Vấn Nạn “lắc” Trong Tụ điểm Karaoke: Những Biến Tướng Trá Hình

Từ đầu năm 2014, Cơ quan công an các cấp và Đoàn kiểm tra liên nghành văn hóa - xã hội ở TP HCM liên tiếp kiểm tra và xử lý khá nhiều quán bar, vũ trường nổi tiếng ở TP HCM như vũ trường 030, vũ trường New Sài Gòn, bar 35 Nguyễn Thị Diệu, bar Kumho quận 1…

Từ khi các tụ điểm ăn chơi ở nội thành bị thu hẹp lại, dân chơi đã tấn công ra khu vực vùng ven ngoại thành như Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Chánh… nhưng cũng được một thời gian thì các tụ điểm bị xóa sổ. Song, "niềm đam mê" của dân "lắc" thì vẫn còn đó và các tay "trùm" tệ nạn luôn biết cách thay đổi để phục vụ "thượng đế" của mình. Thế là thêm một biến tướng nữa phát sinh: "lắc" trong quán karaoke!

Rạng sáng ngày 5/10, các cơ quan chức năng quận 3 phát hiện 60 dân "lắc" đang điên cuồng nhảy nhót trong karaoke Tip Top (nằm trên đường Trương Định) là một minh chứng rõ nét.

Vòng xóay của tệ nạn

Quán karaoke Tip Top có hơn 20 phòng, trong đó có 6 phòng VIP được thiết kế dành riêng cho dân "lắc". Với dàn loa từ 5 đến 20 thùng loại công suất lớn, dân "lắc" sau khi "cắn" thuốc tha hồ mà nhảy nhót quên cả thời gian, lối về.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 22 viên nén là ma túy tổng hợp nên gần 60 người được đưa về trụ sở để xét nghiệm nhanh và kết quả có 9 đối tượng dương tính với ma túy. Các con nghiện khai vào đây thuê phòng karaoke (chứa khoảng 10 người) với giá 500.000 đồng/giờ, thường chỉ đến đây sau 0 giờ và lắc cho đến sáng hôm sau. Khi bị kiểm tra, người quản lý ở đây có xuất trình bản photo giấy phép kinh doanh nhưng đã hết hạn từ năm 2013.

Kiểm tra quán karaoke Tiptop.

Khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp, nhiều cô giấu mặt đi vì xấu hổ, nhưng cũng có một số cô, cậu thì cười toe toét, bình thản như chẳng có chuyện gì xảy ra. Thấy lạ, tôi hỏi thì H. con của một "đại gia" ở quận 3 như muốn trút nỗi lòng: "Bị như vầy để ổng bả sợ mà quan tâm tới. Tối ổng say bí tỉ rồi mới về nhà ngủ, còn bả thì đi công tác hoài, tui không đi chơi cũng uổng!".

H. thừa nhận mình đã chơi ma túy từ lâu và nguyên nhân là do buồn chuyện gia đình: "Nhiều khi em thèm lắm một buổi cơm có cả cha lẫn mẹ, hay một lời dạy dỗ chân thành của người thân mà cũng không có được!". H. cũng như nhiều cô, cậu khác, được cha mẹ "quăng" cho một "núi tiền" coi như bù lại khoảng trống tình thương mà họ không thực hiện được do phải mải mê kiếm tiền.

Tôi hỏi Q. ngụ tại Bình Thạnh: "Bị tạm giữ thế này thì em ăn nói sao với cha mẹ?". Q. cười nhạt nhẽo, hỏi lại tôi: "Anh thấy có đứa nào con nhà đàng hoàng mà đi chơi thoải mái sáng đêm chưa?". Tôi còn đang lúng túng thì Ph., bạn của Q. nói chen vào: "Ba má nó ly thân, cho nó nhà riêng ở, tiền bạc cung cấp đầy đủ, không tiêu thì để làm gì?". Tôi lại hỏi: "Thế những bạn nữ cùng đi có quan hệ như thế nào?. Ph.: "Thì cũng có gia đình như tụi em, thường hay đi chơi quán bar, vũ trường nên quen nhau".

Tôi gật đầu như vừa chợt hiểu. Các cô cậu này thiếu tình thương, thiếu sự giáo dục lại có lắm của nhiều tiền thì rất dễ sinh hư. Nghĩ đến những người nghèo khó mà vẫn học giỏi, lao động chân chính để nuôi bản thân và gia đình thật đáng trân trọng làm sao!

