Văn Mẫu Thuyết Minh Về Chiếc Nón Lá Việt Nam Lớp 8 Chọn Lọc

Nội dung bài viết

  1. Dàn ý thuyết minh về chiếc nón lá chi tiết nhất
  2. Bài văn mẫu Thuyết minh về chiếc nón lá số 1 ngắn gọn
  3. Bài văn mẫu 2: Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam chọn lọc hay nhất
  4. Bài văn mẫu Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam số 3 tuyển chọn
  5. Bài văn mẫu Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam số 4
  6. Bài văn mẫu số 5: Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam hay nhất

Mời các bạn cùng tham khảo Văn mẫu Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam lớp 8 được chúng tôi chọn lọc và giới thiệu ngay dưới đây nhằm giúp các em học sinh mở rộng vốn từ và tham khảo thêm các ý tưởng cho bài viết của mình.

Dàn ý thuyết minh về chiếc nón lá chi tiết nhất

1. Mở bài

Giới thiệu vài nét về chiếc nón lá Việt Nam.

2. Thân bài

a. Cấu tạo

Các cấu tạo chung như hình dáng, màu sắc, vật liệu làm nón lá,…

Làm (chằm) nón:

+ Sườn nón sẽ được làm bằng các nan tre. Các nan tre sẽ được uốn thành vòng tròn. Đường kính vòng tròn lớn nhất khoảng 40 – 50 cm. Các vòng tròn sẽ nhỏ dần, từ ngoài vào trong đến trung tâm chiếc nón.

+ Chằm nón: đặt lá lên sườn nón rồi dùng dây cước và kim khâu để chằm nón tạo thành hình chóp.

+ Xử lý lá: lá cắt về phơi khô, xén tỉa theo kích thước phù hợp.

+ Trang trí: sau cùng là công đoạn trang trí, người làm sẽ quét một lớp dầu bóng để chống nắng, mưa cũng như làm đẹp.

Các địa điểm làm nón lá nổi tiếng: các địa điểm làm nón lá nổi tiếng tại nước ta: Huế, Quảng Bình, Hà Tây (làng Chuông),…

b. Công dụng

- Chiếc nón lá có ý nghĩa giá trị vật chất và giá trị tinh thần đối với con người.

Trong cuộc sống nông thôn: Người ta dùng nón khi nào? công dụng gì? Những hình ảnh đẹp gắn liền với chiếc nón lá.

Sự gắn bó giữa chiếc nón lá và người dân ngày xưa: Trong câu thơ, ca dao: nêu các ví dụ. Câu hát giao duyên: nêu các ví dụ

- Trong cuộc sống hiện đại: Trong sinh hoạt hàng ngày và trong các lĩnh vực khác (Nghệ thuật, du lịch).

c. Bảo quản

Chiếc nón lá phủ lên 2 mặt 1 lớp nhựa thông pha với dầu hỏa. Cóp nón khâu thêm 1 mảnh vải nhỏ để bảo vệ khỏi va quệt trầy xước khi sử dụng.

3. Kết bài

Đưa ra nhận định về vai trò, cũng như cảm nghĩ về chiếc nón lá trong đời sống con người Việt Nam.

Bài văn mẫu Thuyết minh về chiếc nón lá số 1 ngắn gọn

Chiếc nón lá từ lâu đời đã gắn bó và trở thành một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam theo bề dày hàng nghìn năm lịch sử. Để làm nên một chiếc nón đòi hỏi người thợ phải thật tỉ mỉ và tinh tế. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về quy trình cũng như những thông tin về chiếc nón thông qua bài văn mẫu này nhé.

Chiếc nón lá có lịch sử rất lâu đời. Hình ảnh tiền thân của chiếc nón lá đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lữ, thạp đồng Đào Thịch vào khoảng 2500 – 3000 năm trước công nguyên. Từ xa xưa, nón lá đã hiện diện trong đời sống hằng ngày của người và gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, chiếc nón lá và nghề chằm nón vẫn được duy trì, gắn bó và tồn tại đến ngày nay.

