Văn Phòng Bộ - Bộ Công Thương
Có thể bạn quan tâm
Vị trí và chức năng
1. Văn phòng Bộ là tổ chức thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp về chương trình, kế hoạch công tác và phục vụ các hoạt động của Bộ; giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Bộ và các nhiệm vụ được giao; kiểm soát thủ tục hành chính, tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
Văn phòng Bộ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác thư ký, tổng hợp, giúp việc Lãnh đạo Bộ; hành chính, văn thư, lưu trữ; cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông; công tác ISO, chương trình 5S; bảo vệ bí mật nhà nước; báo chí, thông tin và truyền thông; lễ tân, quản trị; kế toán, quốc phòng - an ninh, bảo vệ an ninh trật tự trụ sở Bộ, bảo đảm phương tiện, điều kiện làm việc; phục vụ chung cho hoạt động của Bộ và công tác quản trị nội bộ; thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
2. Văn phòng Bộ có con dấu và tài khoản theo quy định pháp luật; Chánh Văn phòng Bộ thực hiện nhiệm vụ chủ tài khoản theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Bộ; thực hiện nhiệm vụ thư ký, tổng hợp, giúp việc Lãnh đạo Bộ; tổng hợp, đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Lãnh đạo Bộ; theo dõi, đôn đốc, lập báo cáo tổng hợp định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao cho các đơn vị thuộc Bộ; phối hợp với các đơn vị chuẩn bị tài liệu, phối hợp ghi biên bản và ban hành kết luận các cuộc họp do Lãnh đạo Bộ chủ trì theo phân công; thông báo kết luận, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Đầu mối thực hiện các quy chế phối hợp công tác với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ theo phân công.
2. Chủ trì công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Bộ và phân công của Bộ trưởng; chủ trì việc xây dựng, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch cải cách hành chính hàng năm và theo giai đoạn; xây dựng kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; và theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt; đôn đốc, theo dõi việc công bố thủ tục hành chính và kiểm soát chất lượng dự thảo Quyết định công bố thủ tục hành chính trước khi trình Bộ trưởng xem xét, ban hành; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của Bộ; chủ trì việc duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, chương trình 5S của Bộ Công Thương; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương và theo quy định của pháp luật; xây dựng, đôn đốc, triển khai việc thực hiện các quy chế, nội quy có liên quan của Bộ nhằm đảm bảo tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính.
3. Tổ chức quản lý và hướng dẫn thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ; bảo đảm việc ban hành các văn bản của Bộ theo đúng thể thức và thủ tục quy định; tiếp nhận, chuyển giao, luân chuyển công văn đi, đến và quản lý việc sử dụng con dấu của Bộ và Văn phòng Bộ; tổ chức in ấn tài liệu phục vụ công tác của Bộ; đầu mối thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ theo quy định; đôn đốc các đơn vị nộp hồ sơ lưu trữ theo quy định và quản lý công tác lưu trữ hồ sơ tài liệu của Bộ; tổ chức phục vụ khai thác hồ sơ tài liệu lưu trữ của Bộ.
4. Quản lý và đảm bảo cơ sở vật chất, tài sản, phương tiện, trang thiết bị và điều kiện làm việc của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ theo phân cấp; phụ trách công tác xây dựng cơ bản và sửa chữa trụ sở Bộ; quản lý xe ô tô phục vụ công tác của các đơn vị thuộc Bộ theo quy định.
5. Quản lý kinh phí hoạt động của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ; phối hợp với các đơn vị lập dự toán và tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán thu chi ngân sách theo quy định; kiểm soát các thủ tục, hồ sơ về giải ngân kinh phí phục vụ các hoạt động của cơ quan Bộ, các nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ, môi trường, chương trình mục tiêu quốc gia và kinh phí sự nghiệp khác giao qua Văn phòng; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc thanh quyết toán các nguồn kinh phí nêu trên theo quy định của pháp luật. Tổ chức, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu, mua sắm hàng hoá, dịch vụ… theo phân cấp của Bộ và quy định của pháp luật.
6. Đầu mối phối hợp với các đơn vị tham mưu cho Lãnh đạo Bộ công tác thông tin, truyền thông, quản lý báo chí, xuất bản của Bộ. Chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án, chương trình, quy chế phối hợp liên quan đến nhiệm vụ truyền thông về những lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của Bộ; Đầu mối cung cấp thông tin của Bộ đến các cơ quan thông tấn báo chí theo quy định tại Quy chế về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ; Giúp việc cho người phát ngôn của Bộ, đầu mối tổ chức họp báo định kỳ, họp báo Chính phủ. Chủ trì xây dựng, đăng ký hoạt động, quản lý, vận hành, nâng cấp Cổng Thông tin điện tử của Bộ theo quy chế được phê duyệt.
7. Quản lý và phục vụ việc sử dụng, khai thác Phòng Truyền thống ngành Công Thương theo phân công của Lãnh đạo Bộ. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khánh tiết, lễ kỷ niệm các ngày lễ, ngày tết, ngày truyền thống của đất nước tại trụ sở cơ quan Bộ theo quy định của Nhà nước. Thực hiện công tác lễ tân và hậu cần phục vụ các hội nghị, các cuộc làm việc của Bộ; công tác lễ tân, hậu cần phục vụ các đoàn khách trong nước và quốc tế đến làm việc tại Bộ và các đoàn công tác của Bộ theo phân công; tổng hợp, rà soát kế hoạch đoàn ra, đoàn vào, hội nghị, hội thảo quốc tế hàng năm của Bộ.
8. Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ quản lý, tổ chức triển khai kế hoạch công tác quốc phòng, an ninh của Bộ; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ trong việc thực hiện kế hoạch công tác quốc phòng, an ninh; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, an ninh, tự vệ, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống thiên tai, trật tư, vệ sinh lao động, phòng chống ma tuý và các tệ nạn xã hội tại trụ sở Bộ; thường trực Ban Chỉ huy quân sự Bộ.
9. Tổ chức thực hiện công tác hậu cần và chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm các hoạt động của Bộ tại khu vực miền Trung, miền Nam.
10. Hướng dẫn, kiểm tra các nội dung liên quan công tác bảo vệ bí mật nhà nước, văn thư lưu trữ, cải cách hành chính và hệ thống quản lý chất lượng; tổ chức đào tạo bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Văn phòng cho các đơn vị trực thuộc Bộ và các đơn vị, đối tượng liên quan.
11. Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ được phân công thuộc chương trình, đề án, dự án do Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác quản lý. Tham mưu quản lý nhà nước và theo dõi hoạt động của các Hội, Hiệp hội ngành nghề hoạt động trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.
12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ giao.
Cơ cấu tổ chức và chế độ làm việc
1. Lãnh đạo Văn phòng Bộ:
a) Lãnh đạo Văn phòng Bộ có Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật theo quy định;
b) Văn phòng Bộ làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chánh Văn phòng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về các nhiệm vụ được phân công và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Văn phòng Bộ; phân công nhiệm vụ cho các Phó Chánh Văn phòng; quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Văn phòng Bộ; chỉ đạo xây dựng quy chế làm việc và điều hành hoạt động của Văn phòng Bộ; tổ chức thực hiện các quy định, quy chế của Bộ, cơ quan Bộ; quản lý công chức, viên chức, nhân viên và tài sản được giao theo phân cấp của Bộ; ký các văn bản hành chính theo ủy quyền hoặc thừa lệnh của Bộ trưởng;
c) Phó Chánh Văn phòng giúp việc Chánh Văn phòng, chịu trách nhiệm trước Chánh Văn phòng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.
2. Văn phòng Bộ có các đơn vị trực thuộc sau:
a) Phòng Thư ký - Tổng hợp;
b) Phòng Cải cách hành chính - Kiểm soát thủ tục hành chính;
c) Phòng Hành chính - Lưu trữ;
d) Phòng Kế toán - Tài chính;
đ) Phòng Quốc phòng - An ninh;
e) Phòng Lễ tân;
g) Phòng Quản trị;
h) Phòng Thông tin - Truyền thông;
i) Đại diện Văn phòng Bộ tại miền Nam;
k) Đại diện Văn phòng Bộ tại miền Trung;
l) Đoàn xe.
Đại diện Văn phòng Bộ tại miền Nam và Đại diện Văn phòng Bộ tại miền Trung là đơn vị hạch toán phụ thuộc Văn phòng Bộ, có con dấu theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Phòng có Trưởng phòng, các Phó trưởng phòng; Đoàn xe có Trưởng đoàn và các Phó trưởng đoàn xe; Đại diện Văn phòng Bộ tại miền Nam và miền Trung có Trưởng đại diện và các Phó trưởng đại diện do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ.
Chánh Văn phòng Bộ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị nêu trên theo quy định.
Từ khóa » Chánh Văn Phòng Bộ Công An Là Gì
-
Chánh Văn Phòng Là Gì ? Chức Năng, Nhiệm Vụ, Quyền Hạn Chánh ...
-
Văn Phòng Bộ Công An (Việt Nam) - Wikipedia
-
Chánh Văn Phòng Là Gì? Những Tiêu Chuẩn Cho Chức Danh Chánh ...
-
Bộ Công An Bổ Nhiệm Tân Phó Chánh Văn Phòng Bộ; điều động 2 ...
-
Công Bố Quyết định Nhân Sự Phó Chánh Văn Phòng Bộ Công An
-
Văn Phòng Bộ Công An (Việt Nam) Là Gì? Chi Tiết ... - LADIGI Academy
-
Chánh Văn Phòng Là Gì? Chức Trách, Nhiệm Vụ Và Tiêu Chuẩn?
-
Văn Phòng Bộ Công An điều động Cán Bộ Về Công Tác Tại Công An ...
-
Chánh Văn Phòng Bộ Công An | LAODONG.VN
-
Chánh Văn Phòng Bộ Công An Tô Ân Xô được Thăng Cấp Bậc Hàm ...
-
Chánh Văn Phòng Là Gì? - Hỏi đáp Pháp Luật
-
Văn Phòng Bộ - Bộ Y Tế
-
2 đại Tá được Bổ Nhiệm Làm Phó Chánh Văn Phòng Cơ Quan CSĐT ...