Văn Minh Maya – Wikipedia Tiếng Việt

El Castillo tại Chichen ItzaPhù điêu trên rầm đỡ 26 từ Yaxchilan
Một phần của loạt bài về
Văn minh Maya
Section of stucco frieze with a prominent human face in the centre, surrounded by elaborate decoration.
  • Dân tộc
  • Xã hội
  • Ngôn ngữ
  • Chữ viết
  • Tôn giáo
  • Thần thoại
  • Hiến tế
  • Đô thị
  • Kiến trúc
  • Thiên văn
  • Hệ thống lịch
  • Bia đá
  • Nghệ thuật
  • Gấm vóc
  • Giao thương
  • Âm nhạc
  • Vũ điệu
  • Dược học
  • Ẩm thực
  • Chiến tranh
Lịch sử
Maya tiền cổ điển
Sụp đổ Maya cổ điển
Tây Ban Nha chinh phục các tộc Maya
  • Yucatán
  • Chiapas
  • Guatemala
  • Petén
  • x
  • t
  • s

Văn minh Maya là một nền văn minh Trung Bộ châu Mỹ của người Maya, nổi bật với hệ chữ tượng hình ký âm—hệ chữ viết tinh vi bậc nhất ở Châu Mỹ thời tiền Columbus—cùng với những thành tựu về nghệ thuật, kiến ​​trúc, toán học, lịch đếm, và chiêm tinh rất phát triển. Nền văn minh Maya phát triển trong Vùng Maya; khu vực tương ứng với miền đông nam Mexico, toàn bộ đất nước Guatemala và Belize, miền tây của Honduras và El Salvador ngày nay. Chi tiết hơn, khu vực này bao gồm các vùng trũng phía bắc tạo nên Bán đảo Yucatán và vùng cao nguyên Sierra Madre chạy từ bang Chiapas thuộc Mexico qua miền nam Guatemala tới El Salvador, và vùng trũng phía nam của đồng bằng ven Thái Bình Dương. Danh từ "Maya" là tên gọi tập thể thời hiện đại dùng để chỉ chung các sắc tộc bản địa với nền văn hóa có nhiều nét chung. Tuy nhiên, đây không phải là danh xưng của họ, vì các sắc tộc này vốn chưa bao giờ thống nhất về mặt chính trị hay lãnh thổ.[1]

Theo niên biểu Trung Bộ châu Mỹ, giai đoạn trước năm 2000 TCN được các nhà khảo cổ gọi là thời kỳ Thái cổ. Giai đoạn này con người tại nơi đây bắt đầu phát triển nông nghiệp và xây dựng những làng mạc đầu tiên. Tiếp theo đó là thời kỳ Tiền cổ điển (khoảng từ năm 2000 TCN đến 250 CN), các xã hội phức tạp bắt đầu nở rộ ở vùng Maya và họ bắt đầu gieo trồng các loài cây lương thực cốt yếu như ngô, đậu, bí và ớt. Các đô thị Maya đầu tiên mọc lên vào khoảng năm 750 TCN, và từ năm 500 TCN trở đi, kiến ​​trúc đô thị của người Maya tiến triển rất hoành tráng, ví dụ là những ngôi đền lớn với mặt tiền được làm từ vữa stucco rất công phu. Chữ viết tượng hình đã được sử dụng tại vùng Maya vào thế kỷ thứ 3 TCN. Cuối thời Tiền cổ điển, một số đô thị lớn được dựng lên ở lưu vực Petén, đồng thời với sự trỗi dậy của thị quốc Kaminaljuyu trên cao nguyên Guatemala. Thời kỳ Cổ điển khởi đầu vào khoảng năm 250 CN, đánh dấu giai đoạn mà các tượng đài được khắc phù điêu bộ lịch Đếm Dài được xây cất. Ngoài ra mạng lưới giao thương giữa các thành bang Maya trong thời kỳ này trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Ở vùng trũng Maya, hai đô thị kình địch là Tikal và Calakmul nổi lên thành hai bá quyền trong khu vực. Thị quốc Teotihuacan ở Mexico xa xôi lúc bấy giờ đã can thiệp vào chính sự của các vương triều Maya. Vào thế kỷ thứ 9, khu vực trung tâm Maya trải qua một cuộc biến chuyển chính trị lớn, khiến nhiều cuộc nội chiến bùng nổ, nhiều đô thị bị bỏ hoang và khiến phần đông nhân khẩu tản cư lên bắc. Thời kỳ Hậu cổ điển chứng kiến ​​sự trỗi dậy của thị quốc Chichen Itza phía bắc và sự bành trướng của vương quốc Kʼicheʼ hung hăng trên cao nguyên Guatemala. Vào thế kỷ 16, Đế quốc Tây Ban Nha bắt đầu khai phá Trung Bộ châu Mỹ và các chiến dịch xâm lược dồn dập của quân Tây Ban Nha đã khiến các thành bang Maya lụi tàn. Sự sụp đổ của thị quốc Nojpetén vào năm 1697 đã chấm dứt lịch sử nghìn năm văn hiến của dân tộc Maya.

Vua Maya thời cổ điển được thần dân coi là người trung gian giữa cõi phàm trần và cõi siêu nhiên. Vương quyền của họ theo chế độ phụ hệ, cha truyền con nối. Theo quan niệm của người Maya, một vị anh quân phải thạo cả việc chiến tranh lẫn việc trị nước. Chính trị Maya bị chi phối bởi một hệ thống bảo trợ khép kín, mặc dù tầm ảnh hưởng chính xác của thiết chế này đối với chính trị của mỗi thị quốc/vương quốc khác nhau đáng kể. Cuối thời cổ điển, tầng lớp quý tộc trong triều đình trở nên lớn mạnh, khiến quyền lực của vua bị lép vế.

Đô thị Maya có xu hướng mở rộng dần dần. Các công trình nghi lễ và hành chính thường nằm ở trung tâm đô thị, bao quanh bởi khu dân cư. Người Maya lát đường sá gọi là sakbej để nối các khu phố với nhau Các kiến trúc Maya điển hình bao gồm cung điện, đền thờ kim tự tháp, sân bóng nghi lễ và các cấu trúc được căn chỉnh để chiêm tinh. Người Maya đã phát minh một hệ chữ viết phức tạp, có thể coi là tiên tiến nhất ở châu Mỹ thời kỳ tiền Colombo. Người Maya có truyền thống ghi chép sử và lễ tục trong các cuốn sách gập, trong đó chỉ ba quyển không tranh cãi còn sót lại, số kia đã bị người Tây Ban Nha thiêu đốt hết. Hơn nữa, rất nhiều văn tự trên các bia đá và đồ gốm sứ vẫn còn lưu tồn cho đến tận ngày nay, đóng vai trò là những tư liệu quý giá đối với giới sử học. Ngoài ra, hai trong số những thành tựu toán học tiêu biểu của người Maya bao gồm: sáng chế các loại lịch đan xen phức tạp và phát minh con số 0 đầu tiên trên thế giới. Giống một số nền văn hóa lân cận, người Maya thực hành tục hiến tế người như một phần tôn giáo của họ.

Trung Bộ châu Mỹ

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Trung Bộ châu Mỹ
Khu vực Maya năm trong Trung Bộ châu Mỹ

Văn minh Maya phát triển trong khu vực văn hóa Trung Bộ châu Mỹ (Mesoamerica), một lãnh thổ trải dài từ phía bắc Mexico xuống phía nam Trung Mỹ.[2] Trung Bộ châu Mỹ là một trong sáu cái nôi văn minh nhân loại.[3] Khu vực này là nơi phát triển văn hóa phong phú nhất bao gồm nhiều xã hội phức tạp, nông nghiệp, thành phố, kiến ​​trúc hoành tráng, chữ viết và hệ thống lịch.[4] Các đặc điểm chung của văn hóa Trung Bộ châu Mỹ bao gồm kiến ​​thức thiên văn, phong tục hiến tế người, và một vũ trụ quan chia làm bốn góc theo bốn hướng chính (Đông-Tây-Nam-Bắc), mỗi góc tương ứng với một đặc tính và niềm tin vào ba thế giới, cõi thiên đường, trái đất và thế giới ngầm.[5]

Vào năm 6000 TCN, những cư dân đầu tiên của Trung Bộ châu Mỹ đã thử nghiệm thuần hóa thực vật, một quá trình cuối cùng dẫn đến việc thành lập các xã hội nông nghiệp định cư.[6] Khí hậu đa dạng cho phép sử dụng nhiều các loại cây trồng có sẵn, nhưng ở đây đều trồng các loại cây trồng cơ bản là ngô, đậu và bí.[7] Tất cả các nền văn hóa Trung Bộ châu Mỹ đã từng sử dụng công nghệ thời đồ đá; Sau năm 1000 CN, bạc, vàng và đồng được luyện. Trung Bộ châu Mỹ thiếu súc vật thồ, không sử dụng bánh xe và sở hữu ít động vật thuần hóa; cách di chuyển chính là đi bộ hoặc đi xuồng.[8] Dân cư ở đây xem thế giới là thù địch và bị chi phối bởi các vị thần không thể đoán trước. Trò chơi bóng nghi thức được chơi rộng rãi ở đây.[9] Trung Bộ châu Mỹ rất đa dạng về mặt ngôn ngữ, với hầu hết các ngôn ngữ đó nằm trong một vài ngữ hệ- nổi bật là ngữ hệ Maya, ngữ hệ Oto-Mangue, ngữ hệ Mixe–Zoque và ngữ hệ Ute-Aztec; cũng có một số ngữ hệ nhỏ hơn và cô lập. Khu vực ngôn ngữ Trung Bộ châu Mỹ chia sẻ một số đặc điểm quan trọng, bao gồm nhiều từ mượn và sử dụng số đếm theo hệ nhị thập phân.[10]

Lãnh thổ của người Maya bao phủ một phần ba Trung Bộ,[11] và Maya luôn giao thoa với các nền văn minh lân cận bao gồm Olmec, Mixtec, Teotihuacan, Aztec và nhiều dân tộc khác.[12] Trong thời kỳ Cổ điển Sớm, các thành bang Maya như Tikal và Kaminaljuyu là trung tâm Maya trong một mạng lưới mở rộng ra ngoài khu vực Maya vào vùng cao nguyên trung Mexico.[13] Cùng lúc đó, có sự hiện diện mạnh mẽ của người Maya tại khu phức hợp Tetitla của thành Teotihuacan.[14] Hàng thế kỷ sau, trong thế kỷ thứ 9 CN, tranh tường tại Cacaxtla, một địa điểm khác ở vùng cao nguyên miền trung Mexico, được vẽ theo phong cách Maya.[15] Đây có thể là một nỗ lực để liên kết với khu vực Maya vẫn còn hùng mạnh sau sự sụp đổ của Teotihuacan gây ra sự phân mảnh chính trị ở Tây Nguyên Mexico,[16] hoặc nó thể hiện nguồn gốc Maya của cư dân nơi đây.[17] Thành bang Maya là Chichen Itza và thủ đô của đế quốc Toltec xa xôi là Tula có mối quan hệ đặc biệt gần gũi.[18]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn] Niên biểu Maya[19]
Thời kỳ Đơn vị Thời gian
Cổ đại 8000–2000 TCN[20]
Tiền cổ điển Tiền cổ điển sớm 2000–1000 TCN
Tiền cổ điển giữa Tiền cổ điển giữa sớm 1000–600 TCN
Tiền cổ điển giữa muộn 600–350 TCN
Tiền cổ điển muộn Tiền cổ điển muộn sớm 350–1 TCN
Tiền cổ điển muộn muộn 1 TCN – 159 CN
Cuối tiền cổ điển 159–250 CN
Cổ điển Cổ điển sớm 250–550 CN
Cổ điển muộn 550–830 CN
Cuối cổ điển 830–950 CN
Hậu cổ điển Hậu cổ điển sớm 950–1200 CN
Hậu cổ điển muộn 1200–1539 CN
Thời kỳ Tiếp xúc 1511–1697 CN[21]

Tiền cổ điển

[sửa | sửa mã nguồn] Kaminaljuyu ở vùng cao nguyên, và El Mirador ở vùng đất thấp, là hai thành bang quan trọng thời kỳ Tiền cổ điển.

