VẬN DỤNG TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG ĐỜI ...

  • Trang nhất
  • Tin tức và sự kiện
  • Tác giả - Tác phẩm
VẬN DỤNG TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY TS. Nguyễn Thúy Thơm ( Ni Sư Thích Minh Thịnh) - Ủy viên Ủy ban Trung Ương MTTQ Việt Nam. Giảng viên kiêm nhiệm bộ môn Tôn Giáo học, trường Đại Học KHXH&NV, ĐHQGHN. 2024-07-05T19:02:25+07:00 https://frs.ussh.vnu.edu.vn/vi/news/tac-gia-tac-pham/van-dung-triet-li-phat-giao-doi-voi-viec-xay-dung-doi-song-gia-dinh-tai-viet-nam-trong-boi-canh-hien-nay-76.html https://frs.ussh.vnu.edu.vn/uploads/drs/news/2021_06/logo-1.jpg Bộ môn Tôn giáo học Thứ ba - 15/06/2021 07:57 Phật Giáo là một tôn giáo có lịch sử lâu đời tại Việt Nam. Trong quá trình tồn tại và phát triển, với tinh thần “khế lý, khế cơ”, đạo Phật luôn thích ứng với những thay đổi của xã hội, đồng hành cùng quá trình phát triển và tiến bộ của dân tộc. Nếu đối với hàng đệ tử xuất gia, Phật Giáo chỉ rõ con đường để đạt đến những tiến bộ tâm linh giúp họ giác ngộ, giải thoát, thì đối với hàng đệ tử tại gia, thực hành theo đúng chính Pháp của Đức Phật sẽ giúp họ tiến lên trên con đường thành công, trí tuệ và nội tâm an bình. Ánh sáng đạo lý và hạnh nguyện của Ngài có giá trị trường tồn cho đến ngày nay, được các hàng Thánh Đệ Tử kết tập, truyền bá khắp nơi trên các nẻo đường “Hoằng Dương Chánh Pháp lợi lạc quần sinh”. Tóm tắt Với những triết lý mang tính khoa học sâu sắc nhưng gần gũi, đạo Phật ngày càng khẳng định vị thế của mình trong cuộc sống, đặc biệt là trong bối cảnh mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình và xã hội có nhiều chuyển biến vô cùng phức tạp. Không chỉ dừng lại ở việc hình thành nhân cách cá nhân, những giá trị đạo đức trong triết lý nhà Phật đã góp phần không nhỏ tạo nên vẻ đẹp riêng trong các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam. Mối quan hệ giữa vợ chồng, bổn phận của con cái, cha mẹ và con đường giáo dục cho con cái cũng được đạo Phật vạch rõ trong nhiều kinh điển như Kinh Tăng Chi Bộ, Trường Bộ Kinh, Kinh Pháp Cú, Tương Ưng Bộ Kinh…. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kĩ thuật và những tác động của nền kinh tế thị trường, bên cạnh việc đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, tiến bộ khoa học, chúng ta phải đối mặt với những vấn đề tiêu cực như tệ nạn xã hội, sự suy thoái trầm trọng về đạo đức. Mâu thuẫn giữa nếp sống cũ và lối sống hiện đại phần nào làm tan vỡ các mối quan hệ có tính ổn định và văn hóa của gia đình Việt Nam truyền thống. Luân thường đạo lý bị đảo lộn ở cả thành thị và nông thôn khi không ít người đã ngược đãi, khinh rẻ ông bà, cha mẹ; nhiều người phụ bạc vợ hoặc chồng, bỏ con cái để chạy theo danh lợi, giàu sang. Tình hình bạo lực gia đình cũng trở thành mối lo âu của toàn xã hội. Hằng ngày, trong cuộc sống quanh mỗi chúng ta cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng tràn ngập những vụ đánh đập vợ con, đánh ghen, ngoại tình,… Nguy hiểm hơn là những sự việc thương tâm như giết vợ, giết chồng, giết cha, giết mẹ, giết con cái rồi tự tử… Trước thực trạng ấy, việc áp dụng các giáo lý Phật Giáo nhằm rèn luyện đạo đức, giáo dục về giới tính, hôn nhân, gia đình là việc làm vô cùng thiết thực để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Từ đó tiến đến xây dựng gia đình bền vững, xã hội ổn định, đất nước tốt đẹp hơn. Bài viết tập trung nghiên cứu và giải quyết các vấn đề sau: Thứ nhất, những chuyển biến trong đời sống gia đình Việt Nam; thứ hai, ảnh hưởng của những triết lý và tư tưởng Phật giáo đối với đời sống của gia đình Việt Nam; thứ ba, một số giải pháp nhằm vận dụng những triết lý Phật giáo vào việc xây dựng đời sống gia đình tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Từ khóa: Triết lý Phật giáo, văn hóa, đời sống gia đình, đạo đức, Việt Nam, vận dụng. 1. Khái quát về gia đình và những chuyển biến của gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay 1.1. Cơ sở lí luận chung về gia đình Gia đình được xem là thiết chế xã hội cơ bản gắn với quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi con người trong cấu trúc của toàn xã hội. Không chỉ thế, gia đình còn là sự biểu hiện của tình yêu thương, gắn bó giữa những thành viên có quan hệ huyết thống hay quan hệ nuôi dưỡng.... Không phải cho đến ngày nay, người ta mới đưa ra những khái niệm và nghiên cứu nhiều góc độ khác nhau về gia đình. Tuy nhiên, dù tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau, không ai có thể phủ nhận được vị trí và vai trò to lớn của gia đình đối với mỗi cá nhân nói riêng và xã hội nói chung. Tư tưởng Nho giáo coi gia đình là nơi bắt đầu các quan hệ xã hội, luôn đóng vai trò là mẫu hình để tổ chức xã hội và nhà nước. Dưới góc nhìn của một nhà xã hội học, Khổng Tử đã nói “gia đình là trung tâm của mối quan hệ cơ cấu: cá nhân, gia đình và xã hội”. Mạnh Tử cũng đã từng chỉ rõ rằng: cái căn bản của thiên hạ là quốc gia, cái căn bản của quốc gia là gia đình và cái căn bản của mỗi gia đình chính là bản thân mình vậy. Trên lập trường duy vật biện chứng, các nhà triết học mác xít đã chỉ ra tính quy luật về sự hình thành và phát triển của gia đình, mối quan hệ biện chứng giữa gia đình và xã hội. Theo đó, gia đình là một thiết chế xã hội – một hình ảnh “xã hội thu nhỏ” trong đó bao hàm đầy đủ các mối quan hệ của các thành viên trong gia đình và do đó nó cũng chứa đựng những mâu thuẫn vốn có của xã hội. Quan điểm của về gia đình đã được thể hiện qua nhiều tác phẩm nhưng rõ nhất, đầy đủ nhất là tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ sở hữu tư nhân và của nhà nước”. Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, Mác – Ăngghen cũng biểu hiện sự đồng tình với quan điểm của Moóc - gan: “Gia đình là yếu tố năng động, nó không bao giờ đứng nguyên một chỗ, mà chuyển từ hình thức thấp lên một hình thức cao, như xã hội phát triển từ một giai đoạn thấp lên một giai đoạn cao”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm và có nhiều bài nói, bài viết liên quan tới vấn đề gia đình. Người cho rằng gia đình và xã hội luôn gắn bó khăng khít với nhau, mỗi gia đình là tế bào của xã hội. Muốn có xã hội tốt đẹp, tiến bộ, phải quan tâm đến gia đình. Các gia đình yên ấm hạnh phúc sẽ tạo nên xã hội văn minh lành mạnh. Cũng vì lẽ đó Người không chỉ quan tâm chỉ đạo việc xây dựng và ban hành Luật Hôn nhân và Gia đình mà còn nhấn mạnh mối liên kết giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội trong việc đào tạo những thế hệ tương lai. 1.2. Chức năng của gia đình Trong lịch sử phát triển của mình, gia đình vừa là một đơn vị kinh tế, vừa là cái nôi đầu tiên và suốt đời nuôi dưỡng, giáo dục con người, duy trì ở họ những quan hệ tình cảm đặc biệt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, ngoài chức năng kinh tế cơ bản, gia đình còn có những chức năng xã hội đặc thù:chức năng giáo dục – xã hội hóa, chức năng tái sản xuất xã hội, chức năng tâm lý – tình cảm. Gia đình là môi trường quan trọng bậc nhất của việc giáo dục hình thành nhân cách con người. Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận vai trò của gia đình trong việc xã hội hóa con người, đưa con người từ con người sinh vật sang con người xã hội. Trong cuộc sống gia đình, sự hình thành những chuẩn mực và định hướng tốt đẹp của gia đình không chỉ củng cố các mối quan hệ giữa các cá nhân mà còn kiến tạo một môi trường xã hội cho mỗi cá nhân phát triển hài hòa và thuận lợi. Có thể nói, gia đình là cầu nối giúp mỗi cá nhân hoà nhập với cộng đồng, là nơi để biểu hiện các giá trị thu nhỏ của xã hội và có tác động trở lại đối với sự phát triển, vận động chung của toàn xã hội từ mọi mặt. Do những chức năng xã hội đặc thù của mình, gia đình còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng các chuẩn mực và giá trị đạo đức, phong tục tập quán, lối sống văn hóa. Nghiên cứu gia đình có nhiều khía cạnh đa dạng và phức tạp, cần có một cái nhìn khách quan trong mối liên hệ biện chứng giữa gia đình với sự tiến bộ, phát triển của xã hội Việt Nam. Nếu nói gia đình là thiết chế xã hội “đặc biệt và đặc thù” thì không một thiết chế nào có thể thay thế được. Bởi lẽ, nó chính là sợi dây liên kết, chuyển giao các mối liên hệ từ thế hệ này sang thế hệ khác trong tiến trình lịch sử. Do đó, gia đình chính là nơi bảo vệ và lưu truyền các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Gia đình là một mắt xích quan trọng trong mối quan hệ xã hội giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng làng xóm, và rộng hơn là đất nước và toàn thế giới. Nếu như xem xã hội là một cá thể thì gia đình chính là những tế bào cấu tạo nên cá thể ấy, xã hội là bức tranh được dung hoà bởi màu sắc riêng của nhiều thành phần, nhiều mối quan hệ mà trong đó mái ấm hạnh phúc gia đình là một thành phần không thể thiếu, và là mấu chốt quan trọng góp phần tạo nên sự bình an, trật tự của xã hội. Bởi vậy, việc củng cố gia đình, xây dựng các mối quan hệ gia đình lành mạnh bao giờ cũng là cơ sở đầu tiên cho việc củng cố xã hội, xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh và tốt đẹp. Đất nước Việt Nam muốn phát triển vững mạnh, muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thì trước hết phải chăm lo xây dựng gia đình ổn định và bền vững, trong đó hệ giá trị truyền thống dân tộc phải được ưu tiên hàng đầu. 1.3. Sự biến đổi của gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay 1.3.1. Quy mô gia đình Khi hình dung về một gia đình truyền thống, vấn đề “đông con, nhiều thế hệ” được xem như một chuẩn mực giá trị, nét đẹp văn hoá đặc trưng ở nước ta. Nếu trước đây, “tứ đại đồng đường” hay “tam đại đồng đường” là một xu hướng phổ biến trong gia đình người Việt thì giờ đây việc ba đến bốn thế hệ từ ông bà, con, cháu cùng sống trong một gia đình đã không còn quen thuộc. Thực tế ngày nay cho thấy, khi xã hội càng phát triển thì gia đình lại bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Quá trình hội nhập kinh tế và xu hướng toàn cầu hoá làm cho chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được cải thiện, con người ngày càng tự chủ về kinh tế, càng có cơ hội thể hiện quyền cá nhân của mình. Mức đòi hỏi về quyền cá nhân cao của mỗi con người, nhất là giới trẻ đã dẫn đến những xung đột giữa hệ giá trị truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, quan niệm thông thoáng, không chấp nhận gia đình là nơi trói buộc cá nhân làm cho mâu thuẫn thế hệ và xung đột gia đình là điều không tránh khỏi. Khi sống trong một gia đình có nhiều thế hệ làm cho họ mất đi sự tự do, phải sống và làm việc theo những khuôn khổ và chuẩn mực truyền thống, từ đó nảy sinh những bất đồng trong lối sống hiện đại của thế hệ trẻ với lối sống truyền thống của ông bà, cha mẹ. Vì vậy, hơn bao giờ hết quy mô gia đình ngày càng thu nhỏ để đáp ứng với nhu cầu và điều kiện của thời đại mới đặt ra. Hầu hết mỗi gia đình thường có hai thế hệ là cha mẹ và con cái cùng sinh sống. Tuy nhiên, sự biến thể của mô hình gia đình cần nói đến là sự xuất hiện khá phổ biến của các gia đình độc thân, gia đình chung sống không kết hôn, gia đình đồng tính. Theo các nghiên cứu về tình trạng hôn nhân gia đình tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, thế hệ trẻ ngày nay không còn nghiêm túc với quan hệ hôn nhân. Tỉ lệ sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân gia tăng đáng kể. Tỉ lệ ly hôn, ly thân của các cặp vợ chồng ngày càng tăng cao khiến cho số lượng người sống độc thân ngày càng nhiều, quy mô gia đình ngày càng phân tán. Trong đó, tỷ lệ ly hôn ở thành thị phổ biến hơn ở nông thôn, và nhiều hơn ở tầng lớp tri thức, có xu hướng ngày càng trẻ hoá. 1.3.2. Sự biến đổi các giá trị truyền thống Bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được, thách thức của quá trình toàn cầu hoá và mặt trái của nền kinh tế thị trường là nguyên nhân chính khiến cho nhiều giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc bị mai một, xuống dốc trầm trọng. Một trong những biểu hiện đáng lo ngại đó chính là mối quan hệ, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn. Bởi gia đình Việt Nam truyền thống được gắn kết một cách bền chặt là do tình nghĩa và trách nhiệm giữa các thành viên. Vì chạy theo lối sống thực dụng, đề cao cái tôi cá nhân mà thế hệ trẻ đang dần quay lưng lại với các giá trị, chuẩn mực đạo đức của gia đình truyền thống như đạo lý “kính trên nhường dưới”, sự quan tâm, chia sẻ, vị tha… Thậm chí, một số người hiện nay coi gia đình chỉ là một thứ quán trọ của một tập thể những con người cùng chung huyết thống hoặc ràng buộc nhau bằng giấy đăng ký kết hôn. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, việc dựa theo ý kiến đóng góp của cha mẹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng và hiện nay vẫn là một việc làm được đánh giá cao, vì dẫu sao đi nữa các con vẫn là người thiếu kinh nghiệm sống. Trước đây, vấn đề hôn nhân của con cái trong gia đình do bố mẹ định đoạt, theo quan điểm “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Ngày nay, về cơ bản quyền quyết định hôn nhân trong các gia đình đang diễn ra theo xu hướng dung hoà giữa việc lựa chọn của con cái với định hướng của cha mẹ. Theo một nghiên cứu tại một số địa phương ở Hà Tĩnh trong những năm gần đây cho thấy tỷ lệ bố mẹ quyết định hôn nhân của con cái chỉ chiếm 9.3%, một tỉ lệ khá ít ỏi. Trong khi đó tỉ lệ con cái quyết định, hỏi ý kiến của bố mẹ là 78,6% [1]. Từ số liệu trên có thể cho ta thấy được: vấn đề hôn nhân của nam nữ vùng tái định cư, nhìn chung không phải do cha mẹ áp đặt mà hôn nhân do đôi trẻ chọn lựa trên cơ sở xin phép và lấy ý kiến của cha mẹ đang phổ biến.Trong nhiều gia đình hiện đại, vì mãi chạy theo guồng quay của những lo toan kinh tế mà nhiều người không có thời gian và không biết quan tâm tới các thành viên khác cũng như những vấn đề chung của gia đình. Đặc biệt là trong mối quan hệ giữa các thế hệ, người cao tuổi và trẻ em là những đối tượng chưa được quan tâm đúng mực. Thậm chí, có những gia đình dường như hoàn toàn giao phó chức năng giáo dục con trẻ cho nhà trường và xã hội. Nhiều ông bà thiếu thốn tình cảm ngay cả khi chung sống cùng con cháu. Không ít trẻ em cảm thấy “bơ vơ” trong chính mái ấm của mình. Đó là nguyên nhân làm cho tình trạng trẻ em hư, bỏ nhà đi lang thang, sa vào các tệ nạn xã hội hiện nay có xu hướng gia tăng. Trong mối quan hệ vợ chồng, sự hòa thuận và tình nghĩa thủy chung được nhìn nhận và đánh giá là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa gia đình Việt. Chính hòa thuận và chung thủy đã vun đắp tình cảm yêu thương, tôn trọng trong gia đình, tạo sức mạnh đoàn kết, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thách thức để xây dựng hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, gia đình Việt Nam hiện đại vẫn đang phải chứng kiến sự tồn tại của bạo lực gia đình và những quan hệ ngoài hôn nhân. Hiện nay, không chỉ một bộ phận giới trẻ mà ngay cả những người có công danh, sự nghiệp cũng chưa nhận thức hết giá trị của hôn nhân và ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng “gia đình”. Có thể nhận thấy điều đó trong cách ứng xử hầu như chỉ hướng đến nhu cầu cá nhân, không biết quan tâm tới người vợ, người chồng và những vấn đề chung của hôn nhân. Bên cạnh đó, với quan niệm thông thoáng hơn, họ cũng không còn nhẫn nhục chịu đựng, không biết độ lượng và tha thứ cho người bạn đời khi phạm lỗi. Chính “lối sống buông thả trong quan hệ nam - nữ, xem thường tính nghiêm túc trong quan hệ hôn nhân với các biểu hiện như sống vội, sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, ngoại tình, mại dâm,… đã và đang là một trong những biểu hiện xuống cấp của đạo đức truyền thống trong hôn nhân và gia đình” [2]. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đem đến nhiều ưu điểm tích cực cho đời sống gia đình người Việt hiện đại, chẳng hạn như tiếp cận các công nghệ để giáo dục con cái, tiết kiệm thời gian trong việc mua sắm, tìm hiểu về tình hình thế giới, kết nối giao lưu với bạn bè,... Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghệ ấy cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng sâu sắc đến hạnh phúc gia đình, đến quyền riêng tư cá nhân và làm cho con người không sống với hạnh phúc thực tại. Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển cùng với việc đạo đức xã hội xuống cấp, nhiều văn hoá phẩm đồi truỵ, phản giáo dục cũng là lúc nhiều phụ huynh khó khăn hơn trong việc quản lí và giáo dục con cái, dẫn đến các hành vi bạo lực gia đình, thậm chí là con cháu đánh đập ông bà, giết hại mẹ cha.. 2. Ảnh hưởng của triết lý và tư tưởng Phật giáo đối với đời sống gia đình Việt nam 2.1. Tư tưởng bình đẳng và sự bình đẳng trong quan hệ hôn nhân Vào thời Đức Phật, xã hội bị thống trị bởi giai cấp giàu có và đầy quyền lực. Quyền lợi và nhân phẩm của người phụ nữ không được xem trọng. Vậy mà, tại thời điểm ấy, Đức Phật đã có một cách nhìn nhận và quan niệm hoàn toàn khác. Đức Phật chính là người đã mang lại triết lí về tinh thần bình đẳng thực sự cho nhân loại. Câu nói "Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành" của Đức Phật Thích Ca, là minh chứng rõ ràng nhất cho một giá trị tôn trọng quyền bình đẳng tột cùng của đạo Phật. Trong kinh Trung A Hàm, con người bình đẳng trong mọi lĩnh vực, từ việc bình đẳng trong giai cấp, địa vị đến việc xuất gia tu học, đặc biệt nhấn mạnh việc bình đẳng giữa nam và nữ. Trong Kinh Tiện dân (Nipata), câu 136 là một minh chứng cụ thể về tinh thần bình đẳng: “Không ai sinh ra là tiện dân, không ai sinh ra là Bà-la-môn. Do hành vi mà con người thành tiện dân, do hành vi mà con người thành Bà-la-môn”. Trong mối quan hệ nam nữ, Đức Phật không đồng tình với tư tưởng trọng nam khinh nữ của đạo Bà La Môn truyền thống với quan niệm cho rằng đàn ông có giới tính ưu việt hơn phụ nữ. Dưới ánh sáng tâm linh Phật pháp, không tồn tại vấn đề kỳ thị giới tính hay nói cách khác ta