VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ CÔNG TÁC DÂN TỘC Ở TỈNH THANH HÓA ...

Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Dựa trên những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc (suốt từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Nhất tháng 10-1930 cho đến các Hội nghị, các kỳ Đại hội tiếp sau), Đảng ta đã đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc, với những nội dung cơ bản là: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”.  Năm 1946, khi thành lập Nha Dân tộc thiểu số, nhiệm vụ của Nha Dân tộc thiểu số được quy định: "Nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các DTTS trong toàn cõi Việt Nam, để củng cố, trên nguyên tắc bình đẳng sự đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam".  Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá IX tại Hội nghị lần thứ Bảy về công tác dân tộc, đã chỉ rõ: Đổi mới nội dung và phương pháp công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc phải quán triệt phương châm: “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, chắc chắn”; sử dụng nhiều phương thức phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương. Cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi phải quán triệt và thực hiện thật tốt phong cách công tác dân vận: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”. Đại hội X, Đảng ta khẳng định: "Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng; làm tốt công tác ĐCĐC và xây dựng vùng kinh tế mới. Quy hoạch, phân bổ, sắp xếp lại dân cư, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng. Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS; động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các dân tộc. Thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tri thức là người DTTS. Cán bộ công tác ở vùng DTTS và miền núi phải gần gũi, hiểu phong tục tập quán, tiếng nói của đồng bào dân tộc, làm tốt công tác dân vận. Chống các biểu hiện kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc." Đại hội XI, vấn đề dân tộc được Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng DTTS. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, CSDT của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”. Đại hội XII, vấn đề dân tộc tiếp tục được Đảng ta khẳng định và quan tâm hơn: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào DTTS, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”. Đại hội XIII, vấn đề dân tộc được Đảng ta quan tâm hơn theo chiến lược và sách lược mới: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS. Có chính sách đầu tư đặc thù, giải quyết khó khăn cho đồng bào DTTS; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc; Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hoá giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các DTTS. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Như vậy, chúng ta hoàn toàn khẳng định và tự hào rằng: Công tác dân tộc luôn có vị trí quan trọng của nhiệm vụ cách mạng trong các thời kỳ lịch sử cách mạng nước ta và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị: Ở Thời kỳ giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho tổ quốc, công tác vận động cách mạng trong vùng đồng bào DTTS là quan trong bậc nhất. Bước vào giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, công tác dân tộc có vị trí hàng đầu trong thực hiện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Thời kỳ đổi mới đến nay, công tác dân tộc hướng vào phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đặc biệt khó khăn.  Ở Thanh Hóa, cách đây tròn 74 năm, nhân dịp lần đầu tiên vào thăm Thanh Hóa (ngày 20/2/1947), không lên thăm miền núi được, Bác Hồ đã có bức thư gửi đồng bào Thượng du, động viên đồng bào các dân tộc miền núi  "ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước …”  và đến ngày 04/4/1947, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 41-SL về thành lập Uỷ ban Hành chính đặc biệt miền Thượng du Thanh Hoá (tiền thân của Ban Dân tộc ngày nay, cũng là cơ quan duy nhất trong hệ thống công tác dân tộc cấp tỉnh trong cả nước được Bác Hồ ra Sắc lệnh thành lập) để thực hiện các nhiệm vụ: (1) Giúp Uỷ ban Hành chính tỉnh giải quyết các công việc ở 6 châu miền Thượng du Thanh Hoá; (2) Động viên dân chúng để chuẩn bị kháng chiến; (3) Đốc xuất việc tăng gia sản xuất; (4) Phát triển bình dân học vụ.  Quán triệt và thấu hiểu sự chỉ đạo chiến lược của Bác Hồ, tại đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ Nhất (tháng 2/1948) đã đề ra khẩu hiệu hành động "Thượng du thắng, Thanh Hoá thắng". Đối với tỉnh Thanh Hóa nói chung, vùng dân tộc miền núi nói riêng, đây là mệnh lệnh, là động lực quan trọng quyết định xuyên suốt cả chặng đường 74 năm qua.  Trải qua 74 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù đã nhiều lần được đổi tên cho phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng, nhưng nhiệm vụ chính trị của cơ quan công tác dân tộc Thanh Hóa tựu trung là tham mưu cho cấp ủy và chính quyền tỉnh Thanh Hóa quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đề xuất và triển khai thực hiện các chính sách dân tộc góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.  