Về Cuộc “gặp Gỡ” Giữa Chủ Tịch Hồ Chí Minh Với Lãnh Tụ Lênin

Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử đã nêu lại quá trình Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô: “Tháng 6, ngày 13. Buổi tối, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris đi Liên Xô, đất nước mà Người mơ ước được đặt chân tới. (…) Tháng 6, ngày 30. Nguyễn Ái Quốc đến cảng Petrograd. Lần đầu tiên Người đặt chân lên mảnh đất của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết. Người đã xuất trình hộ chiếu mang tên Chen Vang để bộ đội biên phòng đóng dấu thị thực nhập cảnh…”.

Trên đất Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều hoạt động tích cực, trong đó viết khá đều đặn cho các tờ Le Paria, L’Humanité, La Vie Ouvrière, dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân và được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân, tham gia Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, gặp nhà thơ Osip Mandelstam… Cuối năm 1923, Người vào học Trường Đại học Cộng sản của những người lao động Phương Đông. Lúc này Lênin đang ốm nặng, nên Đại hội Quốc tế Cộng sản phải tạm hoãn...

Ngày 21/1/1924, Lênin từ trần... Sau này, Hồ Chí Minh kể lại sự kiện đau buồn đó: “Vào một ngày tháng 1/1924, chúng tôi đang ăn bữa sáng tại quán cơm ở tầng dưới khách sạn thì được tin Lênin mất. Không ai muốn tin điều đó, nhưng khi ngoảnh lại, chúng tôi thấy lá cờ của Xô viết Moskva đã bỏ rủ. Một sự xúc động lớn xâm chiếm tâm hồn chúng tôi, bữa ăn bị bỏ dở, vì không ai thấy đói nữa: Lênin đã mất. Thế là tôi chưa được gặp Lênin và đó là một điều ân hận lớn trong đời tôi. Khi tôi đến nước Nga, Người đã ốm nặng và đang chữa bệnh ở Gorki, cho nên không đến thăm được”.

Thực ra, cuộc “gặp” lịch sử giữa Nguyễn Ái Quốc và Lênin đã diễn ra từ năm 1920 sau khi Nguyễn Ái Quốc đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Vẫn theo Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử: “Tháng 7, sau ngày 17. Nguyễn Ái Quốc đọc tác phẩm của Lênin: Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, đăng trên báo L’Humanité, số ra ngày 16 và 17/7/1920. Trong văn kiện này, Lênin phê phán mọi luận điểm sai lầm của những người cầm đầu Quốc tế II, về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, lên án mạnh mẽ tư tưởng sô vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của các đảng cộng sản là phải giúp đỡ thật sự phong trào cách mạng của các nước thuộc địa và phụ thuộc, nhấn mạnh sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng cần lao của tất cả các dân tộc để chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến. Tác phẩm của Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người đã nói: ‘Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III’”.

“Thật vậy, sau khi đọc và nghiên cứu toàn văn Sơ thảo (…), Nguyễn Ái Quốc có cảm giác sâu sắc là Lênin vừa trao cho đồng chí bí quyết dẫn tới sự thành công của cách mạng giải phóng dân tộc. Bí quyết đó là: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”. Tức là Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc vấn đề cơ bản nhất về con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Nói cách khác, điều mà Nguyễn Ái Quốc tìm kiếm, mơ ước với tất cả nhiệt tình yêu nước sôi nổi của mình, đã hiện ra sáng tỏ dưới mắt của đồng chí. (…) Lênin là người đầu tiên đã chỉ rõ rằng nếu không có sự liên kết đấu tranh với các dân tộc thuộc địa, thì cách mạng vô sản ở các nước đế quốc cũng không thể có được”[1].

