Vay Tiền Qua App: Có Những Chiêu Thức Lừa đảo Nào? Xử Lý Ra Sao?

1. Vay tiền qua app là gì? Có an toàn không?

Vay tiền qua app là hình thức vay khá phổ biến và được ưu chuộng hiện nay. Dưới hình thức vay này, người dân không cần thế chấp, không cần tài sản đảm bảo, thay vào đó người vay chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, sổ tài khoản ngân hàng...

Các giao dịch vay chủ yếu được thực hiện trực tuyến thông qua các website, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng trên điện thoại di động và bằng những thao tác hết sức đơn giản.

Với sự phát triển của dịch vụ cho vay tiền qua app này, không ít người đặt ra câu hỏi, vậy vay tiền qua app có an toàn không?

Thực tế, với những giao dịch liên quan đến tiền, hay các loại tài sản khác, thủ tục thực hiện càng đơn giản, dễ dàng thì càng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với mong muốn vay tiền nhanh của người dân hay tâm lý cần tiền do ảnh hưởng kinh tế bởi dịch Covid-19, nhiều đối tượng đã nắm bắt và lợi dụng điều này để thực hiện các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền thông qua việc cho vay tiền qua app.

2. Cảnh báo các chiêu lừa đảo phổ biến khi vay tiền qua app

Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với nhiều thủ đoạn khác nhau, thế nhưng mục đích chung là nhằm chiếm đoạt một số tiền nào đó. Dưới đây là một số chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo khi cho vay tiền qua app mà ai cũng nên biết:

2.1. Lừa đảo cho vay tiền qua app để chiếm đoạt tiền

Các đối tượng lợi dụng hình thức cho vay tiền app để thực hiện các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản như: Yêu cầu thanh toán phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay; Dụ dỗ vay tiền trên nhiều app, từ đó tạo ra nhiều khoản vay; Đăng ký vay nhưng không nhận được tiền mà vẫn mắc nợ;… Cụ thể:

- Với chiêu lừa đảo yêu cầu thanh toán phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền để nộp phí hồ sơ hoặc bảo hiểm của khoản vay. Tuy nhiên, ngay sau khi đóng phí, các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt số tiền này và chặn mọi liên lạc trong khi khách hàng chưa nhận được giải ngân.

- Với chiêu lừa đảo khách hàng đăng ký vay nhưng không giải ngân tiền vay mà vẫn mắc nợ, các đối tượng lừa đảo “tung ra” các lời mời gọi hấp dẫn, các chương trình vay hấp dẫn để thu hút khách hàng. Sau khi cung cấp cung cấp các thông tin và hoàn thành đăng ký khoản vay, khách hàng sẽ không nhận được bất cứ khoản tiền nào từ bên cho vay, thế nhưng trên hệ thống quản lý đã có xác nhận về việc đăng ký vay.

Khi đến hạn, các đối tượng sẽ thực hiện nhắc nợ, thậm chí là đe dọa khách hàng phải trả nợ.

Xem thêm:…

Những chiêu trò vay tiền qua app phổ biến và cách xử lý
Vay tiền qua app: Có những chiêu thức lừa đảo nào? Xử lý ra sao? (Ảnh minh họa)

3.2. Lừa đảo cho vay tiền qua app với lãi suất “cắt cổ”

“Tín dụng đen” núp bóng app cho vay tiền cũng là chiêu trò phổ biến trong thời gian gần đây, đã có không ít người bị sập bẫy và phải gánh thêm một khoản tiền lãi vay lớn. Các đối tượng mời gọi khách hàng đăng ký vay với những lời quảng cáo đầy thu hút như “vay tiền với thủ tục đơn giản, không cần giấy tờ”, “vay tiền giải ngân trong 01 phút”… Theo đó, khách hàng chỉ phải làm các thủ tục đơn giản là đã có thể đăng ký vay tiền.

Theo đó, người vay phải thanh toán số tiền gốc ban đầu trong khoảng thời gian ngắn, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên 1.570-2.190%/năm.

3. Làm sao để biết app vay tiền nào uy tín, hợp pháp?

Trước thực trạng các vụ lừa đảo vay tiền qua app ngày càng phức tạp cả về thủ đoạn và số vụ lừa đảo, Bộ Công an đã đưa ra khuyến cáo người dân cần tìm hiểu xem app vay tiền đó thuộc sở hữu của công ty nào, có đầy đủ các thông tin gồm: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…).Sau đó, cần tìm hiểu xem lãi suất cho vay có nằm trong giới hạn quy định của Bộ luật Dân sự (không quá 20%/năm) không? App vay tiền có yêu cầu khách hàng phải cho phép truy cập vào danh bạ, truy cập tài khoản mạng xã hội của mình hay có yêu cầu phải đóng phí bảo hiểm hay không?... Ngoài ra, trong quá trình đăng ký vay, không thực hiện vay trên nhiều app khác nhau.

