Về Cà Mau Trải Nghiệm Các Giá Trị Sinh Cảnh đất Ngập Nước
Cà Mau vốn là vùng đất giàu tiềm năng về du lịch với các loại hình như: du lịch địa lý, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với hệ thống rừng ngập nước và du lịch ngư - nông - lâm nghiệp...Tuy nhiên, số lượng khách tham quan tìm đến Cà Mau vẫn còn khiêm tốn. Vì vậy, để thu hút du khách, ngoài việc phải quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững, tỉnh Cà Mau đang tích cực xây dựng phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch, nhằm cung cấp cho du khách một khoảng thời gian thú vị, một kinh nghiệm du lịch trọn vẹn và sự hài lòng khi đến với Cà Mau.
Đặt lờ bắt cá tại điểm du lịch cộng đồng Mười Ngọt.
Hiện tại, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới phương thức phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch khi đến Cà Mau. Các điểm du lịch Khai Long, Đất Mũi, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Hòn Đá Bạc…đều có bước tăng trưởng rõ rệt, sản phẩm ngày càng đa dạng hơn.
Ở khu vực rừng ngập mặn, các sản phẩm dịch vụ du lịch đang khai thác chủ yếu tập trung ở khu trung tâm Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau và một số hộ dân làm du lịch cộng đồng. Khi đến với Mũi Cà Mau, du khách sẽ được tham quan chụp ảnh lưu niệm bằng đường bộ tại cột mốc tọa độ cực Nam của Tổ quốc; biểu tượng Cà Mau, kè chống sạt lở, nơi hàng ngày ngắm được mặt trời mọc, mặt trời lặng. Ngoài ra, sẽ được tham quan rừng ngập mặn, trải nghiệm với phương tiện đi bằng đường thủy như: canô, vỏ máy.
Cột mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001, là nơi ghi hình ảnh lưu niệm lý tưởng cho du khách khi đến với Mũi Cà Mau.
Vốn được mệnh danh là “Rừng vàng, biển bạc”, sản vật do thiên nhiên ban tặng rất phong phú và đa dạng về loài. Vì vậy, khi đến với Mũi Cà Mau, du khách sẽ được trải nghiệm làm người dân xứ biển. Ban ngày có thể đi sạc sò huyết, câu cá, đặt lọp cua, đục hàu, bắt ốc len…Về đêm, đi bắt ba khía, xổ vuông tôm…tại các điểm du lịch dựa vào cộng đồng. Các sản phẩm tươi sống do du khách thu được mang về sẽ được chế biến thành những món ăn dân dã, nhưng độc đáo, đậm đà, mang hương vị rất riêng của vùng Đất Mũi như: sò huyết rang muối, cá dứa kho, cháo hàu, hàu nướng mỡ hành, cá thòi lòi nướng muối ớt, ốc len xào dừa…Tại đây, du khách vừa thưởng thức “thành quả lao động” của mình, vừa được nghe đờn ca tài tử.
Các thòi lòi nướng, đặc sản của rừng ngập mặn.
Sau khi dạo chơi và ghi hình ảnh lưu niệm, thưởng thức món ngon, du khách còn có thể lựa chọn cho mình những sản phẩm quà tặng lưu niệm được làm từ chất liệu cây đước, cây vẹt như: đũa, muỗng; các sản phẩm bằng thủy tinh, móc khóa, biểu trưng...
Nếu không chọn về vùng đất ngập mặn, du khách hãy về với vùng ngập lợ tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, hoặc các điểm du lịch cộng đồng, để ngắm nhìn vẻ đẹp xanh mướt, hoang sơ của rừng tràm. Lên vọng lâm đài, du khách có thể phóng tầm nhìn xa quan sát vẻ đẹp của những tán rừng tràm cao vút, bạt ngàn, xanh miên man.
Đến với rừng U Minh, du khách được tải nghiệm công việc của người nông dân khi đi đặt lờ, giăng lưới, cắm câu, đặt lọp…để bắt cá đồng. Đây là các sản vật do thiên nhiên ban tặng cho rừng U Minh, rất phong phú về chủng loại như: cá rô, cá trê, cá lóc, cá sặc, cá thác lác, lươn, rắn bông súng…Từ những sản phẩm này chế biến thành món săn đặc sản như: cá lóc nướng trui, lẩu mắm, cá thác lác chiên sả ớt, lẩu lươn, cá rô kho tộ…ăn kèm với các món ăn trên là những loại rau được hái từ trong rừng như: đọt choại, bông lục bình, đọt nhãn lồng, lá nàng hai, cải trời, rau muống…và được nhâm nhi vài ly rượu mỏ quạ, đặc sản được người dân nơi đây cất công ngâm ủ.
Về các điểm du lịch cộng đồng ở rừng U Minh để thưởng thức các món ngon chế biến từ cá đồng.
Nếu du khách muốn tìm đặc sản mang về tặng người thân, bạn bè sau chuyến du lịch thì hãy trải nghiệm nghề ăn ong mật. Mật ong rừng U Minh nổi tiếng thơm ngon, chất lượng, mang đậm hương vị rừng tràm, nếu chính tay mình đi lấy mật và đem làm quà tặng thì rất ý nghĩa.
