Văn Học Với Người Lính Hôm Nay, Một Góc Nhìn

QĐND - 1. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã sản sinh ra đội ngũ nhà văn mang áo lính đông đảo. Dòng văn học chiến tranh yêu nước thấm đẫm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tràn đầy lòng lạc quan. Từ người Vệ quốc quân đến Giải phóng quân, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ là nhân vật trung tâm của văn học Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, nhiều hy sinh mất mát. Có những tác phẩm viết về chiến tranh và người lính mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao trở thành quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc.

Thời kháng chiến chống Pháp có Đồng chí của Chính Hữu; Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm); Tây Tiến (Quang Dũng); Các anh về (Hoàng Trung Thông); Đèo Cả (Hữu Loan); Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ); Thăm lúa (Trần Hữu Thung); Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Tố Hữu)… Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi; Núi Đôi của Vũ Cao dù hoàn thành sau năm 1954 vẫn mang âm hưởng của chín năm kháng chiến. Văn xuôi thời này chưa mạnh nhưng không thể không kể tới truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao; Một lần tới Thủ đô của Trần Đăng; Thư nhà của Hồ Phương và tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi…

Thời chống Mỹ, đội ngũ cầm bút mang áo lính đông đảo và những tác phẩm của họ sớm hòa nhập, cộng hưởng vào khí thế Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước (Thơ Tố Hữu) của dân tộc. Có thể kể tới những tác phẩm thơ: Quê hương (Giang Nam); Mẹ (Phạm Ngọc Cảnh); Cuộc chia ly màu đỏ (Nguyễn Mỹ);  Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật); Nấm mộ và cây trầm (Nguyễn Đức Mậu); Bầu trời vuông (Nguyễn Duy); Cây xấu hổ (Anh Ngọc); Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân); Chuyến đò đêm giáp ranh (Hữu Thỉnh); các trường ca: Bài ca chim chrao (Thu Bồn); Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm)… Những năm cuối chiến tranh và vài chục năm đầu thời hậu chiến, nhiều trường ca có giá trị về nội dung và nghệ thuật của thế hệ nhà thơ chống Mỹ lần lượt ra đời, được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng, như: Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh; Những người đi tới biển của Thanh Thảo; Trường ca Sư đoàn (Nguyễn Đức Mậu); Sông Mê Công bốn mặt (Anh Ngọc)… Dư âm của một số truyện ngắn và tiểu thuyết viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ còn đọng lại mang vẻ đẹp anh hùng, lãng mạn của quá khứ như các truyện ngắn: Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng); Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu); Chiến sĩ quân bưu (Đỗ Chu); Rừng xà nu (Nguyên Ngọc); Mầm sống (Triệu Bôn)… Các tiểu thuyết: Hòn đất (Anh Đức); Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu); Vùng trời (Hữu Mai); Mở rừng (Lê Lựu); Nắng đồng bằng (Chu Lai); Trong cơn gió lốc (Khuất Quang Thụy)…

Sau năm 1975, đặc biệt từ khi đất nước đổi mới, do có độ lùi về thời gian, sự cởi mở thoáng đãng trong nhìn nhận đánh giá văn học và được tiếp nhận nhiều phương pháp sáng tác nên các tác phẩm viết về chiến tranh và người lính cũng đa dạng, đa chiều hơn. Cũng như nhiều nhà văn khác, những người cầm bút chiến sĩ trong tiến trình đổi mới đã bước qua thời đoạn nhận thức ban đầu với sự suy ngẫm điềm tĩnh, sâu sắc hơn về xã hội và con người để nhìn lại quá khứ một cách tỉnh táo, công bằng, sâu sắc hơn ở nhiều góc độ, phương diện, tầng nấc khác nhau. Cái nhìn về ta-địch cũng không còn phiến diện, sơ lược, cực đoan như trước đây nữa. Xu hướng phản ánh miêu tả cuộc chiến tranh đúng như nó đã xảy ra trở thành phổ biến. Bên cạnh tô đậm thêm, lý giải sâu sắc hơn về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng tập thể cao cả, người cầm bút không ngần ngại phản ánh sự hy sinh mất mát to lớn của dân tộc, những sai lầm, khiếm khuyết, những ấu trĩ non nớt của chúng ta ở một thời đã qua. Văn chương thật hơn trong việc miêu tả hành động cao cả hay thấp hèn, những thân phận, cảnh huống trắc trở éo le, những thầm kín bản năng con người. Những tác phẩm thơ như trường ca Biển của Hữu Thỉnh; Mở bàn tay gặp núi (Nguyễn Đức Mậu); Đổ bóng xuống mặt trời  (Trần Anh Thái)… cũng như một số tập thơ của Phạm Ngọc Cảnh, Phùng Khắc Bắc, Vương Trọng, Nguyễn Hồng Hà, Đỗ Trung Lai… cùng với các tác phẩm văn xuôi như Miền cháy, Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu; Thời xa vắng (Lê Lựu); Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai); Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); Chim én bay (Nguyễn Trí Huân); Mây cuối chân trời (Nguyễn Trọng Oánh); Lính trận (Trung Trung Đỉnh); Thượng Đức (Nguyễn Bảo)… đã phần nào minh chứng cho nhận định trên.

