Vẻ đẹp Hung Bạo Của Sông Đà (Người Lái đò Sông Đà) - AT School

️Sự hung bạo của Đà giang đã được Nguyễn Tuân thể hiện một cách rất tài tình trong thiên tùy bút này. Sông Đà hung bạo, lắm thác nhiều ghềnh: “Đường lên Mường Lễ bao xa Trăm bảy cái thác, trăm ba cái ghềnh” (Ca dao)

Sự hung bạo ấy còn được thể hiện qua dòng chảy ngỗ ngược của nó: “Chúng thủy giai đông tẩu – Đà giang độc bắc lưu”, một dòng chảy riêng, không khuôn mình vào lẽ thường. Như đã nói ở trên, sông Đà bắt nguồn từ Trung Quốc, xin nhập quốc tịch Việt Nam. Nó phải trải qua rất nhiều triền núi đá. Vì vậy, ở phần thượng lưu của sông Đà có rất nhiều thác dữ, nhiều luồng chết, nhiều vực xoáy… Từ đó, Nguyễn đã tìm thấy những tính cách hung bạo khác thường của dòng sông. Nhưng khi xuôi về phần hạ lưu, lòng sông như được mở rộng ra, con thác không còn nữa, dòng nước trôi êm đềm, hiền hòa qua đôi bờ cỏ cây tươi tốt và sông Đà lại hiện lên vô cùng lãng mạn, thơ mộng, trữ tình. Ngoài ra, Nguyễn nhìn thấy sự hung bạo của con sông Đà không chỉ tập trung ở thác dữ, ở luồng chết, ở vực xoáy. Ông còn nhìn thấy sự hung bạo ấy ở những quãng sông huyền bí, hoang vu đặt giữa điệp trùng của núi rừng Tây Bắc.

Cảnh đá bờ sông

Cái hùng vĩ, sừng sững của sông Đà được thể hiện ngay ở cảnh đá bờ sông: “đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”.

Cảnh đá bờ sông được miêu tả dựng vách thành, sự so sánh và liên tưởng khá độc đáo khiến con sông Đà hiện ngay ra trước mắt người đọc như thành quách sừng sững, đứng án ngữ ngay trước mặt những du khách khi đặt chân đến đây. Bằng nghệ thuật so sánh độc đáo, Nguyễn Tuân đã cho thấy sự nguy hiểm của dòng sông, một nơi hẹp như thế mà lưu tốc dòng nước vốn nhanh bây giờ lại xiết hơn nữa. Cứ thử tưởng tượng con thuyền nào mà kẹt vào cái khe ấy thì tiến không được, lùi cũng không xong chỉ chờ sóng nước và đá đập cho tan xác mà thôi.

Nguyễn Tuân cho người đọc cảm nhận bằng trực cảm như chính mình được lái đò qua quãng sông hẹp với những vách đá dựng đứng hai bên. Cái lạnh rợn người được so sánh như ta đang đứng giữa mùa hè mà ngột ngạt bởi cái chật hẹp, tối đến bất ngờ và sâu thăm thẳm như đứng ở dưới một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện. Một câu văn tràn dòng với những liên tưởng của liên tưởng cho thấy sự tài hoa và uyên thâm trong việc sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn.