Tại thành phố Cà Mau, các cơ sở lưu trú cũng đã tăng cường mở rộng, đầu tư, nâng cấp; các doanh nghiệp lữ hành kết nối tour, tuyến với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và phía Bắc để đưa các đoàn lữ hành đến với Cà Mau ngày một nhiều hơn.
Mặc dù, tiềm năng về dịch vụ du lịch của tỉnh rất lớn, nhưng trên thực tế việc khai thác vẫn chưa đạt hiệu quả cao và các tuyến du lịch đã xây dựng thêm sản phẩm du lịch mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách, vì thế lượng khách lưu trú còn ít. Đặc biệt, nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch còn khá hạn chế, chưa được đào tạo một cách chuyên sâu. Ngoài ra, hoạt động du lịch phần lớn chỉ diễn ra theo thời vụ, lượng khách chủ yếu tập trung vào những dịp hè, nghỉ lễ.
Xác định sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh là du lịch sinh thái, nhất là việc tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị sinh cảnh đất ngập nước ven biển, sinh cảnh rừng tràm trên đất than bùn. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ ưu tiên phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Khi phát triển loại hình du lịch này sẽ bảo vệ được tài nguyên du lịch, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ được hệ sinh thái. Đồng thời, khai thác có hiệu quả, hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã được ban tặng; khai thác được lợi thế so sánh giữa du lịch của Cà Mau đối với các tỉnh khác trong khu vực và trong cả nước.
Du lịch cộng đồng là loại hình được đánh giá phù hợp với năng lực, trình độ quản lý, nguồn vốn của người dân, làm du lịch giống như một công việc hàng ngày, chỉ đào tạo thêm về giao tiếp, ứng xử, phục vụ, an toàn vệ sinh thực phẩm… Từ đó, tính hấp dẫn, tính đa dạng của sản phẩm du lịch càng ngày càng tăng, du khách các nơi có thể trải nghiệm hình thức du lịch sinh thái mà nơi khác không có.
Ở các điểm du lịch cộng đồng, nhân viên phục vụ là những người con trong gia đình nên rất thân thiện và gần gũi.
Bên cạnh đó, đối với các khu du lịch tập trung, tỉnh cũng đang khuyến khích đầu tư đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để phục vụ nhu cầu cao hơn của du khách khi đến với Cà Mau. Trong đó, chú trọng phát triển dịch vụ tham quan bằng đường thủy xuyên rừng, phát triển dịch vụ du lịch dọc bờ biển, tổ chức hoạt động trải nghiệm lướt bùn ở bãi biển; tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái rừng bằng xuồng xuyên rừng tràm, bằng xe đạp tổ chức theo mùa…
Riêng ở trung tâm thành phố Cà Mau, hiện tại đã phát triển khu chợ đêm. Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ hoàn thành các dự án giải trí khác như: khu vui chơi giải trí ban đêm, du lịch tâm linh, du lịch trên sông...Đồng thời, hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch vườn như: Trồng rau màu khu vực xã Lý Văn Lâm; trồng hoa kiểng, vườn cây ăn trái, nuôi cá khu vực Tân Thành.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: “Mục tiêu của ngành du lịch tỉnh Cà Mau là phát triển bền vững gắn với môi trường sinh thái. Chính vì vậy nên môi trường tự nhiên là lợi thế, là tài nguyên du lịch của tỉnh, điều đó được quan tâm chú trọng khi phát triển du lịch gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo ra những sản phẩm mang tính trải nghiệm từ vùng đất ngập nước, tạo được sự hấp dẫn hơn đối với du khách trong và ngoài nước”.
Từ khóa » Xổ Vuông Bắt Cá
-
Toàn Cảnh Xổ Vuông Bắt Tôm Cua Cá Cà Mau | Nga Miền Tây
-
Sổ Vuông Bắt Tôm Cua Cá KHỦNG Ban đêm Cùng Người Dân Năm ...
-
Xổ Vuông Tôm Cà Mau - Bắt Con Đẻn, Tôm, Cá, Ghẹ| Thảo Phan Vlog
-
Cận Cảnh Xổ Vuông Bắt Tôm Cá Ở Cà Mau - Part 3 - YouTube
-
Về Ðất Mũi Xổ Vuông, đổ đụt - Báo Cà Mau
-
Trải Nghiệm Bắt Cá Nâu - Báo Cà Mau
-
Người Miền Tây 'thuốc Cá Vuông', Cá 'xỉu' Tha Hồ Vớt - Báo Thanh Niên
-
Kể Chuyện Làng: Nhớ Những Ngày Cùng Tía Má đi "xổ Vuông đổ đụt ...
-
Dấu ấn Du Lịch Sinh Thái Cộng đồng Đất Mũi - Ca Mau
-
Con Nước Xổ Vuông Tôm ở Cà Mau | Facebook | By NK Food
-
Xổ Số Miền Bắc Ngày 10 Tháng 8
-
Xổ Vuông Tôm Cà Mau - PHẦN 1 | Giang Trần Cà Mau - Myclip