Nền văn minh Maya manh nha phát triển từ tiền kỳ cổ điển.[22] Các học giả vẫn đang tranh luận về khởi điểm của văn minh Maya. Di chỉ Maya tại Cuello (Belize hiện nay) có niên đại vào khoảng năm 2600 TCN theo phương pháp định tuổi bằng đồng vị cacbon.[23] Các khu định cư ở vùng Soconusco ven bờ Thái Bình Dương được thành lập vào khoảng năm 1800 TCN và người Maya lúc này đã biết canh tác các loại cây trồng thiết yếu như là ngô, đậu, bí, ớt.[24] Thời kỳ này đặc trưng bởi các quần cư định canh và sự xuất hiện của đồ gốm, tượng làm từ đất sét chịu lửa.[25]

Một cuộc khảo sát sử dụng công nghệ Lidar tại di chỉ Aguada Fénix thuộc bang Tabasco, Mexico đã phát hiện ra các cấu trúc lớn được cho là một địa điểm nghi lễ có niên đại từ 1000-800 TCN. Báo cáo của cuộc khảo sát trên tạp chí Nature (2020) xác định các cấu trúc đó là các đài quan sát đông chí và hạ chí, ngoài ra còn đóng vai trò là địa điểm tụ họp xã hội.[26]

Trong thời kỳ Tiền cổ điển giữa, những ngôi làng nhỏ bắt đầu phát triển thành các đô thị.[27] Nakbe thuộc Petén, Guatemala là đô thị được nghiên cứu toàn diện có niên đại sớm nhất ở vùng trũng Maya,[28] nơi sở hữu các đại công trình có niên đại từ năm 750 TCN.[27] Con người đã tới và định cư ở vùng đất thấp phía bắc của Yucatán trong thời kỳ này.[29] Đến khoảng năm 400 TCN, những vị vua Maya bắt đầu cho dựng các tấm bia đá.[30] Một hệ chữ viết đã được sử dụng tại Petén vào thế kỷ thứ 3 TCN.[31] Vào thời kỳ Tiền cổ điển muộn, thành bang El Mirador đã đạt được diện tích lên đến 16 km2.[32] Tuy không lớn bằng, Tikal đã vươn lên trở thành một thành bang chủ chốt vào khoảng năm 350 TCN.[33]

Tại vùng cao nguyên, Kaminaljuyu trở thành một trong những trung tâm đô thị mạnh nhất thời kỳ Tiền cổ điển muộn.[34] Takalik Abaj và Chocolá là hai trong số những đô thị quan trọng tại đồng bằng ven Thái Bình Dương,[35] và Komchen trở nên hùng mạnh ở phần phía bắc Yucatán.[36] Thời kỳ văn hóa Tiền cổ điển muộn kết thúc vào thế kỷ 1 CN và nhiều đô thị Maya vĩ đại trong thời kỳ này bị bỏ hoang; nguyên nhân của sự sụp đổ này vẫn còn là bí ẩn.[37]

Cổ điển (khoảng 250–900 CN)

[sửa | sửa mã nguồn]
Bia đá D từ Quiriguá khắc chân dung vị vua Kʼakʼ Tiliw Chan Yopaat[38]

Thời kỳ Cổ điển được định nghĩa là thời kỳ mà vùng đất thấp Maya bắt đầu dựng bia đá có khắc lịch Đếm Dài.[39] Giai đoạn này đánh dấu đỉnh cao của quá trình đô thị hóa; việc ghi khắc lại lịch sử lên các công trình thể hiện sự phát triển đáng kể trong tư duy và nghệ thuật của người Maya, đặc biệt là ở các vùng đất thấp phía nam.[39] Bối cảnh chính trị thời Maya cổ điển được ví như thời Phục hưng Ý hay thời Hy Lạp cổ điển, trong đó, nhiều thành bang cùng tham gia vào một mạng lưới quan hệ phức tạp, phân chia thành các liên minh và thù địch.[40] Các đô thị lớn nhất có sức chứa từ 50.000 đến 120.000 người.[41]

Trong thời kỳ Cổ điển sớm, các thành bang trên khắp khu vực Maya chịu ảnh hưởng của thành Teotihuacan ở Thung lũng Mexico xa xôi.[42] Vào năm 378, Teotihuacan can thiệp chính trị ở Tikal và nhiều thành bang lân cận khác, phế truất vua của những nơi này và sắp đặt triều đại mới do họ hậu thuẫn.[43] Siyaj Kʼakʼ ("Sinh ra từ lửa") được Teotihuacan cử đến Tikal vào đầu năm 378. Vua thành Tikal tên Chak Tok Ichʼaak I băng hà đúng vào hôm Siyaj Kʼakʼ tới, chắc hẳn đây là một cuộc can thiệp quân sự.[44] Một năm sau, Siyaj Kʼakʼ phong vương Yax Nuun Ahiin I, thay thế vị vua đã khuất.[45] Sự thay đổi triều chính dẫn đến thời kỳ hoàng kim của thành Tikal, giúp họ thống lĩnh toàn bộ vùng đất thấp.[45]

Kình địch của thành Tikal là Calakmul, một thành bang hùng mạnh khác tại lưu vực Petén.[46] Tikal và Calakmul đều có những thành bang chư hầu; các thành bang nhỏ hơn tham gia vào một trong hai liên minh này lấy được uy tín từ sự liên kết với các thành bang hàng đầu và duy trì mối quan hệ hòa bình với các thành viên khác trong cùng liên minh.[47] Tikal và Calakmul giật dây các thành bang chư hầu đấu tranh lẫn nhau. Tại nhiều thời điểm khác nhau trong thời kỳ Cổ điển, một trong hai khối này sẽ giành được chiến thắng chiến lược trước đối thủ, dẫn đến các thời kỳ thịnh suy tương ứng.[48]

Calakmul là một trong những đô thị quan trọng nhất thời Cổ điển.

Năm 629, Bʼalaj Chan Kʼawiil là con trai của vua Tikal Kʼinich Muwaan Jol II, được cử đi khai khẩn Dos Pilas thuộc Petexbatún, có vẻ như là một tiền đồn để mở rộng ảnh hưởng của Tikal ngoài tầm với của Calakmul.[49] Trong hai thập kỷ tiếp theo, ông chiến đấu trung thành cho anh trai tại Tikal. Năm 648, vua Yuknoom Chʼeen II của Calakmul bắt được Balaj Chan Kʼawiil. Yuknoom Chʼeen II sau đó đưa Balaj Chan Kʼawiil lên ngai thành Dos Pilas làm chư hầu.[50] Từ đó trở đi, ông phụng sự trung thành Calakmul.[51]

Ở phía đông nam, Copán trở thành một thành bang quan trọng.[46] Triều đại thời cổ điển của nó được thành lập vào năm 426 bởi Kʼinich Yax Kʼukʼ Moʼ. Vị vua này có quan hệ thân mật với trung tâm Petén và Teotihuacan.[52] Copán đạt đến đỉnh cao văn hóa và nghệ thuật dưới đời vua Uaxaclajuun Ubʼaah Kʼawiil, trị vì từ năm 695 đến 738.[53] Triều đại này kết thúc thảm khốc khi Uaxaclajuun bị bắt bởi chư hầu là vua Kʼakʼ Tiliw Chan Yopaat thành Quiriguá.[54] Ông bị áp giải về Quiriguá và bị chặt đầu trong một nghi lễ công khai.[55] Có khả năng cuộc đảo chính này được Calakmul hậu thuẫn, nhằm làm suy yếu đồng minh mạnh mẽ của Tikal.[56] Palenque và Yaxchilan là những đô thị hùng mạnh nhất vùng Usumacinta.[46] Ở vùng cao nguyên, Kaminaljuyu tại Thung lũng Guatemala trở thành đô thị rộng lớn vào năm 300.[57] Ở phía bắc của khu vực Maya, Coba là thành bang quan trọng nhất.[58]

Sụp đổ thời kỳ Cổ điển

[sửa | sửa mã nguồn]
Chichen Itza là đô thị quan trọng nhất tại vùng bắc Maya.

Trong thế kỷ thứ 9 CN, khu vực trung tâm Maya trải qua cuộc suy thoái lớn, bắt đầu bằng sự bỏ hoang của các đô thị, sự kết thúc của các triều đại và sự di dân về phía Bắc.[42] Chưa có lời giải thích thỏa đáng nào cho sự sụp đổ này nhưng có lẽ bắt nguồn do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân, kiểu như: chiến tranh, quá tải dân số, môi trường suy thoái và hạn hán kéo dài.[59] Trong thời kỳ này, được gọi là Cuối Cổ điển, các đô thị phía bắc Chichen Itza và Uxmal cho thấy hoạt động gia tăng.[42] Các đô thị lớn ở phía bắc bán đảo Yucatán tiếp tục có người ở rất lâu sau khi các đô thị của vùng đất thấp phía nam ngừng hoạt động.[60]

Tổ chức xã hội cổ điển Maya dựa trên thẩm quyền nghi thức của người cai trị, thay vì quyền kiểm soát thương mại và phân phối thực phẩm. Mô hình cai trị này không ổn định và khó đáp ứng với những thay đổi, bởi vì vua chỉ có quyền hạn trong việc xây dựng, nghi lễ và chiến tranh. Điều này chỉ khiến trầm trọng thêm các vấn đề hệ thống.[61] Đến thế kỷ thứ 9 và 10, thể chế này sụp đổ hoàn toàn. Ở phía bắc Yucatán, chế độ tập quyền vào vua bị thay thế bởi một hội đồng cầm quyền tạo nên bởi dòng dõi tinh hoa. Ở miền nam Yucatán và trung tâm Petén, các vương quốc dần dần suy vong; ở phía tây Petén và một số khu vực khác, những thay đổi diễn ra quá dữ dội khiến dân số sụt giảm nhanh chóng.[62] Qua một vài thế hệ, những vùng đất rộng lớn của khu vực trung tâm Maya bị bỏ hoang.[63] Cả thủ đô và trung tâm thứ cấp của họ bị bỏ hoàng trong khoảng thời gian từ 50 đến 100 năm.[41] Các đô thị thay chân nhau ngừng khắc lịch các công trình; lịch Đếm Dài cuối cùng được khắc tại Toniná năm 909. Bia đá không còn được dựng lên và cư dân sống trong các cung điện hoàng gia bị bỏ hoang. Các tuyến giao thương Trung Bộ châu Mỹ chuyển hướng và không còn đi qua Petén nữa.[64]

Hậu Cổ điển (khoảng 950–1539 CN)

[sửa | sửa mã nguồn] Xem thêm: Liên minh Mayapan
Zaculeu là thủ phủ của vương quốc Mam hậu cổ điển tọa lạc ở Cao nguyên Guatemalan.[65]

Mặc dù bị suy giảm nhiều, nhưng sự hiện diện của Maya vẫn đáng kể trong thời kỳ Hậu cổ điển sau khi các thành phố Cổ điển bị bỏ hoang; dân cư chủ yếu tập trung quanh các nguồn nước vĩnh viễn.[66] Không giống như các chu kỳ giãn nở trước đây ở khu vực Maya, những vùng đất bị bỏ hoang không được tái định cư nhanh chóng trong Hậu cổ điển.[41] Hoạt động con người chuyển sang vùng đất thấp phía bắc và Cao nguyên Maya; điều này có lẽ liên quan đến việc di cư từ các vùng đất thấp phía nam, bởi vì nhiều nhóm Maya hậu cổ điển có các huyền thoại về di cư.[67] Chichen Itza và lân bang Puuc suy yếu nghiêm trọng vào thế kỷ 11 và điều này có thể đại diện cho sự sụp đổ Thời kỳ cổ điển cuối cùng. Sau sự suy tàn của Chichen Itza, khu vực Maya thiếu một quyền lực thống trị cho đến khi thành bang Mayapan trỗi dậy vào thế kỷ thứ 12. Các thành bang mới mọc lên gần bờ biển Caribbean và vùng Vịnh, và các mạng lưới thương mại mới được hình thành.[68]

Thời kỳ hậu cổ điển đặc trưng bằng những thay đổi từ Thời kỳ cổ điển trước đó.[69] Thành bang Kaminaljuyu một thời vĩ đại ở Thung lũng Guatemala bị bỏ hoang mặc dù tấp nập cư dân đã khoảng 2.000 năm.[70] Trên khắp vùng cao nguyên và bờ Thái Bình Dương lân cận, các đô thị ở nơi mở có dân cư lâu đời bị di dời, có vẻ là do chiến tranh. Các thành bang bắt đầu chuyển tới các địa điểm thuận lợi cho việc phòng thủ, thường nằm trên các đỉnh đồi bao quanh bởi các khe núi sâu, với tường và hào quây xung quanh.[70] Một trong những đô thị quan trọng nhất ở Cao nguyên Guatemala vào thời điểm này là Qʼumarkaj, thủ đô của vương quốc Kʼicheʼ.[69] Thể chế của các thành bang Maya, từ Yucatán đến vùng cao nguyên Guatemala, thường được tổ chức chung thành một hội đồng cai trị. Tuy nhiên, trên thực tế, một thành viên của hội đồng có thể đóng vai trò là người cai trị tối cao, trong khi các thành viên khác phục vụ ông với tư cách cố vấn.[71]

Mayapan là một đô thị Hậu cổ điển quan trọng tại bắc Bán đảo Yucatán.

Mayapan bị bỏ hoang vào khoảng năm 1448, sau một thời kỳ hỗn loạn chính trị, xã hội và môi trường có thể ví như sự lặp lại của sự sụp đổ thời kỳ Cổ điển ở khu vực phía nam Maya. Tiếp nối thời kỳ bỏ hoang đó là một thời kỳ chiến tranh, dịch bệnh và thiên tai kéo dài ở bán đảo Yucatán, kết thúc ngay trước khi Tây Ban Nha tới đây vào năm 1511.[72] Ngay cả khi không có thành bang thống trị, các nhà thám hiểm Tây Ban Nha có nhắc tới các thành phố ven biển giàu có và thị trường phát triển mạnh.[68] Trong thời kỳ Hậu cổ điển muộn, Bán đảo Yucatán được chia thành một số tỉnh độc lập có chung một nền văn hóa nhưng khác nhau trong thể chế chính trị xã hội nội bộ.[73] Trước thềm cuộc chinh phạt của Tây Ban Nha, vùng cao nguyên Guatemala bị chi phối bởi một số bang Maya hùng mạnh.[74] Người Kʼicheʼ đã kiến thiết một đế quốc nhỏ bao trùm đại bộ phận Cao nguyên Guatemala và đồng bằng ven biển Thái Bình Dương lân cận. Tuy nhiên, trong những thập kỷ trước cuộc xâm lược của Tây Ban Nha, vương quốc Kaqchikel đã liên tục thách thức quyền thóng trị của vương quốc Kicheʼ.[75]

Kỷ nguyên chinh phục của Tây Ban Nha (1511-1697 CN)

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Tây Ban Nha chinh phục các tộc Maya, Chiapas, Guatemala, Petén, và Yucatán Xem thêm: Tây Ban Nha chinh phục Honduras, Tây Ban Nha chinh phục Đế quốc Aztec, và Tây Ban Nha thuộc địa hóa châu Mỹ
Một trang từ cuốn Lienzo de Tlaxcala mô tả quân Tây Ban Nha đánh chiếm Iximche. Địa danh này trong tiếng Nahuatl là Cuahtemallan (ngôn ngữ của người Aztec và các dân tộc Nahua)

