Văn Hóa Biển Là Gì? - Báo Bình Thuận

Những năm gần đây, khi đề cập đến chiến lược biển Việt Nam, nhiều người đã đề cao vai trò văn hóa biển, coi đây là yếu tố quan trọng, là “gốc rễ” cho sự phát triển trở thành một quốc gia hùng mạnh về biển. Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km với hàng ngàn đảo lớn, nhỏ, diện tích biển lớn gấp 3 lần diện tích đất liền, gần một nửa dân số sống dọc biển. Biển là không gian sinh tồn của bao thế hệ người Việt trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nên Việt Nam có một kho tàng văn hóa biển thật đồ sộ, phong phú và độc đáo.

Tuy nhiên “văn hóa biển” lại là một khái niệm rộng và khá mới mẻ. Có người quan niệm: Văn hóa biển chính là sống với biển, khai thác biển, triết lý và tư duy về biển... Người khác lại cho rằng: Văn hóa biển là hệ thống giá trị do con người sáng tạo ra và tích lũy được trong quá trình tồn tại lấy biển là nguồn sống chính...

Bình Thuận là tỉnh duyên hải, trong suốt chiều dài lịch sử, người Bình Thuận đã quan hệ mật thiết với biển cả qua các hoạt động khai thác các nguồn tài nguyên biển để sinh tồn. Theo thời gian ông cha ta đã tạo nên một bản sắc văn hóa biển riêng biệt của vùng miền rất đậm đặc. Văn hóa biển thấm đẫm trong lối sống, kiến trúc, ngôn ngữ, ẩm thực, các lễ hội, phong tục của người Bình Thuận. Lăng Vạn Thủy Tú được công nhận là di sản văn hóa - lịch sử quốc gia, lễ hội Nghinh Ông cũng là một di sản văn hóa phi vật thể, cùng nhiều lễ hội khác nữa của dân cư vùng biển cầu mong sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang...

Với quan niệm văn hóa biển là một tài nguyên phong phú để phát triển du lịch bền vững, có ý kiến đã kêu gọi tỉnh Bình Thuận xây dựng “bảo tàng văn hóa biển”, trong đó lưu giữ tất cả những gì thuộc về biển và mối quan hệ giữa con người với biển cả, từ các ngư cụ, thuyền, lưới, cách thức đánh bắt cá, phương thức chế biến, cảnh nhà lều nước mắm, các phong tục của ngư dân, kinh nghiệm sống, đi biển, đương đầu với thiên tai được truyền từ đời này sang đời khác; đến các lễ hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tập tục thờ cá ông của cư dân miền biển; cả các câu ca dao, tục ngữ, đến tính cách phóng khoáng “ăn sóng nói gió” của người dân biển đảo... “Bảo tàng biển” nếu có, chắc chắn sẽ là một nơi du khách không thể bỏ qua khi đến thăm vùng biển xinh đẹp này.

Đầu tư vào văn hóa hiệu quả không cân đong đo đếm được bằng tiền, mà là giáo dục chân, thiện, mỹ cho con người. Những năm qua chúng ta đầu tư cho văn hóa không tương xứng với đầu tư phát triển kinh tế, và hệ lụy như thế nào mọi người đã rõ. Trong bối cảnh cả nước chưa có một bảo tàng biển xứng tầm, thì đề nghị trên rất đáng lưu tâm suy nghĩ. Tương lai Bình Thuận vẫn gắn chặt với biển cả, nếu biết tận dụng, khai thác các nguồn lợi biển và giá trị văn hóa biển, thì Bình Thuận nhất định sẽ giàu mạnh.

Đặng Dũng

Từ khóa » Hoa Biển Là Gì