Thật ra thì tình trạng "lắc" trong các điểm karaoke đã tồn tại từ rất lâu ở TP HCM mà cho đến nay xét về quy mô và mức độ ăn chơi trác táng thì chưa đâu qua điểm karaoke Song Ngọc nằm trên đường Điện Biên Phủ thuộc địa bàn quận Bình Thạnh. Nhìn vẻ bề ngoài, Karaoke Song Ngọc là một ngôi nhà cũ kỹ, lộ rõ nét bình dân nhưng có điều lạ là những khách tìm đến đây đều là những thanh niên ăn mặc rất "mốt", đầu tóc kiểu cọ, đi xe đời mới, nói chung thuộc dạng ăn chơi sành điệu. Khi cảnh sát ập vào thì ở karaoke Song Ngọc đang diễn ra một đêm thác loạn những con "thiêu thân" đang trong cơn say… thuốc lắc!

Ngôi nhà 3 tầng lầu của karaoke Song Ngọc hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài đang là cuộc vui trác táng của 149 thanh niên, trong có có 53 nữ. Nếu như ở trong các phòng karaoke (có 12 phòng diện tích từ 5-15m2) từng đôi một ôm nhau lắc điên cuồng theo điệu nhạc thì ở 3 phòng "VIP" (diện tích 20m2/phòng), nhiều "cô chiêu" không mảnh vải che thân đang uốn éo, lắc lư trên sàn diễn để đám bạn trai cùng thưởng thức.

Tiếng reo hò cổ vũ, mùi rượu bia, thuốc lá; tép hêrôin, ống kim tiêm, áo quần lót, bao cao su vứt bừa bãi… tạo thành một không gian sặc mùi kinh tởm và rùng rợn. Không chỉ dừng lại ở đây vì khi cần "giải quyết nhu cầu" cả bọn có thể sa vào chiếc ghế salon rồi tự do "sinh hoạt" như ở chốn không người. Từ đó mà nhiều người ví von rằng, bọn trẻ này sống như thời còn là bầy người nguyên thủy, đã mất đi cái cảm giác ngượng ngùng, xấu hổ .... Nhưng lý giải theo khoa học thì chính ma túy đã biến họ trở thành một con người hoàn toàn khác…

Đám trẻ này hầu hết là con gia đình giàu có, chức quyền nên phương tiện mà chúng sử dụng đều là những loại xe tay ga đắt tiền như SH, @, Dylan… và điện thoại di động đời mới. Để vào đây chơi chúng phải trả tiền thuê từ 1,4-2 triệu đồng/ đêm, với số phòng có được tính ra người chủ sẽ thu lợi ngót nghét gần 30 triệu đồng/đêm. Một khoản thu nhập "khủng" mà không phải đầu tư tốn kém gì nhiều ngoài hệ thống loa, âm ly sao cho…cực mạnh.

Từ sau khi karaoke Song Ngọc bị phát hiện, các cơ quan chức năng ở TP HCM mới... giật mình. Thế là sau đó, nhiều đợt tổng kiểm tra các quán karaoke được thực hiện trên toàn địa bàn thành phố và phát hiện không ít những điểm thác loạn tương tự. Để rồi sau đó, dân chơi một thời gian dài vắng bóng ở karaoke và chuyển sang vũ trường, các quán bar trá hình, hoạt động núp bóng dưới các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn.

Đến thời gian gần đây, khi vũ trường, quan bar bị "để ý" thì dân chơi lại chuyển sang karaoke như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết.

Cần phải ngăn chặn từ trong trứng nước

Nhằm để khái quát vấn nạn liên quan đến karaoke, chúng tôi xin điểm lại "chặng đường gian nan" kể từ khi xuất hiện loại hình dịch vụ giải trí karaoke xuất hiện ở Việt Nam: Khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, khi karaoke mới được du nhập vào Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh được nhiều người tìm đến sau những giờ lao động, học tập căng thẳng.

Sự ra đời của lọai hình dịch vụ này được xem là một cứu cánh cho TP HCM - một đô thị lớn nhất nước nhưng rất thiếu thốn các tụ điểm vui chơi lành mạnh vào thời điểm này. Chính vì vậy mà cơ quan chức năng đã ra kêu gọi nhân rộng mô hình này để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao của người dân thành phố.

Một điểm karaoke có sự dụng thuốc lắc bị phát hiện.

Tuy nhiên, từ đó và cho đến bây giờ, do hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, cho nên, không phải ai "nghiện" ca hát cũng có thể "tậu" về cho mình một dàn karaoke hiện đại. Vì vậy, đi hát karaoke giải trí ở các điểm dịch vụ vẫn là sự lựa chọn của nhiều người. Và thực tế, qua nhiều năm hoạt động, một số hệ thống karaoke ở khu trung tâm TP HCM và hàng trăm điểm karaoke gia đình lành mạnh ở nội, ngoại thành vẫn tồn tại và phát triển như bao ngành nghề kinh doanh khác. Chưa được bao lâu thì tệ nạn đã lấn sân, tồn tại song hành cùng những điểm karaoke lành mạnh. Các loại biến tướng của karaoke ra đời từ đấy!

