc đau lòng cố nhân/Hồn thiêng theo khói về trần/Mà xem con tạo xoay vần gió mưa.”

Bây giờ là tiếng thơ khóc Tố Như, khóc thay thân phận các nàng Kiều xưa và nay, của nhà thơ nữ Nghiêm Thị Hằng với tựa đề “Vẫn còn người khóc Tố Như*”. Nhà thơ viết “Ba trăm năm nữa người ơi/Còn bao người khóc cuộc đời bể dâu/Bói Kiều tìm chữ tìm câu/Tìm con sóng nước làm đau lòng Kiều/Thương bao nhiêu, giận bao nhiêu/Những thân Kiều ấy, dạt phiêu chốn nào?”.Nói tới thân phận nàng Kiều, lại nhớ tới Tố Như : “Hai trăm năm, Tố Như ơi/Nợ tình, nợ nghĩa, nợ đời cố nhân/Đời Kiều có mấy mùa Xuân/Để cho Từ Hải xả thân cứu nàng?”. Hai trăm năm Tố Như qua đời, đã có bao người khóc Tố Như, Ba trăm năm nữa vẫn còn nhiều người khóc Tố Như, bởi đất trời này vẫn như xưa. Nhà thơ phải thốt lên rằng: “Tưởng là trời đất đổi thay/Tố Như ơi, trái đất này... vẫn xưa/Nỗi đau nói mấy cho vừa/Ngó trông con tạo gió mưa dập vùi/Ba trăm năm nữa người ơi/Vẫn còn người khóc cuộc đời Tố Như.”

Từ khóa » Khấp Tố Như Là Gì