Vành Tai: Cấu Tạo, Chức Năng Và Bệnh Lý Thường Gặp - YouMed
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- Vành tai là gì?
- Sự hình thành và phát triển
- Hình thể ngoài
- Cấu tạo của vành tai
- Vành tai có những chức năng nào?
- Những bệnh lý nào có thể gặp ở vành tai?
Tai người gồm có ba phần đi từ ngoài vào trong là: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong đó, tai ngoài lại gồm 2 bộ phận là loa tai (hay còn gọi là vành tai) và ống tai ngoài. Vậy loa tai ở người có cấu tạo ra sao? Nó thực hiện những chức năng nào? Những bệnh lý nào thường gặp ở bộ phận này? Hãy cùng Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Vành tai là gì?
Vành tai hay còn gọi là loa tai, đó là phần tai dễ dàng nhìn thấy được ở 2 bên đầu của người. Nó là một phần của hệ thống dẫn truyền âm thanh, giúp chúng ta có thể nghe thấy được. Tai người gồm ba phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. Vành tai là một phần của tai ngoài. Chúng nằm ở vị trí hai phía bên đầu, gần vùng thái dương. Tại nơi quai hàm gắn vào sọ.
Loa tai bao gồm lớp da bao bọc sụn. Nó được giữ ở đúng vị trí hai bên đầu nhờ các cơ và dây chằng. Hình dạng có thể khác nhau tùy từng người. Những bệnh thường gặp ở vùng này có thể là: viêm sụn vành tai, tụ dịch, tụ máu, dò luân nhĩ, u bã đậu…
Sự hình thành và phát triển
Sự hình thành loa tai được thấy đầu tiên trong khoảng tuần thứ 6 của phôi thai. Nó phát triển từ 6 ụ tai. Những ụ này phát triển thành các nếp gờ của loa tai. Chúng dần dịch chuyển lên trên và ra sau đến vị trí cuối cùng hai bên đầu trong quá trình phát triển thai kỳ. Ba ụ tai đầu tiên tạo thành bình tai, trụ gờ luân và gờ luân. Cảm giác da của những vùng này được chi phối bởi dây thần kinh số V. Ba ụ tai tiếp theo tạo thành gờ đối luân, gờ đối bình và dái tai. Những phần này của loa tai được chi phối bởi đám rối thần kinh cổ và một phần của dây thần kinh mặt.
Hình thể ngoài
Loa tai về hình thể hơi giống một cái phễu. Nó nằm ở ngoài cùng, hình dạng hơi vểnh và hướng ra trước. Gồm có hai mặt: mặt ngoài và mặt trong.
Mặt ngoài: Ở giữa có một chỗ lõm gọi là xoắn tai. Xoắn tai được bọc bởi bốn gờ:
- Gờ luân: là gờ viền ngoài cùng, đi theo chu vi loa tai từ xoắn tai đến dái tai.
- Gờ đối luân: đối diện với gờ luân. Đầu trên của gờ này chia thành hai trụ. Giữa gờ luân và gờ đối luân là lõm thuyền.
- Bình tai: Ở phía trước xoắn tai.
- Gờ đối bình tai: đối diện với bình tai.
- Phần dưới loa tai là dái tai. Dái tai mềm hơn những vùng khác vì không có sụn bên trong. Đây là vùng thường được chọn để xỏ khuyên tai.
Mặt trong: Áp vào da đầu, có các vết lồi lõm ngược với bên ngoài.
Cấu tạo của vành tai
Vành tai (loa tai) được cấu tạo bởi da, sụn, dây chằng và cơ. Nó gồm một bản sụn ở giữa. Ở phía trước và sau có da và ít cơ bao phủ. Ở ¼ dưới loa tai không có cốt sụn, chỉ có da bộc mỡ, gọi là dái tai.
- Da phủ bên ngoài, có lớp mỡ kém phát triển. Do lớp mỡ này mỏng nên loa tai dễ bị buốt khi trời lạnh. Da dính chặt vào sụn ở phía trước nhưng lại lỏng lẻo ở phía sau. Do đó khi bị đụng dập ở mặt trước có thể làm bong lớp da ra khỏi sụn, tạo nên khối máu tụ ở giữa.
- Sụn tạo thành hình dạng lồi lõm của loa tai. Dái tai không có sụn mà chỉ có mô sợi và mô mỡ. Đó là nơi ta thường xỏ lỗ để đeo hoa tai hay bác sĩ châm kim thử thời gian chảy máu. Sụn ở gờ bình tai liên tiếp với sụn ống tai ngoài. Sụn giúp loa tai giữ nguyên vẹn hình dạng. Nếu sụn bị tổn thương hay hủy hoại do nhiễm trùng, loa tai sẽ biến dạng.
