Ván MDF, Giá Gỗ MDF Chống ẩm - Công Ty Gỗ Minh Long

Để nhận báo giá ván MDF nhập khẩu mới nhất 2020-2021 gọi ngay tổng đài: 1900.636.668

1. Định nghĩa ván MDF

Ván MDF (Medium density fiberboard) hay còn gọi là Gỗ ván sợi mật độ trung bình – là một sản phẩm ván gỗ công nghiệp có thành phần chính là sợi gỗ (hay bột gỗ) được chế biến từ các loại gỗ mềm và gỗ cứng, chất kết dính và một số thành phần khác (Parafin, chất làm cứng…) được ép dưới nhiệt độ và áp suất cao.

MDF gỗ Minh Long

2. Lịch sử hình thành & phát triển

Ván ép MDF có một lịch sử phát triển không quá lâu đời. Nhà máy sản xuất gỗ ván MDF đầu tiên được xây dựng vào năm 1964 ở New York (Mỹ) và phát triển mạnh ở các nước Bắc Mỹ và châu Âu khác từ năm 1990 liên tục cho đến nay. Tính đến năm 1970, trên thế giới mới chỉ có 3 nhà máy ở Mỹ với công suất từ 39,000m3/năm cho tới 133,000m3/năm. Tuy nhiên, đến năm 2000, trên toàn thế giới đã có tổng cộng 291 nhà máy và công suất nhà máy lớn nhất đạt đến 340,000 m3/năm. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, các nước công nghiệp đã đẩy nhanh tốc độ xây dựng các nhà máy sản xuất gỗ công nghiệp MDF với sản lượng tăng bình quân hàng năm là 15,5%. Vào năm 1996, toàn thế giới sản xuất ra 17,53 triệu m3thì đến năm 2001 tổng sản lượng ván MDF trên toàn thế giới đạt 29,056 triệu m3.

3. Thành phần cấu tạo ván MDF

- Ván MDF có thành phần cấu tạo chính là sợi gỗ (hay bột gỗ), chất kết dính và một số thành phần khác (Parafin, chất làm cứng…).

- Thông thường, thành phần của ván MDF bao gồm khoảng 75% gỗ, 11 – 14% keo Urea Formaldehyde (UF), 6 – 10% nước và dưới 1% thành phần khác (Parafin, chất làm cứng…). Đối với môi trường có độ ẩm cao, nhựa Melamine hoặc nhựa Phenolic & Polymeric Diphenylmethane Diisocyanate (PMDI) được thêm vào keo để tạo ra vật liệu MDF chống ẩm.

- Các sợi gỗ (hay bột gỗ) trong thành phần gỗ ép MDF chủ yếu được chế biến từ các loại gỗ mềm. Tuy nhiên, tùy theo mục đích của nhà sản xuất mà một số thành phần gỗ cứng có thể được thêm vào để đạt được loại gỗ mong muốn.

Gỗ MDF thô
Gỗ MDF cốt thô

- Nguyên liệu để sản xuất ván MDF bao gồm các loại gỗ rừng trồng (như cao su, bạch đàn, keo, thông, giẻ, sồi, vân sam), bã mía, phế liệu gỗ, mùn cưa hoặc hỗn hợp dăm gỗ cứng và dăm gỗ mềm. Nguyên liệu đầu vào ngoài gỗ thân cây còn có thể tận dụng cành ngọn, bìa bắp, đầu mẩu, mùn cưa của quá trình cưa xẻ.

4. Tính chất vật lý và đặc điểm chung

- Thông thường, ván ép MDF có màu đặc trưng của gỗ (vàng, nâu). Ván chống ẩm thường có màu xanh và ván chống cháy thường có màu đỏ. Lưu ý: Các màu này chỉ là chất chỉ thị màu để giúp phân biệt các loại ván chứ không quyết định đến khả năng chống ẩm hay chống cháy của tấm ván.

- Ván MDF được coi là ổn định và trơ ở dạng tấm.

- Ván MDF đạt tiêu chuẩn về phát thải formaldehyde thường không có mùi hoặc thơm mùi gỗ.

- Ván MDF có tỷ trọng trung bình từ 680 – 840 kg/m3 .

- Các độ dày thông dụng của ván MDF: 3, 5, 9, 12, 15, 17, 18, 25 (mm).

