Vẽ đầu Người - MyThuatMS

Vẽ đầu người

Vẽ đầu người

* Những bước căn bản khi vẽ đầu người:

dau nguoi 1

Hãy vẽ một đường tròn, kẻ một đường trục đối xứng, những đường ngang ở vị trí của mắt, mũi và miệng.

Trước tiên thể hiện phần mắt: vẽ con ngươi để mắt có hồn. Hãy vẽ chân mày để hoàn tất phần diễn tả mắt. Ở người lớn tuổi, vẽ phần hốc mắt và những nếp nhăn lõm xuống giữa chân mày.

Sau đó vẽ chi tiết mũi và miệng, một chiếc mũi khoằm, mũi dọc dừa, mũi hếch; hay những cái môi mỏng, môi dày…

Hoàn tất bản vẽ bằng những đường nét của cằm, vẽ những đôi má phính, những cái tai, thêm tóc quanh khuôn mặt.

dau nguoi 2

Sau hình dáng thể hiện bằng nét, chúng ta hãy xem hình dáng thể hiện qua hình khối như thế nào.

Hình tròn trở thành khối cầu trên đó mắt, mũi, tai sẽ nổi lên. Nền thể hiện khuôn mặt không còn phẳng nữa, ta điểm bóng và tạo độ sáng ở những nơi thích hợp.

Lưu ý vẽ môi và mắt biến đổi cảm xúc như thế nào. Chúng ta sẽ thấy việc thể hiện nét đặc trưng của gương mặt trở nên đa dạng hơn. Ở đây chúng ta chỉ tập vẽ sơ bộ phần đầu.

* Vẽ khung xương đầu:

dau nguoi 3

Khung xương đầu được chia làm 2 phần: hộp sọ và hệ xương hàm dưới. Mặt để trần lộ ra những bắp thịt, những bắp thịt này là điểm chính yếu để diễn tả: cơ trán A làm da trán nhăn lại, cơ vòng ở mắt B làm mi mắt cử động, cơ hình tháp C làm lông mày co dướn, cơ gò má J làm môi trên cử động, cơ môi H làm cho môi cử động và cười; cơ E: khóe môi, G: cơ môi tam giác; F: cơ cằm vuông; I: cơ nhai. Tất cả những cơ đó cùng một lúc hoặc riêng lẻ, thể hiện nhiều vẻ mặt khác nhau.

* Đầu người ở nhiều góc độ khác nhau:

dau nguoi 4

Ở những hình trên, chúng ta thấy đầu người thể hiện ở dạng khối được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau.

Trước hết phác họa trục của khuôn mặt, rồi vẽ từng phần: mũi, tai, mắt, tùy vào những hình thể theo dạng hình học mà ta tìm thấy ở tất cả các vị trí của đầu.

Hãy lưu ý, ở phần cuối trang, cái mũi chỉ còn là hai lỗ nhỏ khi vẽ theo tỷ lệ phối cảnh.

* Những chi tiết của khuôn mặt:

dau nguoi 5

Phải học và nắm rõ từng chi tiết của khuôn mặt ở nhiều khía cạnh khác nhau: mắt và đồng tử; những hình dạng của mũi: ngắn và tẹt, cao và thẳng… các góc cạnh tạo nên khuôn mặt, môi mỏng hay dày…

Người học vẽ có thể tìm thấy niềm vui cho mình trong việc phác họa những trang vẽ môi (mím lại, chu ra, mở rộng), hay vẽ tai (tai tròn, vểnh)…

* Vẽ đầu khi nhìn nghiêng và nhìn xéo:

dau nguoi 6

Nét nghiêng của khuôn mặt là những nét dễ vẽ nhất. Nó có thể được vẽ bằng một đường duy nhất.

Vẽ khuôn mặt khi nhìn xéo bằng một hình trái xoan, tạo nét dọc rồi ngang, xác định vị trí của mắt, mũi, môi… Ta có thể rút ra những kinh nghiệm hữu ích từ bài tập này trước khi học vẽ đầu nhìn thẳng.

* Vẽ đầu khi nhìn thẳng (trực diện):

dau nguoi 7

Luôn bắt đầu việc phác họa khuôn mặt bằng một hình trái xoan với đường trục đối xứng, 3 đường ngang để thể hiện mắt, mũi, môi trên đó.

Mái tóc thường tạo nên đặc tính riêng.

Khuôn mặt của phụ nữ dịu dàng, khuôn mặt của nam giới thường góc cạnh hơn.

Hoàn thành bản vẽ bằng phần đánh bóng quanh mũi và miệng, cả những nếp nhăn trên trán.

* Vẽ khuôn mặt trẻ em và người già:

dau nguoi 8

Lưu ý, khuôn mặt trẻ em được hợp thành từ những đường tròn và cong, mũi ngắn và rất gần mắt.

Bạn hãy luyện tập vẽ những khuôn mặt theo trí nhớ. Điều này sẽ giúp bạn phác họa khuôn mặt trẻ chính xác và nhanh chóng dù trẻ cử động liên tục.

Không nên chán nản nếu ngòi bút chưa đạt đến việc diễn tả hoàn hảo khuôn mặt của trẻ. Vẽ trẻ em là một trong những bài vẽ khó đạt nhất. Khi vẽ khuôn mặt người già, những phần xương nhô ra cũng như những nếp nhắn tạo nên đường nét của khuôn mặt.

* Ký họa:

dau nguoi 9

Nhờ việc phác họa nhiều khuôn mặt, bạn sẽ có cái nhìn đa dạng hơn.