- Dây chằng và cơ. Ngoài cấu tạo từ da và sụn, loa tai được gắn vào hai bên đầu bởi các dây chằng và cơ. Các dây chằng gồm có: dây chằng tai trước, dây chằng tai sau, dây chằng tai trên. Các cơ gồm có: cơ tai trước, cơ tai sau, cơ tai trên. Nhìn chung, dây chằng và cơ của tai người kém phát triển. Vì thế tai chúng ta không cử động được như ở động vật.
Vành tai được nuôi dưỡng bởi 2 nguồn mạch máu. Động mạch thái dương nông cung cấp máu cho dái tai, bình tai và một phần gờ luân. Động mạch vành tai sau cung cấp máu cho phần lớn mặt sau vành tai.
Vành tai có những chức năng nào?
Vành tai là bộ phận đầu tiên trong hệ thống dẫn truyền âm thanh. Sóng âm thanh phải đi qua chúng trước khi đi vào ống tai ngoài. Sau đó nó tiếp tục đi qua màng nhĩ và vào tai giữa. Ở tai giữa, nó làm rung chuyển chuỗi xương con và truyền rung động vào tai trong. Tại đây nó được chuyển thành các tín hiệu thần kinh dẫn truyền đến não bộ. Giúp chúng ta nghe và hiểu được âm thanh.
Loa tai người có những nếp lồi lõm. Vì thế ta có thể thu nhận âm thanh từ mọi phía mà không cần cử động tai như ở động vật. Nó thu thập âm thanh bằng cách hoạt động như một cái phễu, giúp khuếch đại âm thanh và hướng nó đến ống tai ngoài.
Loa tai còn giúp chuyển âm thanh thành thông tin giúp chúng ta định hướng. Khi hai loa tai cùng hoạt động giúp xác định được vị trí, nguồn gốc phát ra âm thanh, định hướng âm thanh. Đồng thời giúp tách biệt âm thanh này với âm thanh khác. Loa tai người cũng có tác dụng lọc âm thanh. Nó ưu tiên chọn các âm thanh trong tần số giọng nói của người.
Loa tai còn có chức năng thẫm mỹ. Là nơi chúng ta thường gắn trang sức và các thiết bị trợ thính. Biến dạng loa tai do bệnh lý hay chấn thương ảnh hưởng nhiều đến thẫm mỹ.
Những bệnh lý nào có thể gặp ở vành tai?
Dưới đây liệt kê một số bệnh lý có thể gặp ở vành tai. Có những bệnh lý lành tính, nhưng có những bệnh có thể ảnh hưởng xấu đến hình dạng và chức năng của vành tai nếu không được điều trị đúng cách.
Viêm sụn vành tai
Là một tình trạng nhiễm trùng của sụn, màng sụn vành tai. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng ảnh hưởng tới thẫm mỹ và chức năng của vành tai. Bệnh có thể xuất hiện sau viêm ống tai ngoài cấp, sau tai nạn có tổn thương vành tai hay sau xỏ khuyên tai không đảm bảo vô khuẩn.
Biểu hiện có thể từ nhẹ như ngứa rát, hơi đau đến sưng, nóng, đỏ, đau nhiều vành tai. Khi viêm tấy thành mủ, đau tăng rõ, vành tai sưng nề mất các nếp sụn. Nếu không được điều trị tốt, sụn bị hoại tử, vành tai bị co rúm, ảnh hưởng nhiều đến thẫm mỹ.
Tụ dịch/ tụ máu vành tai
Tụ dịch vành tai là một tình trạng tích tụ thanh dịch hoặc máu ở vành tai. Đây là một bệnh ít gặp và thường lành tính. Thường xảy ra sau chấn thương đụng dập. Cơ chế là do chấn thương gây đứt mạch máu màng sụn, làm máu chảy ra và tụ lại giữa lớp sụn và màng sụn.
Nếu tổn thương không được điều trị sớm, khối máu tụ có thể chèn ép làm viêm hoại tử sụn vành tai. Có thể gây biến chứng vành tai hình bông cải. Biểu hiện của bệnh là sưng nề vành tai. Đau tai thường chỉ xuất hiện khi có tình trạng nhiễm trùng. Điều trị bằng thuốc uống và chọc hút lấy dịch máu tụ.
U bã đậu
U bã đậu có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể. Chúng cũng thường gặp ở dái tai. Đây là một dạng u lành tính không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng chúng ảnh hưởng nhiều đến thẫm mỹ.
U bã đậu có cấu tạo gồm lớp vỏ bọc, bên trong là chất bã mềm màu trắng hay vàng nhạt. U thường không gây cảm giác đau, không hóa ác. Nhưng khi to dần có thể gây cảm giác khó chịu. Khi u bị viêm nhiễm có thể tấy đỏ và đau nhức. Điều trị có thể là phẫu thuật lấy u bã đậu khi nó lớn và ảnh hưởng nhiều đến thẫm mỹ.
