Vẫn Còn Nhiều Xưởng Băm Dăm Gỗ Hoạt động Trái Phép

“Vô tư”mở xưởng sản xuất băm dăm gỗ

Gần 9 năm trước, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 3599/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo: Để từng bước hạn chế việc sản xuất băm dăm thô, chỉ sản xuất trên cơ sở nguyên liệu là sản phẩm cây nhỏ, cây cong vênh, cành ngọn tận thu; còn cây gỗ dành cho xẻ dùng cho ván ép sản xuất đồ mộc. Các cơ sở băm dăm trong tỉnh sẽ phải giảm dần chỉ còn 11 cơ sở vào năm 2020 và không cấp mới giấy phép. Thế nhưng những năm gần đây, các cơ sở sản xuất băm dăm trái phép vẫn mọc lên, ngang nhiên hoạt động, và đáng nói là không được các cơ quan chức năng xử lí dứt điểm.

Theo phản ánh của người cao tuổi ở địa phương, phóng viên Tạp chí Người cao tuổi đã đến xã Quảng Thành, huyện Hải Hà để tìm hiểu vụ việc thì thấy, thời gian gần đây, ở xã Quảng Thành xuất hiện 1 xưởng chế biến gỗ dăm nằm trong 1 lò gạch cũ. Được biết, trên địa bàn xã Quảng Thành có 2 xưởng sản xuất băm dăm keo, trong đó có 1 xưởng đã được cấp phép và một xưởng chế biến gỗ đặt ở lò gạch cũ chưa được cấp phép.

Vẫn còn nhiều xưởng băm dăm gỗ hoạt động trái phép
Xưởng băm dăm hoạt động trong cảng Mũi Chùa

Người dân xã Quảng Thành cho biết, từ khi xuất hiện xưởng gỗ này, họ luôn sống trong cảnh bất an, bởi hàng loạt xe tải trọng lớn rầm rầm ngày đêm ra, vào chở dăm gỗ đi tiêu thụ; tiếng máy băm, chặt gỗ inh tai nhức óc cũng không kể giờ giấc. Tình trạng xe tải trọng lớn rầm rộ chở gỗ dăm như vậy là vi phạm tải trọng cầu đường, trong khi UBND huyện đã cắm biển hạn chế tải trọng dưới 10 tấn. Trước vi phạm trên, UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND huyện Hải Hà cũng đã có văn bản xử phạt hành chính 40 triệu đồng, đồng thời yêu cầu tháo dỡ công trình, khắc phục hiện trạng ban đầu.

Tương tự, tại địa bàn xã Quảng Long cũng tồn tại một xưởng băm dăm. Trước đó, tại diện tích đất này là trạm trộn bê tông của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Duyệt. UBND xã Quảng Long và UBND huyện Hải Hà đã nhiều lần ban hành văn bản xử phạt, yêu cầu tháo dỡ khôi phục tình trạng ban đầu đối với diện tích đất trên, vì tự ý chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp. Cụ thể, cơ sở đã dựng cột sắt, cột bê tông bắn mái tôn, đổ sân bê tông với diện tích 6.500m2, tại thôn 9, xã Quảng Long.

Trong khi các xưởng sản xuất gỗ dăm không phép trên địa bàn huyện Hải Hà chưa được xử lí dứt điểm, thì tại huyện Tiên Yên lại tiếp tục “mọc” thêm doanh nghiệp sản xuất gỗ dăm có dấu hiệu không phép.

Theo phản ánh của người dân tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, hiện trên địa bàn đang có 5 cơ sở băm dăm và trung chuyển không phép. Nhiều người dân địa phương vô cùng bức xúc khi những xưởng dăm này hoạt động làm ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Một người cao tuổi ở thôn Thuỷ Cơ, xã Tiên Lãng phàn nàn: “Những nhà gần xưởng chịu tra tấn ngày đêm bởi tiếng ồn như sấm. Nhiều đoạn cua, sóc gỗ dăm trên xe vận chuyển rơi vãi, ảnh hưởng môi trường; xe trọng tải lớn thì làm hư hỏng đường xá, nguy cơ tai nạn giao thông, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Chúng tôi đã báo với xã nhiều lần nhưng không được giải quyết”.