Năm 1511, một chiếc thuyền Tây Ban Nha bị đắm ở vùng biển Caribbean và khoảng một chục người sống sót đổ bộ lên bờ biển Yucatán. Họ bị bắt giữ bởi một lãnh chúa Maya và phần lớn họ bị hiến tế cho thần linh, nhưng có hai người đào tẩu được (sau này một trong hai nhân vật đã giúp đỡ Hernán Cortés chinh phục người Aztec với tư cách là phiên dịch viên). Từ năm 1517 đến 1519, ba đoàn thám hiểm Tây Ban Nha riêng biệt đã khám phá bờ biển Yucatán và chạm trán với quân Maya.[76] Sau khi thủ đô Tenochtitlan của người Aztec rơi vào tay Tây Ban Nha năm 1521, Hernán Cortés cử Pedro de Alvarado tới Guatemala với 180 kỵ binh, 300 bộ binh, 4 cỗ pháo và hàng ngàn chiến binh đồng minh bản địa từ miền trung Mexico;[77] họ đến Soconusco vào năm 1523.[78] Thủ đô của Kʼicheʼ, Qʼumarkaj, rơi vào tay Alvarado năm 1524.[79] Ngay sau đó, người Tây Ban Nha được mời làm đồng minh tại Iximche, thành bang trung tâm của tộc Maya Kaqchikel.[80] Mối quan hệ hữu nghị tuy vậy không dài lâu, quân Tây Ban Nha lộ bộ mặt xảo trá và tham lam, khiến dân Kaqchikel bỏ thành vài tháng sau đó.[81] Tiếp theo đó là sự sụp đổ của Zaculeu, thủ đô của tộc Mam, năm 1525.[82] Francisco de Montejo và con trai của ông phát động một loạt các chiến dịch dai dẳng chống lại các chính thể tại Bán đảo Yucatán năm 1527, và hoàn thành cuộc chinh phạt phần phía bắc của bán đảo năm 1546.[83] Các vương quốc Maya tại lưu vực Petén lúc này vẫn độc lập.[84] Năm 1697, Martín de Ursúa đánh chiếm thủ phủ của người Itza là Nojpetén và thành bang Maya độc lập cuối cùng này sụp đổ.[85]

Di sản

[sửa | sửa mã nguồn] Các cô gái người Maya trong trang phục cổ truyền tại GuetemalaGia đình Maya tại Yucatec

Cuộc chinh phạt của Tây Ban Nha đã xóa bỏ gần hết các nét độc đáo của nền văn minh Maya. Tuy nhiên, nhiều ngôi làng Maya vẫn biệt lập khỏi chính quyền thực dân Tây Ban Nha và phần lớn họ vẫn tiếp tục lối sống của mình. Cộng đồng Maya và các gia đình hạt nhân duy trì truyền thống của họ.[86] Chế độ ăn ngô và đậu vẫn tiếp tục, mặc dù sản lượng nông nghiệp đã được cải thiện nhờ sự giới thiệu các công cụ bằng sắt. Các nghề thủ công truyền thống như dệt, gốm sứ và đan rổ tiếp tục được bảo tồn. Chợ bán sản phẩm địa phương tiếp tục duy trì sau cuộc chinh phục. Đôi khi, chính quyền thuộc địa khuyến khích nền kinh tế truyền thống để trích xuất cống phẩm dưới dạng gốm sứ hoặc vải dệt bông, mặc dù những sản phẩm này thường được làm dựa theo tiêu chuẩn của châu Âu. Đức tin và ngôn ngữ Maya chống cự lại sự thay đổi, bất chấp những nỗ lực của các nhà truyền giáo Công giáo.[87] Lịch nghi lễ tzolkʼin kéo dài 260 ngày tiếp tục được sử dụng bởi các cộng đồng Maya hiện đại ở vùng cao nguyên Guatemala và Chiapas,[88] và hàng triệu người nói tiếng Maya vãn đang an cư lạc nghiệp trên mảnh đất tổ tiên của họ.[89]

Chính trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Không giống như người Aztec và người Inca, người Maya chưa bao giờ thống nhất về mặt lãnh thổ. Trong suốt thời kỳ lịch sử, khu vực Maya được chia thành các thành bang và các vương quốc độc lập, có phần giống với các thành bang Hy Lạp cổ đại. Đôi khi, một số chính thể đạt được sự thống trị trong khu vực, chẳng hạn như Calakmul, Caracol, Mayapan và Tikal. Các chính thể đầu tiên có bằng chứng đáng tin cậy đã hình thành ở vùng đất thấp Maya vào thế kỷ thứ 9 TCN.[90]

Trong thời kỳ Tiền cổ điển muộn, hệ thống chính trị Maya hợp nhất thành hệ thống thần quyền, trong đó hệ tư tưởng của giới tinh hoa phản ánh bởi quyền lực của người cai trị, rồi chúng được củng cố bằng các nghi lễ tôn giáo công khai.[91] Vua thần thánh là trung tâm của quyền lực chính trị, thực hiện quyền kiểm soát tối cao đối với các chức năng hành chính, kinh tế, tư pháp và quân sự của chính thể. Hệ thống cai trị này thành công đến mức nhà vua có thể huy động cả tầng lớp quý tộc và thường dân thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, mà không cần có lực lượng cảnh sát hoặc quân đội thường trực.[92] Một số chính phủ áp dụng chiến lược tăng cường quản lý và lấp đầy các chức vụ bằng những kẻ trung thành thay vì quan hệ huyết thống.[93] Trong một chính thể, các trung tâm dân cư trung lưu đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý các nguồn lực và xung đột nội bộ.[94]

Bối cảnh chính trị Maya rất phức tạp và giới tinh hoa Maya thường tham gia vào các âm mưu chính trị để đạt được lợi thế kinh tế và xã hội so với các bang láng giềng.[95] Thời Hậu Cổ điển, một số thành bang đã đạt được sự thống trị hoàn toàn đối với các thành bang khác, chẳng hạn như sự thống trị của Caracol đối với Naranjo trong nửa thế kỷ. Các mạng lưới liên minh lỏng lẻo cũng được hình thành xung quanh một thành bang thống trị.[96] Các khu định cư ở biên giới, thường nằm giữa các thủ đô lân cận, thường thay đổi lòng trung thành và đôi khi hành động độc lập.[97] Các thủ đô thống trị trích xuất cống nạp như là hàng xa xỉ từ các trung tâm dân cư bị khuất phục.[98] Sức mạnh chính trị của các thành bang được củng cố bằng sức mạnh quân sự.

Xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ thời kỳ tiền Cổ điển sớm, xã hội Maya bị phân chia rất rõ ràng giữa tầng lớp thượng lưu và bình dân. Khi dân số tăng lên theo thời gian, các thành phần khác nhau của xã hội càng trở nên chuyên môn hóa khiến cho tổ chức chính trị càng trở nên phức tạp.[99] Đến thời Hậu cổ điển, khi dân số lớn và hàng trăm thành bang được kết nối trong một mạng lưới phân cấp chính trị phức tạp, thì nhóm cư dân giàu có của xã hội được tăng lên gấp bội.[100] Một tầng lớp trung lưu đã phát triển bao gồm các nghệ nhân, các linh mục và quan chức cấp thấp, thương gia và binh lính. Tầng lớp bình dân bao gồm nông dân, đầy tớ, người lao động và nô lệ.[101] Theo lịch sử bản địa, đất đai thuộc quyền sở hữu chung của các gia tộc hoặc thị tộc. Các thị tộc cho rằng đất đai là tài sản của tổ tiên họ và được minh chứng bằng việc chôn cất người đã khuất ở các khu đất này.[102]

Vua và triều chính

[sửa | sửa mã nguồn]
Bia đá từ Toniná, khắc họa chân dung của vua Bahlam Yaxuun Tihl thế kỷ thứ 6[103]

Sự cai trị của hoàng gia Maya cổ điển được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật. Nhà vua là nhà cai trị tối cao và giữ địa vị bán thần thánh khiến ông trở thành người trung gian giữa cõi phàm và cõi thần. Từ xa xưa, vua Maya đã được coi là một vị thần ngô trẻ, do các văn minh Trung Bộ châu Mỹ rất coi trọng ngô. Sự kế vị của hoàng gia Maya mang tính chất phụ hệ và quyền lực hoàng gia chỉ được truyền cho các nữ quân chủ chỉ khi không có con trai nối dõi. Thông thường, con trai cả là người kế vị hợp pháp. Một hoàng tử trẻ được gọi là chʼok ("thanh niên"), sau này từ này được dùng để chỉ giới quý tộc nói chung. Người thừa kế hoàng gia (trữ quân) được gọi là bʼaah chʼok ("thanh niên cả"). Buổi nghi lễ quan trọng nhất trong thời thơ ấu của một hoàng tử là lễ cắt máu lúc 5 hoặc 6 tuổi. Mặc dù mang dòng máu hoàng gia là vô cùng quan trọng, người thừa kế cũng phải là một nhà lãnh đạo chiến tranh thành thạo, thể hiện qua việc bắt giữ tù binh. Lễ đăng cơ của một tân vương rất công phu, bao gồm một loạt các nghi như sau: ngồi lên một chiếc đệm da báo đốm, hiến tế con người và nhận các biểu tượng quyền lực hoàng gia, một chiếc băng đô mang ngọc bích đại diện cho thần Kʼo, một chiếc mũ đội đầu cầu kỳ được trang trí bằng lông vũ của loài chim quetzal và một vương trượng tượng trưng cho thần Kʼawiil.[90]

Thể chế chính trị của người Maya dựa trên cơ sở triều đình hoàng gia nhưng không quan liêu. Chính phủ man tính thứ bậc, và các chức vụ chính thức được bảo trợ bởi các thành viên cấp cao hơn của tầng lớp quý tộc; các quan chức có xu hướng được phong lên các chức vụ cao hơn trong suốt cuộc đời của họ. Các quan chức được coi là bị "sở hữu" bởi nhà bảo trợ của họ và mối quan hệ này vẫn tiếp tục ngay cả sau khi người bảo trợ qua đời.[104] Triều đình Maya là một thể chế chính trị sôi nổi và năng động.[105] Không có cấu trúc chung cho các triều đình Maya, mỗi thành bang lại có một kiểu triều đình riêng.[106] Một số tước hiệu hoàng gia và quý tộc đã được xác định từ những chư khắc tượng hình tại vùng Maya. Ajaw thường được dịch là "chúa" hoặc "vua". Trong thời cổ điển sớm, ajaw là người cai trị một thành bang. Sau này, với sự phức tạp xã hội ngày càng tăng, ajaw được dùng để chỉ một thành viên của giai cấp thống trị và mỗi thành phố lớn có thể có nhiều hơn một ajaw, quản lý các khu khác nhau của thành phố.[107] Những nhà cai trị tối cao phân biệt với giới quý tộc bằng cách thêm tiền tố kʼuhul vào tước hiệu ajaw. Kʼuhul ajaw nghĩa là "chúa thần thánh", ban đầu chỉ được dùng cho các vị vua của các dòng hoàng tộc cổ và có uy tín nhất.[108] Kalomte là một tước hiệu hoàng gia, ý nghĩa chính xác của nó vẫn chưa được giải mã, nhưng nó chỉ được nắm giữ bởi các vị vua quyền lực nhất của các triều đại mạnh nhất. Danh hiệu này mang hàm ý là một vua lớn hoặc chúa tể chỉ được sử dụng trong thời kỳ Cổ điển.[109] Đến thời Hậu cổ điển, quyền lực tuyệt đối của kʼuhul ajaw bị suy yếu, và hệ thống chính trị đã đa dạng hóa để bao gồm một tầng lớp quý tộc rộng lớn hơn.[110]

Tranh khắc thời Cổ điển mô tả sajal Aj Chak Maax trình diện tù binh trước vua Itzamnaaj Bʼalam III của Yaxchilan[111]

Tước vị sajal đứng dưới ajaw. Một sajal sẽ là lãnh chúa của một khu vực cấp 2 hoặc cấp 3, báo cáo lên ajaw đứng dưới kalomte.[107] Một sajal thường là chỉ huy chiến tranh hoặc thống đốc khu vực, và các chữ khắc thường liên kết chức danh sajal với chiến tranh; họ thường được đề cập đến như những người bắt giữ tù binh chiến tranh.[112] Sajal có nghĩa là "kẻ được kính sợ".[113] Các chức vị ah tzʼihbah chʼul hun đều liên quan đến việc ghi chép. Ah tzʼihb là một người ghi chép hoàng gia, thường là một thành viên hoàng gia; ah chʼul hun nghĩa là Người Giữ Sách Thánh, gắn liền với tước hiệu ajaw, cho thấy rằng ajaw luôn đồng thời giữ chức ah chʼul hun.[114] Các tước vị triều chính khác chưa được hiểu rõ bao gồm: yajaw kʼahk' ("Chúa lửa"), tiʼhuunti'sakhuun. Hai từ tiʼhuunti'sakhuun có lẽ là các biến thể của cùng một tước hiệu,[115] và nhà ngôn học Mark Zender suy đoán rằng chúng có lẽ dùng để chỉ nhà phát ngôn của người cai trị.[116] Các tước vị này chủ yếu được dùng để chỉ nam giới và hiếm khi được dùng cho phụ nữ, những đôi khi cũng được dùng làm kính ngữ cho các quân chủ nữ.[117] Các chức danh của giới tinh hoa thường được liên kết với các công trình cụ thể bởi các chữ khắc tượng hình của các thành bang thời kỳ Cổ điển, cho thấy rằng những người nắm giữ chức vụ đó thì sở hữu công trình đó hoặc công trình đó là trụ sở làm việc của họ.[118] Lakam (nghĩa là người mang tiêu chuẩn kỳ) có lẽ là chức vụ duy nhất không phải thuộc giới tinh hoa trong triều đình.[104] Chữ khắc lakam chỉ được tìm thấy ở các di chỉ lớn, và họ dường như chịu trách nhiệm về việc đánh thuế các khu địa phương;[104] một lakam tên là Apoch'Waal, từng làm sứ giả phụng sự cho ajaw của Calakmul, được ghi dành vì ông đã giúp thiết lập mối liên minh giữa Calakmul và Copán năm 726.[119]

Quân sự

[sửa | sửa mã nguồn] Bức tượng chiến binh thời Cổ điển tại Đảo JainaMũi giáo làm từ đá vỏ chai với lõi lithic, Takalik Abaj