Không chỉ ở TP HCM mà nhiều đô thị lớn khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Xuất phát từ thực tế đó, ngày 25/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường. Theo đó, tạm ngưng cấp mới giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường trên phạm vi cả nước để các cấp, các ngành tiến hành rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở hiện có để xây dựng quy hoạch và tăng cường các biện pháp quản lý những loại hình dịch vụ này.

Mặc dù, mục đích chính của chỉ thị này là nhằm hạn chế tệ nạn biến tướng từ karaoke nhưng lại không được sự đồng tình của đông đảo quần chúng nhân dân. Bởi lẽ, kinh doanh karaoke vốn là một nghề chân chính, một hình thức sinh hoạt lành mạnh, còn chuyện ai làm sai thì bị xử lý chứ không thể "quơ đũa cả nắm" để rồi khai tử nó.

Song song với chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP HCM cũng ban hành một số quyết định, chỉ thị về quản lý, tổ chức và hoạt động dịch vụ karaoke, trong có có việc "phê duyệt quy hoạch một số ngành nghề thương mại và dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa - xã hội "nhạy cảm" dễ phát sinh tệ nạn xã hội" cho từng quận, huyện. Nhìn chung, hầu hết các quận, huyện đều có chủ trương không phát triển thêm điểm karaoke. Tuy nhiên, kể từ sau sự chấn chỉnh này, những tưởng tình trạng karaoke biến tướng cũng sẽ bị bó hẹp lại, song trên thực tế tệ nạn phát sinh từ karaoke vẫn tăng lên…

Dàn âm ly và loa thu tại karaoke Song Ngọc.

TP HCM, nơi có số lượng điểm karaoke thuộc dạng cao nhất nước (trên dưới 700 điểm), kể từ sau khi bị tạm ngưng cấp phép, thị trường chuyển nhượng giấy phép karaoke trở nên sôi động. Những kẻ có đầu óc kinh doanh đen tối sẵn sàng bỏ ra từ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng để sang nhượng lại một giấy phép kinh doanh karaoke. Từ đây, phát sinh tình trạng những điểm karaoke gia đình, hoạt động lành mạnh (nhưng ít khách) dễ dàng chấp nhận chuyển nhượng giấy phép để "ôm" một khoản tiền lớn.

Có giấy phép trong tay, người chủ mới xin thay đổi địa điểm kinh doanh, thế là có một điểm karaoke "ôm" mới toanh đi vào hoạt động. Cứ thế, dần dà, số lượng karaoke lành mạnh trở nên "tệ nạn hóa". Đến một thời gian nhất định, thị trường chuyển nhượng giấy phép karaoke trở nên bão hòa vì hầu hết giấy phép đã nằm trong tay các "trùm" tệ nạn. Hết đường mua giấy phép, những năm gần đây, trên những nẻo đường ở TP HCM bỗng xuất hiện nhiều điểm "Dịch vụ phòng thu âm trên nền nhạc karaoke".

Chúng tôi quyết tâm tìm hiểu thì mới hay, đây là một kiểu lách luật mới. Vì không xin được giấy phép kinh doanh karaoke, họ xin phép mở "dịch vụ phòng thu âm"- tất nhiên loại hình kinh doanh này không bị cấm nên Sở Kế hoạch đầu tư không thể không cấp phép.

Trên thực tế, số lượng cơ sở hoạt động đúng chức năng thu âm chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại chủ yếu kinh doanh karaoke. "Khi chúng tôi đến kiểm tra, trong phòng có gần chục người đang uống bia và hát karaoke. Nhưng người chủ bảo họ hát karaoke là để thu âm và chìa ra giấy phép kinh doanh nên chúng tôi đành chịu" - một cán bộ của Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội TP HCM cho biết.

Qua trường hợp nêu trên và từ những thực tế khác, cho thấy rằng, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh koanh các loại hình dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội thường "đi sau một bước" so với những biến tướng nên chưa thể ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn phát sinh. Nhưng nguyên nhân, theo chúng tôi là xuất phát từ sự thiếu quyết liệt (hoặc làm ngơ) của chính quyền địa phương trong việc xứ lý các tụ điểm karaoke biến tướng. Vì một điểm karaoke hoạt động rầm rộ, dân chơi khắp nơi biết đến thì không có lý do gì mà anh cảnh sát khu vực, anh quản lý "văn hóa thông tin" ở địa bàn lại không hay biết.

Mặt khác, theo các văn bản pháp luật hiện hành thì điều kiện để kinh doanh dịch vụ karaoke là diện tích phòng phải đạt 20m2; ánh sáng, âm thanh phù hợp, cửa trong suốt để bên ngoài nhìn thấy... Tại sao nhà quản lý không áp dụng xử lý để ngăn ngừa tệ nạn này ngay từ đầu thì có phải đã triệt tiêu tệ nạn từ trong trứng nước?

Từ khóa » Những Quán Karaoke Trá Hình