Văn Phòng Quốc Hội Qua Các Thời Kỳ

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tuy cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng có những thay đổi theo từng hoàn cảnh lịch sử của đất nước, nhưng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Quốc hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước và hoạt động của Quốc hội.

Để phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cán bộ, công chức Văn phòng Quốc hội, ngày 24/2/2005,Văn phòng Quốc hội đã có Tờ trình số 342/TTr-VPQH trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ngày 2/3/1946, ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (năm 1946) làm Ngày truyền thống của Văn phòng Quốc hội, vì ngày đó Quốc hội đã bầu ra Ban Thường trực Quốc hội gồm 15 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban. Từ đấy, Ban Thường trực Quốc hội đã được Chính phủ bố trí một số ít cán bộ, nhân viên phục vụ Ban Thường trực Quốc hội, trước hết là phục vụ Trưởng ban trong mọi hoạt động liên lạc với Chính phủ. Ngày 2/3/1946 có ý nghĩa mở đầu cho sự ra đời và từng bước liên tục phát triển của Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội, nay là Văn phòng Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Căn cứ vào các nguồn tư liệu lịch sử và kết quả các cuộc hội thảo về xác định Ngày Truyền thống của Văn phòng Quốc hội, ngày 2/3/2005, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2005/NQ-UBTVQH11 lấy ngày 2/3 hàng năm là Ngày Truyền thống của Văn phòng Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

SỰ RA ĐỜI CỦA VĂN PHÒNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946 là sự kiện đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc hệ trọng của đất nước.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2.3.1946)                                                (Ảnh tư liệu)

Ngày 2/3/1946, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua danh sách và công nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và quyết định bầu Ban Thường trực Quốc hội gồm 15 ủy viên chính thức và 3 ủy viên Dự khuyết để thay mặt Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội. Quốc hội đã nhất trí xác định quyền hạn của Ban Thường trực Quốc hội như sau:

1. Góp ý kiến với Chính phủ;

2. Phê bình Chính phủ và khi Chính phủ đi ngược lại quyền lợi quốc dân thì có quyền hiệu triệu quốc dân;

3. Triệu tập Quốc hội trong những trường hợp sau đây:

a. Khi Chính phủ yêu cầu,

b. Khi quá nửa số đại biểu yêu cầu,

c. Khi quá nửa ủy viên Thường trực xét thấy cần phải triệu tập.

4. Khi tuyên chiến hay đình chiến, bắt buộc phải được hỏi ý kiến;

5. Khi ký hiệp ước với nước ngoài phải triệu tập Quốc hội để chuẩn y.

Trong những ngày đầu sau khi thành lập, trụ sở làm việc của Ban Thường trực Quốc hội đặt tại số nhà 71 (nay là số nhà 79) phố Hàng Trống, Hà Nội, trụ sở của Hội Khai trí Tiến Đức. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban Thường trực Quốc hội đã nhanh chóng củng cố và kiện toàn tổ chức. Trong phiên họp ngày 4/3/1946, Ban Thường trực đã bầu ra một Ban Thường vụ gồm 5 người do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban và soạn thảo bản Nội quy về cách làm việc của Ban Thường trực Quốc hội. Do công việc cần phải xúc tiến ngay nên Ban Thường trực Quốc hội đã thành lập 3 Tiểu ban là: Tiểu ban Pháp chính; Tiểu ban Kinh tế và Tài chính; Tiểu ban Xã hội. Các ủy viên của Ban Thường trực được bố trí theo 3 Tiểu ban để vừa hoàn thành nhiệm vụ là thành viên của Ban Thường trực, vừa phục vụ tốt cho việc chỉ đạo, xây dựng tổ chức của Ban.

Để giúp Ban Thường trực Quốc hội thực thi nhiệm vụ, Chính phủ đã điều động một số cán bộ, nhân viên sang phục vụ Ban Thường trực, trước hết là phục vụ Trưởng ban trong mọi hoạt động liên lạc với Chính phủ và làm những công việc do Văn phòng đảm nhiệm như: in, phát tài liệu, giao thông liên lạc, tổ chức công tác tài chính, sắp xếp nơi ăn ở cho các đại biểu Quốc hội, tổ chức hội nghị cho Ban Thường trực Quốc hội… Đây là những cán bộ được tuyển chọn từ các cơ quan Trung ương và đều là những người có phẩm chất cách mạng, tư cách đạo đức tốt, tận tâm, tận lực thực hiện nhiệm vụ được giao, phục vụ Ban Thường trực giải quyết các công việc theo nhiệm vụ, quyền hạn.