2. Văn học nước ta trong thời kỳ đổi mới, theo tôi nghĩ, không còn Vấn đề trung tâm và Nhân vật trung tâm nữa. Dĩ nhiên, đề tài chiến tranh và người lính không phải là quan tâm hàng đầu của nhiều người viết và bạn đọc hiện nay. Những vấn đề bức xúc, nóng sốt trong xã hội và thân phận con người được các nhà văn và cả công chúng quan tâm cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều ai cũng thấy là công cuộc dựng xây đất nước luôn song hành với bảo vệ Tổ quốc. Sau năm 1975, người lính vẫn phải bước vào các cuộc chiến tranh không thể nói là không khốc liệt ở biên giới Tây Nam, Cam-pu-chia, biên giới phía Bắc. Máu chiến sĩ ta vẫn phải đổ xuống trong cuộc chiến đấu giữ gìn chủ quyền Tổ quốc. Nơi gian nan, nguy hiểm, xa xôi nhất vẫn phải do người lính bám trụ, đối mặt như biên cương, hải đảo. Và, đây nữa, trên nhiều công trình thế kỷ, nhiều thời điểm cam go như thiên tai vẫn không vắng bóng người lính. Tôi nghĩ, hiện thực cuộc sống như thế đủ tác động vào cảm xúc, suy ngẫm của người cầm bút và trở thành phôi liệu để họ có những tác phẩm ấn tượng về bộ đội hôm nay.

Sau năm 1975 đến nay, tuy chưa thật rầm rộ nhưng cũng đã xuất hiện một số tác phẩm tốt viết về người lính hôm nay. Đó là, các trường ca: Biển (Hữu Thỉnh); Đảo chìm và Hơi thở rừng hồi (Vương Trọng); Cổ tích làng Cát (Mai Nam Thắng); Tổ quốc-đường chân trời (Nguyễn Trọng Văn); Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến); Hạ thủy những giấc mơ (Nguyễn Hữu Quý)... Đó là, các tiểu thuyết: Hoang tâm, Xác phàm (Nguyễn Đình Tú); Giời cao đất dày (Bùi Thanh Minh); Đảo chìm (Trần Đăng Khoa); Biển xanh màu lá (Nguyễn Xuân Thủy); các tập truyện ngắn, bút ký: Người về bến sông Châu của Sương Nguyệt Minh; Gió đi dưới trời  (Phùng Văn Khai)… Trên Tạp chí Văn nghệ quân đội thường xuyên xuất hiện những tác phẩm viết về bộ đội hôm nay của các tác giả: Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Xuân Thủy, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Quốc Trung, Hồ Kiên Giang, Sương Nguyệt Minh, Thái Nam Anh, Phạm Thanh Khương, Phạm Vân Anh…

Hình ảnh người lính hôm nay của đủ các quân, binh chủng hầu như đã được khắc họa trên các tác phẩm văn học như tiểu thuyết, trường ca, thơ, truyện ngắn, bút ký, lý luận phê bình. Tuy nhiên, sòng phẳng mà nói, tác phẩm văn học về bộ đội hôm nay còn ít về số lượng và nhìn chung chưa cao về chất lượng. Văn học chưa theo kịp với hiện thực đời sống, chưa ngang tầm với những cống hiến hy sinh của cán bộ, chiến sĩ ta. Văn học về người lính hôm nay hình như chưa chạm tới chiều sâu tâm hồn của họ, phần nhiều vẫn chỉ là sự ghi chép chung chung, mang tính biểu dương là chính. Không phải ngẫu nhiên mà trước khi trình bày văn học về người lính hôm nay, tôi đã sơ bộ điểm qua những tác phẩm xuất sắc thời đánh Pháp, đánh Mỹ. So sánh chúng ta thấy, hiện nay chưa có nhiều tác phẩm viết về bộ đội xuất sắc, tạo ấn tượng sâu và rộng trong công chúng như thời chống Pháp, chống Mỹ. Thời nào cũng thế, chiến tranh hay hòa bình, người lính cũng đều phải gánh gồng những gian nan, thiệt thòi rất lớn. Trung với nước, hiếu với dân vẫn là phẩm chất nổi trội của Bộ đội Cụ Hồ nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì họ vẫn phải bị tác động bởi rất nhiều yếu tố từ tích cực đến tiêu cực của xã hội. Những người lính hôm nay được sống trong một thế giới phẳng, quá nhiều thông tin ùa vào họ, quá nhiều lựa chọn dành cho họ trong kết nối với xã hội. Vậy thì, văn học phải viết như thế nào đây để cho người lính đọc vào thấy được diện mạo, tâm hồn, hoàn cảnh thật của mình trong đó. Và, từ đấy, họ nhận được những đồng cảm chia sẻ, những bồi đắp cao đẹp cho nhân cách, tâm hồn mình. Đó cũng là nhân tố tạo nên sức mạnh cho Quân đội mà không nói ra chắc ai cũng thấm thía. Nhà văn không phải là chính ủy nhưng bằng những tác phẩm hay họ sẽ vun đắp, thắp sáng trong mỗi người lính tình yêu đất nước nồng nàn và ngọn đèn nhân văn rạng rỡ. Thiết nghĩ, trong công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, không chiến sĩ nào không mong chờ những tác phẩm văn học hay viết cho người lính, vì người lính.

NGUYỄN HỮU QUÝ

 

Từ khóa » Các Tác Phẩm Về đề Tài Người Lính