Về Các đặc Trưng Của Chủ Nghĩa Xã Hội Qua Cương Lĩnh 1991 Và ...

Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được, nhân dân ta đang tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm đưa nước ta phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Về vấn đề này, tại Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đã khẳng định: ''Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”1. Có thể nói, nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sâu sắc và cụ thể hơn; trong đó, luôn có sự kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện dần qua từng giai đoạn. Trong bài tham luận này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một vấn đề - sự phát triển nhận thức của Đảng về các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua so sánh giữa Cương lĩnh xây dựng đất nước trơng thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII (1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI (2011).

Như chúng ta đã biết, cho đến trước khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam đã trải qua chặng đường hơn 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Ban đầu, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xôviết ở miền Bắc cũng đã đạt được những kết quả nhất định và có đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau cả chủ quan lẫn khách quan, mô hình chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đặt nhiều kỳ vọng có thể làm thay đổi về chất toàn bộ đời sống xã hội trên mọi lĩnh vực đã không diễn ra như mong muốn. Trái lại, vào giai đoạn cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ XX, nền kinh tế - xã hội nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng, lạm phát, đời sống nhân dân hết sức khó khăn.

Trước tình hình đó, với tinh thần ''nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật'', Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nghiêm túc phê bình và tự phê bình, xác định rõ bốn bài học quan trọng, trong đó có bài học về sự tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Trên cơ sở đó, khẳng định cần thiết phải tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội VI là mốc quan trọng đánh dấu đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói, việc xác định mô hình chủ nghĩa xã hội là một trong những vấn đề lý luận cơ bản và rất phức tạp, không chỉ một lần là xong mà phải luôn có sự bổ sung và phát triển. Trước đây, trong lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác cũng mới chỉ đưa ra một số phác họa cơ bản có tính dự báo về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội dựa trên sự phân tích của các ông về các hình thái kinh tế - xã hội mà loài người đã trải qua trong lịch sử, đặc biệt là hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa. Thêm nữa, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác cũng chưa bao giờ khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội chỉ có một mô hình duy nhất. Thực tiễn phát triển của chủ nghĩa xã hội cho thấy, ngoài những đặc trưng bản chất chung, ''mô hình chủ nghĩa xã hội mà một quốc gia cụ thể nào đó hoạch định và thực hiện bao giờ cũng mang trong nó những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc của quốc gia đó””2.

Theo đó, có thể khẳng định rằng, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã có công lao to lớn trong việc đưa chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành một lý luận khoa học. Nói cách khác, C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã xây dựng nên cơ sở lý luận khoa học cho sự ra đời của một chế độ xã hội mới chủ nghĩa cộng sản, mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Xã hội mới ấy ở mỗi quốc gia dân tộc có hình hài như thế nào là do sự vận dụng, phát triển và sáng tạo của những người cộng sản và nhân dân dân lao động mỗi nước trên cơ sở đặc điểm lịch sử - cụ thể của mình.

Đối với Việt Nam, như chúng ta đã biết, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp đầy khó khăn, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc. Chính vì vậy, trong quá trình lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng đã luôn kết hợp nhận thức, nghiên cứu lý luận với thử nghiệm và tổng kết thực tiễn để xây dựng, bổ sung và hoàn thiện từng bước mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Dựa vào việc nhận thức lại một cách đầy đủ và đúng đắn các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, kết hợp với những kinh nghiệm của thế giới và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, đặc biệt là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới (1986), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII (1991), Đảng xác định mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam gồm 6 đặc trưng cơ bản nhất:

1/ Do nhân dân lao động làm chủ;

2/ Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu;

3/ Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc;

4/ Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân;

5/ Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

6/ Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới3.

Đó chính là những đặc trưng bản chất hay mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà nhân dân ta xây dựng và hướng tới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Từ những bài học và kinh nghiệm thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đường lối đổi mới, đúng như nhận định của Đảng nêu ra tại Đại hội lần thứ X, nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn, hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản nhất. Sau 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), Đảng Cộng sản Việt Nam thấy rằng cần thiết phải có một cương lĩnh mới phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới trên cơ sở kế thừa, sửa đổi, bổ sung và phát triển Cương lĩnh 1991. Cũng cần nhấn mạnh rằng, nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm và sự đóng góp trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, bản dự thảo cương lĩnh mới đó được đưa ra thảo luận, góp ý một cách công khai, rộng rãi và dân chủ trước khi trình Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2011) thông qua.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội:

l/ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;

2/ Do nhân dân làm chủ;

3/ Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp;

4/ Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;

5/ Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện;

6/ Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng.

