Vẻ đẹp Văn Hóa Ê đê Trong Sử Thi Đăm Săn
Có thể bạn quan tâm
1. Đăm Săn là tác phẩm sử thi kinh điển của Việt Nam, chiếm vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của nền văn học nước nhà. Cho đến nay, đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu về sử thi này. Những nhà nghiên cứu người Pháp đã có công lớn trong việc sưu tầm, dịch thuật và công bố sử thi Đăm Săn đầu tiên trên thế giới. Sau đó, vào năm 1957, tác giả Đào Tử Chí đã dịch tác phẩm Đăm Săn từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, công bố trên Tạp chí Văn nghệ với tên gọi: Bài ca chàng Đăm Săn. Khi sử thi Đăm Săn được dịch ra tiếng Việt, công cuộc nghiên cứu tác phẩm này được chú ý nhiều hơn vì không gặp phải những rào cản về ngôn ngữ. Chúng ta có thể kể đến một số bài viết, công trình nghiên cứu như: Tìm hiểu giá trị bài ca chàng Đăm Săn của tác giả Chu Xuân Diên, Một số đặc điểm của sử thi anh hùng qua đoạn chiến thắng M’tao M’xây (Trích sử thi Đăm Săn - Ê đê) của Hoàng Minh Đạo hay chuyên luận Sử thi Ê đê của Phan Đăng Nhật. Không chỉ nghiên cứu giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm sử thi, nhiều công trình nghiên cứu còn đi sâu vào việc tìm hiểu hình tượng nhân vật anh hùng Đăm Săn - linh hồn của tác phẩm. Tác giả Hoàng Ngọc Hiến có bài viết về Bài ca chàng Đăm Săn như là một tác phẩm anh hùng ca đăng trên Tạp chí Dân tộc học để ngợi ca vẻ đẹp của người anh hùng ở các phương diện đặc điểm ngoại hình, tính cách, tâm hồn, cử chỉ, hành động… Nhìn chung, đã có những tác giả quan tâm, khai thác sử thi Đăm Săn ở nhiều góc độ và đạt được những kết quả đáng tự hào. Tuy nhiên, nghiên cứu sử thi Đăm Săn, đặc biệt tìm hiểu vẻ đẹp văn hóa Ê đê trong sử thi Đăm Săn vẫn chưa có nhiều công trình bàn đến. Chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ phác họa đậm nét hơn, góp thêm điểm nhìn mới mẻ về bản sắc văn hóa cộng đồng người Ê đê nói chung và sử thi Đăm Săn nói riêng.
2. Trước tiên, có thể thấy, ngôi nhà là điểm nổi bật trong giá trị văn hóa vật chất của người Ê đê. Trong sử thi Đăm Săn, ngôi nhà của người anh hùng Đăm Săn được miêu tả rất kỹ: “nhà chàng Đăm Săn dài đến nỗi tiếng chiêng đánh đằng trước nhà, người đứng sau nhà không nghe thấy. Mái hiên nhà chàng con chim bay mỏi cánh mới hết” (1). Nhà của Đăm Săn có những “chiếc khiên chói lọi như đèn đuốc”, “vải sợi nặng trĩu làm cong các sào phơi. Thịt bò thịt trâu treo đầy xung quanh”, “bát đĩa bằng đồng để khắp sàn nhà” (2). Người Ê đê thường cất nhiều đồ dùng ở trong nhà, đặc biệt ở gian khách, ví dụ như ché rượu cần, cồng chiêng, nồi đồng, thịt trâu bò... vì đây là những tài sản giá trị, thể hiện sự giàu có. Ngôi nhà ấy không chỉ là không gian sống mà còn là nơi gắn kết bao thế hệ dòng tộc người Ê đê, nơi đánh dấu sự phồn thịnh, hùng cường của bộ tộc, bộ lạc. Sử thi Đăm Săn đã ghi lại bức tranh ngôi nhà với voi, ngựa đông đúc ở miền đất Tây Nguyên. Phương tiện đi lại phổ biến nhất của người Ê đê xưa là voi, là ngựa: “Mặt đất in dấu chân ngựa nhiều như chân rết. Mặt đất in đầy dấu chân voi như đáy cối giã gạo” (3). Theo kết quả khảo sát, trong sử thi Đăm Săn, phương tiện đi lại, vận chuyển là voi chiếm 66,7%, ngựa chiếm 33,3%. Đăm Săn đã cưỡi voi dẫn dân làng đi lao động bắt cua, tôm, cá; cưỡi voi đi chiến đấu với M’tao Grứ và M’tao M’xây để bảo vệ thị tộc, bảo vệ vợ của mình. Đó là những “con voi đực đuôi dài chấm đất, có bộ ngà rộng, mặt nó như bông hoa đẹp, khiến cho người người trông thấy nó đều phải vui mừng” (4). Không chỉ có voi mà ngựa cũng là một người bạn đồng hành cùng Đăm Săn đi bắt nữ thần Mặt Trời “chàng ngồi trên lưng con ngựa đực” (5), “con ngựa chạy nhanh như gió thổi, vượt lên đỉnh núi, nhảy qua bao dòng thác, bao con suối” (6) đã cùng Đăn Săn băng qua mọi khó khăn ở rừng sáp đen của bà Sun Y Rít và cùng Đăm Săn hy sinh trên con đường chinh phục tự nhiên.
