Văn Tả Mẹ: “Mẹ Có đôi Mắt To Tròn Như Hai Hòn Bi Ve” - Vietnamnet

 - Học trò của mình đang ôn thi học kỳ. Câu hỏi mình hay nhận là: “Tả mẹ như thế nào hả cô?”

Có cô học trò băn khoăn: “Con xem sách tham khảo thì thấy mở bài nào cũng y chang nhau. Nếu ai hỏi trong nhà em yêu quý ai nhất thì em sẽ không ngần ngại trả lời, người đó chính là mẹ”. Giống nhau thật đấy! Cách đây hơn 10 năm, mình cũng từng nghe cô giáo đọc mở bài này rồi…

Ừ nhỉ, vậy tả mẹ thế nào? “Mẹ có đôi mắt tròn to, đen lay láy” “Mẹ có cái mũi dọc dừa cao thật cao” “Mẹ có khuôn mặt hình trái xoan, nước da trắng mịn”. Cậu học sinh của mình viết cấu trúc câu lặp lại y chang như thế. “Mẹ có/ Mẹ em có + bộ phận”. Độ khoảng 10 dòng là không còn gì để tả.

Đọc lại, thấy mẹ mình cũng giống mẹ đứa bên cạnh thật đấy! Mình kêu rằng con cần phải tả chân thật hơn. Mẹ phải là mẹ của mình mà không được lẫn với mẹ bạn khác.

Và cuối cùng, trò cũng viết được câu khác đi đôi chút: “Mẹ có đôi mắt to tròn như hai hòn bi ve”. Trời! Nghe sao thật giống với mô – típ tả con mèo mà cô giáo con mới phát cho ở tiết trước. Không được rồi. Như thế thì thật không ổn. Mình quyết yêu cầu phải viết lại.

Không cần tả nhiều bộ phận, phải đặc tả

Học trò của mình tả lê thê lắm! “Cô giáo con bắt tả tất cả các bộ phận như mắt, mũi, miệng, tai,…” Công nhận tả kỹ quá! Đến cái lông mày cũng không được bỏ sót. Đã thế, mắt còn phải là mắt đen, to tròn mới chịu.

“Dẹp” - Mình bảo thẳng thế. “Con cứ đặt cảm xúc của mình vào mà viết. Không cần tả nhiều. Con hãy tả cái gì mình thấy gần gũi nhất. Ví như đôi mắt mẹ, bàn tay mẹ, mái tóc mẹ. Thế thôi. Tả ít bộ phận nhưng phải xoáy thật sâu, thật cảm xúc”.

“Mẹ ít khi giấu được cảm xúc bởi mọi suy tư của mẹ đều hiện rõ qua đôi mắt. Khi vui, đôi mắt ấy ánh lên rạng rỡ. Khi buồn, đôi mắt ấy chùng xuống thẳm sâu. Nhưng đôi mắt mẹ đẹp nhất là khi nhìn con âu yếm hiền từ”…. Tốt hơn rồi đấy! Cần gì phải to với tròn.

Thật cảm xúc

Mình nhắc đi nhắc lại học trò cần viết bằng cả trái tim. Khi viết, hãy nhớ đến mẹ. Mẹ quả thực rất đẹp. Mẹ còn vô cùng tuyệt vời nữa. Mình cứ nhai đi nhai lại như thế! Và thật vui vì học trò đã viết được những câu thoát li văn mẫu như “Tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Quả thực trên đời này không có ai yêu con bằng mẹ”.

Thêm thật nhiều câu cảm thán, câu đặc biệt,… Thực chất, điều này cũng chỉ nhằm thêm phần cảm xúc cho bài viết và thêm ấn tượng thôi. Nhưng học trò có vẻ thích thú, đâm ra thích dùng.

Con bé khoe bài viết, có những câu hay ho, kiểu như: “Con thương mẹ vô cùng”, “Mẹ khóc. Con cũng òa khóc”.

Càng hạnh phúc hơn khi học trò khoe, bài văn của con được cô giáo đọc trước lớp. Đó là bài văn tả mẹ hay nhất cô từng đọc. Bài văn có lối viết cảm xúc, chân thật, thoát ly văn mẫu. Cô giáo hiệu trưởng cũng đến tận lớp bảo con chép lại thật đẹp để treo trong phòng gì đó của trường. 