Các khổ ván MDF thông dụng:

  • - Ván khổ thường 1220mm x 2440mm (4x8) và
  • - Ván khổ thường1830mm x 2440mm (6x8)
  • - Ván kịch trần (khổ lớn ) 1220mmx2745mm (4x9).
  • - Ván vượt khổ 1220mmx3005mm
MDF chống ẩm
MDF chống ẩm

5. Sản xuất ván MDF

Ván MDF được sản xuất bằng cách ép các sợi gỗ nhỏ dưới áp suất và nhiệt độ cao cùng với sự tham gia của các chất kết dính và các thành phần khác. Hiện tại, có hai quy trình sản xuất tấm MDF, đó là quy trình sản xuất khô và quy trình sản xuất ướt.

a. Quy trình khô

- Trước tiên, keo và phụ gia được phun trộn vào bột gỗ khô trong máy trộn và sấy sơ bộ.

- Bột sợi sau khi đã ráo keo sẽ được trải ra bằng máy rải, sau đó được cào thành 2-3 tầng tùy theo kích thước và độ dày của ván. - Các tầng này được chuyển qua máy ép có gia nhiệt. Máy ép thực hiện ép hai lần. Lần ép thứ nhất ( ép sơ bộ), từng lớp được ép riêng. Lần ép thứ hai, tất cả các lớp được ép lại với nhau.

- Chế độ nhiệt được thiết lập để loại bỏ hơi nước và làm keo hóa rắn từ từ.

- Sau khi ép, ván được xuất ra, cắt bỏ biên, chà nhám và phân loại.

b. Quy trình ướt

- Đầu tiên, bột gỗ được phun nước làm ướt để kết vón thành dạng vẩy. Chúng được cào rải ngay sau đó và được đưa lên mâm ép. - Sau đó, chúng được ép nhiệt một lần đến độ dày sơ bộ.

- Cuối cùng, tấm ván được đưa qua cán hơi ở nhiệt độ cao để nén chặt hai mặt và rút hết nước ra.

Gỗ MDF chống ẩm
Gỗ MDF chống ẩm

6. Ưu điểm gỗ MDF

- Không bị cong vênh, co ngót và mối mọt như gỗ tự nhiên.

- Nhìn chung, giá ván MDF thấp hơn ván dán hay gỗ tự nhiên.

- Vì ván MDF có cấu tạo rất đồng nhất nên khi cắt, cạnh cắt không bị sứt mẻ.

- Bề mặt ván MDF phẳng và nhẵn nên có thể dễ dàng được sơn hoặc ép các bề mặt trang trí khác như Melamine hay Laminate.

- Sản lượng khá ổn định và thời gian gia công nhanh nên thích hợp với việc sản xuất hàng loạt các sản phẩm giống nhau, giúp tiết kiệm chi phí và giảm giá thành sản phẩm.

- Bề mặt có thể rộng hơn nhiều so với gỗ tự nhiên nên tiện dụng cho việc thiết kế và sản xuât các sản phẩm có kích thước lớn mà không phải chắp nối.

7. Nhược điểm

 - Gỗ công nghiệp MDF thông thường có khả năng chịu nước kém. Tuy nhiên, nhược điểm này có thể được cải thiện bằng cách sử dụng ván MDF chống ẩm thay thế.

- Ván MDF có độ cứng thấp nên khá dễ bị mẻ cạnh.

- Ván MDF có hạn chế về độ dày nên khi cần sản xuất những sản phẩm có độ dày lớn hơn thì thường phải ghép nhiều tấm ván lại với nhau.

- Không trạm trổ được các họa tiết lên bề mặt như gỗ tự nhiên mà chỉ có thể tạo màu sắc và hoa văn bằng cách ép các bề mặt trang trí lên trên.

- Ván MDF chất lượng thấp có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người sản xuất hay người sử dụng do trong ván có thành phần Formaldehyde.

Ván MDF
Ván MDF

8. Phân loại ván MDF

Ván MDF được chia thành 3 loại là MDF cốt thường (màu vàng nhạt), MDF cốt chống ẩm (tại thị trường Việt Nam, cốt chống ẩm được phân biệt bằng chất chỉ thị màu xanh), MDF cốt ván chống cháy (tại Việt nam cốt chống cháy có chất chỉ thị màu đỏ). Tuy nhiên MDF cốt thường và MDF chống ẩm là 2 loại cốt thô phổ biến nhất trong hoạt động sản xuất nội thất.