Ở nước ta, nón lá được làm chủ yếu bằng nghề thủ công. Để làm nên một chiếc nón hoàn chính và đẹp đẽ, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn, khéo léo. Đầu tiên, họ phải chọn ra những chiếc lá đều nhau, có chất liệu và màu sắc tương đối giống nhau. Nón được làm chủ yếu từ lá cọ, lá dừa. Người thợ phải chế biến lá thật kĩ càng để lá đạt đến một độ dẻo dai nhất định phục vụ quá trình đan lát. Sau bước chọn lá, người thợ tiến hành chọn chất liệu làm khung nón, thường khung nón được làm bằng tre, trúc. Người ta tỉ mỉ chuốt từng thanh tre, trúc thành những chiếc que rất nhỏ (to hơn chiếc tăm một chút) và có chiều dài to nhỏ khác nhau; sau đó người ta uốn cong thanh tre đấy thành vòng tròn và dùng một sợi chỉ thật chắc chắn để buộc cố định lại. Người ta lấy một thanh tre cứng hơn sau đó sắp xếp những vòng tròn từ nhỏ đến lớn thành hình chóp nón, mỗi vòng cách nhau từ 3 - 5cm để làm khung nón. Sau khi làm khung xong, người ta tiến hành đan nón. Những sợi lá dừa, lá cọ được đan khéo léo quanh chiếc khung và buộc chúng vào khung bằng sợi chỉ màu sắc. Bên trong chiếc nón thường được thiết kế để buộc chiếc quai. Quai nón là một mảnh vải làm bằng lụa, von,… có màu sắc khác nhau để cho chiếc nón thêm tươi đẹp. Bên trong nón, người ta thường khắc lên những bài thơ, những bài ca dao thơ mộng và đó cũng là tiền đề ra đời “chiếc nón bài thơ”. Phần bên ngoài người ta bọc lá dứa, lá cọ lại bằng một lớp nilong trong suốt để bảo vệ, tránh làm rách lá hoặc hư hại lá do tiếp xúc với ánh nắng mà vẫn giữ được vẻ đẹp, tính thẩm mĩ cho chiếc nón.

Ở Việt Nam có làng nghề làm nón ở Huế vô cùng nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch. Những chiếc nón lá trải đi khắp nẻo đường và trở thành thân quen trong đời sống thường nhật của người phụ nữ. Chiếc nón lá không chỉ là vật dụng thiết thân, người bạn thủy chung với người lao động dùng để đội đầu che mưa, che nắng khi ra đồng, đi chợ, là chiếc quạt xua đi những giọt mồ hôi dưới nắng hè gay gắt mà còn là vật làm duyên, tăng nét nữ tính của người phụ nữ. Trong nghệ thuật, tiết mục múa nón của các cô gái với chiếc áo dài duyên dáng thể hiện nét dịu dàng, mềm mại kín đáo của người phụ nữ Việt Nam đã nhiều lần xuất hiện và đều nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả.

Ở Việt Nam hiện nay có nhiều loại nón khác nhau: nón quai thao, nón dấu, nón ngựa, nón thúng,… mỗi loại nón có đặc điểm và cấu tạo khác nhau nhưng cùng mang đặc điểm điểm tô cho người phụ nữ, cho cuộc đời thêm xinh đẹp hơn. Muốn nón lá được bền lâu, chúng ta nên đội khi trời nắng, tránh đi mưa. Nếu đi mưa về thì lau khô và phơi nón ở chỗ mát. Sau khi sử dụng nên cất vào chỗ bóng râm, không phơi ngoài nắng sẽ làm cong vành, lá nón giòn và ố vàng sẽ khiến nón nhanh hỏng hơn đồng thời mất đi tính thẩm mĩ.

Nón lá từ lâu đã đi vào thơ ca, gắn liền với nhiều thế hệ con người Việt Nam và xuất hiện trong những dịp đặc biệt như: đám cưới,… nó trở thành một nét đẹp mà bất cứ du khách nào ghé đến Việt Nam cũng phải trầm trồ, suýt xoa. Dù cho đất nước, xã hội ngày càng phát triển thế nào thì chiếc nón vẫn luôn giữ vững giá trị tốt đẹp của nó và mãi là người bạn thân thiết của chúng ta.