Bản sắc văn hóa của cộng đồng người Ê đê được thể hiện rõ nét qua trang phục và các hoạt động lao động sản xuất. Cũng giống như 53 dân tộc anh em cùng cộng cư trên dải đất hình chữ S, người Ê đê có riêng cho mình trang phục truyền thống với những đường nét hoa văn mang đậm bản sắc con người nơi đây. Người anh hùng Đăm Săn đã làm người đọc say mê với thân hình khỏe khoắn, cường tráng trong trang phục: “cái khố có hoa sao, cái áo có hoa me”, “Trên đầu, chàng quấn một cái khăn màu tím. Quanh lưng, chàng thắt một chiếc khăn màu đỏ” (7). Trang phục của Đăm Săn chính là trang phục điển hình của đàn ông Ê đê xưa. Y phục của họ gồm áo và khố: áo của nam thường có phần tay khá dài, vạt sau dài hơn vạt trước và khố dùng để che chắn nửa thân dưới của họ. Ngoài ra, họ cũng thường mang hoa tai, vòng cổ hoặc quấn khăn đen nhiều vòng trên đầu. Chính những bộ trang phục này đã tôn lên vẻ đẹp độc đáo, đầy nam tính của họ. Bên cạnh đó, những người vợ của Đăn Săn cũng mang những bộ trang phục rất bắt mắt “Mỗi nàng mặc một chiếc váy có hoa me và chiếc áo có hoa sao” (8), “tay trái nàng đeo vòng bạc, tay phải nàng đeo vòng vàng” (9). Trang phục của nữ giới là váy tấm, áo chui, chúng được làm bằng thổ cẩm với gam màu chàm, màu đen chủ đạo và điểm những hoa văn sặc sỡ đậm chất thiên nhiên núi rừng. Trang phục còn kết hợp với trang sức bằng vàng hoặc đồng, vòng tay thường được đeo thành bộ kép để nghe tiếng va chạm của chúng vào nhau. Vẻ đẹp con người Ê đê càng trở nên ấn tượng hơn khi họ hòa chung trong bức tranh lao động, sản xuất sinh động: “Trai xinh gái đẹp lên xuống sàn nhà nhộn nhịp rộn ràng như những đàn ong tìm hoa gây mật” (10). Tù trưởng Đăm Săn đã cùng các nô lệ, tôi tớ của mình tham gia vào các hoạt động sản xuất, phát rẫy, làm ruộng, đi rừng săn thú: “lũ làng phát được một vùng đất rộng bằng bảy ngọn đồi. Sau bảy ngày, bảy đêm, cây đã khô, họ dồn lại từng đống châm lửa đốt” (11), “một trăm người vạch luống, một nghìn người chọc lỗ” (12) để làm ruộng nương... Trong những buổi đầu xây dựng cuộc sống cộng đồng, với vai trò là một vị tù trưởng, Đăm Săn đã lên Trời xin giống lúa tốt, hướng dẫn tôi tớ làm nương rẫy, canh thú rừng đến phá rẫy, đi rừng, đi suối săn thú, kiếm con cá, con tôm. Người Ê đê chủ yếu săn bắn, hái lượm, làm rẫy, đánh cá, đan lát, dệt vải... Ngoài trồng trọt, họ còn chăn nuôi trâu, bò, voi để phục vụ cuộc sống hằng ngày.