MDF chống ẩm thường được ưu tiên sử dụng cho các khu vực có độ ẩm cao, được chia thành 3 cấp độ chính:  

- Ván chống ẩm tiêu chuẩn LMR (hoạt chất chống ẩm trong thành phần keo chiếm 5-7%)

- Ván chống ẩm tiêu chuẩn HMR (hoạt chất chống ẩm trong thành phần keo chiếm 12-15%)

- Ván chống ẩm tiêu chuẩn HMR V313 (hoạt chất chống ẩm trong thành phần keo chiếm 21-24%)

Hiện nay, bên cạnh ván đạt tiêu chuẩn HMR với khả năng chống ẩm vượt trội, Gỗ Minh Long cung cấp loại ván HMR V313 với chỉ số kháng ẩm cao hơn, đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn đối với sản phẩm nội thất đặc biệt là với khu vực ven biển, hay khí hậu nồm ẩm miền bắc, miền núi, và những khu vực có mức chênh lệch nhiệt độ cao. Để đáp ứng được tiêu chuẩn này, mẫu ván phải trải qua quy trình thử nghiệm vô cùng khắt khe với chu kỳ 3 bước được thực hiện 3 lần, trong vòng 21 đến 28 ngày để có kết quả chính xác nhất.

Gỗ Minh Long là một trong số ít các đơn vị cung cấp sản phẩm ván chống ẩm HMR V313 trên ván MDF 17mm trên khổ 4x8. Đây là kích thước ván thông dụng, hiện đang được sử dụng rộng rãi trong sản xuất, thi công nội thất gia đình, văn phòng hay nhà hàng, khách sạn. 

9. Ứng dụng của ván MDF

Gỗ công nghiệp MDF phủ bề mặt như Melamine, Laminate, Acrylic, Veneer,...là một vật liệu vô cùng phổ biến trong sản xuất nội thất. Dưới đây là 05 ứng dụng phổ biến nhất của MDF phủ bề mặt:

- Sản xuất tủ, kệ, tab đầu giường

- Sản xuất bàn ghế

- Làm vách ngăn CNC, tường ngăn

- Làm cửa

- Ốp tường, ốp trần

10. Những vật liệu phủ MDF phổ biến

- MDF phủ melamine

Đây là vật liệu gỗ công nghiệp phổ biến nhất tại thời điểm hiện tại với tính ứng dụng đa dạng, khả năng chịu lực và bám đinh vít tốt. Bên cạnh đó, với sự phát triển của các thiết kế melamine đặc biệt là công nghệ melamine đồng vân (EIR) tạo ra vân gỗ trùng khớp với phim hiệu ứng, cho cảm giác thật như gỗ tự nhiên tạo cho vật liệu một diện mạo vô cùng mới thay thế cho gỗ tự nhiên. 

- MDF phủ laminate

Laminate là một loại bề mặt với nhiều ưu điểm như độ dày của giấy làm tăng cảm quan cũng như cảm xúc thật hơn khi sờ vào bề mặt. Khả năng chống xước của laminate cũng cao hơn so với melamine. Tuy nhiên nhược điểm về gia công (ép nguội) và sử dụng keo PUR chuyên dụng cộng với giá thành cao khiến cho vật liệu MDF phủ laminate chưa được sử dụng rộng rãi.

- MDF phủ veneer

Với đặc tính là tấm gỗ lạng, veneer được tin dùng như 1 giải pháp thay thế cho gỗ tự nhiên. Nhược điểm của MDF phủ veneer cũng nằm ở giá thành cao và thi công phức tạp.

- MDF phủ Acrylic

Với những ai yêu thích nội thất bóng gương thì acrylic luôn là lựa chọn ưu tiên, đặc biệt là với cánh tủ, tủ bếp, tạo ra không gian nội thất sang trọng, sạch sẽ. Giá thành và sự không rõ ràng về nguồn gốc giữa Acrylic và PET (PETG) cũng là những nhược điểm lớn nhất của tấm MDF phủ Acrylic khi lựa chọn sản xuất nội thất.

- MDF sơn

MDF phủ sơn cũng là một lựa chọn được tin dùng, đặc biệt với các phong cách như Indochine, chiết trung hay tân cổ điển. Tuy nhiên việc gia công phụ thuộc rất lớn vào tay nghề người thợ cùng với điều kiện khí hậu, điều này khiến chất lượng sản phẩm không có sự đồng đều và giá thành cao.

Xem thêm sản phẩm ván dăm tại đây

Liên hệ nhận báo giá

Từ khóa » Gỗ Chống ẩm