Như vậy, nhờ có học thuyết của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn thấy con đường rõ rệt để giải phóng các dân tộc thuộc địa, trong đó có dân tộc Việt Nam. “Cuộc gặp” này thực sự mang tính bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, cũng có thể nói là một bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Chính “cuộc gặp” đó đã đưa Nguyễn Ái Quốc từ một nhà yêu nước thành một nhà cộng sản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam vào Lăng viếng lãnh tụ Lênin trong dịp Đoàn sang dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười Nga, năm 1957. (Ảnh tư liệu) Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam vào Lăng viếng lãnh tụ Lênin trong dịp Đoàn sang dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười Nga, năm 1957. (Ảnh tư liệu)

Bước chuyển đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là quyết định ủng hộ thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, họp ở thành phố Tours (Đại hội Tours) vào cuối năm 1920. Sau cuộc bỏ phiếu, nữ đồng chí Rose, người ghi biên bản tốc ký Đại hội, hỏi Nguyễn Ái Quốc: “Tại sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Quốc tế III?”. Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Tôi hiểu rõ một điều, Quốc tế III rất chú ý đến giải quyết vấn đề giải phóng thuộc địa… Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, là tất cả những điều tôi hiểu”. Ngày 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc cùng những người chủ trương gia nhập Quốc tế III tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản. Từ lúc này, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản và là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Ngày 23/1/1924, Nguyễn Ái Quốc cùng một số học sinh Trường Đại học Phương Đông tham dự lễ tang Lênin do Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức. Chỉ ít ngày sau, ngày 27/1/1924, Báo Pravda (Sự thật) của Liên Xô đã đăng bài của Nguyễn Ái Quốc với tiêu đề Lênin và các dân tộc thuộc địa nói lên niềm tiếc thương về sự ra đi của Lênin và lòng khao khát tự do, độc lập của các dân tộc thuộc địa khắp năm châu được ánh sáng học thuyết Lênin vạch đường, chỉ lối.

Hoàn toàn tin tưởng theo Lênin, phát biểu tại phiên họp thứ 22 Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, ngày 1/7/1924, Nguyễn Ái Quốc đã kêu gọi cần tập trung sức lực để thực hiện những di huấn của Lênin. Người nhấn mạnh trong phần kết luận: “Vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác”.

Học tập chủ trương, sách lược của Lênin, năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã viết cuốn sách Ðường kách mệnh làm tài liệu huấn luyện cán bộ để chuẩn bị cho việc thành lập Ðảng. Trong tác phẩm quan trọng này, Người đã chỉ rõ: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin. (…) Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới. Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư[2] và Lênin”.

31 năm sau khi Lênin qua đời, ngày 13/6/1955, Bảo tàng Phòng làm việc và nơi ở của Lênin chính thức mở cửa. Người nước ngoài đầu tiên đến thăm Bảo tàng là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc của những năm tháng sống và học tập, làm việc ở Liên Xô trước đây. Trên trang đầu của cuốn Sổ ghi cảm tưởng của Bảo tàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lênin, người thầy vĩ đại của cách mạng mạng vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lênin muôn đời bất diệt”[3].

Năm 1960, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Lênin, trong bài Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, đăng báo Nhân dân ngày 22/4/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát vai trò to lớn của chủ nghĩa Lênin: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

Dù không có cuộc gặp trên thực tế giữa Hồ Chí Minh và Lênin nhưng đã có sự gặp gỡ của Nguyễn Ái Quốc với chủ nghĩa Lênin, đó được xem là một cuộc gặp lịch sử. Có thể nói, cuộc gặp ấy về lý thuyết không chỉ làm thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam mà còn tác động mạnh mẽ đến tương lai của nhân loại!Nguyễn Minh Hải--------

[1] Mai Văn Bộ, Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ, tái bản lần thứ 10, 2011, tr. 97-98.

[2] Cách gọi tên của Karl Marx theo phiên âm Hán Việt trước đây.

[3] Mai Trang, Cuộc gặp lịch sử giữa Hồ Chí Minh với V.I.Lenin, Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, ngày 22/4/2013.

Từ khóa » Tiểu Sử Vi Lênin