3. Chế độ mẫu hệ là điểm nhấn trong văn hóa tinh thần của người Ê đê. Chế độ này được hình thành từ xa xưa dựa trên đặc điểm quần hôn nguyên thủy. Khi đó, người ta chỉ có thể nhận biết rõ ràng về mẹ, người đã mang nặng đẻ đau, sinh ra những thiên thần. Người mẹ cũng giữ vai trò quan trọng trong việc quản lý, phân chia lương thực, thực phẩm. Nói rộng ra là nắm giữ nguồn nuôi dưỡng sự sống trong gia đình. Người đàn bà cai quản mọi việc trong nhà, còn giao tiếp với xã hội và cộng đồng là do người đàn ông đảm nhiệm. Con cái sinh ra mang họ mẹ, bất cứ việc lớn nhỏ trong gia đình thì ý kiến quyết định cuối cùng vẫn là của người phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhà. H’Nhí và H’Bhí trong sử thi Đăm Săn là những người phụ nữ quyền lực, mọi của cải, sự quyết định trong gia đình đều thuộc về hai chị em. Nếu ở các dân tộc thiểu số khác, nhà trai đi hỏi cưới nhà gái về làm vợ thì dân tộc Ê đê ngược lại. Lễ cưới - hỏi của họ chịu sự chi phối của chế độ mẫu hệ nên người con gái đi chủ động đi hỏi và cưới chồng. H’Nhí và H’Bhí đã cùng các anh trai của mình sang tận nhà Đăm Săn để hỏi cưới chàng làm chồng: “Chúng tôi muốn hỏi Đăm Săn về để ngồi thay ông nội chúng tôi trên chiếc chiếu, để có người nhắc lại sự việc đã xảy ra với tổ tiên ông bà chúng tôi ngày trước” (13). Đồng thời, nhà gái chịu mọi phí tổn trong hôn nhân và người chồng đi ở rể bên nhà vợ. Cụ thể, nhà gái H’Nhí và H’Bhí đã đem sính lễ cưới cho người phụ nữ lớn tuổi nhà chú rể bao gồm: “voi đực cùng với hai nài voi, một người ngồi trên cổ voi và một người ngồi trên lưng voi; giao một tớ trai và một tớ gái, tớ gái đi theo để nấu cơm, tớ trai đi theo để nướng thịt” (14). Sau đó, Đăm Săn đã theo vợ về ở rể và tập trung làm lụng, đánh giặc để bảo vệ cộng đồng, mở rộng buôn làng cho gia đình vợ.
Chế độ mẫu hệ của người Ê đê in đậm trong kiến trúc và trang trí chiếc đầu cầu thang vào nhà. Chúng được trang trí đôi bầu sữa và hình vầng trăng khuyết - những biểu tượng sống động của tính nữ. Văn hóa người Ê đê còn mãi với tục nối dây (Juê nuê) - một luật tục cổ truyền trong hôn nhân của người Ê đê. Tục này quy định khi chồng chết, người phụ nữ có quyền đòi hỏi nhà chồng phải thế một người đàn ông khác để làm chồng. Ngược lại khi vợ chết, người chồng phải lấy một người con gái trong gia đình vợ, miễn là người đó chưa có chồng. Theo tục Juê nuê, trong hôn nhân của người Ê đê, khi bà của H’Nhí và H’Bhí chết, hai nàng phải nối dây với chồng bà là ông M’tao Y Kla (cậu của Đăm Săn). Nhưng cậu của Đăm Săn chết, Đăm Săn phải thay cậu nối sợi dây hôn nhân với H’Nhí và H’Bhí. Những người phụ nữ trong dòng họ của vợ/chồng chấp nhận “nối dây” không những xuất phát từ tình yêu thương với người đã góa kia mà còn là trách nhiệm, tình thương đối với những đứa trẻ bất hạnh, mang lại hạnh phúc cho con cháu, dòng họ và gìn giữ truyền thống mẫu hệ. Thế nhưng, tục lệ này cũng gò bó con người, không cho họ tìm tình yêu tự do, bình đẳng. H’Nhí và H’Bhí vì nghe theo lời ông bà nội mà không dám nảy sinh tình cảm với những người đàn ông khác, còn Đăm Săn thì tìm nhiều cách chống đối cuộc hôn nhân này song vẫn không thoát khỏi luật lệ. Chàng phải từ bỏ người yêu về làm chồng hai người đẹp thì mới trở thành “một người giàu mạnh, cái chân không bước xuống đất mà nhà đầy nô lệ, cái chân không chạm đất mà đầy đàn voi đến” (15) còn nếu lấy vợ làng đông, xóm tây thì “sẽ trở thành nô lệ, thành đứa giữ ngựa, cột chiêng, xiềng voi” (16). Tuy nhiên, cho đến nay, tục nối dây đã có nhiều chuyển biến, người Ê đê không còn bị ép buộc mà trên cơ sở tự nguyện, người nối dây phải tương xứng về tuổi, trong trường hợp không có người thích hợp trong dòng họ của người vợ/ chồng đã mất thì người chồng/ vợ được đi lấy người khác. Đây là một tín hiệu đáng mừng với những luật tục đã lạc hậu của người Ê đê.