7/ Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo;

8/ Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Như vậy, so với Cương lĩnh 1991, mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) có một số điều chỉnh quan trọng.

Thực ra, một số điều chỉnh mới trong Cương lĩnh 2011 về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội so với trong Cương lĩnh 1991 đó được nêu ra từ Đại hội X của Đảng (2006). Nếu trong Cương lĩnh 1991 chỉ đưa ra 6 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội thì trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta đã xác định 8 đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là:

1/ Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh;

2/ Do nhân dân làm chủ;

3/ Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại về quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất;

4/ Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;

5/ Con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện;

6/ Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng tiến bộ;

7/ Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản;

8/ Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới4.

Theo đó, đặc trưng thứ nhất và thứ bảy được bổ sung mới hoàn toàn và trong một số đặc trưng khác (đặc trưng thứ hai, ba và năm) có sự điều chỉnh nhất định về thuật ngữ (đương nhiên sự thay đổi về thuật ngữ dẫn tới sự thay đổi về nội dung).

Như vậy, không có nghĩa là phải đến Cương lĩnh 2011 Đảng Cộng sản Việt Nam mới có sự điều chỉnh, bổ sung các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội; trái lại, cùng với sự phát triển của công cuộc đổi mới, Đảng đã có những nhận thức ngày càng sâu sắc về chủ nghĩa xã hội phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống, kịp thời bổ sung và hoàn chỉnh dần quan điểm, đường lối về chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, như trên vừa đề cập, Đại hội X của Đảng đã khẳng định mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bao gồm 8 đặc trưng. Điều đó muốn nói lên rằng, một số điểm mới về các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội nêu trong Cương lĩnh 2011 không phải đến Đại hội XI mới được bổ sung, mà đã được điều chỉnh từ trước đó; đồng thời, những điểm mới trong Cương lĩnh 2011 không chỉ mới so với Cương lĩnh 1996, mà một số chi tiết (trong một số đặc trưng cụ thể) cũng mới hơn so với quan niệm của Đảng nêu trong Đại hội X.

Vậy những bổ sung, điều chỉnh mới đó là gì?

Thứ nhất, so với Cương lĩnh 1991, Cương lĩnh 2011 đã bổ sung hai đặc trưng mới: 1/ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minhvà 2/ Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong Văn kiện Đại hội X, hai đặc trưng quan trọng này cũng đã được nêu ra khi nói về chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng. Song, trong đặc trưng thứ nhất của Cương lĩnh 2011, tiêu chí dân chủ được đặt trước tiêu chí công bằng. Thực tiễn cho thấy, nước ta hiện nay, dân chủ và việc thực hiện dân chủ giữ vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Dân chủ không những là mục tiêu, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Khi dân chủ được bảo đảm mới có thể nói đến công bằng và đến lớn mạnh, những điều đó mới thể hiện sự văn minh.

Việc bổ sung đặc trưng ''có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản'' thể hiện vị trí đặc biệt quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Nhà nước ấy thuộc về nhân dân, do nhân dân xây dựng nên và hướng tới phục vụ lợi ích của nhân dân, là cơ quan quyền lực của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mục tiêu căn bản của công cuộc đổi mới nói chung, của đổi mới chính trị và đổi mới hệ thống chính trị nói riêng ở nước ta chính là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Thứ hai, nếu Cương lĩnh năm 1991 xác định xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội ''do nhân dân lao động làm chủ'' thì trong Văn kiện Đại hội X và Cương lĩnh 2011, đặc trưng thứ hai được điều chỉnh thành ''do nhân dân làm chủ''. Rõ ràng, khái niệm ''nhân dân” trong Văn kiện Đại hội X có nội hàm rộng hơn so với khái niệm ''nhân dân lao động'' được đề cập trong Cương lĩnh năm 1991. Điều này cho phép thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động sức mạnh của toàn dân vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, đặc trưng thứ 2 trong Cương lĩnh năm 1991 ''Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu'' được Cương lĩnh 2011 bổ sung bằng ''Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp''. Điều này là cần thiết và đúng đắn. Bởi lẽ, theo quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin, quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là xương sống của mọi hình thái kinh tế - xã hội. Quan hệ sở hữu chế độ công hữu) không đồng nhất với quan hệ sản xuất. Dù đóng vai trò hết sức quan trọng, song quan hệ sở hữu cũng chỉ là một trong 3 yếu tố (quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối) cấu thành quan hệ sản xuất. Cũng cần lưu ý rằng, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra một trong những bài học quan trọng về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lựclượng sản xuất.