Chiến tranh rất phổ biến tại vùng Maya. Các chiến dịch quân sự được phát động vì nhiều lý do, bao gồm kiểm soát các tuyến thương mại và cống nạp, các cuộc đột kích để bắt giữ tù binh, có khi leo thang thành sự hủy diệt hoàn toàn một thành bang kình địch. Ta biết rất ít về tổ chức quân sự, hậu cần hoặc phương pháp huấn luyện của người Maya. Chiến tranh được mô tả trong nghệ thuật Maya từ thời Cổ điển. Chiến tranh và chiến thắng có được nhắc đến trên các chữ khắc tượng hình.[120] Không may là, các chữ khắc không cung cấp thông tin về nguyên nhân chiến tranh, hoặc hình thức của nó.[121] Vào thế kỷ thứ 8-9, chiến tranh đã dẫn đến sự sụp đổ của các vương quốc thuộc vùng Petexbatún ở phía tây Petén.[121] Việc người dân ở đây bỏ thành Aguateca nhanh chóng đã mang đến một cơ hội hiếm có cho các nhà khảo cổ tìm lại được vũ khí Maya in situ (nguyên hiện trạng).[122] Aguateca bị chiếm vào khoảng năm 810 CN, quân xâm lược vượt qua được các công sự phòng thủ nó và đốt cháy cung điện hoàng gia. Giới tinh hoa của thành đã bỏ trốn hoặc bị bắt và không bao giờ quay trở lại để thu thập tài sản bị bỏ lại của họ. Cư dân ở ngoại ô rời khỏi địa điểm này ngay sau đó. Đây là một ví dụ về chiến tranh cường độ mạnh được thực hiện bởi một kẻ thù nhằm loại bỏ hoàn toàn một thành bang Maya, thay vì khuất phục nó. Nghiên cứu tại Aguateca chỉ ra rằng các chiến binh thời cổ điển chủ yếu là thành viên của giới tinh hoa.[123]

Ngay từ thời kỳ tiền Cổ điển, người cai trị của một chính thể Maya được kỳ vọng sẽ là một nhà lãnh đạo chiến tranh kiệt xuất, và được miêu tả với đầu người treo trên thắt lưng. Thời Cổ điển, những cái đầu chiến lợi phẩm như vậy không còn xuất hiện nữa, nhưng các vị vua thời Cổ điển thường được miêu tả đứng trên những tù binh chiến tranh bị sỉ nhục.[120] Cho đến cuối thời kỳ hậu Cổ điển, các vị vua Maya lãnh đạo với tư cách là tướng. Những chữ khắc Maya từ thời Cổ điển cho thấy một vị vua khi bị đánh bại có thể bị bắt, bị tra tấn và bị hiến tế.[124] Người Tây Ban Nha có chép rằng các thủ lĩnh Maya giám sát bước đi của quân mình bằng sách vẽ.[125]

Kết quả của một chiến dịch quân sự thành công có thể khác nhau về tác động của nó đối với chính thể bị đánh bại. Trong một số trường hợp, toàn bộ thành phố bị cướp phá, và không bao giờ được tái định cư, như tại Aguateca.[126] Trong những trường hợp khác, những kẻ chiến thắng sẽ bắt các thủ lĩnh, gia đình của họ và các vị thần bảo trợ. Các quý tộc và thân nhân bị bắt có thể bị cầm tù, hoặc hiến tế. Ở mức độ thấp nhất, kẻ bại sẽ phải chịu làm chư hầu cho kẻ thắng.[127]

Chiến binh

[sửa | sửa mã nguồn]

Thời Tiếp xúc, một số vị trí quân sự nhất định được nắm giữ bởi các thành viên của tầng lớp quý tộc, và theo kiểu cha truyền con nối. Có khả năng kiến ​​thức chuyên môn trong vai trò quân sự cụ thể sẽ được dạy cho người kế vị, bao gồm chiến lược, nghi lễ và các điệu nhảy chiến tranh.[124] Quân đội Maya trong thời kỳ Liên lạc rất kỷ luật, và các chiến binh tham gia vào các bài tập huấn luyện và diễn tập thường xuyên; tất cả đàn ông đủ sức khỏe đều phải đi nghĩa vụ quân sự. Các thành bang Maya không duy trì quân đội thường trực; lực lượng sẽ được tập hợp bởi các quan chức địa phương, rồi được báo cáo lại cho các tướng lĩnh. Cũng có những đơn vị lính đánh thuê toàn thời gian phụng sự các tướng lĩnh thường trực.[128] Tuy vậy, hầu hết chiến binh là nông dân trong thời bình.[129] Chiến tranh Maya ít khi nhằm đến mục tiêu hủy diệt kẻ thù mà chú trọng hơn vào bắt giữ tù binh và cướp bóc.[130]

Có một số bằng chứng từ thời Cổ điển chỉ ra rằng phụ nữ có vai trò hỗ trợ trong chiến tranh, nhưng họ không đóng vai trò then chốt ngoại trừ một số nữ vương cầm quyền hiếm hoi.[131] Thời Hậu cổ điển, biên niên sử bản địa có chép rằng phụ nữ đôi khi cũng tham gia chiến tranh.[124]

Vũ khí

[sửa | sửa mã nguồn]
Rầm đỡ 16 từ Yaxchilán, mô tả vua Yaxun Bʼalam mặc quân phục[132]

Atlatl du nhập vào khu vực Maya từ thành Teotihuacan trong thời kỳ Tiền cổ điển.[133] Đây là một cái que dài 0,5 m ở cuối có khía để giữ phi tiêu hoặc cây lao.[134] Atlatl cung cấp lực và độ chính xác cho người sử dụng.[133] Bằng chứng dưới dạng các lưỡi kiếm đá khai quật từ Aguateca chỉ ra rằng phi tiêu và giáo là các vũ khí chính của một chiến binh Maya thời Cổ điển.[135] Quân bình dân sử dụng ống xì đồng săn bắn trong chiến tranh.[133] Cung tên được người Maya sử dụng trong cả chiến tranh lẫn săn bắn.[121] Mặc dù cung tên xuất hiện ở khu vực Maya từ thời Cổ điển, việc sử dụng nó trong chiến tranh không được ưa chuộng;[136] cung tên không trở thành vũ khí phổ biến cho đến tận thời hậu cổ điển.[133] Người Maya Thời kỳ Tiếp xúc sử dụng kiếm cầm hai tay với phần cán làm từ gỗ và lưỡi kiếm lắp đá vỏ chai,[137] gần giống với macuahuitl của người Aztec. Các chiến binh Maya mặc áo giáp làm từ bông ngâm trong nước muối để làm cứng.[138] Các chiến binh mang các tấm khiên bằng gỗ được trang trí với lông vũ và da thú.[129]

Thương mại

[sửa | sửa mã nguồn]

Thương mại là hoạt động rất quan trọng trong đời sống xã hội Maya. Những thị quốc hùng mạnh nhất thường là những đô thị chiếm hữu độc quyền một tài nguyên quý giá nào đó, hoặc nắm giữ nhiều trọng điểm giao thương. Ở nhiều thời điểm khác nhau trong quá khứ, những thị quốc Kaminaljuyu và Qʼumarkaj ở Cao nguyên Guatemala, và Chalchuapa ở El Salvador, kiểm soát nhiều mỏ khai thác đá vỏ chai.[139] Người Maya sản xuất rất mạnh mặt hàng sợi bông, chất liệu may vá quần áo được sử dụng trên khắp Trung Bộ châu Mỹ.[140] Những thị quốc hùng mạnh ở phía bắc Bán đảo Yucatán kiểm soát các nguồn khai thác muối.[139] Vào hậu kỳ cổ điển, người Maya tham gia vào mạng lưới buôn bán nô lệ với các khu vực xa hơn tại Trung Bộ châu Mỹ.[141]

Vùng Maya là một phần mạng lưới giao thương khổng lồ kết nối toàn bộ khu vực Trung Bộ châu Mỹ với các các vùng biên viễn. Để dễ hình dung tầm cỡ của mạng lưới này, một khu phố buôn Maya sơ kỳ Cổ điển đã được các nhà khảo cổ phát hiện tại Teotihuacan, một thành bang tọa lạc ở tận miền trung Mexico.[142] Các tuyến thương mại tại vùng ngoại vi Maya thuộc Trung Bộ châu Mỹ thường tập trung ở miền trung Mexico và dọc vùng Vịnh. Vào sơ kỳ Cổ điển sớm, Chichen Itza là nút trung tâm của mạng lưới buôn bán đĩa vàng từ Colombia và Panama, và ngọc lam từ Los Cerrillos, New Mexico. Việc giao thương tầm xa các mặt hàng xa xỉ và tiện dụng có lẽ đều do quý tộc kiểm soát. Chỉ duy nhất quý tộc, chư hầu hoặc đồng minh của quý tộc mới được phép sử dụng đồ quý hiếm, đắt đỏ.[139]

Các tuyến thương mại không chỉ cung cấp hàng hóa vật chất mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển con người cùng kiến thức khắp Trung Bộ châu Mỹ.[143] Sự thay đổi các tuyến giao thương thuận theo dòng thời kỳ thịnh suy của các thành bang Maya; nhất là khi các biến chuyển lớn xảy ra, chẳng hạn như sự trỗi dậy của nền văn minh Maya tiền cổ điển, sự chuyển đổi sang văn minh Cổ điển và sụp đổ Cuối Cổ điển.[139] Ngay cả sau cuộc xâm lăng của Tây Ban Nha, các hoạt động buôn bán giao thương của người Maya chưa bị hoàn toàn chấm dứt,[139], chẳng hạn, người Manche Chʼol thời bấy giờ bán các loài cây cacao, annatto và vani rất đáng giá cho thuộc địa Verapaz.[144]

Nghệ thuật

[sửa | sửa mã nguồn] Rầm đỡ 3 bằng gỗ khắc hoạ tiết từ Đền Tikal IV, mô tả chiến thắng của Yikʼin Chan Kʼawiil vào năm 743.[145]Mặt nạ tang lễ ngọc thạch của vua Kʼinich Janaabʼ Pakal[146]

Nghệ thuật Maya hầu như chỉ dành riêng/chỉ mô tả riêng chân dung hoặc đời sống của giới quý tộc Maya. Mặc dù nghệ thuật Maya còn sót lại chỉ đại diện cho một tỷ lệ nhỏ nghệ thuật mà người Maya tạo ra, nó đại diện cho nhiều đối tượng hơn bất kỳ truyền thống nghệ thuật nào khác ở châu Mỹ.[147] Nghệ thuật Maya có nhiều phong cách khác nhau, thường kèm theo văn bản khiến chúng rất độc đáo ở Trung Bộ châu Mỹ.[148] Tác phẩm nghệ thuật Maya tốt nhất còn sót lại có niên đại từ thời kỳ Hậu cổ điển.[149]

Người Maya ưa thích sắc lục/lục-lam. Họ coi trọng ngọc thạch màu xanh táo và các loại đá lục khác vì chúng là biểu tượng của thần mặt trời Kʼinich Ajau. Nhiều tác phẩm của họ bao gồm cả tessera (tấm lát hình vuông dùng để tạo nên tranh khảm) và hạt xâu trang trí, chạm khắc những chiếc đầu nặng 4,42 kilôgam (9,7 lb).[150] Giới quý tộc Maya rất ưa chuộng việc chỉnh sửa răng, một số đeo ngọc nạm trên răng của họ. Mặt nạ tang lễ khảm đôi khi được làm từ ngọc thạch, chẳng hạn như mặt nạ vua Kʼinich Janaabʼ Pakal thành Palenque.[151]

Hình nhân bằng gỗ thời kỳ Cổ điển sớm, có lẽ từng đỡ một cái gương[152]Eccentric flint từ Musées Royaux d'art et d'Histoire, Brussels, Bỉ

Điêu khắc đá Maya phát triển khá hoàn hảo khi xuất hiện lần đầu trong bản ghi khảo cổ, chứng tỏ rằng thuật điêu khắc đá bắt nguồn từ truyền thống điêu khắc gỗ có trước.[153] Do sự phân hủy sinh học của gỗ, các tác phẩm bằng gỗ của người Maya gần như đã mất hết. Số ít điêu khắc ba chiều và tấm chữ tượng hình bằng gỗ vẫn còn được bảo tồn.[154] Bia đá Maya có bệ đỡ hình tròn rất phổ biến ở các thành bang Maya.[155] Tạo tác bằng đá còn xuất hiện có nhiều dạng thù khác, chẳng hạn như các tấm phù điêu đá vôi ở Palenque và Piedras Negras.[156] Tại Yaxchilan, Dos Pilas, Copán và nhiều di chỉ khác, cầu thang đá được trang trí và điêu khắc rất công phu.[157] Cầu thang chữ tượng hình ở Copán là văn bản Maya dài nhất được phát hiện, bao gồm 2.200 ký tự riêng lẻ.[158]

Các tác phẩm điêu khắc Maya lớn nhất là các mặt tiền kiến ​​trúc được làm từ vữa stucco. Hình thù cơ bản sẽ được vẽ nét thô trên lớp trát vữa phẳng của tường, và hình thù ba chiều sẽ được xây dần bằng những viên đá nhỏ. Tiếp theo, người Maya sẽ phủ một lớp vữa lên và đúc thành hình dạng hoàn thiện. Các hình dạng cơ thể người được tạo mẫu bằng vữa trước tiên, rồi trang phục và màu sắc sẽ được thêm vào sau.[159] Các mặt người khổng lồ làm từ vữa trang trí mặt tiền của các đền thờ Hậu kỳ Tiền cổ; phong cách nghệ thuật này được duy trì tới thời kỳ Cổ điển.[160]

Người Maya có truyền thống vẽ tranh tường lâu đời; các bức tranh tường phong phú đa sắc màu đã được phát hiện tại San Bartolo, có niên đại vào khoảng 300-200 TCN.[161] Các bức tường được trát vữa rồi được người thợ phết sơn vẽ lên bề mặt. Hầu hết các bức tranh tường đã mai một đi; nhiều bức tranh màu kem, màu đỏ và đen đã được khai quật tại các lăng mộ Cổ điển sớm ở Caracol, Río Azul, và Tikal. Trong số các tranh tường Maya được bảo quản tốt nhất phải kể đến đó là loạt họa phẩm kích thước đầy đủ thời kỳ Cổ điển muộn tại Bonampak.[162]