74 năm qua, cùng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế, vǎn hóa – xã hội, nhằm không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cũng như trong thời kỳ hòa bình, đã phát động và triển khai sâu rộng trong nhân dân các phong trào như: Phong trào “Ba sẵn sàng”, Phong trào “Ba đảm đang”, Phong trào “Tay búa tay súng”, Phong trào “Tay cày tay súng”, Phong trào thi đua “Hai tốt” và phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”.... Đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc xóa bỏ tập tục lạc hậu, phát triển kinh tế - xã hội, như: Các phong trào khai hoang, làm thuỷ lợi, phong trào thâm canh, trồng rừng; Các chương trình: ĐCĐC; xóa bỏ cây thuốc phiện, TGTC, 134, 135 ... và đạt được những kết quả quan trọng trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách dân tộc và các chương trình, chính sách giảm nghèo khác đã tác động sâu sắc, toàn diện và tạo chuyển biến rõ rệt trên tất cả các mặt của đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS, diện mạo nông thôn miền núi Thanh Hóa thay đổi và phát triển nhanh chóng: Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư tăng cường và ngày càng hoàn thiện; Kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cơ cấu kinh tế khu vực miền núi đã từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá; các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong nông nghiệp, năng suất, sản lượng tăng cao; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 33 triệu đồng; Đời sống nhân dân ổn định, diện đói nghèo được thu hẹp, đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo 11 huyện miền núi còn 5,7%; Vấn đề việc làm cho lao động được quan tâm giải quyết; Sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều thành tựu quan trọng; Trình độ dân trí, trình độ cán bộ cơ sở ngày càng được nâng lên; Hệ thống chính trị được củng cố, quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội được giữ vững, đoàn kết các dân tộc được phát huy; Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS được tôn trọng, bảo tồn, phục dựng và phát huy; Các tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội đã được ngăn chặn và đẩy lùi ... Đến nay, vùng miền núi Thanh Hóa từ chỗ thiếu mặc, thiếu ăn triền miên, đã vươn lên cơ bản đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và ngày càng được xây dựng đàng hoàng hơn, văn minh, tiến bộ hơn và đang chuyển mình trên đường phát triển, đến nay: 100% số xã có đường ô tô được nhựa hóa đến trung tâm xã; 92% số thôn/bản có đường đến trung tâm xã được cứng hóa, trong đó có 52,2% được nhựa hóa, bê tông hóa; 91% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có trạm y tế, 88% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 80,4% số phòng học được xây dựng kiên cố, 58,1% số trường đạt chuẩn quốc gia; Núi rừng đã có điện thay sao; nông thôn đã có ô tô thay ngựa, có máy làm trâu cho người, có internet và di động kết nối muôn phương;...  Tuy nhiên, vùng DTTS&MN của tỉnh hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo rất sâu sát quyết liệt, sự hỗ trợ rất lớn của Trung ương; sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự vào cuộc hiệu quả của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cơ quan công tác dân tộc Thanh Hóa và sự nỗ lực vươn lên không ngừng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, nhân dân vùng miền núi nói riêng để vượt qua trong giai đoạn phát triển và hội nhập hiện nay.  Nhìn lại chặng đường truyền thống vẻ vang và rất đỗi tự hào của cơ quan công tác dân tộc tỉnh Thanh Hóa 74 năm qua, đã luôn nỗ lực phát huy tinh thần cách mạng cùng đồng bào các DTTS vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, của đất nước; đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận qua những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập các hạng: Nhì, Ba; Huân chương Lao động các hạng: Nhất, Nhì, Ba; và nhiều phần thưởng cao quí khác cho tập thể và cá nhân. Sau nhiều năm phấn đấu không ngừng, đầu năm 2020, cơ quan công tác dân tộc tỉnh Thanh Hóa vui mừng đón nhận danh hiệu “Cơ quan Kiểu mẫu” do Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao tặng. Đây là niềm vui, niềm tự hào, là động lực lớn tạo nên khí thế mới để toàn thể công chức, lao động của cơ quan Ban Dân tộc Thanh Hóa tiếp tục khẳng định mình; tiếp tục khắc phục khó khăn chung tay xây dựng Đảng bộ, cơ quan, các tổ chức quần chúng TSVM; tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, quyết tâm giành nhiều thành tựu to lớn hơn nữa; góp phần quan trọng vào sự phát triển mọi mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh; góp phần xứng đáng trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

 

Từ khóa » Những Vấn đề Dân Tộc ở Việt Nam Hiện Nay