Vận đơn đường Biển - Bill Of Lading

Vận đơn đường biển - Nội dung chi tiết

Vận đơn đường biển, viết tắt là B/L (Bill of Lading), là chứng từ phổ biến và quan trọng trong vận tải biển nói chung và vận tải container nói riêng. 

Nếu bạn làm về xuất nhập khẩu, hay làm cho hãng tàu, công ty forwarding, logistics… thì chắc hẳn sẽ thấy chứng từ này gần như hàng ngày. Mặc dù vậy, nhưng rất có thể bạn chưa hiểu rõ về nó.

Trong bài này tôi sẽ giải thích chi tiết nội dung của các ô trên mặt trước của vận đơn đường biển.

Bạn có thể muốn tìm hiểu trước về khái niệm, chức năng, phân loại... trong bài viết riêng về Vận đơn. 

Nội dung vận đơn đường biển - mặt trước

Nội dung chi tiết trên B/L của các hãng vận tải có thể khác nhau ít nhiều, tuy nhiên đều có bố cục chung tương đối giống nhau.

Để tiện theo dõi, bạn xem mẫu vận đơn đường biển của hãng tàu MSC trong hình dưới đây (có thể nhấp chuột phải và mở trong tab mới để xem ảnh kích thước lớn hơn).

Vận đơn đường biển MBLVận đơn đường biển của hãng tàu MSC

Phần dưới đây, tôi sẽ giải thích ý nghĩa của từng ô trong vận đơn ví dụ trong hình trên đây.

Thông tin hãng vận tải

Phần này thể hiện thông tin của hãng vận tải phát hành ra vận đơn, có thể là một trong các chủ thể sau:

  • Hãng tàu container;
  • Hãng tàu không tàu (NVOCC);
  • Công ty logistics;
  • Công ty giao nhận vận chuyển (Freight Forwarder).

Thông tin công ty thường có tên, logo của hãng. Một số B/L có thêm slogan, địa chỉ, số điện thoại, số fax, website, mã SCAC Code (Standard Carrier Alpha Code - là mã do Mỹ cấp cho tất cả hãng tàu để phân biệt các hãng với nhau)...

Tiêu đề vận đơn

Thể hiện rõ tiêu đề về loại chứng từ:

  • Bill of Lading (Vận đơn), hoặc
  • Sea Waybill (Giấy gửi hàng đường biển): loại này thường đi kèm cụm từ "Non-Negotiable" thể hiện rõ ý nghĩa "không thể chuyển nhượng", hoặc
  •  Multimodal Transport Bill of Lading: sử dụng cho vận tải đa phương thức, tiêu biểu là mẫu FBL của FIATA.

Số vận đơn (B/L No.)

Là dãy ký tự thường gồm cả chữ và số, thể hiện mã số của vận đơn cụ thể. Mã số này thường là duy nhất, không bị trùng lặp.

Số lượng bản gốc (No. of Originals)

Thứ tự của từng bản gốc trên tổng số vận đơn gốc được phát hành ra. Chẳng hạn như trong hình trên: "02 / THREE" thể hiện đó là bản gốc thứ 2 trong tổng số 3 bản vận đơn gốc hãng MSC đã phát hành cho lô hàng.

Trong ô kê tiếp bên phải, có cụm từ "NO. OF RIDER PAGES" nghĩa là số trang đi kèm.

Người gửi hàng (Shipper)

Ô này thể hiện chi tiết thông tin về Người gửi hàng (Shipper). Thông thường thì đây chính là người bán hàng, hay người xuất khẩu, hoặc là công ty logistics.

Nhưng trong trường hợp mua bán 3 bên thì Shipper là người gửi hàng (hoặc nhà máy) ở nước thứ 3, chứ không phải là người bán hàng trên hợp đồng mua bán.

Thông tin Shipper thường gồm tên công ty, địa chỉ, một số trường hợp có cả số điện thoại.

Người nhận hàng (Consignee)

Thông tin về người nhận hàng sẽ được thể hiện trong phần này, bao gồm: tên công ty, địa chỉ, mã số thuế, và có thể có tên, số điện thoại, và địa chỉ email của người liên hệ.

>> Tìm hiểu thêm về khái niệm Consignee

Người nhận thông báo (Notify Party)

Ô này ghi thông tin về bên cần phải được gửi thông báo (cùng với Người nhận hàng) về lô hàng khi tàu đến cảng dỡ.

Đây là 1 bên thứ 3 có liên quan đến lô hàng trên vận đơn, họ có thể không phải là chủ hàng nhưng có quyền nhận được thông tin trong quá trình vận chuyển.

>> Tìm hiểu thêm về khái niệm Notify Party

Tên tàu & Số chuyến (Vessel & Voyage No.)

Ghi rõ tên tàu và số chuyến tàu vận chuyển lô hàng trên vận đơn.

Cảng xếp, cảng dỡ...

Những ô này nêu rõ tên và quốc gia của Cảng xếp hàng (Port of Loading), cảng dỡ hàng (Port of Discharge).

Địa điểm xếp hàng, giao hàng

Trên mặt vận đơn có cả thông tin về

  • Địa điểm nhận hàng (Place of Receipt) và 
  • Địa điểm giao hàng (Place of Delivery)

Số container, số niêm phong (Container No., Seal No.)

Thông tin cụ thể về số container và số chì (seal) niêm phong.

