Vào Đại Học Bằng Xét Tuyển Học Bạ Có Gì Khác Biệt?

Phương thức xét tuyển học bạ những năm gần đây nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh, phụ huynh vì sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật… Tuy nhiên, không ít phụ huynh, thí sinh tỏ ra lo lắng vì không biết sinh viên trúng tuyển bằng hình thức xét học bạ có gì khác với trúng tuyển bằng cách xét điểm thi không?

Phương thức xét tuyển học bạ THPT ngày càng được nhiều trường đại học áp dụng như hình thức tuyển sinh riêng, đây cũng là một trong những phương pháp xét tuyển được các nước tiên tiến trên thế giới triển khai. Thế nhưng, khi đối sánh với phương thức xét điểm thi THPT quốc gia, nhiều thí sinh vẫn băn khoăn: “Học Đại học bằng phương thức xét học bạ thì có gì khác biệt?”

Học Đại học bằng phương thức xét học bạ thì có gì khác biệt?

vao-dai-hoc-bang-xet-tuyen-hoc-ba-co-gi-khac-biet

Xét tuyển học bạ THPT lớp 12 là phương thức tuyển sinh riêng của các trường, hoàn toàn không bị chi phối bởi việc chọn môn thi THPT quốc gia. Đối với một số trường, kết quả học bạ còn trở thành một trong những tiêu chí trong việc sơ tuyển vào trường bên cạnh những yêu cầu về mức điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia.

Với các trường áp dụng xét tuyển học bạ là phương án tuyển sinh riêng thì hầu hết hệ thống các tổ hợp môn xét tuyển ở phương thức xét tuyển học bạ đều trùng với các tổ hợp môn của phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia 2018. Do đó, các thí sinh không gặp quá nhiều khó khăn khi lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển cho mình. Bên cạnh đó, ở phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh bắt buộc phải tốt nghiệp THPT thì mới được phép đăng ký xét tuyển.

Về cơ bản, điều khác biệt duy nhất giữa phương thức xét tuyển chính là về điều kiện xét tuyển và mốc thời gian xét tuyển. Ở mỗi trường, điều kiện và thời gian xét tuyển học bạ sẽ do trường Đại học đó quy định. Có một số trường sử dụng điểm năm lớp 12, điểm 3 năm cấp 3 hay xét cả yếu tố hạnh kiểm,… tùy theo Đề án từng trường thí sinh có thể tham khảo.

Trúng tuyển bằng xét tuyển học bạ: không khác biệt về cơ hội học tập

Xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh đầu vào được các trường có đề án tuyển sinh riêng thực hiện đồng thời với phương thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia và không có sự phân biệt về chương trình học tập giữa các thí sinh trúng tuyển.

Tất cả thí sinh trúng tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển học bạ cũng như thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia đều học cùng lớp với nhau và được thụ hưởng những điều kiện học tập tốt nhất;

Vì sao thí sinh ngày càng “chuộng” xét tuyển học bạ?

Sở dĩ xét tuyển học bạ ngày càng chiếm ưu thế, được đông đảo thí sinh quan tâm, lựa chọn bởi những ưu điểm: điều kiện xét tuyển tương đối “mềm”, thí sinh gần như biết trước cơ hội vào đại học sớm mà không cần hồi hộp chờ đợi, so sánh kết quả thi THPT quốc gia, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm áp lực thi cử.

Đây cũng là cơ hội cho các bạn thí sinh học khá, giỏi nhưng trong quá trình thi cử có thể không đạt thành tích như mong muốn.

vao-dai-hoc-bang-xet-tuyen-hoc-ba-co-gi-khac-biet

Một số lưu ý gì khi xét tuyển vào đại học bằng học bạ.

Điều kiện và thời gian xét tuyển học bạ khác nhau giữa các trường. Đa số các trường xét tuyển bằng điểm học tập năm lớp 12.

Thường các trường đưa ra tiêu chí, ngoài điều kiện tốt nghiệp THPT, thí sinh cần đảm bảo: tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18.0 trở lên. Tuy nhiên, vẫn có trường xét điểm của cả 5 học kỳ THPT.

Do đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh cụ thể của trường đại học mà mình dự định nộp hồ sơ, tránh nhầm lẫn đáng tiếc.

Đặc biệt, khi xét tuyển bằng học bạ, thí sinh nên đăng ký sớm. Số lượng chỉ tiêu có hạn, nếu đủ số lượng đạt tiêu chí trúng tuyển rồi thì thí sinh nộp sau sẽ không còn cơ hội. Thêm nữa, thí sinh nộp sớm bao giờ cũng lợi thế hơn nộp sau vì điểm chuẩn đợt sau tại nhiều trường thường cao hơn từ 1 – 3 điểm so với đợt trước.

Nguồn: Báo tuổi trẻ

Từ khóa » Trường đại Học Không Xét Học Bạ