Bài văn mẫu 2: Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam chọn lọc hay nhất

Nón lá là hình ảnh bình dị, thân quen gắn liền với tà áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Từ xưa đến nay, nhắc đến Việt Nam du khách nước ngoài vẫn thường trầm trồ khen ngợi hình ảnh chiếc nón lá – tượng trưng cho sự thanh tao của người phụ nữ Việt. Nón lá đã đi vào ca dao, dân ca và làm nên văn hóa tinh thần lâu đời của Việt Nam.

Bạn có còn nhớ trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm, chiếc nón lá hiện lên rất tự nhiên, gần gũi:

Sao anh không về thăm quê em Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên Bàn tay xây lá, tay xuyên nón Mười sáu vành, mười sáu trăng lên

Như vậy mới thấy được rằng nón là là biểu tượng cho sự dịu dàng, bình dị, thân thiện của người phụ nữ Việt từ ngàn đời nay.

Chiếc nón lá ra đời từ rất lâu, khoảng 2500-3000 năm TCN. Lịch sử hình thành và lưu giữ cho đến ngày nay đã chứng tỏ được sự bền vững của sản phẩm này. Chiếc nón lá hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của người dân việt, đặc biệt là người phụ nữ; hiện diện trong những lời kể của bà, của mẹ và hiện diện trong các cuộc thi gìn giữ nét đẹp văn hóa.

Nhắc đến nón lá thì chắc chắn mọi người sẽ nghĩ đến ngay đến Huế, mảnh đất nên thơ, trữ tình có tà áo dài và nụ cười duyên của cô gái Huế. Huế cũng được biết là nơi sản xuất nón lá với nhiều thương hiệu nổi tiếng. Những làng nghề làm nón lá ở Huế đã thu hút không ít khách du lịch ghé thăm và chọn sản phẩm này làm quà.

Để làm được chiếc nón lá đẹp thì người làm cần phải tinh tế, tỉ mỉ từ khâu lựa chọn nguyên liệu, cách phơi lá, cách khâu từng đường kim mũi chỉ. Người ta vẫn bảo làm ra một chiếc nón lá cần cả một tấm lòng là vì vậy.

Nón lá có thể được làm từ lá dừa hoặc lá cọ. Mỗi loại lá lại mang đến sự khác nhau cho sản phẩm. Thường thì những sản phẩm nón làm từ lá dừa có nguồn gốc từ Nam Bộ, vì đây là nơi trồng dừa nhiều. Tuy nhiên làm từ lá dừa sẽ không đẹp và tinh tế như lá cọ. Lá cọ có độ mềm mại, chắc chắn hơn. Khi lựa chọn lá cũng phải chọn những chiếc lá có màu xanh, bóng bẩy, có nổi gân để tạo nên điểm nhấn cho sản phẩm. Quá trình phơi cho lá mềm để dễ làm cũng cần từ 2-4 tiếng, lá vừa mềm vừa phẳng.

Khâu làm vành nón là khâu vô cùng quan trọng để tạo khung chắc chắn cho sản phẩm. Người dùng cần phải lựa chọn nan tre có độ mềm và dẻo dai. Khi chuốt tre thì cần phải chuốt tỉ mỉ để đến khi nào có thể uốn cong mà không sợ gãy. Sau đó người dùng sẽ uốn theo những đường kính từ nhỏ đến lớn tạo thành khung cho nón lá sao cho tạo thành một hình chóp vừa vặn.

Khi đã tạo khung và chuẩn bị lá xong đến giai đoạn chằm nón. Đây là giai đoạn giữ cho khung và lá bám chặt vào nhau. Thường thì người làm sẽ chằm bằng sợi nilong mỏng nhưng có độ dai, màu trắng trong suốt.

Lúc chiếc nón đã được khâu xong thì người dùng bắt đầu quết dầu làm bóng và phơi khô để dầu bám chặt vào nón, tạo độ bền khi đi nắng mưa.