Đầu người làm từ vữa stucco bên ngoài Đền Tikal 33 thời kỳ Cổ điển sớm [163]Tranh tường sơn màu thời kỳ Cổ điển muộn tại Bonampak

Đá lửa, chert, và đá vỏ chai đều phục vụ mục đích công lợi trong văn hóa Maya, nhưng cũng có nhiều ngoại lệ được dùng để trang trí nghệ thuật.[164] Eccentric flint (đá lửa dị thường) là một trong những đồ tạo tác bằng đá công phu nhất của người Maya cổ.[165] Sản phẩm này rất khó để chế tác và cần đến một tay nghề rất tinh xảo.[166] Các đá vỏ trai dị thường (obsidian eccentrics) có thể dài đến 30 xentimét (12 in).[167] Chúng có nhiều hình hài và kiểu dáng: con người, muông thú hoặc các biểu tượng tôn giáo.[166] Eccentric flint có các hình dạng như lưỡi liềm, thập tự, rắn, và bọ cạp.[168]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Restall and Asselbergs 2007, p. 4.
  2. ^ Sharer and Traxler 2006, p. 28.
  3. ^ Rosenwig 2010, p. 3.
  4. ^ Sharer and Traxler 2006, pp. 28–29.
  5. ^ Foster 2002, p. 28.
  6. ^ Blanton et al. 1993, p. 35.
  7. ^ Adams 2005, p. 17.
  8. ^ Adams 2005, p. 18.
  9. ^ Adams 2005, p. 19.
  10. ^ Witschey and Brown 2012, pp. 183–84.
  11. ^ Foster 2002, p. 5.
  12. ^ Sharer and Traxler 2006, p. 29. Foster 2002, p. 5.
  13. ^ Marcus 2004b, pp. 342.
  14. ^ Taube 2004, p. 273.
  15. ^ McVicker 1985, p. 82.
  16. ^ Brittenham 2009, p. 140.
  17. ^ Berlo 1989, p. 30.
  18. ^ Kristan-Graham and Kowalski 2007, pp. 13–14.
  19. ^ Estrada-Belli 2011, tr. 3.
  20. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 98.
  21. ^ Masson 2012, tr. 18238. Pugh và Cecil 2012, tr. 315.
  22. ^ Estrada-Belli 2011, tr. 28.
  23. ^ Hammond và cộng sự. 1976, tr. 579–81.
  24. ^ Drew 1999, tr. 6.
  25. ^ Coe 1999, tr. 47.
  26. ^ Inomata, Takeshi; Vázquez López, V.A.; và đồng nghiệp (ngày 3 tháng 6 năm 2020). “Kiến trúc hoành tráng tại Aguada Fénix và sự trỗi dậy của nền văn minh Maya”. Nature. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2020.
  27. ^ a b Olmedo Vera 1997, tr. 26.
  28. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 214.
  29. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 276.
  30. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 182, 197.
  31. ^ Saturno, Stuart và Beltrán 2006, tr. 1281–83.
  32. ^ Olmedo Vera 1997, tr. 28.
  33. ^ Martin và Grube 2000, tr. 25–26.
  34. ^ Love 2007, tr. 293, 297. Popenoe de Hatch và Schieber de Lavarreda 2001, tr. 991.
  35. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 236.
  36. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 275.
  37. ^ Martin và Grube 2000, tr. 8.
  38. ^ Schele và Mathews 1999, tr. 179, 182–83.
  39. ^ a b Coe 1999, tr. 81.
  40. ^ Martin và Grube 2000, tr. 21.
  41. ^ a b c Masson 2012, tr. 18237.
  42. ^ a b c Martin và Grube 2000, tr. 9.
  43. ^ Demarest 2004, tr. 218. Estrada-Belli 2011, tr. 123–26.
  44. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 322. Martin và Grube 2000, tr. 29.
  45. ^ a b Sharer và Traxler 2006, tr. 324.
  46. ^ a b c Olmedo Vera 1997, tr.36.
  47. ^ Foster 2002, tr. 133.
  48. ^ Demarest 2004, tr. 224–26.
  49. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 383, 387.
  50. ^ Salisbury, Koumenalis & Barbara Moffett 2002. Martin & Grube 2000, tr. 108. Sharer & Traxler 2006, tr. 387.
  51. ^ Martin và Grube 2000, tr. 54–55.
  52. ^ Martin và Grube 2000, tr. 192–93. Sharer và Traxler 2006, tr. 342.
  53. ^ Martin và Grube 2000, tr. 200, 203.
  54. ^ Martin và Grube 2000, tr. 203, 205.
  55. ^ Miller 1999, tr. 134–35. Looper 2003, tr. 76.
  56. ^ Looper 1999, tr. 81, 271.
  57. ^ Demarest 2004, yt. 75.
  58. ^ Sharer và Traxler 2006, yt. 554.
  59. ^ Coe 1999, tr. 151–55.
  60. ^ Becker 2004, tr. 134.
  61. ^ Demarest 2004, tr. 246.
  62. ^ Demarest 2004, tr. 248.
  63. ^ Martin và Grube 2000, tr. 226.
  64. ^ Foster 2002, tr. 60.
  65. ^ Sharer 2000, tr. 490.
  66. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 613, 616.
  67. ^ Foias 2014, tr. 15.
  68. ^ a b Masson 2012, tr. 18238.
  69. ^ a b Arroyo 2001, tr. 38.
  70. ^ a b Sharer và Traxler 2006, tr. 618.
  71. ^ Foias 2014, tr. 100–02.
  72. ^ Masson và Peraza Lope 2014.
  73. ^ Andrews 1984, tr. 589.
  74. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 717.
  75. ^ Restall và Asselbergs 2007, tr. 5.
  76. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 759–60.
  77. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 763. Lovell 2005, tr. 58. Matthew 2012, tr. 78–79.
  78. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 763.
  79. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 764–65. Recinos 1986, rt. 68, 74.
  80. ^ Schele và Mathews 1999, tr. 297. Guillemín 1965, tr. 9.
  81. ^ Schele và Mathews 1999, tr. 298.
  82. ^ Recinos 1986, tr. 110. del Águila Flores 2007, tr. 38.
  83. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 766–72.
  84. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 772–73.
  85. ^ Jones 1998, tr. xix.
  86. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 9.
  87. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 10.
  88. ^ Zorich 2012, tr. 29. Thompson 1932, tr. 449.
  89. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 11.
  90. ^ a b Cioffi-Revilla và Landman 1999, tr. 563.
  91. ^ Oakley và Rubin 2012, tr. 81.
  92. ^ Oakley và Rubin 2012, tr. 82.
  93. ^ Foias 2014, tr. 162.
  94. ^ Foias 2014, tr. 60.
  95. ^ Chase và Chase 2012, tr. 265.
  96. ^ Chase và Chase 2012, tr. 264.
  97. ^ Foias 2014, tr. 64.
  98. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên Foias14p161
  99. ^ Foster 2002, tr. 121.
  100. ^ Foster 2002, tr. 121–22.
  101. ^ Foster 2002, tr. 122.
  102. ^ Gillespie 2000, tr. 470, 473–74.
  103. ^ Martin và Grube 2000, tr. 178. Witschey và Brown 2012, tr. 321.
  104. ^ a b c Foias 2014, tr. 224.
  105. ^ Jackson 2013, tr. 142, 144.
  106. ^ Jackson 2013, tr. 144.
  107. ^ a b D'Arcy Harrison 2003, tr. 114.
  108. ^ Martin và Grube 2000, tr. 17.
  109. ^ D'Arcy Harrison 2003, tr. 114. Martin và Grube 2000, tr. 17.
  110. ^ Jackson 2013, tr. 4–5.
  111. ^ Bảo tàng Nghệ thuật Kimbell 2015. Martin và Grube 2000, tr. 135.
  112. ^ Jackson 2013, tr. 65–66.
  113. ^ Jackson 2013, tr. 12.
  114. ^ D'Arcy Harrison 2003, tr. 114–15.
  115. ^ Jackson 2013, pp. 13–14.
  116. ^ Jackson 2013, p. 15.
  117. ^ Jackson 2013, p. 77.
  118. ^ Jackson 2013, p. 68.
  119. ^ Smith, Kiona N. (17 tháng 3 năm 2021). “Ngôi mộ của một sứ thần Maya hé lộ cuộc đời khó khắn đáng ngạc nhiên của ông ta”. Ars Technica. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2021.
  120. ^ a b Foster 2002, p. 143.
  121. ^ a b c Aoyama 2005, p. 291.
  122. ^ Aoyama 2005, p. 292.
  123. ^ Aoyama 2005, p. 293.
  124. ^ a b c Foster 2002, p. 144.
  125. ^ Webster 2000, p. 66.
  126. ^ Foias 2014, pp. 167–68.
  127. ^ Foias 2014, p. 168.
  128. ^ Wise and McBride 2008, p. 32.
  129. ^ a b Wise and McBride 2008, p. 34.
  130. ^ Phillips 2007, p. 95.
  131. ^ Foster 2002, p. 145.
  132. ^ Martin and Grube 2000, 128, 132.
  133. ^ a b c d Foster 2002, tr. 146.
  134. ^ Foster 2002, tr. 146–47.
  135. ^ Aoyama 2005, tr. 294.
  136. ^ Aoyama 2005, tr. 294, 301
  137. ^ Rice, Rice, Pugh và Sánchez Polo 2009, tr. 129.
  138. ^ Phillips 2007, tr. 94.
  139. ^ a b c d e Foster 2002, tr. 319.
  140. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 51.
  141. ^ Foias 2014, tr. 18.
  142. ^ Foster 2002, tr. 322.
  143. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 660.
  144. ^ Caso Barrera và Aliphat Fernández 2006, tr. 31, 36. Caso Barrera và Aliphat Fernández 2007, tr. 49.
  145. ^ Miller 1999, tr. 131.
  146. ^ Stuart và Stuart 2008, tr. 201.
  147. ^ Miller 1999, tr. 10.
  148. ^ Miller 1999, tr. 11.
  149. ^ Miller 1999, tr. 105.
  150. ^ Miller 1999, tr. 73–75.
  151. ^ Miller 1999, tr. 75.
  152. ^ Miller 1999, tr. 92.
  153. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên Miller99p78
  154. ^ Miller 1999, tr. 78–80.
  155. ^ Miller 1999, tr. 9, 80.
  156. ^ Miller 1999, tr. 80–81.
  157. ^ Miller 1999, tr. 80–81. Sharer và Traxler 2006, tr. 340.
  158. ^ Sharer và Traxler 2006, tr. 340.
  159. ^ Miller 1999, tr. 84.
  160. ^ Estrada-Belli, tr. 44, 103–04.
  161. ^ Saturno, Stuart and Beltrán 2006, 1281–82.
  162. ^ Miller 1999, tr. 84–85.
  163. ^ Martin và Grube 2000, tr. 36.
  164. ^ Miller 1999, tr. 83.
  165. ^ Sharer and Traxler 2006, p. 45.
  166. ^ a b SFU Museum of Archaeology and Ethnology.
  167. ^ Williams 2010.
  168. ^ Thompson 1990, p. 147.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Abrams, Elliot M. (1994). How the Maya Built Their World: Energetics and Ancient Architecture. Austin, Texas, US: University of Texas Press. ISBN 978-0-292-70461-9. OCLC 29564628.
  • Adams, Richard E. W. (2005) [1977]. Prehistoric Mesoamerica (ấn bản thứ 3). Norman, Oklahoma: University of Oklahoma Press. ISBN 978-0-8061-3702-5. OCLC 58975830.
  • Adams, R. E. W.; W. E. Brown; T. Patrick Culbert (25 tháng 9 năm 1981). “Radar mapping, Archaeology, and Ancient Maya Land Use” (PDF). Science. New Series. 213 (4515): 1457–63. Bibcode:1981Sci...213.1457A. doi:10.1126/science.213.4515.1457. ISSN 1095-9203. OCLC 863047799. PMID 17780866. S2CID 24698299. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 12 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2015.
  • Andrews, Anthony P. (Winter 1984). “The Political Geography of the Sixteenth Century Yucatan Maya: Comments and Revisions”. Journal of Anthropological Research. 40 (4): 589–96. doi:10.1086/jar.40.4.3629799. ISSN 0091-7710. JSTOR 3629799. OCLC 1787802. S2CID 163743879.
  • Aoyama, Kazuo (tháng 7 năm 2005). “Classic Maya Warfare and Weapons: Spear, dart, and arrow points of Aguateca and Copan”. Ancient Mesoamerica. 16 (2): 291–304. doi:10.1017/S0956536105050248. ISSN 0956-5361. OCLC 43698811. S2CID 162394344.
  • Arroyo, Bárbara (July–August 2001). Enrique Vela (biên tập). “El Poslclásico Tardío en los Altos de Guatemala” [The Late Postclassic in the Guatemalan Highlands]. Arqueología Mexicana (bằng tiếng Tây Ban Nha). IX (50): 38–43. ISSN 0188-8218. OCLC 40772247.
  • “Scientists discover ancient Mayan city hidden under Guatemalan jungle”. The Guardian. Associated Press. 2018. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2018.
  • Becker, Marshall Joseph (2004). “Maya Heterarchy as Inferred from Classic-Period Plaza Plans”. Ancient Mesoamerica. 15: 127–38. doi:10.1017/S0956536104151079. ISSN 0956-5361. OCLC 43698811. S2CID 162497874.
  • Berlo, Janet Catherine (1989). “Early Writing in Central Mexico: In Tlilli, In Tlapalli before A.D. 1000”. Trong Richard A. Diehl; Janet Catherine Berlo (biên tập). Mesoamerica after the Decline of Teotihuacan, A.D. 700–900. Washington, D.C., US: Dumbarton Oaks, Trustees for Harvard University. tr. 19–48. ISBN 978-0-88402-175-9. OCLC 18557289.
  • Blanton, Richard E.; Stephen A. Kowalewski; Gary M. Feinman; Laura M. Finsten (1993) [1981]. Ancient Mesoamerica: A Comparison of Change in Three Regions. Cambridge, UK: Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-44053-0. OCLC 470193044.
  • Blume, Anna (tháng 3 năm 2011). “Maya Concepts of Zero”. Proceedings of the American Philosophical Society. 155 (1): 51–88. ISSN 0003-049X. JSTOR 23056849. OCLC 1480553.
  • Bricker, Victoria R. (tháng 12 năm 2007). “A Quarter-Century of Mayan Linguistics”. Mexicon. 29 (6): 138–47. ISSN 0720-5988. JSTOR 23759758. OCLC 5821915.