Mặc dù lúc này chưa có một văn bản pháp quy nào quyết định về việc thành lập Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội, số lượng cán bộ còn rất ít, chỉ có từ 4 đến 5 người và một số nhân viên phụ trách các công việc hành chính và quản trị, nhưng hoạt động của Văn phòng thời kỳ này đều thiết thực, góp phần vào việc bảo đảm các điều kiện hoạt động cho Ban Thường trực Quốc hội ngay từ khi mới ra đời. Vì thế, ngày 2/3/1946 có giá trị lịch sử là ngày mở đầu truyền thống hoạt động của Văn phòng Quốc hội (lúc đó là Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội).

Gắn với lịch sự phát triển của Quốc hội Việt Nam, ở mỗi giai đoạn Văn phòng Quốc hội có các tên gọi khác nhau: Giai đoạn 1946- 1960 là Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội; Giai đoạn 1960- 1981 là Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Giai đoạn 1981- 1992 là Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước và từ năm 1992 đến nay là Văn phòng Quốc hội.

GIAI ĐOẠN 1946-1960: VĂN PHÒNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

Trong hơn 14 năm, từ 1946- 1960, trong bối cảnh toàn quốc kháng chiến chống thực dân xâm lược, mặc dù mới được thành lập, cán bộ, nhân viên rất hạn chế nhưng Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đảm nhận, hoàn thành các công việc trong phạm vi trách nhiệm được giao. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Ban Thường trực Quốc hội luôn sát cánh cùng Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội giao như bàn bạc, tham gia ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn và giám sát, phê bình Chính phủ trong các công việc điều hành kháng chiến; cùng Chính phủ quyết định việc ký Hiệp định Giơnevơ ngày 21/7/1954… Theo đà thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tổ chức của Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội từng bước được củng cố và phát triển. Ngày 19/3/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38/SL bổ nhiệm bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng giữ chức Chánh Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội. Từ đó, bộ máy Văn phòng được hình thành rõ nét, số lượng cán bộ phục vụ cũng được tăng lên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Văn phòng đã tổ chức thực hiện nhiều công việc như giữ mối liên hệ thường xuyên với các Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, với các đại biểu Quốc hội và duy trì quan hệ mật thiết với nhân dân, với chính quyền các cấp ở địa phương; phục vụ các phái đoàn Quốc hội đi động viên khích lệ các đơn vị quân đội lập chiến công và úy lạo đồng bào vùng mới giải phóng; đề nghị Hội đồng Chính phủ xét công trạng để khen thưởng các đơn vị, chiến sĩ và cán bộ lập được chiến công xuất sắc; tổ chức, phục vụ các Đoàn đại biểu Quốc hội đi thăm một số nước xã hội chủ nghĩa anh em để tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị…

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế làm chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Ngày 31/12/1959, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp năm 1959, theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.

Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã tham mưu, phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định các chủ trương, chính sách lớn, giám sát Chính phủ trong các công việc kháng chiến, cùng Chính phủ theo dõi diễn biến và quyết định việc ký Hiệp định Giơ ne vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; xem xét, ban hành Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và nhiều đạo luật khác. Kết quả tham mưu, giúp việc của Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội góp phần giúp Quốc hội đóng góp xứng đáng vào việc củng cố nền độc lập, xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân; đặt nền móng chính trị, pháp lý quan trọng trong việc thành lập Chính phủ Việt Nam hợp hiến, hợp pháp để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại.

GIAI ĐOẠN 1960-1981: VĂN PHÒNG ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Từ 1960- 1981, giai đoạn cả nước tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong 21 năm hoạt động, với tên gọi mới là Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, tổ chức, nhiệm vụ được xác định cụ thể hơn. Số lượng cán bộ, nhân viên được nâng lên, Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy quyền làm chủ tập thể, chủ động sáng tạo, tăng cường đoàn kết, hợp tác, nâng cao tính nguyên tắc, tổ chức, kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp Quốc hội các khóa II, III, IV, V và VI xem xét, quyết định nhiều chính sách quan trọng của đất nước, Hiến pháp năm 1980, góp phần to lớn vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, khôi phục và phát triển đất nước trong những năm đầu sau khi hai miền Nam – Bắc sum họp một nhà.