có thể thấy được tinh thần bình đẳng và sự tôn trọng đối với người phụ nữ… Đặc biệt, giá trị của người phụ nữ, sự hy sinh cao cả của người mẹ được biểu hiện cụ thể qua tình mẫu tử trong kinh “Vu Lan Báo Hiếu”. Tinh thần giải thoát giác ngộ bình đẳng, không phân biệt nam nữ cũng được thể hiện rõ nhất trong kinh Thắng Man. Thắng Man phu nhân là người nữ, do đã tu nhiều đời và nương oai thần lực của Phật mà nói lên tư tưởng Đại thừa nhất phương tiện và bà còn được Phật thọ ký sẽ thành Phật trong tương lai. Như vậy, có thể thấy rõ được lời Chư Phật dạy trong Kinh Đại Niết Bàn: “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh” không phân biệt giai cấp, nam nữ, địa vị, nguồn gốc. Từ sự bình đẳng nam nữ trong xã hội, đạo Phật nêu lên sự bình đẳng của người vợ và người chồng trong cuộc sống hôn nhân. Đức Phật dạy rằng: Chồng đối với vợ có năm điều cơ bản: lấy lễ đối đãi với nhau, oai nghiêm đĩnh đạc, ăn mặc tùy thời, trang sức hợp thời, giao phó việc nhà. Vợ cũng phải lấy năm điều sau để cung kính với chồng: Dậy trước, ngủ sau, nói lời hòa nhã, kính nhường tùy thuận, sớm lĩnh ý chồng. Làm được điều này chắc chắn hôn nhân sẽ được bền lâu. Trong kinh Thiện Sanh, để mối quan hệ giữa vợ chồng được êm đẹp, người chồng nên lấy năm điều mà yêu thương, tôn trọng vợ làm kim chỉ nam để đem đến giá trị hạnh phúc hôn nhân đích thực: Một là yêu thương vợ. Hai là không khinh rẻ. Ba là sắm các thứ chuỗi ngọc, đồ trang điểm. Bốn là tôn trọng quyền tự do cá nhân. Năm là xem vợ như chính mình. Trong kinh điển Pali, từ được dùng để biểu hiện sự tôn trọng ấy là sammananaya, có nghĩa là “với sự tôn trọng và ngưỡng mộ”. Quan trọng hơn nữa, những điều ấy không chỉ bày tỏ qua những lời nói hời hợt, giả tạo; mà nó phải xuất phát từ bên trong ý nghĩ, thể hiện qua hành động cụ thể. Theo quan niệm của Đức Phật, người vợ xứng đáng được chồng tôn trọng như thế: “Người vợ không phải là sở hữu cá nhân của chồng, người cho mình quyền tiêu khiển vợ theo ý riêng, mà người vợ là một thành viên bình đẳng và đáng được tôn trọng trong mối quan hệ này” [3]. Để tương xứng với người chồng như đã đề cập ở trên, trong kinh Bảy Loại Vợ, Đức Phật từng nêu lên 7 loại người vợ trên cuộc đời này là: vợ như kẻ sát nhân, vợ như người ăn trộm, vợ như chủ nhân, vợ như người mẹ, vợ như người em, vợ như người bạn, vợ như người hầu. Trong đó, chúng tôi xin mạn phép trích dẫn hình ảnh người vợ được đề cập đến trong bảy loại vợ trên mà theo chúng tôi đó không chỉ được xem như là hình mẫu lý tưởng trong xã hội thời đức Phật hiện tiền hay thuyết giảng mà còn có ý nghĩa cho đến hiện nay: “Sáu là, người vợ nào luôn luôn niềm nở, vui vẻ, hòa thuận với chồng như thể khi hội ngộ một người bạn thân từ lâu mới gặp lại. Luôn giữ tiết hạnh và thủy chung với chồng. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như bạn. Bảy là, người vợ nào luôn mềm mỏng, không nóng tánh, không sân hận, giận dỗi. Dù bị chồng đối xử không đẹp nhưng vẫn nhường nhịn, không tỏ thái độ lỗ mãng, lớn tiếng. Trái lại còn biết tùy thuận để khuyên răn và chinh phục chồng mình. ...” Đức Phật dạy rằng, đối với những người vợ biết yêu thương chồng con, vun vén, chăm lo cho hạnh phúc gia đình, khi mất đi sẽ được sanh về cõi lành còn nếu ngược lại sẽ sanh vào cõi xấu: “Này Su-cha-ta, trong bảy loại người vợ mà Như Lai vừa nói, ba hạng đầu là loại vợ như sát nhân, như những người bất hảo, do đó con nên xa tránh. Những hạng vợ như vậy do sống không giới hạnh, ác khẩu và vô lễ, sau khi qua đời phải sanh vào cõi xấu. Bốn loại vợ sau là đáng tôn kính và noi theo. Đó là vợ như mẹ, vợ như em, vợ như bạn và vợ như người hầu. Những hạng vợ này khi sống thì tạo ra hạnh phúc cho gia đình và con cái; khi qua đời thì được sanh vào cõi lành”. Có lẽ, hiếm có một tôn giáo nào, mà bổn phận của người chồng và người vợ được cụ thể hoá rõ ràng như đạo Phật. Đó không chỉ là trách nhiệm của riêng lẻ mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm chung để xây dựng và gìn giữ một gia đình an vui, hòa thuận. Trách nhiệm và bổn phận đó chính là sự thể hiện bình đẳng trong quan hệ hôn nhân của người chồng và người vợ. Trong xã hội Việt Nam, vì chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng phong kiến và Nho Giáo, vấn đề bất bình đẳng giới trong cả gia đình và xã hội trở thành một vấn nạn “ăn sâu và bám rễ” vào đời sống nhiều thế hệ. Sự du nhập và ảnh hưởng của Phật giáo có vai trò góp phần hạn chế sự cứng nhắc của tư tưởng Nho giáo trong các mối quan hệ gia đình. Tư tưởng bình đẳng, tôn trọng người phụ nữ của đạo Phật đã hòa quyện cùng truyền thống trọng Mẫu của người Việt tạo nên những nét đặc trưng trong văn hóa gia đình Việt. Do đó, mặc dù có vị trí thấp hơn nam giới nhưng so với các nước phương Đông cùng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo thì địa vị của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình vẫn cao hơn rất nhiều. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng rất quan tâm về vấn đề bình đẳng giới. Người đã từng khẳng định: Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Như vậy, ta có thể nhận thấy nét tương đồng trong tư tưởng “tôn trọng nữ giới” của Phật Giáo và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, hơn ai hết, Đức Phật và Hồ Chí Minh đều sống trong thời đại mà ở đó quyền lợi của người phụ nữ bị tước đoạt, bị áp bức, chịu đau khổ và chịu nhiều thiệt thòi nhất. Trong những năm gần đây, tại Việt Nam vấn đề bình đẳng giới và đảm bảo quyền của phụ nữ được cụ thể hoá trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tiêu biểu là Luật bình đẳng giới có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Việt Nam cũng là một trong 6 nước đầu tiên tham gia kí kết công ước xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ của Liên Hợp Quốc (CEDAW- Convention on the elimination of all forms of Discrimination against women). Tính đến năm 2014, tỉ lệ phụ nữ tham gia vào hội đồng nhân dân và đại biểu quốc hội chiếm hơn 25%. Qua đó có thể thấy được những nỗ lực của nước ta trong việc thu hẹp khoảng cách trong việc phân biệt, đối xử giữa những người khác giới. Vị trí và vai trò của người phụ nữ ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, trong nhiều khía cạnh của đời sống gia đình, tư tưởng bất bình đẳng vẫn đang còn tồn tại. Việc áp dụng tư tưởng bình đẳng của Phật Giáo trong việc vun đắp mối quan hệ giữa vợ chồng là hết sức cần thiết. 2.2. Ngũ giới – Thập thiện và vấn đề gìn giữ hạnh phúc gia đình Ngũ giới và Thập thiện là một trong những nội dung quan trọng của giáo lý Phật giáo, có vai trò không chỉ làm cơ sở để ổn định tổ chức giáo hội, tăng, ni, chức sắc tôn giáo là còn kà những điều răn dạy đối với các tín đồ Phật tử. Trong Ngũ giới, Thập thiện có một số điều ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Nếu thực hiện được đúng như lời chư Phật dạy, đặc biệt là thực hành giới không tà dâm, không nói dối, không uống rượu,…có thể được xem như những bậc thang giúp con người bước gần hơn đến việc gìn giữ sự thủy chung và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Đối với người tại gia, “không tà dâm” hiểu theo nội hàm chung nhất là “duy chế tà dâm”, tức là phải ngăn ngừa, hạn chế dục vọng trong một giới hạn nhất định mà xã hội cho phép. Người Phật tử ngoài vợ hay chồng của mình không được quan hệ bất chính với người khác để duy trì sự êm ấm trong gia đình và ổn định ngoài xã hội. Ngoại tình, gian díu với vợ hay chồng của người là phá hoại gia cang kẻ khác và tự đào huyệt chôn hạnh phúc gia đình mình. Không tà dâm còn có nghĩa là chủ thể phải ý thức về hạnh phúc của gia đình mình, không vì sự ham muốn nhất thời mà tổn hại đến hạnh phúc của người khác. Theo giáo lí đạo Phật, người đã có vợ chồng không được quan hệ bất chính với người khác, ngay cả quan hệ giữa hai vợ chồng cũng cần đảm bảo thời gian và không gian thích hợp, tránh buông thả và phóng túng, trong lúc thực hiện hành vi ấy, luôn giữ tâm thuỷ chung với người bạn đời của mình, không suy nghĩ đến người khác. Kinh Ưu-bà-tắc giới dạy rằng: “Nếu quan hệ với vợ mình mà nghĩ tưởng đến vợ người khác, hoặc quan hệ với vợ người khác mà nghĩ tưởng xem như vợ mình, đó cũng là tà dâm. Những sự tà dâm như thế cũng có phân ra nặng nhẹ khác nhau. Do phiền não nặng nề, ắt phải chịu tội báo nặng nề. Do phiền não kém nặng nề hơn, ắt chịu tội báo kém nặng nề hơn”. Trong đời sống gia đình, thực hành không nói dối cũng là một nhân tố quan trọng để tạo dựng niềm tin và giữ lửa hôn nhân. Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Đức Phật đã từng răn dạy các đệ tử của mình: “Này A Nan, chúng sanh họa từ trong miệng mà sinh ra, miệng lưỡi thực là búa sắc tự bổ vào mình, là cái họa để tự diệt mình". Có thể thấy rằng, dù đối với những người xung quanh Đức Phật khuyên bảo hàng đệ tử của mình không được nói dối, huống chi là vợ chồng đã kết nghĩa phu thê thề trọn đời trọn kiếp bên nhau. Tuy nhiên, trong cuộc sống có không ít người vì sự cám dỗ của si mê và dục vọng, sẵn sàng lừa dối người bạn đời của mình để đi tìm sự mới lạ, chạy theo cảm xúc thăng hoa: Bỏ chồng đi theo trai Người nam tâm phóng đãng Bỏ vợ mê sắc ngoài Gia đình ai như vậy Của đạ soa, thất bại. Tại Việt Nam hiện nay, có thể thấy được một thực trạng khá phổ biến đó chính là những cảnh thù hằn, ghen tuông, thậm chí là vợ chồng giết hại lẫn nhau tràn ngập trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể thấy rõ việc lừa dối và có mối quan hệ với người khác ngoài vợ hoặc chồng (ngoại tình) chính là thứ vũ khí tàn bạo nhất huỷ hoại hạnh phúc gia đình. Bên cạnh đó, theo giáo lý nhà Phật, uống rượu hay sử dụng các chất kích thích, ma túy làm mê muội thân tâm con người, là con đường ngắn nhất dẫn dắt con người đến sự sai trái, dễ phạm vào các giới còn lại. Giới thứ năm không chỉ quy định “không uống rượu”, mà còn phải tuyệt đối cách ly những nơi rượu chè, mặc dù mình không uống. Không được xúi dục người khác uống, bởi đó cũng là hành vi gián tiếp vi phạm giới. Theo Kinh Thiện Sinh, uống rượu gây ra sáu lỗi: mất của, sinh bệnh, gây gỗ, tiếng xấu đồn xa, dễ sinh nóng giận, trí tuệ mỗi ngày giảm dần. Những lỗi này một mặt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bản thân và gia đình, mặt khác còn làm băng hoại đạo đức xã hội. Bởi rượu hay bất cứ chất kích thích nào cũng làm mê mờ đi tư duy nhận thức của con người, làm mất định hướng, hành vi của con người trong cuộc sống. Không ít người chỉ vì chút men say đã phạm giới tà dâm, sa vào vòng luyến ái mà đánh mất thủy chung. Nhiều người vì không tỉnh táo đã buông lời ác khẩu, ra tay đánh đập cả mẹ cha, thậm chí chém giết vợ con đồng nghĩa với việc phạm giới sát sinh. Theo điều tra nghiên cứu, tại Việt Nam có đến 55% bạo lực xảy ra trong gia đình có người nghiện rượu. Bởi vậy, để gia đình ấm êm, hòa thuận, các thành viên trong gia đình, nhất là người đàn ông cần nghiêm túc thực hành theo lời Đức Phật là tránh xa men rượu. 2.3. Tư tưởng từ bi, nhẫn nhục và sự hòa thuận trong gia đình Theo đạo Phật, “Từ bi” là tìm cách đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người, quên đi hạnh phúc của bản thân và không mong báo đáp. Nhẫn nhục là một trong những đức hạnh cần thiết của con người, nhất là người đệ tử học Phật. Người khác làm nhục, bêu xấu ta mà ta không oán giận gọi là nhẫn nhục. Nhẫn nhục là điều hết sức quan trọng đối với sự tu dưỡng của một người: “Nó có thể biến binh đao thành giao hảo, biến nước mắt thành nụ cười, lại có thể tăng thêm hạnh phúc và trí tuệ”[4]. Sự vận dụng tư tưởng Từ bi, nhẫn nhục trong triết lý Phật giáo vào việc vun đắp hạnh phúc gia đình là hết sức cần thiết, nhất là đối với người phụ nữ. Ta phải hiểu rằng sự nhẫn nhịn trong Phật Giáo không phải là tinh thần nhu nhược, khiếp sợ, khuất phục mà đó chính là đức hy sinh cao cả của người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Khác với người phụ nữ Phương Tây với cá tính mạnh mẽ, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam tiềm ẩn trong tâm hồn, tính cách “chịu thương chịu khó” và hơn thế nữa là sự hy sinh, chịu đựng. Người theo đạo Bồ Tát phải mở rộng tấm lòng bao dung và tha thứ đối với mọi người xung quanh, biết nhẫn nhịn và kiềm chế bản thân lúc cần thiết, nhất là người bạn đời của mình. Nếu trong một gia đình, việc nhỏ không nhẫn nhục được thì khó lòng có thể giữ gìn và xây dựng được một gia đình thuận hòa, êm ấm. Trong Kinh Tăng Chi Bộ, khi nhắc đến bổn phận của người vợ, Đức Phật cũng nhắc nhở: Người vợ không nên xem thường (na atimannati) một người chồng nhiệt tình, phấn đấu để thành đạt, thoả mãn nhu cầu của vợ và luôn chăm sóc vợ mình [5]. Người phụ nữ cần phải đặt niềm tin vào chồng và giải quyết mọi vấn đề một cách khôn khéo, không để vì sự nóng giận nhất thời mà làm tan vỡ đi hạnh phúc gia đình mình, họ cần biết rằng để có được hạnh phúc không phải là một điều đơn giản, người phụ nữ phải nhẫn nhục,thậm chí còn phải đôi lúc hy sinh cái tôi cá nhân vì chồng và con cái. 2.4. Bổn phận và nghĩa vụ của cha mẹ và con cái Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng là một trong những nhân tố hết sức quan trọng trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Trong Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, bổn phận và nghĩa vụ của cha mẹ với con cái và ngược lại được thể hiện khá cụ thể, rõ ràng. Trước hết, bậc làm cha mẹ phải quan tâm tới con cái với năm điều: ngăn chặn con làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy con nghề nghiệp, cưới vợ gả chồng xứng đáng cho con, đúng thời trao của thừa tự cho con. Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều gia đình buông lơi, thiếu trách nhiệm trong vấn đề săn sóc và giáo dục con. Một số khác lại có phương pháp giáo dục con cái có phần không đúng. Thực tế có nhiều bài viết cho thấy cha mẹ giáo dục con cái bằng cách dùng những hành động mang xu hướng bạo lực nhằm răn đe khi con không nghe lời, rèn luyện cho chúng tính kỉ luật. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng, bạo lực của cha mẹ với nhau hoặc với con cái chính là nguyên nhân gây tổn thương tâm lý vô cùng sâu sắc trong lòng con trẻ. Vì vậy việc áp dụng những giáo lý đạo Phật, kết hợp với việc sinh hoạt tại các Chùa để nâng cao tính tự giác và nhận thức của thế hệ trẻ là hết sức cần thiết. Trong Tứ trọng Ân của nhà Phật, Ân cha mẹ được đặt hàng đầu. Trong Kinh Tăng Chi có đoạn: “Này Bà la môn, thế nào là lửa đang cung kính. Vì từ nơi cha mẹ, chúng ta được tạo nên và được tạo thành. Do đó, cha mẹ là lửa đáng được cung kính, tôn trọng và cúng dường” . Kinh Tăng Chi ghi lại lời Đức Phật như sau: “Này các Tỷ Khiêu, Như Lai nói: có hai hạng người khó thể trả ơn được là mẹ và cha. Này các Tỷ Khiêu, nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha suốt trăm năm, đấm bóp, thoa xức, tắm rửa và dù cho cha mẹ tiểu hoặc đại tiện trên thân mình cũng chưa gọi là đền ơn một cách đầy đủ. Hoặc này các Tỷ Khiêu, nếu người con có thể suy tôn cha mẹ lên ngôi tối thượng uy lực trên quả địa cầu với bảy báu này cũng chưa gọi là trả ơn một cách đầy đủ” . Kinh Phân Biệt kể rằng, Đức Thế Tôn thường nhắc nhở đến công ơn của cha mẹ Ngài: Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn của cha mẹ ta. Ngài cũng đã từng có bài kệ để tán thán công đức mẹ cha: "Mẹ cha gọi là Phạm Thiên, Bậc đạo sư thời trước, Xứng đáng được cúng dường, Vì thương đến con cháu, Do vậy, bậc hiền triết, Đảnh lễ và tôn trọng, Dâng đồ ăn đồ uống, Vải mặc và giường nằm, Thoa bóp cả thân mình Tắm rửa cả chân tay, Với sở hành như vậy, Đối với mẹ và cha, Đời này người hiền khen, Đời sau hưởng thiên lạc"[6]. Về bổn phận của người con đối với đấng sinh thành, dưỡng dục cũng được Đức Phật nêu rõ trong nhiều kinh điển. Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt chỉ rõ, bổn phận của kẻ làm con phải lấy năm điều kính thuận cha mẹ: cung phụng và hiếu dưỡng, làm điều gì phải nói cho cha mẹ biết, không được chống báng cha mẹ, không làm trái lời cha mẹ dạy, không ngăn việc làm thiện, tu phúc của cha mẹ. Trong Kinh Báo Ân Cha Mẹ, với nội dung gồm có 6 phần, mỗi phần đem đến những ý nghĩa sâu sắc, thức tỉnh sự hiếu đạo trong tâm thức người con. Phần thứ nhất là duyên khởi. Phần thứ hai nói về ân đức của cha mẹ, có 10 điều cha mẹ mang đến cho con cái là sinh sản khổ sở, sinh rồi quên lo, nuốt đắng nhổ ngọt, nhường khô nằm ướt, bú mớm nuôi nấng, rửa ráy chăm sóc, xa cách thương nhớ, vì con làm ác, thương mến trọn đời,.... Phần thứ ba nói về sự bất hiếu của con cái. Phần thứ tư nói về ân đức của cha mẹ khó có thể đền đáp, trong đó có đoạn “Dù vì cha mẹ, đốt thân làm đèn cúng dường chư Phật cũng không đáp được công ơn cha mẹ”, phần thứ năm đức Phật dạy về phương pháp báo hiếu và cuối cùng chính là phần kết thúc và khai thông trí tuệ. Có thể nói, đạo đức Phật giáo dường như đã gạt bỏ hoàn toàn những triết lý cao siêu, khó hiểu để trở về hòa nhập với cuộc sống trần thế hằng ngày. Để thể hiện lòng hiếu kính với đấng sinh thành, hàng năm các chùa tại Việt Nam nói riêng và các thế hệ nhân dân nói chung đều vân tự về các chùa để tham dự ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu. Trong dân gian thường truyền tụng, nhắc nhở nhau về ngày lễ ý nghĩa này: Vào tháng Bảy nhớ ngày Thắng Hội Mùa Vu Lan xá tội vong nhân Là ngày báo hiếu Song Thân Về chùa lễ Phật báo ân sinh thành. Trong buổi lễ, người tham dự thường được nghe những bài thuyết pháp về công ơn cha mẹ và lòng hiếu thảo đối với mẹ cha cũng như lòng biết ơn đối với mọi ân nhân. Nếu ai còn cha mẹ sẽ cài lên ngực đoá hoa hồng trân trọng vì sự hạnh phúc ấy, nếu ai đã mất cha, mất mẹ thì ngậm ngùi cài lên ngực đoá hoa hồng trắng nhằm tưởng nhớ đến đấng sinh thành. Như vậy, dù đã qua hơn hai ngàn năm lịch sử nhưng cho đến hôm nay, những điều răn của Đức Phật vẫn có ý nghĩa lớn lao trong đời sống gia đình. Nếu mỗi con người chúng ta, dù là trẻ hay già, dù là người chồng hay người vợ, dù là bậc làm cha mẹ hay phận làm con cái đều hiểu được những lời Phật dạy thì dù cuộc sống ngoài kia có bao nhiêu biến động trong gia đình vẫn sẽ mãi an yên. 3. Một số giải pháp nhằm vận dụng những triết lý Phật giáo vào việc xây dựng đời sống gia đình tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay Phật giáo là một tôn giáo ngoại sinh, có lịch sử lâu đời, ăn sâu bám rễ vào đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam, là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành văn hoá của người Việt, tác động đến đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử của nhiều thế hệ. Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại ngày nay, với sự du nhập của các yếu tố văn hoá mới, nhiều tôn giáo mới xuất hiện, Phật Giáo chịu tác động ngược lại của các yếu tố ấy, bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Vì vậy, việc đề ra các giải pháp nhằm phát huy vai trò của đạo Phật trong việc xây dựng đời sống gia đình tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là việc làm hết sức cần thiết. Bài viết xin đề cập đến một số giải pháp sau:
  1. Các cơ quan chính quyền, các đoàn hội, chi hội cần tạo điều kiện và phối hợp với nhà Chùa tổ chức các buổi thuyết giảng về tinh thần bình đẳng, tầm quan trọng của việc thực hiện ngũ giới, thập thiện, từ bi, nhẫn nhục cho các Phật tử nói riêng và người dân nói chung.
  2. Cần phải giáo dục thanh niên về giới tính, tình yêu, hôn nhân, gia đình ngay từ lúc còn trẻ, thông qua các buổi thuyết giảng, chương trình giáo dục thanh niên tại các chùa
  3. Tổ chức ngoại khoá thu hút số lượng lớn sinh viên tham gia nhằm tạo ra một thế hệ thanh niên có trí tuệ, sáng suốt và tư tưởng đạo đức tiến bộ trong việc thiết lập mối quan hệ hôn nhân và xây dựng đời sống gia đình
  4. Về phía các bậc cha mẹ, cần định hướng cho các em ngay từ khi đến tuổi trưởng thành, giáo dục cho các em thói quen đến chùa để tham gia các hoạt động lành mạnh như: thiện nguyện, khoá tu mùa hè, chủ nhật xanh, chung tay xây dựng các dự án cộng đồng nhằm hoàn thiện nhân cách, phát triển kĩ năng.
  5. Có hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi lợi dụng Phật Pháp để trục lợi hoặc vì mục đích cá nhân, các tổ chức phi pháp mà huỷ báng chính pháp của Đức Phật, đưa ra những hình ảnh, những thông tin sai lệch về Đạo Phật làm mất đi niềm tin đối với đạo Phật của nhân dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Đặng Thị Lan (2006), Đạo Đức Phật Giáo với Đạo đức con người Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc Gia Hà Nội.
  2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1991), Kinh Dhananjani thuộc Trung Bộ Kinh, T. II: 188A.
  3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1991), Kinh Tăng Chi, T. IA: 59.
  4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1991), Kinh Tăng Chi, T. III: 61.
  5. Hòa Thượng Thích Trí Quảng (2008), Phật Giáo nhập thế và phát triển, Nxb. Tôn Giáo.
  6. Hộ giác (1996), Tình mẹ, Sơn môn pháp phái, Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 24.
  7. Lê Khánh Trình (2016), Văn hóa gia đình và vấn đề giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình cho thế hệ trẻ.
  8. Lê Phượng (1986), Tình hình ly hôn hiện nay và nguyên nhân của nó, Tạp chí xã hội học, số 2 năm 1986.
  9. Lê Thị Quý (2010), Quản lý nhà nước về gia đình lý luận và thực tiễn, Nxb. Dân Trí.
  10. Nguyễn Khắc Cảnh, Đặng Thị Kim Oanh (2016), Nhân học về thân tộc, dòng họ, hôn nhân và gia đình, Nxb. Đại Học Quốc Gia TP. HCM.
  11. Nguyễn Thị Nguyệt (2013), Biến đổi trong quan niệm hôn nhân và gia đình của Người Việt ở khu tái định cư, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, Tạp chí Nghiên cứu văn hoá.
  12. Nhiều tác giả (2005), Phật giáo trong thời đại chúng ta, Nxb. Tôn Giáo.
  13. Sự biến đổi của các truyền thống gia đình nông thôn trong quá trình hiện đại hoá: phác thảo theo các kết quả điều tra xã hội học gần đây (1990), Tạp chí xã hội học số 3.
  14. Thiền Sư Hám Sơn (2008), Kinh Kim Cang, NXb. Lao Động.
  15. Trần Đình Hượu (1989), Về gia đình truyền thống Việt Nam với ảnh hưởng Nho Giáo, Tạp chí Xã hội học số 2.
  16. Trương Sỹ Hùng (2007), Tôn giáo & Văn hóa, Nxb. Khoa Học Xã Hội.
  17. Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (2010), Con người Việt Nam truyền thống và những giá trị đối với sự phát triển, Nxb. Lao Động.
Hiển thị phần trích dẫn [1] Nguyễn Thị Nguyệt, Biến đổi trong quan niệm hôn nhân và gia đình của Người Việt ở khu tái định cư, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tỉnh. [2] Lê Khánh Trình (2016), Văn hóa gia đình và vấn đề giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình cho thế hệ trẻ. [3] Tỳ kheo, TS. Basnagoda Rahula, Diệu Liên Lý Thu Linh và Diệu Ngộ Mỹ Thanh dịch (2010), Lời dạy của Đức Phật, Nxb. Tôn Giáo. [4] Lâm Thế Mẫn (người dịch: Linh Chi) (1996), Tinh thần và nét đặc sắc của Phật Giáo, Nxb. Mũi Cà Mau, tr. 77-78. [5] Tăng Chi Bộ Kinh VIII: Phẩm Uposatha: kinh Dutyavisakha. [6] HT. Thích Thiện Siêu (1993), Kinh Tăng Nhất A Hàm I, II, III, Viện NCPHVN. HÌNH 1: PHÁT BIỂU THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO VESAK CHUYÊN ĐỀ CÁCH TIẾP CẬN CỦA PHẬT GIÁO GIA ĐÌNH HÒA HỢP- CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ XÃ HỘI BỀN VỮNG. HÌNH 2: GIẢNG VỀ ĐẠO HIẾU CHO CÁC CON TẠI KHÓA TU MÙA HÈ- CHÙA DIÊN PHÚC, MAI LÂM, ĐÔNG ANH, HÀ NỘI - 2018. HÌNH 3: TỔ CHỨC BUỔI SINH HOẠT- GƯƠNG NGƯỜI HIẾU HẠNH CHO PHỤ HUYNH VÀ CÁC CON. HÌNH 4: TỔ CHỨC CUỘC THI NẤU ĂN CHAY CÁC GIA ĐÌNH PHẬT TỬ TẠI CHÙA. HÌNH 5: GIẢNG GIÁO LÍ VỀ XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH CHO PHẬT TỬ TẠI CHÙA. HÌNH 6: CÁC CON THI VỀ LỐI ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH - KHÓA TU MÙA HÈ CHÙA DIÊN PHÚC- 2018. HÌNH 7: GIẢNG VỀ ĐỨC HẠNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG GIA ĐÌNH - TẠI CHÙA DIÊN PHÚC, MAI LÂM, ĐÔNG ANH. HÌNH 8: TỔ CHỨC HÀNH THIỀN CHO CÁC CON TẠI KHÓA TU MÙA HÈ- CHÙA DIÊN PHÚC - 2018.

Tác giả: TS. Nguyễn Thúy Thơm ( Ni Sư Thích Minh Thịnh) - Ủy viên Ủy ban Trung Ương MTTQ Việt Nam. Giảng viên kiêm nhiệm bộ môn Tôn Giáo học, trường Đại Học KHXH&NV, ĐHQGHN.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền Tags: Bộ môn Tôn giáo học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Ý kiến bạn đọc

Sắp xếp theo bình luận mới Sắp xếp theo bình luận cũ Sắp xếp theo số lượt thích Bạn cần đăng nhập với tư cách là Thành viên chính thức để có thể bình luận

Những tin mới hơn

  • NGHIÊN CỨU VỀ QUAN HỆ DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (TỪ NĂM 1980 ĐẾN NAY)*

    (17/06/2021)
  • VẤN ĐỀ TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY

    (18/06/2021)
  • ĐẠO ĐỨC TÔN GIÁO, BIẾN ĐỔI VĂN HÓA VÀ TÂM LÝ TỘC NGƯỜI

    (20/12/2021)
  • TÍN LÝ “HIẾU HÒA” CỦA CÔNG GIÁO VÀ Ý NGHĨA THAM CHIẾU TRONG ỨNG XỬ GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

    (21/12/2021)
  • NHỮNG PHẠM TRÙ CƠ BẢN VỀ BẢN THỂ LUẬN TRONG TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO

    (21/12/2021)
  • SỰ DUNG HỘI GIỮA PHẬT GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN Ở VIỆT NAM THỂ HIỆN TRONG NGHI LỄ

    (25/12/2021)
  • QUAN NIỆM VỀ CON NGƯỜI TRONG KINH PALI CỦA PHẬT GIÁO

    (25/12/2021)
  • THỰC TRẠNG VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA PHẬT TỬ VÀ CƠ SỞ THỜ TỰ Ở CÁC TỈNH VÙNG NÚI PHÍA BẮC NƯỚC TA

    (25/12/2021)
  • GÓC NHÌN CỦA TÔN GIÁO HỌC VỀ SỰ THIẾT LẬP ĐẠO ĐỨC TÔN GIÁO TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI TẠI CÁC NƯỚC ASEAN

    (25/12/2021)
  • MỘT SỐ QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO QUA CHÍNH SỬ DƯỚI THỜI LÊ SƠ

    (30/12/2021)

Những tin cũ hơn

  • PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỚI HOẠT ĐỘNG CÔNG TÁC XÃ HỘI

    (06/06/2021)
  • SUY NGHĨ VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC Ở VIỆT NAM: NHẬN THỨC VÀ THỰC TIỄN

    (06/06/2021)
  • HAI NGUYÊN LÝ CƠ BẢN TRONG TRIẾT HỌC VỀ NGHỆ THUẬT CỦA G.W.F. HEGEL*

    (04/06/2021)
  • SỰ GIẢI THÍCH VỀ THẾ GIỚI VÀ CON NGƯỜI CỦA NGƯỜI H’MÔNG (QUA KHẢO CỨU “TANG CA” (KRUÔZ CÊ) CỦA NGƯỜI H’MÔNG Ở SA PA)

    (28/05/2021)
  • TRIẾT LÝ VÔ NGÔN CỦA NHÀ PHẬT

    (24/05/2021)
  • TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁ TRỊ PHẬT GIÁO

    (19/05/2021)
  • Tín ngưỡng và tình yêu của người Việt Nam

    (20/04/2021)
  • Về hai đặc trưng của báo chí tôn giáo – tính quy chuẩn và tính niệm thức

    (20/04/2021)
  • Tin hoạt động
  • Nhân vật - Sự kiện
  • Thông báo
  • Lịch công tác tuần
  • Thông tin tuyển sinh
  • Tác giả - Tác phẩm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay612
  • Tháng hiện tại32,091
  • Tổng lượt truy cập1,166,499
  • https://frs.ussh.vnu.edu.vn/uploads/drs/logo_tgh1.png N/A
  • BỘ MÔN TÔN GIÁO HỌC (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN)
  • Địa chỉ: Tầng 4, Nhà A, Trường ĐHKHXH&NV, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
  • Điện thoại: 024-385-839-03 Fax: +84-24-38583903 Email: flis@vnu.edu.vn
  • Trang chủ
  • Sitemap
  • Feeds
  • Liên hệ
Bản quyền ©2019 Khoa TT-TV. Xây dựng trên mã nguồn NukeViet hỗ trợ bởi VINADES.,JSC Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây cron

Từ khóa » Cái Biết Thường Hằng Nơi Mỗi Con Người