4. Dính bẫy lừa đảo vay tiền qua app, tố cáo thế nào?

4.1 Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết Đơn tố cáo

Khi không may trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo vay tiền qua app hoặc khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.

Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm gồm:

- Cơ quan điều tra;

- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

- Viện kiểm sát các cấp;

- Các cơ quan, tổ chức khác: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

Như vậy, khi bị lừa đảo hoặc nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay đến một trong các cơ quan nêu trên để được giải quyết kịp thời.

4.2 Các bước tố cáo app vay tiền lừa đảo

Bước 01: Chuẩn bị hồ sơ tố giác tội phạm

Hồ sơ sẽ gồm các giấy tờ sau đây:

- Đơn tố cáo lừa đảo vay tiền qua app;

- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;

- Các tài liệu, giấy tờ, chứng cứ liên quan đến hành vi lừa đảo qua app vay tiền.

Bước 02: Tố giác đến cơ quan có thẩm quyền

Có thể thực hiện bằng một trong các cách sau:

Gửi trực tiếp tại trụ sở cơ quan chức năng;

- Gửi qua đường bưu điện;

- Gửi qua hộp thư điện tử.

Bước 03: Xác minh và giải quyết vụ việc

Sau khi nhận được tin tố giác, cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận và lấy lời khai, lời trình bày ban đầu. Sau đó, tiến hành xác minh vụ việc xem có dấu hiệu của tội phạm hay không để có căn cứ quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án đó.

Trường hợp có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ khởi tố hoặc kiến nghị khởi tố trong phạm vi quyền hạn, thẩm quyền của mình.

4.3 Số điện thoại báo app vay tiền lừa đảo

Nạn nhân có thể gọi đến đường dây nóng của cơ quan Công an để tố giác tội phạm:

- Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dùng internet có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ:

+ Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo;

+ Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053;

+ Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam: https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/

- Đối với người dân tại TP. Hồ Chí Minh: Số đường dây nóng là 08.3864.0508

>> Bạn đọc có thể gọi ngay đến số tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ cụ thể và nhanh nhất.

5. Vay tiền qua app không trả có bị "nợ xấu"?

Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021, nợ xấu là nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5, cụ thể:

- Nợ nhóm 3: Nợ quá hạn từ 91 - 180 ngày; nợ được miễn/giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi; nợ gia hạn lần đầu;…

- Nợ nhóm 4: Nợ quá hạn từ 181 - 360 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần hai; nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng đến 60 ngày vẫn chưa thu hồi được….

- Nợ nhóm 5: Nợ quá hạn trên 360 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên;...

Theo đó, trong trường hợp vay tiền online qua các ngân hàng hoặc công ty tài chính thì thông tin về tình trạng nợ của khách hàng sẽ được chính các ngân hàng, công ty tài chính này quản lý. Do vậy, nếu thuộc nhóm nợ xấu thì đồng thời cũng bị liệt kệ vào danh sách khách hàng nợ xấu trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC.

Cũng có nghĩa, nếu vay tiền online tại các app không chính thống, các app lừa đảo vay tiền, các app núp bóng tín dụng đen… thì trường hợp không trả nợ thì sẽ không bị tra ra lịch sử nợ xấu trên CIC.Xem thêm:…  Vay tiền qua app: Có những chiêu thức lừa đảo nào? Xử lý ra sao?

6. "Bùng" tiền vay qua app, có bị đi tù?

Vay tiền thực chất là giao dịch vay tài sản được ghi nhận tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, bên vay phải có nghĩa vụ hoàn trả cho bên cho vay theo đúng số lượng, chất lượng, lãi suất cho vay (nếu có thỏa thuận) khi đến hạn trả.

Do đó, dù thực hiện vay trực tiếp hay vay online qua app, bên vay đều phải có nghĩa vụ trả lại đúng số tiền đã vay khi đến hạn trả.

Vì thế, hành vi “bùng nợ” khi vay tiền online qua các app bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, người vay thậm chí có thể bị xử lý hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm tù.

Ở mức độ nhẹ hơn, người có hành vi “bùng nợ” có thể bị xử phạt hành chính, bị cho vào nhóm nợ xấu, bị liên tục gọi điện giục nợ hay bị tính lãi chậm trả (nếu có thỏa thuận)…

Về phía bên cho vay, trường hợp cho vay với lãi suất “cắt cổ”, vượt quá mức giới hạn cho phép hay sử dụng những hành vi đe dọa đòi nợ trái pháp luật cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

Xem thêm:…

7. Bị khủng bố đòi nợ vay tiền qua app, phải làm gì?

Tình trạng vay tiền qua app sau đó khi gần đến hạn trả nợ, các app này liên tục gọi điện, nhắn tin,… khủng bố tinh thần của người vay xảy ra khá phổ biến. Đây cũng mà một trong các phương thức đòi nợ chủ yếu của các app cho vay tiền. Vậy, người vay cần phải xử lý thế nào?