Điều hạnh phúc nhất trong quãng thời gian đi gia sư của mình là thấy các em viết ra những bài văn chân thật thay vì những bài văn mẫu xa lạ.

Bài văn tả mẹ của học trò lớp 5 ở Hà Nội

Trong trái tim mỗi người con mẹ luôn là người phụ nữ tuyệt vời nhất. Đối với riêng con, mẹ không chỉ đẹp mà còn vô cùng đáng kính. Người phụ nữ ấy đã hi sinh cả đời để cho con có một cuộc sống ấm êm, đầy đủ.

Mẹ quả thực rất đẹp! Dù đã ngoài 35 nhưng mẹ vẫn giữ được nét trẻ trung như thời con gái. Thân hình của mẹ rất cân đối. Tuy không cao nhưng lúc nào mẹ cũng tự tin. Mẹ ít khi giấu được cảm xúc của mình bởi mọi suy tư của mẹ đều hiện rõ qua đôi mắt. Khi vui, đôi mắt ấy ánh lên rạng rỡ. Khi buồn, đôi mắt ấy chùng xuống thẳm sâu. Nhưng đôi mắt mẹ đẹp nhất vẫn là khi nhìn con âu yếm hiền từ.

Mẹ còn đẹp bởi mái tóc đen, dài ngang vai. Đó là kiểu tóc mẹ đã để từ thời con gái cho đến tận bây giờ. Con rất thích sờ lên mái tóc mẹ hay hít hà mùi hương quen thuộc. Đó là mùi thơm thoang thoảng, thân thuộc vô cùng.

Mẹ có đôi bàn tay thon dài. Từ đôi bàn tay ấy mẹ đã chăm lo cho chị em con từng bữa ăn, giấc ngủ. Cũng chính từ đôi bàn tay ấy mẹ đã vỗ về cho con những đêm ngủ say. Con yêu đôi bàn tay ấy biết nhường nào!

Mẹ là người bận rộn nhưng vẫn luôn dành thời gian cho gia đình. Vì bố phải đi làm xa nên mẹ kiêm luôn vai trò trụ cột. Trong mắt con mẹ là một “super woman” đích thực. Mẹ vừa có thể nấu ăn ngon lại có thể sửa các thiết bị trong gia đình rất giỏi.

Một ngày của mẹ bắt đầu từ 5h30 sáng. Mẹ thường dậy sớm để nấu đồ ăn sáng cho cả nhà, chuẩn bị quần áo, sách vở cho em Sure, pha sữa cho Cà Chua rồi đánh thức con dậy đi học. Là mẹ của 3 cô công chúa nhỏ, tuy bận rộn nhưng không bao giờ mẹ kêu than nửa lời.

Con thương mẹ vô cùng! Có những đêm con chợt tỉnh giấc vẫn thấy dáng mẹ ngồi nghiêng in lên bức tường nhà. Thi thoảng thấy Cà Chua giật mình, mẹ lại nhẹ nhàng vỗ về, miệng cất lên lời hát “Cái cò cái vạc cái nông/ Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò”. Giọng hát của mẹ ngọt ngào nồng ấm con nghe đã quen nhưng sao vẫn thấy bồi hồi.

Con hiếm khi thấy mẹ khóc. Lần đầu con nhìn mẹ khóc là khi con bị tai nạn phải nhập viện. Gương mặt mẹ hiện rõ sự hoảng sợ, lo lắng. Mẹ khóc. Con cũng òa khóc theo. “Tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”. Trên đời này quả không có ai yêu con bằng mẹ.

Thúy Nga (sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền)

Chưa bao giờ “văn học là nhân học” bị thách thức như bây giờ!

Chưa bao giờ “văn học là nhân học” bị thách thức như bây giờ!

Trong giờ dạy hôm qua, tôi có nói với các học trò rằng, chưa bao giờ “văn học là nhân học” bị thách thức như bây giờ - khi robot Sophia xuất hiện.

Vì sao chương trình Ngữ văn THPT chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc?

Vì sao chương trình Ngữ văn THPT chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc?

PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn văn của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể giải thích tại sao dự thảo chương trình Ngữ văn THPT chỉ yêu cầu 6 tác phẩm bắt buộc.

Những thay đổi của môn văn ở chương trình phổ thông mới

Những thay đổi của môn văn ở chương trình phổ thông mới

Chương trình môn Ngữ văn được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp.

Từ khóa » Cách Tả Lông Mi