Cảnh mặt ghềnh Hát Loóng

Cũng như đá bờ sông, thì“quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua quãng đấy”. Bằng kết cấu trùng điệp: nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió” tác giả đã làm rõ sự nguy hiểm của con sông hung dữ, sẵn sàng lấy đi tính mạng bất cứ tay lái nào khinh suất. Không có từ nào trực tiếp tả ghềnh đá nhưng người đọc hình dung rõ diện mạo con sông. Quãng dài ghềnh đá nổi trên mặt sông, nước mạnh xô ghềnh tạo sóng dữ, sóng cuộn trào sinh ra gió thổi rít lên gùn ghè, gùn ghè quanh năm suốt tháng. Con sông đến đây đã trở thành một kẻ thù nguy hiểm của con người. Với nghệ thuật nhân hóa con sông như một kẻ thù tính khí thất thường, đòi nợ vô duyên cớ không bỏ sót một ai. Ấy mới thấy hết cái hung bạo của sông Đà. Sự kết hợp ngẫu nhiên hay có lựa chọn giữa tên địa danh với đặc điểm của sông Đà ở quãng sông này? Chỉ biết khi Nguyễn tả luồng gió gùn ghè nơi mặt ghềnh lại nằm đúng vị trí Hát Lóong. Đọc tên địa danh mà phải nén hơi, uốn lưỡi như chính như chính mình vừa phải đi qua chỗ nước giữ, với sóng, với đá, với ghềnh thác của sông Đà.

Cảnh những cái hút nước

Những cái hút nước ở quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La lại ghê rợn hơn nữa. “Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc. Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn. Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu, những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào. Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”. Những cái bẫy ghê sợ, chết người! Vẫn là nghệ thuật so sánh liên tưởng độc đáo kèm theo biện pháp nhân hóa nước biết thở và kêu nghe đã đủ cho người đọc rùng mình nhưng Nguyễn Tuân không dừng lại ở đó mà tiếp tục thử độ lì trong giác quan của người đọc khi so sánh và liên tưởng với cái cửa cống cái bị sặc nước. Khi dòng chảy siết, nó thở và kêu, nhưng kêu như thế nào thì nhà văn lại tiếp tục tả những cái hút nước ở độ sâu: cái hút xoáy tít đáy, như cái giếng sâu cho thấy độ mạnh của dòng nước; với bề rộng: quay lừ lừ như những cánh quạ đàn; rồi âm thanh: những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào, cuối cùng là độ nguy hiểm: Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới. Hình ảnh sông Đà qua ngòi bút của Nguyễn, có lẽ không chỉ làm những người lái đò qua đây cảm thấy rùng rợn mà chính người đọc cũng như vừa tự mình chèo thuyền qua quãng sông này mà thử cảm giác. Thế nên khi chèo thuyền men qua những vực nước sông Đà cần phải chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Cảm giác lạnh người và rợn tóc gáy vì câu văn tác động mạnh mẽ vào trực cảm của người đọc.

Cho cảm giác thật đến từng mi-li-met nhà văn sử dụng trường liên tưởng trùng điệp. Khi nhập vào vai một anh thợ quay phim táo tợn muốn truyền cho người đọc cảm giác lạ đã dũng cảm ngồi vào một chiếc thuyền thúng rồi thả mình và thuyền văng xuống cái hút nước sông Đà. Nhìn từ đáy cái hút nước ấy nhìn lên vách thành hút chênh nhau đến vài sải tay. Người xoay theo thuyền cả thuyền, người, máy ảnh quay tít. Nhìn lên nước sông Đà trong cái hút ấy làm bằng một màu xanh ngọc bích của một khối pha lê đúc dày như sắp vỡ tan ụp vào cả người quay lẫn người xem, khiến ai cũng như đang khiếp hãi để ngồi ghì lấy cái mép lá rừng vừa bị cho vào cái cốc pha lê mà quay tít như vừa rút ra cái gậy đánh phèn. Liên tưởng của liên tưởng để người đọc có thể cảm nhận rõ nhất. Phải có sự am hiểu về kiến thức trong lĩnh vực điện ảnh thì Nguyễn mới có thể viết được những câu văn như thế. Câu chữ như đang nở hoa trên dòng sông Đà và trên trang văn của Nguyễn Tuân.