Trước tiên, người vay cần thật tỉnh táo và bình tĩnh trước những cuộc gọi hay tin nhắn đòi nợ. Trường hợp trên thực tế có hành vi vay tiền qua app, người vay đã được giải ngân thì có thể liên hệ với bên cho vay để xin giãn nợ. Đồng thời, thương lượng với bên cho vay một cách thiện chí để thống nhất được hướng giải quyết tốt nhất cho cả hai bên.

Với trường hợp bị các app vay tiền lừa đảo hoặc cho vay với lãi suất cắt cổ khủng bố, người vay cần lưu ý:

- Không bắt máy đối với những số điện thoại lạ, chặn cuộc gọi, tin nhắn từ các số điện thoại rác.

- Tuyệt đối không thực hiện theo bất kỳ yêu cầu nào từ đơn vị cho vay đòi nợ.

- Tìm hiểu và nắm rõ các quy định pháp luật về việc cho vay và hình phạt đối với hành vi cho vay nặng lãi;

- Cần phải giải thích rõ ràng cho người gọi điện nếu không vay hoặc không quen với người vay các khoản nợ từ các app cho vay tiền online. Bên cạnh đó, yêu cầu người gọi điện đòi nợ cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình.

Trong quá trình trao đổi qua điện thoại có thể bật ghi âm cuộc gọi hoặc lưu lại tin nhắn để làm bằng chứng nếu sau này cần cung cấp cho cơ quan chức năng.

- Tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp công ty tài chính hay ngân hàng có hành vi quấy rối, đe dọa, khủng bố để thu hồi nợ.

- Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an qua đường dây nóng tiếp nhận tin báo tội phạm hoặc tớ trực tiếp cơ quan Công an để tố giác tội phạm.

Xem thêm:…

8. Bị khủng bố do người thân vay tiền qua app, cần làm gì?

Khi thực hiện đăng ký khoản vay qua app, người vay tiền có thể bị yêu cầu thế chấp danh bạ điện thoại, trong đó phải có đầy đủ số điện thoại của người thân trong gia đình như: Bố, mẹ, anh, chị, em, con cái…

Sau đó, nếu đến hạn trả nợ mà người vay không trả, bên cho vay sẽ lần theo số điện thoại trong danh bạ thế chấp để gọi điện cho người thân của người vay nợ yêu cầu gia đình trả nợ hoặc huy động người thân của mình ra trả nợ.

Khi rơi vào trường hợp này, người bị khủng bố gọi điện, nhắn tin đòi nợ cũng cần hết sức tỉnh táo, đồng thời yêu cầu nhân viên của bên cho vay cung cấp thông tin app vay vốn cũng như các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của người nhà mình.

Người bị khủng bố cũng cần trực tiếp liên hệ với người thân của mình để hỏi rõ về việc có vay nợ hay không? Số tiền vay nợ là bao nhiêu? Hạn trả là khi nào? Trường hợp trên thực tế người thân của mình có vay nợ thì huy động, hỗ trợ người nhà ra trả nợ.

Ngược lại, trường hợp xác định đây là một trong các hành vi, chiêu trò lừa đảo thì cần báo ngay cho Cơ quan công an tại địa phương để được hỗ trợ giải quyết. Ngoài ra, người bị khủng bố cũng có thể thực hiện chặn tin nhắn, cuộc gọi rác trên điện thoại của mình.

Tất cả hành vi đòi nợ, đe dọa, khủng bố người thân, người quen của người vay đều là hành vi vi phạm pháp luật, do đó nười bị khủng bố có thể tố giác hành vi này tới cơ quan Công an để được giải quyết sớm nhất.

9. Lừa đảo cho vay tiền qua app, bị xử lý thế nào?

9.1 Xử lý hành vi lừa đảo vay tiền qua app để chiếm đoạt tiền

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, các đối tượng lừa đảo cho vay tiền qua app để chiếm đoạt tiền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó:

- Xử phạt hành chính: Các đối tượng lừa đảo có thể bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm (theo Điều 15 Nghị định 144/2021).

- Xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, mức phạt thấp nhất Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.

Mặc khác, mức phạt cao nhất của tội này là từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân trong trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để thực hiện hành vi phạm tội.

9.2 Xử lý hành vi lừa đảo vay tiền qua app với lãi suất cắt cổ

Tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất cho vay sẽ do các bên thỏa thuận, theo đó:

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Như vậy, theo quy định trên, lãi suất cho vay tối đa là 20% trên 01 năm, nếu cho vay vượt quá mức lãi suất này, bên vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Cụ thể, người nào cho vay với lãi suất cao hơn mức tối đa từ 05 lần trở lên, thu lợi bất chính từ 30 - dưới 100 triệu đồng hoặc trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chín hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Trường hợp phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu - 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến Vay tiền qua app. Nếu không may trở thành nạn nhân hay còn vấn đề gì thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Từ khóa » Hình Thức Lừa đảo Cho Vay Tiền Online