Về Bài Thơ: XA CÁCH Của Nhà Thơ Nguyễn Bính
Có thể bạn quan tâm
Nguyễn Bính (Theo “Thi nhân Việt Nam”)
Thơ Nguyễn Bính thường có "cốt truyện" (có sự việc, có nhân vật, có thể kể lại dễ dàng), nhiều bài rất dài. "Xa cách", một trong tám bài thơ của ông được chọn trích trong "Thi nhân Việt Nam" dường như đi ngược lại với những quy luật ấy. Đây là một bài thơ hay cho chúng ta thấy sự "phức tạp" trong tâm lý con gái cũng như sự tinh tế của hồn thơ Nguyễn Bính.
Ở bài thơ này, đây là lời của cô gái nói với chàng trai có ý hoặc cũng có thể đã ngỏ ý thương mình, yêu mình. Cô gái nói với chàng trai như thế nào, cô ấy có từ chối tình yêu hay không, cô ấy có kêu van không, và thực sự thì cô ấy mong muốn điều gì? Xin hãy nghe lại những lời của cô, cùng ngẫm về những gì cô đã nói:
"Nhà em cách bốn quả đồi,
Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng.
Nhà em xa cách quá chừng,
Em van anh đấy, anh đừng thương em".
Ở đây có chuyện xa cách, cách xa. Nhưng xa hay gần thì cũng vậy thôi. Khoảng cách địa lý không có ý nghĩa đối với những người yêu nhau, đối với những tình yêu chân chính. Từ xa xưa đã thế: "Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua" (Ca dao). Nguyễn Bính học tập dân gian, thơ ca của ông mang đậm dấu ấn của thơ ca dân gian. Ở bài thơ này, phải chăng Nguyễn Bính đã rút thi liệu của văn học dân gian, làm một việc ngược với dân gian: đưa ra khoảng cách địa lý, sự xa rừng cách suối nhằm ngáng trở tình yêu, ngăn trở tình yêu? Và cô gái từ chối tình yêu, kêu van anh đừng thương em chỉ vì lý do đơn giản ấy? Không, không phải như vậy. Ở đây có chuyện xa cách, cách xa. Nghĩa là có những khó khăn về mặt khách quan. Không phải "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi" ("Người hàng xóm"), không phải "Thôn Đoài cách có một thôi đê" ("Mưa xuân"), cũng không phải "Hai thôn chung lại một làng" ("Tương tư"). Nhà cô gái ở rất xa nhà chàng trai:
Nhà em cách bốn quả đồi,
Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng
Xa quá? Nghe cô gái nói chàng trai sẽ thốt lên như thế? Nói thế là không hiểu cô gái, nói thế là vội vàng. Hãy để ý đến cách nói của cô, cách cô đưa ra những trở ngại. Đầu tiên là "bốn quả đồi", sau là "ba ngọn suối", cuối cùng là "đôi cánh rừng". Ở đây, rất rõ ràng, lượng trở ngại giảm dần: "bốn - ba - đôi". Ban đầu chàng trai có thể còn rụt rè, e ngại. Sau thì không. Bởi vì, rất rõ ràng, càng đi càng có cảm giác thuận lợi. "Bốn quả đồi", "ba ngọn suối", "đôi cánh rừng". Chàng trai yên tâm bước xuống, bước tới. Chàng đi những bước đi tự tin đến nhà cô gái, dường như con đường đến nhà cô ngày càng bằng phẳng hơn, dễ đi hơn. Con đường đến trái tim cô cũng vậy. Ở đây, có thể nói, cô gái đã kín đáo hé lộ bản đồ lòng dẫn chàng trai đi về phía tình yêu…
Một điểm đáng lưu ý nữa ở hai câu này: cô gái nói "nhà em" chứ không phải "nhà anh". Điều này rất quan trọng. Hãy bắt đầu bằng việc thay thế với mục đích so sánh. Nếu thay: "Nhà anh cách bốn quả đồi/ Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng", khoảng cách từ nhà cô gái đến nhà chàng trai vẫn không đổi. Nhưng ý nghĩa câu thơ đã thay đổi. Tình thế đã thay đổi. Nói "nhà anh", khoảng cách địa lý là cả một vấn đề. Thôi rồi, cô gái chê. Nhà anh xa quá. Tình yêu không chấp nhận những toan tính, những so bì thiệt hơn. Có một chút lăn tăn, không có tình yêu. Nói nhà anh xa cũng là nói lời từ chối tình yêu vậy. Đây chỉ là một cách từ chối khôn khéo ý nhị mà thôi.
Ở hai câu cuối, một lần nữa cô gái nhắc đến "nhà em". "Nhà em xa cách quá chừng/ Em van anh đấy, anh đừng thương em". Đây chỉ là một cách nói. Con gái vẫn thế: hay nói ngược, thích nói ngược, và, ở một số trường hợp, nói ngược được sử dụng như… một thứ vũ khí.
Cô gái trong bài thơ này cũng vậy: cô không hề từ chối tình yêu, mà trái lại, như trên đã nói, cô gái đã kín đáo hé lộ bản đồ lòng dẫn chàng trai đi về phía tình yêu. Như vậy, ở đây, khoảng cách địa lý không làm nên bi kịch tình yêu. Có thể nói như thế, căn cứ vào câu chữ, từ những gì đã phân tích. Những nét tâm lý thường thấy ở con gái nữa. "Em van anh đấy, anh đừng thương em"? Cô gái kêu van nhưng thực chất ở đây không có lời kêu van, đây không phải là một lời kêu van, đây chỉ là một cách nói, một cách nói của con gái, rất con gái…
Nguyễn Huy Hùng
Từ khóa » Nhà Em Cách Bốn Quả đồi
-
Bình Luận Bài Thơ “Xa Cách” (Nhà Em) - Nhà Phê Bình Chu Văn Sơn
-
Em Van Anh đấy Anh đừng Yêu Em! - Tamnhin
-
Bài Thơ: Vài Nét Rừng: Nhà Em (Nguyễn Bính - Thi Viện
-
Lời Bài Thơ Xa Cách (Nguyễn Bính) - TKaraoke
-
Bài Thơ Nhà Em [Xa Cách] Của Nguyễn Bính | BKTV
-
Những Bài Thơ Hay - Nguyễn Bính - Xa Cách
-
Tho Luc Bat
-
Trích Dẫn Hay - Nhà Em Cách Bốn Quả đồi Cách Ba Ngọn Suối
-
Bài Thơ "Nhà Em" Của Nhà Thơ Nguyễn Bính
-
Tình Ca Phố - Nhà Em Cách Bốn Quả đồi Cách Ba Ngọn Suối, Cách ...
-
Thích Đọc Sách — Nhà Em Cách Bốn Quả đồi Cách Ba Ngọn Suối ...
-
Clbthichdocsach: Nhà Em Cách Bốn Quả đồi Cách Ba... - Mây Của Trời
-
Những Ngày đẹp Trời — Clbthichdocsach: Nhà Em Cách Bốn Quả đồi ...