'Văn Hóa Thù Ghét' đẩy Sao Hàn Quốc đến Bước đường Cùng
Có thể bạn quan tâm
Thi thể Goo Hara, cựu thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc KARA, được tìm thấy hôm 24/11 tại nhà riêng ở Cheongdam, một trong những khu phố giàu có nhất tại thủ đô Seoul. Cảnh sát đang điều tra nguyên nhân cái chết, trong khi hãng thông tấn Yonhap đưa tin chính quyền vẫn xem xét theo hướng đây là một vụ tự sát.
Hồi tháng 5, nữ thần tượng 28 tuổi đã xin lỗi người hâm mộ "vì gây lo lắng và bàn tán" sau khi bị phát hiện bất tỉnh và nhập viện, được cho là nỗ lực tự tử bất thành. Hara cho biết cô "cảm thấy đau khổ do một số vấn đề", nhưng đang dần phục hồi và sẽ cố gắng xuất hiện khỏe mạnh.
Năm ngoái, bạn trai cũ của Hara, một thợ làm tóc tên Choi Jong-bum, đã hành hung và đe dọa chấm dứt sự nghiệp của cô bằng cách tung "video đen" sau khi họ chia tay. Choi hồi tháng 8 bị tuyên án 18 tháng tù và ba năm quản chế với một loạt tội danh, trong đó có tống tiền. Tuy nhiên, sự việc này khiến Hara trở thành mục tiêu công kích trên mạng. Trước khi qua đời, tài khoản Instagram của cô tràn ngập bình luận ghét bỏ về ngoại hình phẫu thuật thẩm mỹ cũng như quá khứ với Choi.
Sự ra đi của Hara khiến nhiều người bàng hoàng khi diễn ra chỉ 42 ngày sau cái chết của cựu thành viên nhóm f(x) Sulli (tên thật là Choi Jin-ri). "Cô ấy trẻ, xinh đẹp, giàu có, tài năng, nổi tiếng, sống trong tòa nhà đáng mơ ước, nhưng rồi tự tử ở đó. Người dân đất nước này sống bằng sự thù ghét và đố kỵ lẫn nhau. Đó là lý do Hàn Quốc còn được gọi là địa ngục", một người bình luận trên Naver về cái chết của Hara.
Cảnh sát kết luận Sulli, bạn thân của Hara, qua đời vì tự tử. Sulli cũng là một nạn nhân của những bình luận tiêu cực xung quanh mối quan hệ giữa cô với Choiza, ca sĩ hơn cô 14 tuổi, cũng như các bức ảnh không mặc áo lót, dù cô giải thích rằng nó khiến cô không thoải mái và đây là lựa chọn cá nhân.
"Truyền thông và mạng xã hội không ngừng bêu riếu những mối quan hệ, bê bối, tin đồn của người nổi tiếng. Nó len lỏi vào cuộc sống của họ và dẫn tới kết cục bi thảm, nhưng chính sự việc này lại tiếp tục trở thành nhiên liệu hoàn hảo cho cỗ máy truyền thông", Emanuel Pastreich, giám đốc tại Hàn Quốc của tổ chức phi chính phủ Hiệp hội châu Á (Asia Society), cho biết.
Sulli đã không ngại ngần bộc bạch suy nghĩ về sự ghét bỏ mà cô phải chịu đựng khi tham gia chương trình truyền hình "The Night of Hate Comments", nơi người nổi tiếng đọc các bình luận ác ý về chính mình. Tuy nhiên, điều này dường như khiến sức khỏe tinh thần của nữ thần tượng 25 tuổi tệ hơn.
"Mọi người đều thích bàn tán và Sulli dễ dàng trở thành mục tiêu. Cô ấy đã hành động mạnh mẽ khi công khai các vấn đề, nhưng đến cuối cùng dường như cô ấy vẫn nghĩ rằng mình không còn lối thoát. Áp lực hẳn phải rất nhiều. Trong khi đó, mọi người vẫn muốn biết thêm thông tin và tin đồn", luật sư Han Ye-jung tại Seoul cho biết.
Sau cái chết của Sulli, một số sao Hàn Quốc đã cởi mở hơn về những áp lực họ phải đối mặt khi liên tục bị soi xét. "Những người nổi tiếng phải mỉm cười ngay cả khi họ mất ăn mất ngủ. Họ phải gợi cảm nhưng không được quan hệ tình dục, phải cứng rắn nhưng không được gây gổ", thành viên nhóm nhạc Shinhwa Kim Dong-wan chia sẻ.
Cùng với việc phong trào nữ quyền phát triển mạnh ở Hàn Quốc sau khi Tòa án Tối cao tuyên bố hợp pháp hóa phá thai, làn sóng chống lại nó cũng ngày càng dữ dội, khiến các ngôi sao nữ thêm áp lực. Việc Sulli công khai ủng hộ phán quyết này dẫn tới vô số bình luận trái chiều. Một số nữ thần tượng khác cũng bị căm ghét chỉ vì đọc một cuốn sách được cho là ủng hộ nữ quyền, hay mang ốp điện thoại có dòng chữ: "Phụ nữ có thể làm tất cả".