  • Brittenham, Claudia (Spring–Autumn 2009). Francesco Pellizzi (biên tập). Style and substance, or why the Cacaxtla paintings were buried. Res: Anthropology and Aesthetics. 55/56 Absconding. Cambridge, Massachusetts: The Peabody Museum of Archaeology and Ethnology and the Harvard Art Museum. tr. 135–55. doi:10.1086/RESvn1ms25608840. ISBN 978-0-87365-854-6. ISSN 0277-1322. OCLC 601057415. S2CID 192220187.
  • Carmack, Robert M. (2001). Kikʼulmatajem le Kʼicheʼaabʼ: Evolución del Reino Kʼicheʼ [Evolution of the Kʼiche Kingdom] (bằng tiếng Tây Ban Nha). Guatemala City, Guatemala: Cholsamaj. ISBN 978-99922-56-22-0. OCLC 253481949.
  • Carter, Nicholas P. (2014). “Sources and Scales of Classic Maya History”. Trong Kurt Raaflaub (biên tập). Thinking, Recording, and Writing History in the Ancient World. New York: Wiley-Blackwell. tr. 340–71.
  • Caso Barrera, Laura; Mario Aliphat Fernández (2006). “Cacao, vanilla and annatto: three production and exchange systems in the Southern Maya lowlands, XVI–XVII centuries”. Journal of Latin American Geography. 5 (2): 29–52. doi:10.1353/lag.2006.0015. ISSN 1545-2476. JSTOR 25765138. OCLC 356573308.
  • Caso Barrera, Laura; Aliphat, Mario (2007). J. P. Laporte; B. Arroyo; H. Mejía (biên tập). “Relaciones de Verapaz y las Tierras Bajas Mayas Centrales en el siglo XVII” [Relation between Verapaz and the Central Maya Lowlands in the 17th Century] (PDF). Simposio de Investigaciones Arqueológicas en Guatemala (bằng tiếng Tây Ban Nha). XX (2006): 48–58. OCLC 173275417. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 17 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2014.
  • Chase, Arlen F.; Diane Z. Chase (2012). “Complex Societies in the Southern Maya Lowlands: Their Development and Florescence in the Archaeological Record”. Trong Deborah L. Nichols; Christopher A. Pool (biên tập). The Oxford Handbook of Mesoamerican Archaeology. New York: Oxford University Press. tr. 255–67. ISBN 978-0-19-539093-3. OCLC 761538187.
  • Christenson, Allen J. (2007) [2003]. “Popul Vuh: Sacred Book of the Quiché Maya People” (PDF). Mesoweb articles. Mesoweb: An Exploration of Mesoamerican Cultures. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 24 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2010.
  • Christie, Jessica Joyce (2003). “Conclusions”. Trong Jessica Joyce Christie (biên tập). Maya Palaces and Elite Residences: An interdisciplinary approach. Linda Schele series in Maya and pre-Columbian studies. Austin, Texas: University of Texas Press. tr. 315–36. ISBN 978-0-292-71244-7. OCLC 55889753.
  • Cioffi-Revilla, Claudio; Todd Landman (tháng 12 năm 1999). “Evolution of Maya Polities in the Ancient Mesoamerican System”. International Studies Quarterly. 43 (4): 559–98. doi:10.1111/0020-8833.00137. ISSN 1468-2478. JSTOR 3014022. OCLC 52067195.
  • Coe, Michael D. (1994) [1992]. Breaking the Maya Code. London, UK: Thames & Hudson. ISBN 978-0-14-023481-7. OCLC 31288285.
  • Coe, Michael D. (1999). The Maya . New York: Thames & Hudson. ISBN 978-0-500-28066-9. OCLC 40771862.
  • Colas, Pierre R.; Alexander Voß (2011) [2006]. “Un juego de vida o muerte: El juego de pelota maya”. Trong Nikolai Grube (biên tập). Los Mayas: Una Civilización Milenaria [A Game of Life or Death: The Maya Ballgame] (hardback) (bằng tiếng Tây Ban Nha). Potsdam, Germany: Tandem Verlag. tr. 186–91. ISBN 978-3-8331-6293-0. OCLC 828120761.
  • Colunga-García Marín, Patricia; Daniel Zizumbo-Villarreal (Winter 2004). “Domestication of Plants in Maya Lowlands”. Economic Botany. 58, Supplement: S101–S110. doi:10.1663/0013-0001(2004)58[s101:dopiml]2.0.co;2. JSTOR 4256911.
  • D'Arcy Harrison, Peter (2003). “Palaces of the Royal Court at Tikal”. Trong Jessica Joyce Christie (biên tập). Maya Palaces and Elite Residences: An interdisciplinary approach. Linda Schele series in Maya and pre-Columbian studies. Austin, Texas: University of Texas Press. tr. 98–119. ISBN 978-0-292-71244-7. OCLC 55889753.
  • Dahlin, Bruce H.; Christopher T. Jensen; Richard E. Terry; David R. Wright; Timothy Beach (tháng 12 năm 2007). “In Search of an Ancient Maya Market”. Latin American Antiquity. 18 (4): 363–84. doi:10.2307/25478193. ISSN 2325-5080. JSTOR 25478193. S2CID 161238112.
  • del Águila Flores, Patricia (2007). “Zaculeu: Ciudad Postclásica en las Tierras Altas Mayas de Guatemala” [Zaculeu: Postclassic City in the Maya Highlands of Guatemala] (PDF) (bằng tiếng Tây Ban Nha). Guatemala City, Guatemala: Ministerio de Cultura y Deportes. OCLC 277021068. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2011.
  • Demarest, Arthur (2004). Ancient Maya: The Rise and Fall of a Forest Civilization. Cambridge, UK: Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-53390-4. OCLC 51438896.
  • Demarest, Arthur A.; Tomás, Barrientos; Federico Fahsen (2006). Laporte, J.P.; Arroyo, B.; Mejía, H. (biên tập). “El apogeo y el Colapso del reinado de Cancuen: Resultados e interpretaciones del Proyecto Cancuen, 2004–2005” [The Apogee and Collapse of the Kingdom of Cancuen: Results and Interpretations of the Cancuen Project, 2004–2005] (PDF). Simposio de Investigaciones Arqueológicas en Guatemala (bằng tiếng Tây Ban Nha). XIX (2005): 826–37. OCLC 71050804. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2015.
  • Diehl, Richard A. (2004). The Olmecs: America's First Civilization. Ancient peoples and places series. London, UK: Thames & Hudson. ISBN 978-0-500-02119-4. OCLC 56746987.
  • Doyle, James A. (tháng 12 năm 2012). “Regroup on "E-Groups": Monumentality and Early Centers in the Middle Preclassic Maya Lowlands”. Latin American Antiquity. 23 (4): 355–79. doi:10.7183/1045-6635.23.4.355. ISSN 2325-5080. JSTOR 23645603. OCLC 54395676. S2CID 164102473.
  • Drew, David (1999). The Lost Chronicles of the Maya Kings. London, UK: Phoenix Press. ISBN 978-0-7538-0989-1. OCLC 59565970.
  • Ellsworth Hamann, Byron (tháng 3 năm 2008). “How Maya Hieroglyphs Got Their Name: Egypt, Mexico, and China in Western Grammatology since the Fifteenth Century”. Proceedings of the American Philosophical Society. 152 (1). ISSN 0003-049X. OCLC 1480557.
  • Emboden, William A. (1 tháng 1 năm 1979). “Nymphaea ampla and other Narcotics in Maya Ritual and Shamanism”. Mexicon. 1 (4): 50–52. ISSN 0720-5988. JSTOR 23757393. OCLC 5821915.
  • Emmerich, André (2005). “Improving the Odds: Preservation through Distribution”. Trong Kate Fitz Gibbon (biên tập). Who Owns the Past?: Cultural Policy, Cultural Property, and the Law. New Brunswick, New Jersey and London, UK: Rutgers University Press. ISBN 978-0-8135-3687-3. OCLC 57893247.
  • Estrada-Belli, Francisco (2011). The First Maya Civilization: Ritual and Power Before the Classic Period. Abingdon, UK and New York: Routledge. ISBN 978-0-415-42994-8. OCLC 614990197.
  • Fisher, Chelsea (tháng 12 năm 2014). “The role of infield agriculture in Maya cities”. Journal of Anthropological Archaeology. 36: 196–210. doi:10.1016/j.jaa.2014.10.001.
  • Fash, William L. "Maya." In Davíd Carrasco (ed). The Oxford Encyclopedia of Mesoamerican Cultures. : Oxford University Press, 2001. ISBN 9780195188431
  • Foias, Antonia E. (2014) [2013]. Ancient Maya Political Dynamics. Gainesville, Florida: University Press of Florida. ISBN 978-0-8130-6089-7. OCLC 878111565.
  • Forsyth, Donald W. (1993). J. P. Laporte; H. Escobedo; S. Villagrán de Brady (biên tập). “La arquitectura Preclásica en Nakbe: Un estudio comparativo de dos periodos” [The Preclassic Architecture of Nakbe: A Comparative Study of Two Periods] (PDF). Simposio de Investigaciones Arqueológicas en Guatemala (bằng tiếng Tây Ban Nha). VI (1992): 113–21. OCLC 30671693. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2010.
  • Foster, Lynn (2002). Handbook to Life in the Ancient Maya World. New York: Oxford University Press. ISBN 978-0-19-518363-4. OCLC 57319740.
  • Fox, John W. (2008) [1987]. Maya Postclassic state formation. Cambridge, UK and New York: Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-10195-0. OCLC 297146853.
  • Freidel, David A.; Linda Schele; Joy Parker (1993). Maya Cosmos: Three Thousand Years on the Shaman's Path. New York: William Morrow & Co. ISBN 978-0-688-10081-0. OCLC 27430287.
  • Fuente, Beatriz de la; Leticia Staines Cicero & Alfonso Arellano Hernández (1999). “Art: Sentries of Eternity”. Trong A. Arellano Hernández; và đồng nghiệp (biên tập). The Mayas of the Classic Period. Mexico City, Mexico: Consejo Nacional para la Cultura y las Artes (CONACULTA). tr. 141–226. ISBN 978-970-18-3005-5. OCLC 42213077.
  • Gillespie, Susan D. (1991). “Ballgames and Boundaries”. Trong Vernon Scarborough; David R. Wilcox (biên tập). The Mesoamerican Ballgame. Tucson, Arizona: University of Arizona Press. tr. 317–45. ISBN 978-0-8165-1360-4. OCLC 51873028.
  • Gillespie, Susan D. (tháng 9 năm 2000). “Rethinking Ancient Maya Social Organization: Replacing "Lineage" with "House"”. American Anthropologist. 102 (3): 467–484. doi:10.1525/aa.2000.102.3.467. ISSN 0002-7294. JSTOR 683405. OCLC 1479294.
  • Guillemín, Jorge F. (1965). Iximché: Capital del Antiguo Reino Cakchiquel [Iximche: Capital of the Ancient Kaqchikel Kingdom] (bằng tiếng Tây Ban Nha). Guatemala City, Guatemala: Tipografía Nacional de Guatemala. OCLC 1498320.
  • Hammond, Norman; Duncan Pring; Rainer Berger; V. R. Switsur; A. P. Ward (15 tháng 4 năm 1976). “Radiocarbon chronology for early Maya occupation at Cuello, Belize”. Nature. 260 (5552): 579–81. Bibcode:1976Natur.260..579H. doi:10.1038/260579a0. ISSN 0028-0836. S2CID 4270766.
  • Hansen, Richard D. (1991). J.P. Laporte; S. Villagrán; H. Escobedo; D. de González; J. Valdés (biên tập). “Resultados preliminares de las investigaciones arqueológicas en el sitio Nakbe, Petén, Guatemala” [Preliminary Results of the Archaeological Investigations of Nakbe, Peten, Guatemala] (PDF). Simposio de Investigaciones Arqueológicas en Guatemala (bằng tiếng Tây Ban Nha). II (1988): 163–78. OCLC 27267772. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 7 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2010.
  • Hansen, Richard D. (1998). “Continuity and Disjunction: The Pre-Classic Antecedents of Classic Maya Architecture” (PDF). Trong Stephen D. Houston (biên tập). Function and Meaning in Classic Maya Architecture. Washington, DC: Dumbarton Oaks Research Library and Collection. tr. 49–122. ISBN 978-0-88402-254-1. OCLC 318200121. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2021.
  • Hohmann-Vogrin (2011) [2006]. “Unidad de espacio y tiempo: la arquitectura Maya”. Trong Nikolai Grube (biên tập). Los Mayas: Una Civilización Milenaria [Unity of Space and Time: Maya Architecture] (hardback) (bằng tiếng Tây Ban Nha). Potsdam, Germany: Tandem Verlag. tr. 194–215. ISBN 978-3-8331-6293-0. OCLC 828120761.
  • Houston, Stephen; John Robertson; David Stuart (tháng 6 năm 2000). “The Language of Classic Maya Inscriptions”. Current Anthropology. 41 (3): 321–56. doi:10.1086/300142. ISSN 0011-3204. JSTOR 10.1086/300142. PMID 10768879. S2CID 741601.
  • Hutson, Scott R. (tháng 12 năm 2011). “The Art of Becoming: The Graffiti of Tikal, Guatemala”. Latin American Antiquity. 22 (4): 403–26. doi:10.7183/1045-6635.22.4.403. ISSN 2325-5080. JSTOR 23072567. S2CID 163256732.
  • Jackson, Sarah E. (2013). Politics of the Maya Court: Hierarchy and Change in the Late Classic Period. Norman, Oklahoma: University of Oklahoma Press. ISBN 978-0-8061-4341-5. OCLC 813300656.