Zona tai
Zona tai xảy ra do nhiễm virus varicella zoster thứ phát tại hạch gối (nhiễm nguyên phát gọi là bệnh thủy đậu). Tình trạng suy giảm miễn dịch khi lớn tuổi, nhiễm HIV hoặc điều trị thuốc ức chế miễn dịch đều có liên quan đến bệnh.
Người bệnh có thể có các biểu hiện như sốt, đau rát một bên tai, nhức đầu. Mụn nước xuất hiện ở vành tai, thành sau ống tai ngoài. Tổn thương mụn nước có viền đỏ xung quanh, khi lành để lại sẹo. Bệnh nhân có thể nghe kém, ù tai, chóng mặt kèm theo. Điều trị chủ yếu bằng thuốc kháng virus, giảm đau, kháng viêm theo ý kiến bác sĩ.
Dò luân nhĩ hay rò luân nhĩ
Dò luân nhĩ là vùng trước vành tai có một lỗ nhỏ xuất hiện từ khi sinh ra. Đây là một dị tật bẩm sinh, khá phổ biến. Dị tật này gây ra bởi sự khiếm khuyết hay sự hợp nhất không hoàn toàn của 6 ụ tai trong quá trình phát triển phôi thai. Phần lớn dò luân nhĩ không gây triệu chứng khó chịu gì.
Một số trường hợp có chảy dịch hôi qua lỗ dò. Thỉnh thoảng lỗ dò bị tắc, túi dò bị nhiễm trùng hay áp xe hóa. Điều trị bao gồm nội khoa trong giai đoạn viêm nhiễm, rạch dẫn lưu mủ khi bị áp xe hóa và phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ đường rò luân nhĩ.
Ung thư vành tai
Thường gặp ở người lớn tuổi. Biểu hiện ban đầu thường là u nhỏ bằng nốt ruồi ở vành tai, cứng, sần sùi, dính vào sụn, dễ chảy máu. Sau đó phát triển nhanh tạo thành u sùi lan khắp vành tai. Xâm nhập vào ống tai ngoài và tai giữa.
Điều trị thường là phối hợp đa trị liệu: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Phẫu thuật nhằm cắt bỏ rộng khối ung thư, đôi khi cắt bỏ cả vành tai.
Dị tật tai nhỏ
Dị tật tai nhỏ bẩm sinh không phải là bệnh đe dọa tính mạng nhưng ảnh hưởng đến thính lực và thẩm mỹ của người bệnh. Về thính lực thì có thể khắc phục bằng gắn máy nghe đường xương, tuy nhiên nếu có một tai nghe bình thường thì không cần thiết. Vấn đề thẩm mỹ thường khiến người bệnh mặc cảm và tự ti. Hiện nay phẫu thuật tạo hình lại vành tai đã có nhiều tiến bộ.
Vành tai là một bộ phận của tai ngoài. Nó có chức năng quan trọng trong hệ thống dẫn truyền âm thanh. Vành tai ở vị trí hai bên đầu và ảnh hưởng nhiều đến thẫm mỹ nếu bị biến dạng. Vì vậy nếu có những bất thường xuất hiện ở vành tai, bạn nên đi khám và điều trị kịp thời.
Từ khóa » Thùy Tai Nằm ở đâu
-
Thuỳ Tai Là Ở Đâu - Cẩm Nang Hải Phòng
-
Thùy Tai Nằm ở đâu
-
Tai: Cấu Trúc Giải Phẫu Và Chức Năng Sinh Lý - YouMed
-
Rò Luân Nhĩ: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, điều Trị Và Cách Vệ Sinh
-
Tổng Quan Về Chức Năng Não - Rối Loạn Thần Kinh - Cẩm Nang MSD
-
Não Người Có Mấy Thùy? Chức Năng Từng Thùy? | Vinmec
-
“Đọc Vị” đôi Tai Của Người Có Số Giàu Sang, Vương Giả - Tiền Phong
-
Ù Tai - Dấu Hiệu Của Nhiều Bệnh
-
Gan Nằm ở Vị Trí Nào? Cấu Tạo Và Chức Năng Của Gan Bạn Cần Biết
-
Cơ Chế Hoạt động Của Mắt
-
Bệnh Thuỷ đậu: Sự Chủ Quan Và Những Hậu Quả Lâu Dài Về Sau
-
Hồi Hải Mã – Wikipedia Tiếng Việt
-
5+ VỊ TRÍ XỎ KHUYÊN PHỔ BIẾN NHẤT CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU