Vay Tiền Qua App Rồi Quỵt Nợ: Kẻ Cắp Gặp Bà Già?!

  • Đấu tranh mạnh với tội phạm “tín dụng đen” ở Ninh Bình

Kẻ cắp gặp bà già?

Hiện nay, trên mạng xã hội, các hội nhóm hướng dẫn bùng tiền vay qua ứng dụng (app) nở rộ, mọc lên như nấm. Các hội nhóm như “Hội bùng App vay tiền online - hỗ trợ bùng App”, “Hội vay tiền App web bị khủng bố - giúp đỡ anh em đối phó”, “Hội bùng App vay tiền online và chia sẻ cách đối phó”... thu hút rất nhiều thành viên. Nhóm nhiều nhất có tới hơn 66.000 thành viên tham gia với hàng trăm bài viết mỗi ngày, nội dung chủ yếu xoay quanh việc vay, đối phó hoặc làm cách nào để… xù tiền đã vay.

Vay tiền qua app rồi quỵt nợ: Kẻ cắp gặp bà già?! -0
Rất nhiều những hội nhóm chia sẻ nhau những kinh nghiệm quỵt nợ sau vay qua app

“Khoảng trống” quản lý của việc cho vay qua app chính là quy trình duyệt hồ sơ tự động. Để thu hút người vay, bên cho vay thường bỏ qua việc xác thực thông tin khách hàng cung cấp. Vì thế người vay có thể sử dụng sim rác, tài khoản mạng xã hội ảo, danh bạ ảo, giấy tờ giả… khiến “nhà app” sập bẫy.

N.K. - một thành viên trong Hội bùng App vay tiền online tiết lộ: Các khoản vay của app có thể dao động từ 500.000 đồng cho đến vài chục triệu đồng, hoặc lớn hơn nữa tùy vào mức độ uy tín. Khoản vay lần đầu được trả nợ đầy đủ, đúng hạn, lập tức mức vay sẽ được nâng lên ở lần tiếp theo. Bởi vậy, dân “bùng” app chuyên nghiệp thường “nuôi” app để khoản vay lớn một chút rồi “bùng” mới “ra tấm, ra món”.

Cũng theo K., chính từ việc thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp hay không cần trực tiếp xác minh thông tin người vay đã tạo điều kiện cho người vay có thể “bùng” tiền một cách dễ dàng thông qua việc sử dụng thông tin cá nhân giả mạo. “Điều quan trọng nhất là tất cả thông tin được sử dụng đều phải làm giả. Từ số điện thoại sử dụng sim rác đến các tài khoản mạng xã hội facebook, zalo cũng là ảo”, K. cho biết.

Thậm chí, nhiều ứng dụng yêu cầu thông tin cá nhân, gia đình, người thân, địa chỉ mới giải ngân. Đối phó với trường hợp này, người vay cũng sẽ cung cấp địa chỉ giả làm tăng độ tin cậy, thậm chí tìm vài người liên kết với nhau để đóng vai người thân khi nhân viên bên app cho vay gọi kiểm tra chéo thông tin được cung cấp. Với chiêu trò đó, không ít người sau 3 - 4 lần nuôi app (kéo dài khoảng 2 tháng), đã “bùng” được số tiền khá lớn. Ngoài ra, nắm được điểm yếu về sự không chính thống của những ứng dụng vay tiền online, người vay tin rằng, sự việc này không thể đưa ra pháp luật để giải quyết.

Trước sự “lớn mạnh” của các nhóm “bùng” tiền vay qua app mà những dịch vụ hỗ trợ trốn nợ ăn theo mọc lên như nấm, quảng bá rầm rộ trong các hội nhóm kín, như làm giả giấy tờ tùy thân; nhận “cày” (tìm kiếm) ứng dụng vay tiền online; bán tài khoản Facebook ảo; bán danh bạ giả; nhận gọi điện trấn an người thân...

Cho vay và quỵt tiền đều vi phạm pháp luật

Trung tá Phạm Văn Thịnh – Đội phó thuộc Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho biết, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng cho thấy, hiện nay hoạt động vay tiền online qua app, web đang có những diễn biến khá phức tạp. Việc vay tiền qua app có ưu điểm là rất thuận lợi, nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu vay tiền với số lượng nhỏ trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên đã xuất hiện nhiều app cho vay tiền với lãi suất “cắt cổ” và xuất hiện các hội nhóm trên mạng xã hội dạy nhau cách chiếm đoạt tiền vay.

Theo Trung tá Thịnh, cả hai hành vi cho vay nặng lãi và quỵt tiền vay đều đáng lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật. “Hành vi sử dụng thông tin giả mạo để vay tiền online qua app, web rồi quỵt nợ, có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, những người kích động, xúi giục, ‘vẽ đường chỉ lối’ cách lừa đảo, hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm”, Trung tá Phạm Văn Thịnh nói.

Cũng theo Trung tá Thịnh, để đảm bảo an toàn khi vay tiền online, người dân nên tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…). Đồng thời, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app, web.

Cần lưu ý rằng, lãi suất cho vay phải không được quá 20%/năm. Đặc biệt, app không được yêu cầu khách hàng phải cho phép truy cập vào danh bạ, truy cập tài khoản mạng xã hội của mình… Nếu phát hiện app có dấu hiệu cho vay nặng lãi, cần sớm tất toán các khoản nợ; nếu bị các đối tượng đe dọa, cần trình báo ngay cho cơ quan Công an để được can thiệp, giúp đỡ.

  • “Tín dụng đen” núp bóng app cho vay: Khó kiểm soát vì hoạt động tinh vi

Từ khóa » Cách Danh Sập App Vay Tiền