  • Jones, Grant D. (1998). The Conquest of the Last Maya Kingdom. Stanford, California: Stanford University Press. ISBN 978-0-8047-3522-3.
  • Justeson, John (2010). “Numerical cognition and the development of 'zero' in Mesoamerica”. The Archaeology of Measurement: Comprehending Heaven, Earth and Time in Ancient Societies. New York, US: Cambridge University Press. tr. 43–53. ISBN 978-0-521-11990-0. OCLC 501396677.
  • Kettunen, Harri; Helmke, Christopher (2008). “Introduction to Maya Hieroglyphs: Workshop handbook” (PDF). Mesoweb articles. Mesoweb: An Exploration of Mesoamerican Cultures. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 8 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2015.
  • Kettunen, Harri; Helmke, Christopher (2014). “Introduction to Maya Hieroglyphs: Workshop handbook” (PDF). Mesoweb articles (ấn bản thứ 14). Mesoweb: An Exploration of Mesoamerican Cultures. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 1 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2015. Alt URL
  • Kimbell Art Museum (2015). “Presentation of Captives to a Maya Ruler”. Fort Worth, Texas: Kimbell Art Museum. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2015.
  • Koch, Peter O. (2013). John Lloyd Stephens and Frederick Catherwood: Pioneers of Mayan Archaeology. Jefferson, North Carolina: McFarland. ISBN 978-0-7864-7107-2. OCLC 824359844.
  • Kristan-Graham, Cynthia; Jeff Karl Kowalski (2007). “Chichén Itzá, Tula, and Tollan: Changing Perspectives on a Recurring Problem in Mesoamerican Archaeology and Art History”. Twin Tollans: Chichén Itzá, Tula, and the Epiclassic to Early Postclassic Mesoamerican World. Washington, DC: Trustees for Harvard University. tr. 13–84. ISBN 978-0-88402-323-4. OCLC 71243931.
  • Laporte, Juan Pedro; Vilma Fialko (1994). J.P. Laporte; H. Escobedo (biên tập). “Mundo Perdido, Tikal: Los enunciados actuales” [Mundo Perdido, Tikal: Current questions] (PDF). Simposio de Investigaciones Arqueológicas en Guatemala (bằng tiếng Tây Ban Nha). VII (1993): 335–48. OCLC 33865804. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 15 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2012.
  • Looper, Matthew G. (1999). “New Perspectives on the Late Classic Political History of Quirigua, Guatemala”. Ancient Mesoamerica. 10 (2): 263–80. doi:10.1017/S0956536199101135. ISSN 0956-5361. OCLC 86542758.
  • Looper, Matthew G. (2003). Lightning Warrior: Maya Art and Kingship at Quirigua. Linda Schele series in Maya and pre-Columbian studies. Austin, Texas: University of Texas Press. ISBN 978-0-292-70556-2. OCLC 52208614.
  • Love, Michael (tháng 12 năm 2007). “Recent Research in the Southern Highlands and Pacific Coast of Mesoamerica”. Journal of Archaeological Research. 15 (4): 275–328. doi:10.1007/s10814-007-9014-y. ISSN 1573-7756. S2CID 144511056.
  • Lovell, W. George (2000). “The Highland Maya”. Trong Richard E.W. Adams; Murdo J. Macleod (biên tập). The Cambridge History of the Native Peoples of the Americas, Vol. II: Mesoamerica, part 2. Cambridge, UK: Cambridge University Press. tr. 392–444. ISBN 978-0-521-65204-9. OCLC 33359444.
  • Lovell, W. George (2005). Conquest and Survival in Colonial Guatemala: A Historical Geography of the Cuchumatán Highlands, 1500–1821 (ấn bản thứ 3). Montreal, Canada: McGill-Queen's University Press. ISBN 978-0-7735-2741-6. OCLC 58051691.
  • Macri, Martha J.; Matthew George Looper (2003). The New Catalog of Maya Hieroglyphs. The civilization of the American Indian series. 1: The Classic period inscriptions. Norman, Oklahoma: University of Oklahoma Press. ISBN 978-0-8061-3497-0. OCLC 773482216.
  • Marcus, Joyce (2004a). “Maya Commoners: The Stereotype and the Reality” (PDF). Trong Jon C. Lohse; Fred Valdez Jr. (biên tập). Ancient Maya Commoners. Austin, Texas: University of Texas Press. tr. 255–84. ISBN 978-0-292-70571-5. OCLC 60745417 – qua Project MUSE.
  • Marcus, Joyce (2004) [2003]. “The Maya and Teotihuacan”. Trong Geoffrey E. Braswell (biên tập). The Maya and Teotihuacan : reinterpreting early classic interaction. Austin, Texas: University of Texas Press. tr. 337–56. ISBN 978-0-292-70587-6. OCLC 254181446.
  • Martin, Simon; Nikolai Grube (2000). Chronicle of the Maya Kings and Queens: Deciphering the Dynasties of the Ancient Maya. London, UK and New York, US: Thames & Hudson. ISBN 978-0-500-05103-0. OCLC 47358325.
  • Masson, Marilyn A.; Carlos Peraza Lope (2004). “Commoners in Postclassic Maya society: Social versus economic class constructs”. Trong Jon C. Lohse; Fred Valdez Jr. (biên tập). Ancient Maya Commoners. Austin, Texas: University of Texas Press. tr. 197–223. ISBN 978-0-292-70571-5. OCLC 803179517.
  • Masson, Marilyn A. (6 tháng 11 năm 2012). “Maya collapse cycles”. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America. 109 (45): 18237–38. Bibcode:2012PNAS..10918237M. doi:10.1073/pnas.1213638109. ISSN 1091-6490. JSTOR 41829886. PMC 3494883. PMID 22992650.
  • Masson, Marilyn A.; Carlos Peraza Lope (2014). “Militarism, Misery and Collapse”. Trong Marilyn A. Masson; Carlos Peraza Lope (biên tập). Kukulcan's Realm: Urban Life at Ancient Mayapán. Boulder, Colorado, US: University Press of Colorado. ISBN 978-1-60732-319-8. OCLC 892430422.
  • Matthew, Laura E. (2012). Memories of Conquest: Becoming Mexicano in Colonial Guatemala (hardback). First Peoples. Chapel Hill, North Carolina, US: University of North Carolina Press. ISBN 978-0-8078-3537-1. OCLC 752286995.
  • McVicker, Donald (tháng 1 năm 1985). “The "Mayanized" Mexicans”. American Antiquity. 50 (1): 82–101. doi:10.2307/280635. ISSN 2325-5080. JSTOR 280635.
  • Milbrath, Susan (1999). “Stars, the Milky Way, Comets, and Meteors” (PDF). Star Gods of the Maya: Astronomy in Art, Folklore, and Calendars. Austin, Texas: University of Texas Press. tr. 249–93. ISBN 978-0-292-75225-2. OCLC 40848420 – qua Project MUSE.
  • Miles, Susanna W. (1952). “An Analysis of the Modern Middle American Calendars: A Study in Conservation”. Trong Sol Tax (biên tập). Acculturation in the Americas. Proceedings and selected papers of the International Congress of Americanists. Chicago, Illinois: University of Chicago Press. tr. 273–84. OCLC 180504894.
  • Miller, Mary (1999). Maya Art and Architecture. London, UK and New York: Thames & Hudson. ISBN 978-0-500-20327-9. OCLC 41659173.
  • Miller, Mary; Karl Taube (1993). The Gods and Symbols of Ancient Mexico and the Maya. London, UK: Thames and Hudson. ISBN 978-0-500-05068-2. OCLC 901448866.
  • Oakley, Francis; Rubin, Benjamin B. (2012). “Sacral Kingship and the Origins of Religious, Social, and Political Orders”. Trong Patrick McNamara; Wesley J. Wildman (biên tập). Science and the World's Religions: Origins and Destinies. 1. Santa Barbara, California: Praeger/ABC-CLIO. tr. 69–90. ISBN 978-0-313-38732-6. OCLC 768417915.
  • Olmedo Vera, Bertina (1997). A. Arellano Hernández; và đồng nghiệp (biên tập). The Mayas of the Classic Period. Mexico City, Mexico: Consejo Nacional para la Cultura y las Artes (CONACULTA). tr. 9–99. ISBN 978-970-18-3005-5. OCLC 42213077.
  • Phillips, Charles (2007) [2006]. The Complete Illustrated History of the Aztecs & Maya: The definitive chronicle of the ancient peoples of Central America & Mexico – including the Aztec, Maya, Olmec, Mixtec, Toltec & Zapotec. London, UK: Anness Publishing Ltd. ISBN 978-1-84681-197-5. OCLC 642211652.
  • Popenoe de Hatch, Marion; Christa Schieber de Lavarreda (2001). J.P. Laporte; A.C. Suasnávar; B. Arroyo (biên tập). “Una revisión preliminar de la historia de Takʼalik Abʼaj, departamento de Retalhuleu” [A Preliminary Revision of the History of Takalik Abaj, Retalhuleu Department] (PDF). Simposio de Investigaciones Arqueológicas en Guatemala (bằng tiếng Tây Ban Nha). XIV (2000): 990–1005. OCLC 49563126. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 11 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2009.
  • Pugh, Timothy W.; Leslie G. Cecil (2012). “The contact period of central Petén, Guatemala in color”. Social and Cultural Analysis, Department of. Faculty Publications. Paper 6.
  • Quezada, Sergio (2011). La colonización de los mayas peninsulares [The Colonisation of the Peninsula Maya] (PDF). Biblioteca Básica de Yucatán (bằng tiếng Tây Ban Nha). 18. Merida, Yucatan, Mexico: Secretaría de Educación del Gobierno del Estado de Yucatán. ISBN 978-607-7824-27-5. OCLC 796677890. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2013.
  • Recinos, Adrian (1986) [1952]. Pedro de Alvarado: Conquistador de México y Guatemala [Pedro de Alvarado: Conqueror of Mexico and Guatemala] (bằng tiếng Tây Ban Nha) (ấn bản thứ 2). Antigua Guatemala, Guatemala: CENALTEX Centro Nacional de Libros de Texto y Material Didáctico "José de Pineda Ibarra". OCLC 243309954.
  • Reents-Budet, Dorie; Antonia E. Foias; Ronald L. Bishop; M. James Blackman; Stanley Guenter (2007). J.P. Laporte; B. Arroyo; H. Mejía (biên tập). “Interacciones políticas y el Sitio Ikʼ (Motul de San José): Datos de la cerámica” [Political Interactions and the Ikʼ Site (Motul de San Jose): Ceramic Data] (PDF). Simposio de Investigaciones Arqueológicas en Guatemala (bằng tiếng Tây Ban Nha). XX (2006): 1416–36. OCLC 173275417. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 14 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2009.
  • Restall, Matthew; Florine Asselbergs (2007). Invading Guatemala: Spanish, Nahua, and Maya Accounts of the Conquest Wars. University Park, Pennsylvania: Pennsylvania State University Press. ISBN 978-0-271-02758-6. OCLC 165478850.
  • Rice, Prudence M.; Don S. Rice (2009). “Introduction to the Kowoj and their Petén Neighbors”. Trong Prudence M. Rice; Don S. Rice (biên tập). The Kowoj: identity, migration, and geopolitics in late postclassic Petén, Guatemala. Boulder, Colorado: University Press of Colorado. tr. 3–15. ISBN 978-0-87081-930-8. OCLC 225875268.
  • Rice, Prudence M.; Don S. Rice; Timothy W. Pugh; Rómulo Sánchez Polo (2009). “Defensive Architecture and the Context of Warfare at Zacpetén”. Trong Prudence M. Rice; Don S. Rice (biên tập). The Kowoj: identity, migration, and geopolitics in late postclassic Petén, Guatemala. Boulder, Colorado: University Press of Colorado. tr. 123–140. ISBN 978-0-87081-930-8. OCLC 225875268.
  • Ros, Narin. “Maya Museum Database”. Foundation for the Advancement of Mesoamerican Studies. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2015. Full list from FAMSI archived from the original on 2015-06-08.
  • Rosenwig, Robert M. (2010). The Beginnings of Mesoamerican Civilization: Inter-Regional Interaction and the Olmec. New York: Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-11102-7. OCLC 402542556.
  • Ross, Nanci J. (tháng 1 năm 2011). “Modern tree species composition reflects ancient Maya 'forest gardens' in northwest Belize”. Ecological Applications. 21 (1): 75–84. doi:10.1890/09-0662.1. ISSN 1051-0761. JSTOR 29779638. PMID 21516889.
  • Salisbury, David; Mimi Koumenalis; Barbara Moffett (19 tháng 9 năm 2002). “Newly revealed hieroglyphs tell story of superpower conflict in the Maya world” (PDF). Exploration: The Online Research Journal of Vanderbilt University. OCLC 50324967. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2015.