Cảnh những cái thác nước

Tiếng thác réo nghe càng ghê sợ hơn! “Như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Tiếng thác rống như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Nghệ thuật so sánh, nhân hóa tài ba cùng những liên tưởng “rất đắt”, Nguyễn Tuân đã cho thấy một cảnh tượng thác nước hùng vĩ, nguy hiểm tận độ. Lần đầu tiên trong thơ văn có người lại dùng lửa để miêu tả nước, hai nguyên tố có sức hủy diệt rất lớn lại luôn tương khắc với nhau, có nước thì không có lửa, ngược lại, có lửa thì không có nước. Vậy mà Nguyễn Tuân đã làm được điều đó như một nghệ sĩ bậc thầy! Trước mắt người đọc là cả một rừng vầu, tre nứa hàng ngàn cây đang bị đốt cháy và phát ra tiếng nổ nhưng chưa hết, trong khu rừng vầu, rừng tre đang cháy ấy lại được thả vào đó hàng ngàn con trâu mộng to khỏe, nên khi da của chúng bị đốt cháy và nóng thì chúng sẽ lồng lộn mà phá tan rồi tìm đường thoát thân. Khi chạy nó va đập mạnh vào những cây tre, cây nứa tạo nên những tiếng nổ lớn, liên hoàn như âm thanh vang na não bạt, kinh thiên động địa. Hình ảnh của Nguyễn tác động mạnh mẽ lên hệ thần kinh người đọc để mang đến cảm giác chân thực và sống động nhất. Con sông ấy như một kẻ lắm mưu, nhiều kế để khiêu khích người lái đò. Nó biết: oán trách, van xin, khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Bộ mặt và tâm địa của một người xấu xa, lắm mưu, nhiều kế - kẻ thù số một của con người.

Cảnh những trùng vi thạch trận đá

Phối hợp với sóng nước với tiếng thác ầm ầm là “sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này”. Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn, để chúng phối hợp lại thành ba trùng vi nguy hiểm. Khi miêu tả thạch trận đá tác giả đã vận dụng rất nhiều kiến thức trong lĩnh vực quân sự, thể thao để làm rõ đối tượng miêu tả.

Trùng vi thứ nhất: Sông Đà bày ra năm cửa trận, có bốn cửa tử, một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở, thực chất chúng đóng vai trò dụ chiếc thuyền vào tuyến giữa. Ở trùng vi thứ nhất này sóng nước đóng vai trò chính để tiêu diệt chiếc thuyền. Vừa vào trận địa, chúng tấn công chiếc thuyền tới tấp: “Mặt nước hò la vang dậy quanh mình, ùa vào mà bẻ gãy cán chèo võ khí trên cánh tay mình. Sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên. Nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não nạt. Sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò”. Trận chiến đầu, sóng nước là tuệ binh mà con sông tung ra để thử thách người lái đò. Nhưng bằng sự mưu trí, dũng cảm, ông lái đã vượt qua dễ dàng.

Vượt qua trùng vây thứ nhất, ông lái đò phải đương đầu với trùng vi thứ hai: “Tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Dòng thác hùm beo hồng hộc tế mạnh trên sông đá đánh khuýp quật vu hồi chiếc thuyền”. Tại trận chiến đánh giáp lá cà này, chúng quyết sinh quyết tử với ông lái đò. Khi chiếc thuyền đã vượt qua, bọn sóng nước cửa tử “vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng”. Bọn đá, sóng nước dở những món đòn hiểm độc và tinh vi nhất!

Đến trùng vi thứ ba: Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Tại đây những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi ở đầu chân thác phải đánh tan cái thuyền. Làm ta liên tưởng đến một trận đấu bóng quyết liệt. Chiếc thuyền như một cầu thủ phải phóng thẳng, chọc thủng cửa giữa, vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, và như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên được vừa tự động lái được lượn được, tiến về phía khung thành và cuối cùng đã hết thác. Trận bóng đã thắng lợi về phe người lái đò tài ba với “tay lái ra hoa”.

Con Sông Đà như một loài thủy quái, hung hăng, bạo ngược biết bày thạch trận, thủy trận hòng tiêu diệt thuyền bè trên dòng nước, một thứ thiên nhiên Tây Bắc với “diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một”. Con sông mà “hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà”. Chẳng thế mà sông Đà được gắn với câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thủy Tinh “Núi cao sông hãy còn dài – Năm năm báo oán đời đời đánh ghen."