Số container theo chuẩn ISO gồm 4 chữ cái và 7 chữ số, chẳng hạn như trong hình trên là MSCU5788268. Chữ số 8 cuối cùng là số kiểm tra container được tính toán xác định từ dãy ký tự trước đó MSCU578826.

Số seal niêm phong là chuỗi ký tự chữ và số theo quy định riêng của từng hãng tàu. Trong ví dụ trên, số seal là 026676.

Mô tả bao kiện và hàng hóa (Descripton of Packages and Goods)

Phần này mô tả chủng loại và số lượng bao kiện (ví dụ: 80 DRUMS), và chi tiết về hàng hóa đóng trong container.

Thông tin hàng hóa, cùng với những chi tiết khác, thường do Shipper cung cấp cho hãng tàu trong bản hướng dẫn gửi hàng (SI - Shipping Instruction). 

Hãng tàu không kiểm tra tính chính xác của thông tin hàng hóa, nên luôn có dòng "SAID TO CONTAIN" nghĩa là "được khai báo" để không phải chịu trách nhiệm.

Trong ô này, theo đề nghị và cung cấp bởi Shipper, còn có thể có thêm thông tin về:

  • Mã HS Code của hàng hóa
  • Số và ngày Thư tín dụng (Letter of Credit - L/C)
  • Tên điều kiện Incoterms của lô hàng, 
  • Số và ngày Sales Contract, Commercial Invoice...

Khối lượng (Weight) & Dung tích (Measurement)

Trên vận đơn còn thể hiện rõ số liệu về khối lượng toàn bộ (Gross Weight) cũng như dung tích của lô hàng.

Khối lượng thường được đo bằng Tấn hoặc Kilogram. Dung tích đo bằng mét khối (CBM)

Cước biển & Phụ phí (Ocean Freight and Charges)

Phần này có thể ghi cụ thể số tiền cước biển và các khoản phụ phí (Ocean Freight & Charges) hoặc có thể để trống.

Bên cạnh đó, trong ô này luôn ghi rõ thông tin về cước trả trước (Prepaid) từ phía người gửi hàng, hay trả sau (Collect) bởi người nhận hàng. Nếu trả sau, thì người nhận hàng phải thanh toán cước (và các nghĩa vụ khác) trước khi được lấy Lệnh giao hàng (D/O) tại cảng dỡ.

Ngày xếp hàng lên tàu (Onboard Date)

Onboard Date là ngày hàng được xếp lên tàu. Với hình thức tàu chợ (vận tải container) thì các hãng tàu thường lấy theo ngày tàu chạy từ cảng xếp hàng.

Người nhập khẩu nên để ý kiểm tra ngày Onboard, nhất là khi trên L/C có quy định. Ngoài ra ngày tàu chạy còn xuất hiện trên C/O, do đó cần đảm bảo tính chính xác của thông tin, tránh rắc rối có thể xảy ra khi làm thủ tục nhập khẩu.

Ngày và nơi phát hành vận đơn (Place and Date of Issue)

Ô này ghi rõ ngày và địa điểm phát hành B/L. Ngày phát hành có thể trùng hoặc sau ngày Onboard Date ở trên. Địa điểm phát hành thường trùng với tên cảng xếp, nhưng có trường hợp lấy theo văn phòng hãng tàu.

Trên đây là các nội dung quan trọng mà hầu như mọi vận đơn đều có trên mặt trước. Ngoài số này, tùy theo hãng tàu có thể đưa vào một vài nội dung khác theo nhu cầu riêng của họ.

Mặt sau của vận đơn gồm quy định chi tiết những điều khoản do hãng vận chuyển chuẩn bị và in sẵn, chủ hàng chỉ có thể chấp nhận chứ không thay đổi được. Tuy nhiên, những nội dung này phải phù hợp với quy định của các công ước, tập quán quốc tế về vận chuyển hàng hoá bằng đường biển.

Bạn có thể xem trong ảnh dưới mặt sau của vận đơn, gồm các định nghĩa, các điều khoản chung, trách nhiệm của người chuyên chở, xếp dỡ và giao nhận, cước phí và phụ phí, giới hạn trách nhiệm của người chuyên chở, miễn trách của người chuyên chở… Do nội dung khá dài và theo mẫu chung, nên tôi không dịch chi tiết, nếu bạn cần có thể download về để tham khảo.

Mặt sau vận đơnMặt sau vận đơn đường biển - hãng tàu MSC

Trong bài viết này, tôi đã giải thích chi tiết các mục nội dung trên 1 tờ vận đơn đường biển. Hy vọng bạn có thể tham khảo và sử dụng để tra cứu khi cần thiết.

Đến đây tôi xin kết thúc bài viết. Bạn có thể muốn tham khảo tiếp một số chủ đề liên quan:

  • Cách kiểm tra vận đơn
  • Proof of Delivery
  • Vận đơn hàng không
  • Phân biệt MBL và HBL

Nếu bạn tìm thấy thông tin hữu ích trong bài viết này thì nhấp Like & Share để bạn bè cùng đọc nhé. Cám ơn bạn!

 

Chuyển từ Vận đơn đường biển về Vận tải containerChuyển từ Vận đơn đường biển về Trang chủ

New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.

Từ khóa » B/l Trong Xuất Nhập Khẩu Là Gì