Cần giải quyết, xử lí nghiêm minh, đúng pháp luật

Liên quan tới sự việc, ông Phạm Thế Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lãng cho biết: “Trên địa bàn có 5 cơ sở, tôi cũng không nắm được tên đầy đủ. Trong đó có 3 cơ sở vừa băm dăm, vừa trung chuyển; 1 cơ sở tập kết và trung chuyển; 1 cơ sở tôi không nắm chắc là băm dăm hay trung chuyển, vì nó hoạt động bên trong cảng Mũi Chùa. Về hoạt động trong cảng là xếp dỡ hàng hoá, nhưng tỉnh cho thuê nên chúng tôi đi vào kiểm tra cũng khó, có người gác cổng, nhiều khi không cho vào trong khi người quản lí trực tiếp không có ở đó. Chúng tôi sẽ phối hợp với phòng ban chức năng của huyện để kiểm tra hồ sơ của đơn vị này”.

Ông Mạnh nhấn mạnh: “Còn về mục đích sử dụng đất của 5 xưởng nói trên, đúng sai ở đâu, để chúng tôi kiểm tra lại, khi có kết quả sẽ thông tin cho báo chí. Cách đây 1 năm, chúng tôi cũng nhắc nhở anh em cung cấp hồ sơ nhưng có đơn vị cung cấp, có đơn vị không và hồ sơ chưa đầy đủ. Gần đây huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với xã kiểm tra”.

Vẫn còn nhiều xưởng băm dăm gỗ hoạt động trái phép
Xưởng băm dăm hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường, tàn phá cơ sở hạ tầng giao thông và cuộc sống của dân.

Điều đáng nói, theo quy định, cảng Mũi Chùa nói riêng và hệ thống các cảng biển nói chung chỉ có chức năng là nơi chung chuyển xếp dỡ hàng hoá. Việc nhà máy băm dăm ngang nhiên tổ chức hoạt động sản xuất trong cảng là một dấu hỏi lớn đối với cơ quan chức năng trong công tác quản lí các xưởng băm dăm hoạt động trái phép.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn giao thông, ông Mạnh cũng chia sẻ thêm, trước đây, người dân đã từng có phản ánh về việc xe trung chuyển chở gỗ dăm qua những đoạn cua, xóc bị rơi gỗ dăm keo xuống đường gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Nội dung này xã đã có trao đổi với các đơn vị băm dăm, trung chuyển và có văn bản triển khai thông báo về việc siết chặt hoạt động vận chuyển. Nhưng các nội dung này liên quan đến môi trường, thì sẽ phải liên quan đến phía công an, chính vì vậy chúng tôi mới chỉ khi nhận được thông tin của người dân thông báo cho các đơn vị có giải pháp quản lí chặt, tránh rơi vãi trên đường gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông cũng như vấn đề vệ sinh môi trường.

Trao đổi về vấn đề cơ sở băm dăm trái phép tại xã Quảng Thành đến nay vẫn chưa tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu, đại diện lãnh đạo xã Quảng Thành cho biết: Đối với cơ sở trái phép này, UBND tỉnh và UBND huyện cũng đã có văn bản xử phạt 40 triệu đồng; đồng thời yêu cầu tháo dỡ, khắc phục. Hiện nay xưởng đã dừng hoạt động, chuyển hết máy móc về xưởng chính ở TP Hạ Long, đây chỉ là chi nhánh nhỏ thu mua gỗ keo trên địa bàn. Tuy nhiên, gần đây trời mưa và còn một số cây keo họ đã băm ra, chờ trời nắng thì sẽ tháo dỡ toàn bộ và vận chuyển.

Có thể thấy, do việc đầu tư dây truyền sản xuất, chế biến dăm gỗ đơn giản, ít tốn kém, mang lại lợi nhuận trước mắt; đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai các dự án đầu tư, việc thu mua, khai thác, chế biến gỗ của các cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt và chưa phù hợp với định hướng phát triển rừng gỗ của tỉnh; công tác quản líNhà nước về đầu tư, xây dựng và đất đai ở một số huyện còn hạn chế dẫn đến tình trạng các cơ sở băm dăm trái phép vẫn lén lút hoạt động và chưa được xử lí triệt để.

Mặc dù quy định của tỉnh Quảng Ninh rất rõ, nhưng việc các xưởng băm dăm trái phép vẫn hoạt động tràn lan một phần do sự quản lí lỏng lẻo của cơ quan chức năng. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, xử lí nghiêm những cơ sở trái phép, đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm, tránh hiện tượng “nhờn” luật.

Từ khóa » Dăm Gỗ Keo