Đặc sắc nghệ thuật khi miêu tả cong sông Đà hung bạo

Viết về Đà giang, ngòi bút của NT vô cùng phóng túng, thoải mái bởi “Người Lái Đò Sông Đà” được viết bằng thể loại tùy bút. Ông chẳng khác nào một nhà quay phim lão luyện. Có khi ống kính của nhà văn tiếp cận con sông Đà từ phía viễn cảnh. Có đôi lúc, ống kính của nhà văn lia vào để quay cận cảnh từng quãng sông hẹp, cắt từng đoạn sông để mô tả cái sự hung bạo của những đoạn sông với hình ảnh “đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời.” Thậm chí có những đoạn “vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia.”

Viết về con sông Đà hung bạo, tác giả sử dụng những câu văn rất ngắn, huy động chủ yếu kiến thức võ thuật và quân sự để miêu tả sự vận động của dòng nước. Ông cũng cảm nhận con sông bằng nhiều giác quan để kích thích trí tưởng tượng của độc giả. Bởi vậy, con sông Đà hiện lên là một nhân vật có tính cách và ngôn ngữ. Một nhà thơ Ba Lan có lần đã từng viết:

“Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông”

Ở đây, ta thấy xuất hiện những câu văn rất ngắn gồm toàn thanh trắc với hơn 300 động từ mạnh cùng kết cấu điệp trùng miêu tả sự khẩn trương, gấp gáp của nước, của đá, của sóng và của gió. Thể hiện rõ nhất đó là đoạn mặt ghềnh Hát Loóng: “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy.” Ta còn thấy Nguyễn Tuân tập trung vào miêu tả sự hung bạo của Đà giang ở những hút nước với cách liên tưởng vô cùng táo bạo. Đó là đoạn Tà Mường Vát ở phía dưới sông La: “Có những con thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới.” Thêm vào đó, Nguyễn Tuân còn nhìn thấy sự hung bạo ở mùa lụt của con sông Đà. Mùa lụt của sông Đà vẫn còn cái ngấn nước ở cổng châu Quỳnh Nhai. Ngày lụt sông Đà, xác hươu, xác nai cùng gỗ Chò Vẩy, Chò Hoa trôi lềnh bềnh trên mặt sông. Nguyễn Tuân ví lúc này dòng sông Đà chẳng khác nào “kẻ thù số một” của người dân Tây Bắc. Khi hung bạo thì cực kì nguy hiểm, tâm địa độc ác đến tột cùng.

Con sông Đà hung bạo đâu bởi thiên nhiên gây ra với: thác dữ, những luồng chết, vực xoáy mà Nguyễn Tuân còn thấy đó là do con người. Đó chính là bọn thổ ti lang tạo đã đắp bến chia ngăn dòng sông Đà, khiến con sông trở nên trái tính, trở thành kẻ thù của người dân Tây Bắc. Đó còn là bọn thực dân Pháp đóng đồn bốt ở hai bên bờ sông khiến Đà giang trở nên càng hung bạo. Rõ ràng, con sông Đà mang cốt cách của người dân Tây Bắc. Nhìn rộng ra, ta thấy những con sông hầu như đều mang nét đẹp văn hóa vùng miền nơi nó đi qua. Nếu “sông Hương” của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang vẻ đẹp trầm mặc của cố đô và người dân Huế thì con sông Đà lại là biểu tượng, lại mang cái văn hóa của người dân Tây Bắc. Như vậy, có thể khẳng định Đà giang qua ngòi bút của Nguyễn Tuân hiện lên dữ dội đến khác thường, tột đỉnh, thể hiện rất rõ phong cách rất riêng của Nguyễn Tuân – một phong cách rất “ngông”.

Từ khóa » Tính Hung Bạo Của Sông đà Trong Người Lái đò Sông đà