Hãy bắt đầu bằng phác họa nhanh đặc trưng của khuôn mặt tùy theo khuôn mặt đó góc cạnh hay tròn, vuông.

Sau đó thêm vào những nét đặc biệt: mắt tròn, to hay mắt híp, mũi thẳng hay khoằm, môi mỏng hay dày…

* Ký họa theo mẫu thật:

dau nguoi 10

Sau những bức phác họa và những bài tập vẽ theo ảnh, chúng ta sẽ thực hiện những bài tập vẽ theo người mẫu để diễn tả thật giống và diễn cảm.

Hình 1: Bắt đầu từ một hình dáng đơn giản bằng cách vạch đường trục đối xứng và những đường ngang để vẽ vị trí của mắt, mũi, miệng như đã học ở các phần trước.

Hình 2: Tiếp tục phác họa những chi tiết.

Hình 3: Thực hiện phần vẽ mắt, tóc…

dau nguoi 11

Ban đầu chỉ nên vẽ những nét cơ bản, chúng ta phải nắm bắt được nét biểu cảm trên khuôn mặt người mẫu để vẽ cho giống.

Lưu ý đặt mẫu đúng vị trí và quan sát thật kỹ cổ và vai.

dau nguoi 12

Ở đây, chúng ta học vẽ hai người có tuổi và diện mạo của một cô gái.

Khi vẽ hai người già, chúng ta thấy đặc trưng là phần xương nổi lên, cũng như có rất nhiều nếp nhăn trên khuôn mặt. Khuôn mặt cô gái thì ngược lại, tóc mềm mại, mắt trong sáng, nụ cười rạng rỡ, tất cả đều toát lên nét trẻ trung.

dau nguoi 13

Từ gương mặt trái xoan, bạn hãy làm nổi bật nét đặc trưng của khuôn mặt.

Những minh họa trên cho thấy khuôn mặt của hai phụ nữ với những đặc điểm khác nhau, trong đó mái tóc tạo nên nết gợi cảm cho từng khuôn mặt.

Hãy quan sát ánh mắt của họ. Đó là sự tò mò trong mắt người này và nét mơ màng trong mắt người kia.

Hãy phác thảo sơ phần cổ hở và chỉ vẽ đến bờ vai để tạo lợi thế cho khuôn mặt.

* Vẽ đầu người theo ảnh chụp:

dau nguoi 14

Ảnh là một mẫu vẽ tuyệt vời cho những ai chưa dám vẽ người mẫu thật. Đó là phương pháp thường dùng của các họa sĩ minh họa.

* Vẽ chân dung như thế nào:

dau nguoi 15

Tạo cho hình mẫu một tư thế đơn giản và tự nhiên.

Trước khi vẽ chân dung, bạn hãy thực hiện những bài tập như vẽ tay, vành môi…

Sau đó, đưa chân dung vào khung giấy vẽ.

Điều này sẽ làm cho việc hoàn thành bức vẽ của bạn dễ dàng hơn.

Hãy thực hiện những bài vẽ bằng bút chì, bút mực, cọ.

* Thể hiện những nét biểu cảm trên khuôn mặt:

dau nguoi 16

Khuôn mặt biểu lộ tất cả những cảm xúc riêng tư. Những xung đột trong tâm hồn phản chiếu qua ánh mắt, sự chuyển động của những cơ bắp ở mặt thể hiện cảm xúc đang diễn biến.

Trên đây là một loạt những bức họa diễn tả cảm xúc thể hiện qua nét mặt. Những hình họa ngộ nghĩnh cho thấy những vẻ mặt thay đổi: khi diễn tả niềm vui, nỗi buồn, sự ngạc nhiên, nét mỉa mai và sự bất mãn…

dau nguoi 17

Đặc trưng của diện mạo được diễn tả trước hết bằng hình dạng bên ngoài tùy theo gương mặt có góc cạnh, trái xoan hay tròn, rồi đến những chi tiết nổi bật như cổ dài, mắt nhỏ hay lớn, sống động hay lờ đờ, tròn hay dài, mũi nhọn hay hếch, cằm chẻ, trán dô hay quá ngắn…

Những đường nét rắn rỏi có thể tạo nét đặc trưng riêng.

Những họa phẩm nổi tiếng:

dau nguoi 18

Ở đây các bậc thầy về hội họa đã bộc lộ tài năng và cá tính của mình qua những bức chân dung điển hình.

Dù vẽ bằng bút chì, cọ hay màu nước, họ đều khắc họa nhân vật bằng những chi tiết chân thực, sống động.

dau nguoi 19

Đây là những họa phẩm được vẽ với kỹ thuật điêu luyện thể hiện rõ nét sự tinh tế, nhạy cảm. Hãy chú ý sự khác nhau trong tranh Rubens và David, hãy chiêm ngưỡng sự tao nhã trong tranh Watteau, hay sự sắc sảo trong tranh Lautrec…

dau nguoi 20

Đây là những bức tranh vẽ bằng bút chì của Michel-Ange và Dumonstier hay bức tranh màu nước của La Tour.

Phía dưới là những bức tranh đương đại của Greekmore, Boldini được vẽ bằng bút chì.

>>> Đại cương về hội họa (Phần 1)

>>> Đại cương về hội họa (Phần 2)

>>> Đại cương về hội họa (Phần cuối)

Từ khóa » Cách Vẽ Khuôn Mặt Người Bằng Bút Chì đơn Giản