Đi dọc miền đất nước, không nơi nào chúng ta thấy sự hiện diện của chiếc nón lá. Nó là người bạn của những người phụ nữ khi trời nắng hoặc trời mưa. Không chỉ có công dụng che nắng, che mưa mà nón lá còn xuất hiện trong các tiết mục nghệ thuật, đi đến các nước bạn trên thế giới. Nét đẹp văn hóa của nón lá chính là nét đẹp cần được bảo tồn và gìn giữ. Nhắc đến nón lá, chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến tà áo dài Việt Nam, bởi rằng đây là hai thứ luôn đi liền với nhau, tạo nên nét đặc trung riêng của người phụ nữ Việt Nam từ ngàn đời nay.

Để giữ chiếc nón lá bền với thời gian thì người dùng cần phải khéo léo, bôi dầu thường xuyên để tránh làm hỏng hóc, sờn nón.

Chiếc nón lá Việt Nam là sản phẩm của người Việt, làm tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ, và khẳng định sự tồn tại lâu đời của sản phẩm này.

Bài văn mẫu Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam số 3 tuyển chọn

Chiếc nón lá Việt Nam là một hình ảnh khá đời thường và gần gũi với mỗi chúng ta. Nó gắn bó với chúng ta từ tấm bé đến khi trưởng thành. Đó là chiếc nón của mẹ quạt mát cho con, là chiếc nón của những bạn gái học chung trường hay chiếc nón lá của những buổi làm đồng vất vả… Chiếc nón lá không chỉ để che nắng che mưa mà còn điểm thêm nét duyên dáng cho hình ảnh của người phụ nữa Việt Nam ta.

Chiếc nón lá được làm từ những nguyên liệu đơn giản như lá cọ, tre làm khung, móc và chỉ tơ. Trông đơn giản nhưng để làm nên một chiếc nó lá đẹp là cả sự tỉ mỉ và kì công của những người thợ giỏi. Bởi nó có hình chóp đều và xòe tròn mở rộng ra phía dưới. Để làm được một chiếc nó đẹp, tròn đều như vậy trước hết là công việc vót tre. Tiếp sau đó, những vành tre được uốn cong cẩn thận làm vành nón. Đây là bộ khung vững chắc và nhẹ nhàng cho chiếc nón lá của chúng ta.

Một bộ phận vô cùng quan trọng là lớp lá cọ. Phải chọn những lá cọ non tươi rồi phơi cho thật trắng. Ở giữa hai lớp lá cọ là lớp mo nang được lấy từ mo nứa, mo tre phơi khô để làm cho chiếc nón nhẹ hơn. Sau khi làm nón xong, ta có thể hơ trên hơi lửa để tránh mốc và làm lá cọ trắng hơn. Một bộ phận không thể thiếu của chiếc nón lá chính là quai nón. Quai nón có thể làm bằng chất liệu vải lụa, vải the hay nhiều loại vải khác. Để tăng vẻ đẹp của chiếc nón lá, người ta có thể quét một lớp dầu thông bóng lên trên hoặc trang trí với nhiều hoa văn rất đẹp mắt.

Có thể nói nghề làm nón lá là sự đúc kết tinh hoa dân tộc của ông cha ta qua bao thế hệ nay. Nhìn chiếc nón lá Việt Nam khá đơn giản nhưng để làm nên được nó là cả tâm huyết của những người thợ. Một chiếc nó lá được làm ra phải đảm bảo tính chống nước khi trời mưa và tính chống nắng trong những ngày nắng chói chang. Ở Việt nam có nhiều làng nghề làm nón nổi tiếng như: nón bài thơ ở Huế nhẹ nhàng, thanh mãnh; nón làng Chuông (Hà Tây cũ) bền đẹp nổi tiếng; nón Nam Định, Quảng Bình…

Chiếc nón lá vừa là một vật dụng vừa là một người bạn thân thiết của chúng ta. Nón dùng để che nắng cho những buổi làm đồng. Nón che ta khỏi ướt dưới những cơn mưa rào bất chợt. Không chỉ vậy, nón còn là một món quà kỉ niệm, một món quà lưu niệm quý giá. Chiếc nón lá Việt Nam xuất hiện rất nhiều trong các cuộc thi mang tầm thế giới như một biểu tượng đẹp của đất nước Việt Nam. Và chiếc nón lá một hình ảnh gắn liền với người phụ nữ Việt Nam đẹp dịu dàng, thướt tha mỗi khi sánh bước đi trong tà áo dài truyền thống.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có rất nhiều loại nón mới lạ và đẹp mắt. Tuy nhiên, chiếc nón lá vẫn khẳng định vị trí của mình. Đi ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc nón lá vô cùng dễ thương. Nón lá là tuổi thơ, là kỉ niệm là những hoài niệm đẹp. Nó gắn liền với những ngày nhọc nhằn, khó khăn của cha mẹ. Để rồi hôm nay, nó được tỏa sáng và vinh danh trước bạn bè thế giới. Hãy trân trọng chiếc nón lá như trân trọng chính những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Bài văn mẫu Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam số 4

Một hình ảnh đẹp về con người Việt Nam đó là phong tục, là ẩm thực, là lý tưởng hòa bình. Không ai có thể quên được chiếc bánh chưng xanh, cánh đồng lúa chín, tà áo dài Việt và cả chiếc nón lá.

Nón lá từ lâu đã trở thành nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Chắc hẳn ai đó vẫn còn nhớ, hình ảnh người con gái Việt mặc áo dài, tay cầm nón lá đã trở thành biểu tượng du lịch. Quả thực hình ảnh ấy có sức gợi cảm rất tốt. Đó là điểm ấn tượng của chúng ta đối với du khách và bạn bè quốc tế. Tại sao lại như vây? Tà áo dài là trang phục truyền thống của chúng ta, vậy còn nón lá thì sao? Nón lá là vật dụng không thể thiếu của người Việt. Bởi lẽ, chúng ta là một nước nông nghiệp, việc làm ngoài trời rất nhiều lại cộng thêm thời tiết nhiệt đới nắng nóng nên cần có một vật dụng tiện lợi để che nắng khi làm việc và nón lá ra đời. Hình ảnh những chiếc nón trắng mấp mô giữa đồng luôn là hình tượng khó có thể phai nhòa. Không chỉ thế, nón lá còn ra đời ở Huế – địa điểm hội tụ những tinh hoa văn hóa của người Việt, từ lịch sử, cho đến ẩm thực, các loại hình nghệ thuật giải trí. Do đó, chiếc nón lá ngày càng trở nên quen thuộc với khách thập phương.

Nón lá cũng giống như các loại mũ khác có công dụng che nắng, che mưa. Nón lá có dạng hình chóp (hình nón). Đáy nón lá tròn trịa thường có đường kính khoảng 60 cm. Tuy nhiên ngày nay, nón lá không chỉ được sản xuất để đội đầu mà còn dùng làm vật trang trí nên đường kính có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn rất đa dạng. Nón lá thường được làm bằng lá cọ hoặc lá dừa. Bởi tính chất dai, không thấm nước và héo lụi khi gặp nắng của hai loại lá này nên người ta chọn để làm nón. Cái tên nón lá cũng xuất phát từ hình dáng cũng như nguyên liệu chính để làm nón. Ngoài ra, nguyên liệu làm nón còn có nan tre, kim chỉ, hình ảnh trang trí. Trước tiên là về lá làm nón. Lá dừa hoặc lá cọ sẽ được chọn lựa kĩ càng. Thường nón sẽ được làm bằng lá cọ nhiều hơn. Vì lá cọ mềm mại và dai hơn lá dừa. Lá làm nón phải đủ tiêu chuẩn xanh, nổi gân, bóng bẩy. Lá được chọn sẽ man về đem phơi héo từ 2 đến 4 tiếng để lá mềm hơn. Khi lá mềm, lá sẽ phẳng sẵn sàng để làm thành nón. Nguyên liệu tiếp theo là nan tre. Nan tre được chế biến từ thân cây tre, có độ mềm dẻo dễ uốn nắn. Nan tre thường được vót tròn đường kính khoảng 1 đến 2 cm. Nan tre là vật dụng dễ kiếm ở Việt Nam. Bởi nó được là từ cây tre, một loài cây mọc thành bụi, có tốc độ tăng trưởng và phát triển rất nhanh. Nguyên liệu cuối cùng là kim chỉ màu và hình ảnh trang trí, sơn dầu.