  • Saturno, William A.; David Stuart; Boris Beltrán (3 tháng 3 năm 2006). “Early Maya Writing at San Bartolo, Guatemala”. Science. New Series. 311 (5765): 1281–83. Bibcode:2006Sci...311.1281S. doi:10.1126/science.1121745. ISSN 1095-9203. JSTOR 3845835. OCLC 863047799. PMID 16400112. S2CID 46351994.
  • Schele, Linda; Peter Mathews (1999). The Code of Kings: The language of seven Maya temples and tombs. New York: Simon & Schuster. ISBN 978-0-684-85209-6. OCLC 41423034.
  • SFU Museum of Archaeology and Ethnology. “Featured Artifacts: Mayan Eccentric Flints”. Burnaby, British Columbia, Canada: Simon Fraser University Museum of Archaeology and Ethnology. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2015.
  • Sharer, Robert J. (2000). “The Maya Highlands and the Adjacent Pacific Coast”. Trong Richard E.W. Adams; Murdo J. Macleod (biên tập). The Cambridge History of the Native Peoples of the Americas, Vol. II: Mesoamerica, part 1. Cambridge, UK: Cambridge University Press. tr. 449–99. ISBN 978-0-521-35165-2. OCLC 33359444.
  • Sharer, Robert J.; Loa P. Traxler (2006). The Ancient Maya (ấn bản thứ 6). Stanford, California: Stanford University Press. ISBN 978-0-8047-4817-9. OCLC 57577446.
  • Šprajc, Ivan (2018). “Astronomy, architecture, and landscape in Prehispanic Mesoamerica”. Journal of Archaeological Research. 26 (2): 197–251. doi:10.1007/s10814-017-9109-z. S2CID 149439162.
  • Stuart, David; George Stuart (2008). Palenque: Eternal City of the Maya. London, UK: Thames & Hudson. ISBN 978-0-500-05156-6. OCLC 227016561.
  • Szymanski, Jan (2013). “Between Death and Divinity. Rethinking the Significance of Triadic Groups in Ancient Maya Culture” (PDF). PhD Dissertation. Warsaw, Poland: University of Warsaw. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 3 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2014.
  • Taladoire, Eric; Benoit Colsenet (1991). “"Bois Ton Sang, Beaumanoir": The Political and Conflictual Aspects of the Ballgame in the Northern Chiapas Area”. Trong Vernon Scarborough; David R. Wilcox (biên tập). The Mesoamerican Ballgame. Tucson, Arizona: University of Arizona Press. tr. 161–74. ISBN 978-0-8165-1360-4. OCLC 51873028.
  • Tanaka, Yuki (2008). A Comparative Study of Maya Hieroglyphic Writing and Japanese Orthography in the Quirigua Hieroglyphic Corpus. Ann Arbor, Michigan. ISBN 978-0-549-99989-8.
  • Taube, Karl A. (2004) [2003]. “Tetitla and the Maya Presence at Teotihuacan”. Trong Geoffrey E. Braswell (biên tập). The Maya and Teotihuacan : reinterpreting early classic interaction. Austin, Texas: University of Texas Press. tr. 273–314. ISBN 978-0-292-70587-6. OCLC 254181446.
  • Tedlock, Barbara (1992) [1982]. Time and the Highland Maya . Albuquerque, New Mexico: University of New Mexico Press. ISBN 978-0-8263-1358-4. OCLC 45732799.
  • Thompson, J. Eric S. (July–September 1932). “A Maya Calendar from the Alta Vera Paz, Guatemala”. American Anthropologist. New Series. 34 (3): 449–54. doi:10.1525/aa.1932.34.3.02a00090. ISSN 0002-7294. JSTOR 661903. OCLC 1479294.
  • Thompson, J. Eric S. (1966). “The Maya Central Area at the Spanish Conquest and Later: A Problem in Demography”. Proceedings of the Royal Anthropological Institute of Great Britain and Ireland (1966): 23–37. doi:10.2307/3031712. JSTOR 3031712.
  • Thompson, J. Eric S. (1990) [1970]. Maya History and Religion. Norman, Oklahoma: University of Oklahoma Press. ISBN 978-0-8061-2247-2. OCLC 715926981.
  • Thompson, J. Eric S. (2 tháng 5 năm 1974). “Maya Astronomy”. Philosophical Transactions of the Royal Society of London. Series A, Mathematical and Physical Sciences. 276 (1257, The Place of Astronomy in the Ancient World): 83–98. Bibcode:1974RSPTA.276...83T. doi:10.1098/rsta.1974.0011. ISSN 0261-0523. JSTOR 74276. S2CID 202574557.
  • Tiesler, Vera; Andrea Cucina (tháng 12 năm 2006). “Procedures in Human Heart Extraction and Ritual Meaning: A Taphonomic Assessment of Anthropogenic Marks in Classic Maya Skeletons”. Latin American Antiquity. 17 (4): 493–510. doi:10.2307/25063069. ISSN 2325-5080. JSTOR 25063069. S2CID 163730170.
  • Tobin, Thomas J. (2001). “The Construction of the Codex in Classic- and Postclassic-Period Maya Civilization”. Pittsburgh, Pennsylvania: Duquesne University. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 10 năm 2002. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2015.
  • Valdés, Juan Antonio (1994). J.P. Laporte; H. Escobedo; S. Villagrán (biên tập). “El Grupo A de Uaxactun: Manifestaciones arquitectónicas y dinásticas durante el Clásico Temprano” [Uaxactun Group A: Architectural Manifestations and Dynasties during the Early Classic] (PDF). I Simposio de Investigaciones Arqueológicas en Guatemala, 1987 (bằng tiếng Tây Ban Nha): 98–111. OCLC 31177419. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 3 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2010.
  • Van Stone, Mark (2011). “It's not the End of the World: emic evidence for local diversity in the Maya Long Count”. Proceedings of the International Astronomical Union. 7 (278): 186–191. Bibcode:2011IAUS..278..186V. doi:10.1017/S1743921311012610.
  • Viqueira, Juan Pedro (2004) [1995]. “Chiapas y sus regiones” [Chiapas and its Regions]. Trong Juan Pedro Viqueira; Mario Humberto Ruz (biên tập). Chiapas: los rumbos de otra historia [Chiapas: The courses of a different history] (bằng tiếng Tây Ban Nha). Mexico City, Mexico: Centro de Investigaciones Filológicas with Centro de Investigaciones y Estudios Superiores en Antropología Social (CIESAS). tr. 19–40. ISBN 978-968-36-4836-5. OCLC 36759921.
  • WAYEB. “Museums & Collections”. European Association of Mayanists (WAYEB). Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2015.
  • Webster, David (tháng 3 năm 2000). “The Not So Peaceful Civilization: A Review of Maya War”. Journal of World Prehistory. 14 (1): 65–119. doi:10.1023/a:1007813518630. ISSN 1573-7802. JSTOR 25801154. S2CID 159563593.
  • Webster, David; William L. Fash Jr.; Claude F. Baudez; Berthold Riese; William T. Sanders (1989). The House of the Bacabs, Copan, Honduras. Studies in Pre-Columbian Art and Archaeology. Dumbarton Oaks, Trustees for Harvard University. tr. i–iv, 1–111, 113–16. ISBN 978-0-88402-177-3. JSTOR 41263469. OCLC 18557303.
  • Williams, Josh (2010). “Mississippian and Maya Eccentric Flints”. Springfield, Missouri: Board of Governors, Missouri State University. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2012.
  • Wise, Terence; McBride, Angus (2008) [1980]. The Conquistadores. Men-at-Arms. 101. Oxford, UK and New York: Osprey Publishing. ISBN 978-0-85045-357-7. OCLC 12782941.
  • Witschey, Walter R. T.; Clifford T. Brown (2012). Historical Dictionary of Mesoamerica. Plymouth, Devon, UK: Scarecrow Press. ISBN 978-0-8108-7167-0. OCLC 754105610.
  • Zorich, Zach (November–December 2012). “The Maya Sense of Time”. Archaeology. New York: Archaeological Institute of America. 65 (6): 25–29. ISSN 0003-8113. JSTOR 41804605. OCLC 1481828.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn] Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Văn minh Maya.
  • Tổ chức vì sự phát triển của nghiên cứu Trung Bộ châu Mỹ, Inc. (FAMSI)
  • Các nguồn sơ cấp về lịch sử Maya – phần một bởi Ronald A. Barnett
  • Mesoweb bởi Joel Skidmore.
  • Maya Map – Bản đồ văn minh Maya.
  • x
  • t
  • s
Văn minh Maya
Lịch sử
  • Maya tiền cổ điển
  • Sụp đổ Maya cổ điển
  • Tây Ban Nha chinh phục các tộc Maya
    • Chiapas
    • Guatemala
    • Petén
    • Yucatán
Chủ đề
  • Kiến trúc
    • E-Group
    • Kim tự tháp ba ngôi
    • Phức hợp kim tự tháp đôi
    • Phục hưng
  • Nghệ thuật
    • Graffiti
  • Đồ gốm
  • Đô thị
  • Ẩm thực
  • Vũ điệu
  • Kinh tế
    • Giao thương
    • Hàng hải
  • Ngôn ngữ
    • Cổ điển
    • Chữ viết
    • Danh sách
  • Nghiên cứu Maya
  • Thảo dược
  • Âm nhạc
  • Thần thoại
  • Chữ số
  • Sắc tộc
  • Di chỉ
  • Bia đá
  • Gấm vóc
  • Quân sự
Xã hội
  • Trẻ con
  • Phụ nữ
    • Hộ sinh
  • Tôn giáo
    • Tăng lữ
    • Hiến tế
    • Tế người
    • Ma chay
  • Tầng lớp
    • Ajaw
    • Vua chúa
  • Nhà cửa
Hệ lịch
  • Ajaw
  • Baktun
  • Haabʼ
  • Kʼatun
  • Kʼin
  • Tun (lịch Maya)
  • Tzolkʼin
  • Winal
Văn học
  • Sử lược Cakchiquel
  • Chilam Balam
  • Các tập thủ bản
    • Dresden
    • Grolier
    • Madrid
    • Paris
  • Popol Vuh
  • Achí
  • Nghi lễ của người Bacab
  • Các bài ca của Dzitbalche
  • Título Cʼoyoi
  • Título de Totonicapán
Thần linh Cổ điển Bacab Chaac Thần chết Thần L Nữ thần I Cặp anh hùng song sinh Thần khỉ rú Itzamna Ixchel Thần báo đốm Kʼawiil Kinich Ahau Thần ngô Mam Nữ thần trăng Yopaat Hậu Cổ điển Acat Ah-Muzen-Cab Chin Ixtab Kukulkan Yum Kaax Popol Vuh Awilix Camazotz Hun Hunahpu Huracan Jacawitz Qʼuqʼumatz Tohil Vucub Caquix Xmucane và Xpiacoc Xquic Zipacna
Vua chúa Nam giới Bʼalaj Chan Kʼawiil Haʼ Kʼin Xook Itzam Kʼan Ahk II Kʼakʼ Tiliw Chan Yopaat K'inich Janaab' Pakal Kʼinich Yat Ahk II Kʼinich Yax Kʼukʼ Moʼ Kʼinich Yoʼnal Ahk I Uaxaclajuun Ubʼaah Kʼawiil Yoʼnal Ahk III Yuknoom Chʼeen II Yuknoom Yichʼaak Kʼahkʼ Nữ giới Lady Eveningstar Lady of Itzan Lady of Tikal Lady Xoc Sak Kʼukʼ Wak Chanil Ajaw Yohl Ikʼnal
  • x
  • t
  • s
Di tích Maya
Belize
  • Actun Tunichil Muknal
  • Altun Ha
  • Baking Pot
  • Barton Creek Cave
  • Cahal Pech
  • Caracol
  • Cerros
  • Chaa Creek
  • Colha
  • Cuello
  • El Pilar
  • Ka'Kabish
  • K'axob
  • La Milpa
  • Lamanai
  • Louisville
  • Lower Dover
  • Lubaantun
  • Marco Gonzalez
  • Nim Li Punit
  • Nohmul
  • Nohoch Che'en
  • Pusilha
  • San Estevan
  • Santa Rita Corozal
  • Tipu
  • Uxbenka
  • Xnaheb
  • Xunantunich
Chichen Itza
Guatemala
  • Aguateca
  • Altar de Sacrificios
  • Arroyo de Piedra
  • Balberta
  • Bejucal
  • Cancuén
  • Cerro Quiac
  • Chama
  • Chitinamit
  • Chocolá
  • Chutixtiox
  • Cotzumalhuapa
  • Dos Pilas
  • El Baúl
  • El Chal
  • El Mirador
  • El Perú
  • El Porvenir
  • El Tintal
  • El Zotz
  • Holmul
  • Holtun
  • Itzan
  • Iximche
  • Ixkun
  • Ixlu
  • Ixtonton
  • Ixtutz
  • Kaminaljuyu
  • Kinal
  • K'atepan
  • La Amelia
  • La Blanca
  • La Corona
  • La Joyanca
  • La Muerta
  • Machaquila
  • Mixco Viejo
  • Montana
  • Motul de San José
  • Naachtun
  • Nakbe
  • Nakum
  • Naranjo
  • Pajaral
  • Piedras Negras
  • Punta de Chimino
  • Quiriguá
  • Q'umarkaj
  • Río Azul
  • Sacul
  • San Bartolo
  • Seibal
  • Takalik Abaj
  • Tamarindito
  • Tayasal
  • Tikal
  • Topoxte
  • Tres Islas
  • Uaxactun
  • Ucanal
  • Wajxaklajun
  • Witzna
  • Xultun
  • Yaxha
  • Zacpeten
  • Zaculeu
  • Zapote Bobal
Honduras
  • Copán
  • El Puente
Mexico
  • Acanceh
  • Aké
  • Balamku
  • Becan
  • Bonampak
  • Calakmul
  • Chacchoben
  • Chactún
  • Chicanná
  • Chinkultic
  • Chichen Itza
  • Chunchucmil
  • Coba
  • Comalcalco
  • Dzibilchaltun
  • Edzna
  • Ek' Balam
  • Izamal
  • Izapa
  • Jaina
  • Jolja'
  • Kabah
  • Kiuic
  • Kohunlich
  • Komchen
  • Labna
  • La Mar
  • Mayapan
  • Maní
  • Moral Reforma
  • Muyil
  • Oxkintok
  • Palenque
  • Plan de Ayutla (Maya Site)
  • Pomona
  • Punta Sur
  • Río Bec
  • San Gervasio
  • Sayil
  • Toniná
  • Tortuguero
  • Tulum
  • Uxmal
  • Xcaret
  • Xelha
  • Xlapak
  • Xpuhil
  • Yaxchilan
  • Yaxuna
  • Yula
  • Yo'okop
El Salvador
  • Cara Sucia
  • Casa Blanca
  • Cihuatán
  • Joya de Cerén
  • San Andrés
  • Tazumal
Xem thêm: Thời kỳ tiền Colombo
Tiêu đề chuẩn Sửa dữ liệu tại Wikidata
  • GND: 4038108-0
  • NDL: 00567539

Từ khóa » Hình ảnh đế Chế Maya