Ngày 16/1/1962, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 87-NQ/TVQH quy định cơ quan giúp việc cho Quốc hội là Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng theo Nghị quyết số 87-NQ/TVQH đã dẫn đến một số thay đổi trong tổ chức bộ máy của Văn phòng; số lượng cán bộ, nhân viên của Văn phòng cũng tăng lên nhiều so với trước. Văn phòng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp tiếp tục xây dựng và củng cố Nhà nước dân chủ nhân dân ngày càng vững mạnh, góp phần giúp Quốc hội thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (ngày 30/4/1975), nhân dân cả nước đã tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất và cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp 1980 được Quốc hội khóa VI ban hành, quy định Hội đồng Nhà nước là cơ quan thường trực của Quốc hội và là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 7/1981, Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội được đổi tên thành Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Nghị quyết số 01NQ/HĐNN7 ngày 6/7/1981 của Hội đồng Nhà nước xác định Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước với chức năng là cơ quan giúp việc cho Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, có trách nhiệm phục vụ mọi hoạt động của Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Hội đồng và Ủy ban của Quốc hội.

GIAI ĐOẠN 1981-1992: VĂN PHÒNG QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC

 Theo quy định của Hiến pháp 1980, Hội đồng Nhà nước là cơ quan thường trực của Quốc hội và là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, ngày 6/7/1981, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 01 NQ/HĐNN7 đổi tên Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Theo nghị quyết này, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước được xác định là cơ quan giúp việc cho Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, có trách nhiệm phục vụ mọi hoạt động của Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

GIAI ĐOẠN TỪ 1992 – ĐẾN NAY: VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

Bước vào thời kỳ “Đổi mới”, theo quy định của Hiến pháp 1992, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thành lập lại là cơ quan thường trực của Quốc hội. Ngày 26/9/1992, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 01- NQ/UBTVQH9 về việc đổi tên Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thành Văn phòng Quốc hội, tên gọi này được giữ cho đến nay.

Cùng với việc thay đổi tên gọi, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội cũng được sửa đổi, bổ sung đầy đủ và cụ thể hơn. Theo Nghị quyết số 02-NQ/UBTVQH9 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 17/10/1992, cơ cấu tổ chức của Văn phòng  Quốc hội được kiện toàn cơ bản như: thành lập đầy đủ các vụ chuyên môn giúp việc Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Cán bộ, nhân viên Văn phòng Quốc hội phục vụ công tác lập pháp tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá IX (tháng 9/1992)

Trong thời gian hoạt động từ năm 1992 đến năm 2011, trong bối cảnh công cuộc đổi mới của đất nước được triển khai toàn diện, mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Văn phòng Quốc hội đã có nhiều bước cải tiến, đổi mới để phục vụ có hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Để nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng Quốc hội, ngày 1/10/2003 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 417-NQ/UBTVQH11 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội. Trong bối cảnh đó, hoạt động của Văn phòng Quốc hội đã thực sự có bước phát triển vượt bậc, không chỉ tăng về số lượng công việc mà chủ yếu là công tác tham mưu, phục vụ đã đi vào nề nếp, đạt chất lượng và hiệu quả cao. Với tinh thần nghiêm túc, tận tụy và sáng tạo, tập thể cán bộ công chức, viên chức Văn phòng Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Đến năm 2013, trước những yêu cầu tiếp tục đổi mới, cải tiến tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 27/2012/QH13 ngày 21/06/2012. Đây là cơ sở để tiến hành đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc của Quốc hội. Tiếp theo đó, ngày 10 tháng 7 năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội. Chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội về cơ bản tiếp tục được giữ nguyên. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội đã được tổ chức lại theo nguyên tắc phân công rõ chức năng, nhiệm vụ để phục vụ một cách có hiệu quả hơn các hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký chứng thực Hiến pháp năm 2013