Sau khi đã chuẩn bị được đầy đủ các loại nguyên liệu, người làm nón sẽ bắt đầu vào các giai đoạn các bước làm thành sản phẩm – nón lá. Trước tiên là khâu làm vành nón. Đây là khâu vô cùng quan trọng để tạo ra sự chắc chắn cũng như bền đẹp của chiếc nón. Vành nón được làm bằng nan tre, người làm nón sẽ dùng sự khéo léo của mình để uốn nan tre đó thành những vòng tròn có đường kính từ nhỏ đến lớn sao cho tạo thành một hình chóp vừa vặn. Khung nón đã xong. Tiếp theo là giai đoạn chằm nón. Giai đoạn này, người làm nón sẽ dùng một loại dây có chất liệu đặc biệt, có độ dai và màu trong suốt được làm từ nilon hoặc polieste. Nhờ loại dây chỉ đặc biệt này mà khung nón và lá nón được gắn kết với nhau. Người làm nón sẽ lấy từng lớp lá từng lớp để khâu tỉ mỉ chúng chắc chắn vào khung nón. Làm xong giai đoạn chằm nón này có thể được coi như đã thành sản phẩm hoàn chỉnh. Bước cuối cùng là trang trí và hoàn tất sản phẩm. Trang trí nón lá có rất nhiều cách. Thường họ sẽ thiếu hình ảnh hoặc chữ nên trên bề mặt nón hoặc bên trong nón có khâu kèm các hình ảnh thần tượng hoặc diễn viên. Ngày nay, trang trí nón rất đa dạng và không giới hạn, đảm bảo yêu cầu thẩm mĩ của người tiêu dùng. Cuối cùng sau khi trang trí xong, họ sẽ phết một lớp sơn dầu để tạo độ bóng cho bề mặt ngoài nón và để bảo quản độ bền màu cũng như độ mềm của lá nón khi sử dụng. Bây giờ, người dùng chỉ cần chọn quai nón theo sở thích là có thể dùng được. Dây quai nón thường là một dải lụa hoặc vải tổng hợp, chiều dài từ 70 đến 80 cm. Dây quai nón có tác dụng giữ chắc nón trên đầu khi sử dụng hoặc để treo nón lên cao khi không sử dụng đến. Giúp việc sử dụng và bảo quản nón dễ dàng hơn.

Ngày nay, nón lá được biết đến không chỉ là vật dụng không thể thiếu của các chị em, các bà các mẹ mà còn trở thành món quà lưu niệm của du khách, một đạo cụ trên sân khấu nghệ thuật. Nón lá đã trở thành một điểm đẹp nền văn hóa của nước ta. Là người Việt, không ai là không biết đến hình ảnh nón Huế nghiêng nghiêng của người con gái. Một biểu tượng dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam – nón lá.

Bài văn mẫu số 5: Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam hay nhất

Nhắc đến người con gái Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay tới hình ảnh người con gái với áo dài và nón lá. Chiếc nón lá vừa là hình ảnh quen thuộc, gần gũi với người phụ nữ vừa là một biểu tượng văn hóa của một nét đẹp nghìn năm văn hiến.

Thật vậy, ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam chúng ta đều rất dễ bắt gặp hình ảnh những chiếc nón lá mộc mạc, đơn sơ nhưng nó lại ẩn chứa một vẻ đẹp thuần hậu. Không chỉ đơn thuần là vật dụng che mưa che nắng của người phụ nữ chân quê, mà nó còn là món quà tinh thần ý nghĩa của Việt Nam. Bạn bè quốc tế đến thăm hay khách du lịch đến Việt Nam thì đều được tặng những chiếc nón lá như là một kỉ niệm đẹp và để tỏ lòng mến khách của người Việt.

