Vani Là Mùi Hương được Yêu Thích Nhất Trên Thế Giới

Đối với nhiều người, vani có thể là một lựa chọn an toàn, thậm chí có phần nhàm chán bởi mức độ phổ biến cùng quen thuộc của loại hương liệu này. Song các nhà khoa học từ Đại học Oxford và Viện Karolinska (Thuỵ Điển) mới đây đã tiết lộ mùi hương được yêu thích nhất trên thế giới chính là vani.

1

Vani là mùi hương được yêu thích nhất trên thế giới 

Trong cuộc khảo sát, các chuyên gia đã đưa ra 10 mùi hương để 235 người tham gia lựa chọn mùi mà họ cảm thấy thích nhất.

Đối tượng tham gia khảo sát thuộc nhiều ngành nghề và đến từ chín nền văn hoá khác nhau trên khắp thế giới, bao gồm: người dân tại các khu vực thành thị ở Mỹ, Mexico và Thái Lan, những nông dân sinh sống ở vùng núi Nam Mỹ, thổ dân trong những khu rừng nhiệt đới Đông Nam Á và các ngư dân trên bờ biển Thái Bình Dương của Trung Mỹ.

Dự án còn có sự tham gia của các nhà khoa học thực địa tại các vùng sâu vùng xa. Tại đây, nhóm khảo sát lấy 10 lọ thơm khác nhau đưa cho những người ít hoặc chưa từng tiếp xúc với những mùi hương này trước đó và ghi lại cảm nhận của từng cá nhân.

Tiến sĩ Artin Arshamian từ Viện Karolinska, tác giả của nghiên cứu trên cho biết: “Vì những nhóm người này sống trong các môi trường khác nhau như rừng nhiệt đới, bờ biển, núi và thành phố, nên chúng tôi có thể nắm bắt được nhiều kiểu 'trải nghiệm mùi' khác nhau".

Cũng theo tiến sĩ Arshamian, mục đích của dự án là muốn kiểm tra xem mọi người trên khắp thế giới có nhận thức về mùi và thích các loại mùi giống nhau hay không. Và nếu câu trả lời là không thì liệu khác biệt về mặt văn hoá có phải là nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau trong việc lựa chọn mùi hương ưa thích?

2

 Truyền thống văn hóa không ảnh hưởng nhiều đến mức độ thích hay ghét một mùi  

Về câu hỏi được đặt ra ở trên, vị tiến sĩ bày tỏ rằng theo quan điểm truyền thống, văn hóa có tác động nhất định đến việc nhận thức về mùi hương. Tuy nhiên, khảo sát có thể chứng minh được văn hóa có rất ít liên quan đến sở thích hương thơm của cá nhân.

Cụ thể, các chuyên gia phát hiện ra rằng truyền thống văn hóa không ảnh hưởng nhiều đến mức độ thích một mùi hương của ai đó. Cấu trúc hóa học của hương thơm mới là yếu tố quyết định gợi ra phản ứng thích hoặc không thích của đa số, bất kể họ sống ở đâu, nói ngôn ngữ nào hay ăn món ăn gì.

Được biết, 10 mùi hương nằm trong danh sách thử nghiệm đã được lựa chọn một cách có chủ ý nhằm đại diện cho tất cả các mùi được tìm thấy trên thế giới. Trước đó, chúng được xác định thông qua một nghiên cứu phân tích gần 500 phân tử có mùi .

Trong đó bao gồm các hợp chất có mùi như mồ hôi chân, cá thối rữa, nấm, hoa oải hương và vani.

Theo kết quả được công bố trên tạp chí Current Biology, những người tham gia nghiên cứu chỉ nhận được yêu cầu khá đơn giản là ngửi từng loại hóa chất rồi đánh giá mức độ dễ chịu của một loại so với 9 hóa chất còn lại.

3

Vani được chiết xuất từ phong lan và là một loại hương liệu phổ biến 

Vani, được chiết xuất từ phong lan, là mùi được ưa thích nhất, tiếp đến là hợp chất có mùi đào và mùi giống hoa oải hương.

Ở đầu kia của thang đo, những mùi khó chịu nhất là các hợp chất có tên axit isovaleric, dietyl disulfua và 2-isobutyl-3-methoxypyrazine, tương ứng với ba mùi là mồ hôi chân, cá thối rữa và ớt xanh chín nẫu.

Nhìn chung, xu hướng lựa chọn mùi hương ưa thích và khó chịu là nhất quán trên tổng số 10 hợp chất ở cả chín địa điểm.

Tiến sĩ Arshamian đưa ra kết luận: “Các nền văn hóa trên khắp thế giới xếp hạng các mùi khác nhau theo cách giống nhau”, cho dù đến từ đâu đi chăng nữa thì sở thích về mùi là một bình diện dựa trên yếu tố cá nhân chứ không phải là văn hóa.

Đáng chú ý, mùi hương có thể liên quan đến việc tăng cơ hội sống sót

Ông suy đoán rằng mọi người có chung quan điểm về mùi hương bất kể vị trí địa lý hay lối sống, bởi vì một số mùi nhất định có thể có liên quan đến lịch sử sinh tồn của loài người, giúp làm tăng cơ hội sống sót trong tự nhiên.

Ví dụ, khứu giác của chúng ta có thể kích hoạt cảm giác chán ghét đối với một loại mùi nào đó vì từ xa xưa tổ tiên của chúng ta gắn mùi này với một loại cây độc hại. Mặt khác, chúng ta có thể thích các mùi khác vì chúng được tạo ra bởi các loại cây an toàn, có thể dùng làm thức ăn.

Theo Tiến sĩ Arshamian, kết quả khảo sát đã chỉ ra khả năng nhận biết mùi có mối liên hệ mật thiết với cấu trúc phân tử và điều đó giải thích tại sao chúng ta thích hoặc không thích một mùi nào đó.

"Bước tiếp theo là nghiên cứu lý do tại sao lại như vậy bằng cách liên kết kiến thức này với những gì xảy ra trong não khi chúng ta ngửi thấy một mùi cụ thể".

Ngọc Đỗ

Từ khóa » Google Docs Khảo Sát