Để nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy giúp việc của Quốc hội và bảo đảm thực hiện theo các thông lệ quốc tế, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã thành lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội để tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Những năm gần đây, Văn phòng Quốc hội có nhiều cải tiến, đổi mới trong tổ chức và hoạt động, quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đã nỗ lực tham mưu, phục vụ Quốc hội cải tiến quy trình lập pháp, nâng cao hiệu quả tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, tăng tính chủ động, dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật; xem xét, thông qua Hiến pháp năm 2013 và số lượng văn bản luật quan trọng, lớn nhất so với từng nhiệm kỳ trước đây, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghiên cứu, đề xuất áp dụng nhiều giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực về cải tiến, đổi mới hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; về lựa chọn nội dung, cách thức tiến hành giám sát,… góp phần giúp Quốc hội tiến hành hoạt động giám sát thường xuyên hơn, chất lượng và hiệu quả được nâng lên, tập trung vào những vấn đề quan trọng, bức xúc của thực tiễn cuộc sống, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Tham mưu, phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước... ngày càng thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn đổi mới đất nước, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống của nhân dân. Tham mưu, phục vụ Quốc hội triển khai công tác đối ngoại đúng trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Văn phòng Quốc hội (02/03/1946- 02/03/2016), Văn phòng Quốc hội đã đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh của Đảng và Nhà nước trao tặng

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, các hoạt động tham mưu, phục vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Đã có nhiều đổi mới, cải tiến trong việc tham mưu, phục vụ dự kiến chương trình làm việc cũng như về quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức nghiệp vụ thư ký ngày càng bài bản, hiệu quả; tập hợp, tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời; cung cấp thông tin, tài liệu tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội với hình thức đa dạng, phong phú, có chất lượng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng nhiều phần mềm như Thư viện số; phần mềm đăng ký phát biểu, tranh luận; phần mềm cung cấp thông tin, tài liệu, tra cứu nhanh; phần mềm nhận dạng tiếng nói;... hỗ trợ hiệu quả các hoạt động điều hành, thảo luận, tranh luận, cung cấp thông tin kỳ họp, tra cứu, phục vụ tài liệu... Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội được chú trọng, có nhiều đổi mới, sáng tạo cả về nội dung và hình thức; việc định hướng thông tin được chú trọng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; việc tổ chức các hình thức thông tin, tuyên truyền khác (như: tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật, tuyên truyền trực quan, tổ chức giáo dục về Quốc hội,…) được tăng cường, ngày càng chuyên nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và sự ủng hộ đối với các quyết sách của Quốc hội, đưa chính sách, pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa cử tri, Nhân dân với Quốc hội.

Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Văn phòng Quốc hội

Bộ máy của Văn phòng Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV về cơ bản tiếp tục được tổ chức theo mô hình của nhiệm kỳ trước theo quy định của Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 01/10/2013 và Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 ngày 10/7/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11. Từ năm 2016, các Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thuộc Văn phòng Quốc hội (theo Nghị quyết  số 1097/2015/UBTVQH13); từ 01/01/2019 - 31/12/2019, có 12 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thí điểm hợp nhất với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (theo Nghị quyết 580/2018/UBTVQH14); từ 01/01/2021, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội nhập với Văn phòng Hội đồng nhân dân (theo Nghị quyết 1004/2020/UBTVQH14). Nhìn chung, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng cơ bản hợp lý, khoa học, bộ máy bảo đảm tinh gọn, không tăng đầu mối; có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, không chồng chéo và tận dụng được tối đa nguồn lực. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội cơ bản bảo đảm hợp lý về số lượng và chất lượng, được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ và cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Đặc biệt việc tham mưu, phục vụ nhiều Hội nghị, phiên họp trực tuyến của các cơ quan của Quốc hội để thảo luận, góp ý hoặc thẩm tra một số nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần đầu tiên áp dụng hình thức họp trực tuyến nhưng rất thành công, diễn ra an toàn, thông suốt, hiệu quả, tiết kiệm, trở thành điểm nhấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.

Trải qua 75 năm trưởng thành và phát triển, mặc dù cơ cấu tổ chức của Văn phòng có những thay đổi với các tên gọi khác nhau nhưng với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, tinh thần vượt khó, tận tâm với công việc, đội ngũ cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước và hoạt động của Quốc hội./.

Từ khóa » Chánh Văn Phòng Chính Phủ Qua Các Thời Kỳ