Bất chấp những đau khổ tinh thần, việc tìm kiếm trợ giúp y tế về trầm cảm cũng như các vấn đề tâm lý khác vẫn bị kỳ thị trong xã hội Hàn Quốc. Tình trạng này diễn ra trên toàn thế giới, nhưng đặc biệt nghiêm trọng tại quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
"Văn hóa Hàn Quốc quan niệm tự tử là vấn đề cá nhân, nên rất khó đảm bảo kinh phí mở rộng các chương trình giáo dục cộng đồng trong việc tìm kiếm giúp đỡ về sức khỏe tâm thần, cũng như tổ chức chương trình đào tạo các bác sĩ và những người cung cấp dịch vụ liên quan khác", Tạp chí Y khoa Hàn Quốc cho hay.
Theo số liệu Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cùng Trung tâm Phòng chống Tự tử Hàn Quốc công bố hồi tháng 6, số người chết vì tự tử ở nước này trong năm 2017 là 12.463 người, giảm 4,8% so với năm 2016 và giảm đáng kể so với mức 15.906 người hồi năm 2011.
Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ tử vong do tự sát giảm ở mọi nhóm tuổi, độ tuổi 20-29 vẫn không thay đổi. 44,8% số ca tử vong trong độ tuổi 20 ở Hàn Quốc là do tự tử. Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc năm 2017, các vấn đề tâm lý là lý do tự sát phổ biến nhất của những người 21-30 tuổi, chiếm 40,1%, vượt xa nguyên nhân về khó khăn tài chính và rắc rối trong các mối quan hệ.
"Chúng tôi phải cẩn thận trong mọi chuyện, chịu đựng nỗi đau không thể chia sẻ ngay cả với bạn bè và gia đình. Các bạn đều có quyền tự do ngôn luận, nhưng xin hãy nhìn lại bản thân trước khi đăng một bình luận ghét bỏ được không?", Goo Hara chia sẻ hồi đầu năm.
Cái chết của cô gái trẻ một lần nữa làm dấy lên làn sóng yêu cầu chính phủ Hàn Quốc trừng phạt nặng hơn với những kẻ bình luận ác ý và tội phạm mạng. Đơn kiến nghị thu thập được hơn 20.000 chữ ký trong vòng chưa đầy một ngày. "Cách đây không lâu, chúng tôi cũng mất một người vì bình luận ghét bỏ. Chuyện này không thể tái diễn. Xin hãy bảo vệ người dân khỏi những lời chỉ trích đang lan truyền như virus", lá đơn viết.
Sau khi Sulli qua đời, người dân cũng nộp đơn kiến nghị lên trang web của Nhà Xanh và đề xuất "Đạo luật Sulli" để tưởng nhớ nữ thần tượng, trong đó đưa ra các yêu cầu về xác minh ID cho những bình luận trên mạng, cũng như hình phạt đối với những nhà báo xâm phạm quyền riêng tư của người nổi tiếng và tung tin đồn gây tổn hại. Các nghị sĩ Hàn Quốc cũng đang thúc đẩy những quy định nhằm giải quyết vấn nạn "thù ghét ẩn danh" này.
Hiệp hội Quản lý Giải trí Hàn Quốc cũng từng ra tuyên bố hành động quyết liệt hơn để bảo vệ người nổi tiếng. "Chúng tôi sẽ đưa những người bình luận ác ý ra ánh sáng, đồng thời gửi kiến nghị tới các cơ quan điều tra và chính phủ để trừng phạt họ nghiêm khắc", hiệp hội cho hay.
Cũng như sau khi Sulli qua đời, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc dường như lắng xuống với sự ra đi của Goo Hara và xuất hiện nhiều bình luận thương tiếc trên mạng. Tuy nhiên, chuyên gia Pastreich cho biết tình huống này sẽ không tồn lại lâu và "cơn khát bê bối" của công chúng sẽ thúc đẩy truyền thông nhắm mục tiêu sang một ngôi sao khác.
Ánh Ngọc (Theo AFP, NPR, DW, Korea Herald)
Từ khóa » Goo Hara Tự Sát Nguyên Nhân
-
Goo Hara Tự Tử Vì áp Lực đau Buồn Khi Sulli Chết, Người Yêu Cũ Dọa ...
-
Người Thân Tiết Lộ Bất Ngờ Về Goo Hara Trước Khi Tự Tử
-
Từ Cái Chết Của Goo Hara: Ca Sĩ Trẻ - ánh Hào Quang Và Nỗi Cô đơn!
-
Nữ Ca Sĩ Hàn Quốc Tự Tử Không Thành Tại Nhà Riêng
-
Tưởng Niệm 2 Năm Goo Hara (KARA) Qua đời: Fan Vẫn Tiếc Thương ...
-
Nói Ca Sĩ Goo Hara Tự Tử Do 'quá Yếu đuối', Giáo Sư đại Học Bị Chỉ ...
-
2 Năm, Chúng Ta Mất Cả Jong-hyun, Sulli Lẫn Goo Hara: Rốt Cuộc Thì ...
-
Tròn 2 Năm Ngày Mất Của Goo Hara: Trưởng Nhóm KARA Vẫn đau ...
-
334 Ngày Kbiz Chìm Trong Hố đen địa Ngục: Gần Chục Sao Qua đời ...
-
Những Bí ẩn đằng Sau Cái Chết Của Nữ Thần Tượng Quá Cố Sulli
-
Nam Diễn Viên Hàn Quốc Cha In Ha đột Ngột Qua đời ở Tuổi 27
-
Tình Cũ Cố Thần Tượng Goo Hara Y án 1 Năm “bóc Lịch”
-
10 Mỹ Nhân Hàn Qua đời Khi Còn Trẻ
-
Tự Tử Bất Thành, Nữ Ca Sĩ Xin Lỗi Công Chúng