Nón lá xuất hiện từ khoảng 2500-3000 TCN và được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Đối với người phụ nữ Việt thì nón lá là một vật dụng quan trọng trong cuộc sống của họ. Trước hết, nón là dùng để che mưa che nắng. Các bà, các mẹ, các chị từ xa xưa đã đội nón lá đi làm đồng, đi chợ và cả đi chơi hội nữa. Ngày tiễn con gái về nhà chồng, bà mẹ cũng thường trao cho con chiếc nón lá với bao lời nhắn gửi yêu thương.

Không chỉ có tính sử dụng trong thực tế, chiếc nón lá còn hướng tới mục đích làm đẹp, làm duyên cho người phụ nữ Việt. Dưới vành nón lá trắng phau, đôi mắt đen láy, nụ cười chúm chím, lúm đồng tiền, những sợi tóc mai hay cái gáy trắng ngần của cô gái dường như được tôn thêm nét duyên dáng, e thẹn, vừa kín đáo lại vừa quyến rũ, mê đắm.

Từ trong đời sống thường ngày, chiếc nón lá còn đi vào thơ ca, nhạc họa, gợi nguồn cảm hứng cho nhạc, cho thơ. Đã có không ít những bài hát về chiếc nón lá: “Một chiều làng quê trên đường đê lối nhỏ đi về, nụ cười đưa duyên em thẹn thùng trong nón lá che nghiêng” hay “Một người con gái, đứng nghiêng nghiêng vành nón lá. Đường chiều bờ đê, lối xưa kỉ niệm thiết tha”…. Chiếc nón lá còn gợi nhớ dáng mẹ tảo tần trong thơ: “Quê hương là cầu tre nhỏ/Mẹ về nón lá nghiêng che”. Thế rồi, trong những năm tháng chiến tranh loạn lạc, lúc tiễn người yêu ra chiến trường, cô gái thường đội nón lá với quai tím thủy chung. Chỉ như vậy thôi cũng đã hơn mọi lời thề non, hẹn biển. Chỉ như vậy thôi cũng đã đủ làm yên lòng người ra trận.

Có thể thấy rằng, xuyên suốt từ bao đời nay, từ trong thực tế cho đến những làn điệu dân ca, những lời thơ, câu văn đều có bóng dáng hình ảnh chiếc nón lá gắn liền với người con gái Việt Nam dịu dàng, duyên dáng. Ngày nay, để tạo ra chiếc nón lá thì người thợ làm nón cần phải có đôi tay khéo léo, có cả tâm tình mới có thể tạo nên được những chiếc nón xinh xắn và thiết kế tỉ mỉ đến như vậy. Nón lá thường được đan bằng các loại lá cây khác nhau như lá cọ, rơm, tre, lá dừa, lá hồ, lá du quy diệp chuyên làm nón v.v. Mỗi một chiếc nón thường sẽ có quai đeo làm bằng vải mềm hoặc lụa. Những người thổi được hồn vào những chiếc nón, làm nên những chiếc nón đẹp tinh tế là những người thực sự có đôi bàn tay khéo léo và có tâm tình chan chứa.

Là một biểu tượng của người phụ nữ Việt, chiếc nón lá gắn liền với cả đời sống vật chất và tinh thần của chúng ta. Đi khắp miền đất nước, hình ảnh chiếc nón lá vẫn luôn là hình ảnh chúng ta dễ bắt gặp hơn cả. Đó vừa là nét đẹp bình dị, mộc mạc, duyên dáng của người phụ nữ Việt, vừa là một biểu tượng văn hóa của một đất nước trọng tình trọng nghĩa của nước Nam ta. Biểu tượng ấy đã góp phần làm nên một vẻ đẹp rất Việt Nam.

CLICK NGAY vào TẢI VỀ dưới đây để download Văn mẫu Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam Ngữ văn lớp 8 hay nhất file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Từ khóa » Thuyết Minh Giới Thiệu Về Chiếc Nón Lá Việt Nam