Thứ tư, cụm từ ''được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công” trong đặc trưng thứ tư của Cương lĩnh 1991 (cụm từ “được giải phóng khỏi áp bức, bất công” ở đặc trưng thứ 5 của mô hình chủ nghĩa xã hội nêu trong Văn kiện Đại hội X) được Cương lĩnh 2011 lược bỏ và xác định là ''Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Theo chúng tôi điều này là hợp lý. Bởi lẽ, sự ''ấm no, tự do, hạnh phúc'' của con người cũng đã bao hàm ý nghĩa được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột và bất công.

Thứ năm, trong Cương lĩnh năm 2011 xác định ''con người... có điều kiện phát triển toàn diện'' (trong Cương lĩnh 1991 viết: ''Con người... có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân'', cũng Văn kiện Đại hội X ghi ''con người ... được phát triển toàn diện''). Việc bổ sung cụm từ ''có điều kiện” là chính xác thể hiện trong chủ nghĩa xã hội sự phát triển của con người luôn được tạo điều kiện, đồng thời phải căn cứ vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ sáu, trong đặc trưng thứ 5 của Cương lĩnh năm 1991 viết ''Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ”; trong Văn kiện Đại hội X viết: ''Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng tiến bộ''. Trong Cương lĩnh năm 2011, đặc trưng này được điều chỉnh thành ''Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển''. Việc thay thuật ngữ ''tương trợ'' bằng thuật ngữ ''tôn trọng'' hoàn toàn đúng đắn và làm cho đặc trưng này có nội dung toàn diện hơn (với 4 tiêu chí: bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau), bởi thuật ngữ ''tương trợ” và ''giúp nhau” (trong Văn kiện Đại hội X), về cơ bản, có nội dung như nhau.

Thứ bảy, nếu Cương lĩnh 1991 xác định đặc trưng thứ 6 của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là “Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới'' thì trong Văn kiện Đại hội lần thứ X và trong Cương lĩnh 2011, nó được diễn đạt một cách chính xác hơn - ''Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới''. Cụm từ ''với các nước trên thế giới'' rõ ràng rộng hơn cụm từ ''với nhân dân tất cả các nước trên thế giới''. Nó thể hiện mối quan hệ hữu nghị và hợp tác của Việt Nam không chỉ với nhân dân các nước, mà cùng với nhà nước, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ của các nước trên thế giới.

Mọi kết quả nhận thức đều do thực tiễn quy định: Phải xuất phát từ thực tiễn và được chính thực tiễn kiểm nghiệm. Đó là biện chứng của quá trình nhận thức. Đặc biệt, việc xác định đúng và trúng những đặc trưng bản chất, cốt lõi của chủ nghĩa xã hội - một xã hội hoàn toàn mới và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phát triển xã hội của dân tộc ta, như cách nói của V.I.Lênin, chỉ có thể dựa trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội của hàng triệu người khi họ bắt tay vào hành động. Hơn nữa, thực tiễn luôn vận động, biến đổi không ngừng; do đó, lý luận cũng phải có sự thay đổi tương ứng nhằm phản ánh đúng thực tiễn, phù hợp với thực tiễn. Nghĩa là, sự điều chỉnh, bổ sung và phát triển những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội cho sát với thực tế khách quan luôn là việc làm cần thiết và phải được tiến hành thường xuyên. Đó cũng chính là ý nghĩa của nguyên tắc mang tính phương pháp luận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra: lý luận phải gắn liền với thực tiễn.

Từ khóa » Những điểm Mới Trong Cương Lĩnh Chính Trị 2011