4. Núi rừng Tây Nguyên kỳ vĩ, nhiều bí ấn đã chung đúc nên những con người mạnh mẽ, dũng cảm, có ý thức đấu tranh bảo vệ cộng đồng. Từ bao đời nay, người Ê đê luôn cùng nhau quây quần bên bếp lửa, nghe hát kể sử thi về cội nguồn, quá trình hình thành tộc người. Trong đó, bài ca về người anh hùng Đăm Săn với những chiến công hiển hách trong xây dựng, phát triển và bảo vệ buôn làng khỏi những kẻ thù hung hãn không bao giờ vắng bóng ở các buổi diễn xướng. Ông Ywang Mlo Dun Du - nhà văn hóa người Ê đê nhận xét: “Cả truyện Đăm Săn tỏa ra một cuộc sống gần như cuộc sống thật, nhưng phong phú hơn, phóng khoáng hơn, cao xa hơn. Đó là điểm chính làm cho người ta thích nghe truyện Đăm Săn, nghe mãi không thôi, nghe kể liền ba, bốn lần không chán” (Theo GS.Phan Đăng Nhật). Đăm Săn là hình ảnh của một vị tù trưởng mạnh mẽ, dũng cảm, có ý thức đấu tranh bảo vệ cộng đồng. Những phẩm chất tốt đẹp của Đăm Săn cũng là phẩm chất chung của người Ê đê. Sự mạnh mẽ, dũng cảm của chàng Đăm Săn trước hết được thể hiện ở việc chàng thuần dưỡng voi rừng. Xưa kia, mảnh đất Tây Nguyên là nơi sống lý tưởng của loài voi châu Á, được mệnh danh là “thung lũng voi”. Những chú voi rừng thường rất hung hãn, to lớn. Để thuần dưỡng được chúng, con người cần có sức khỏe, bản lĩnh. Khi Đăm Săn giận H’Nhí và H’Bhí rồi tự ý bỏ về nhà chị gái H’Ơng thì hai cô vợ đã đến nhà Đăm Săn đi cõng nước như tôi tớ trong nhà chàng. Thấy vậy, Đăm Săn đã lệnh cho tôi tớ đi cõng nước cho H’Nhí và H’Bhí, đồng thời chỉ đạo “đi bắt voi để chúng ta đi về nhà” (17). Tôi tớ đi gọi voi để bắt nhưng “con voi không về, mà lại nổi khùng. Nó rống lên thật to và đuổi theo các nài voi. Họ trốn sau gốc tre, voi giẫm nát gốc tre. Họ trốn vào gốc cây, voi lao vào gốc cây. Voi thì không bắt được, mà các nài voi, người bắt voi bị gẫy tay, người bị gẫy chân” (18). Ngay cả Frong Mưng người được ông trời ba lần làm phép khỏe mạnh, to gan cũng không bắt nổi con voi ấy. Thế nhưng chàng Đăm Săn chỉ sử dụng tiếng quát mà “con voi sợ quá, quỳ xuống” (19) nghe lời chàng. Hành động thuần dưỡng voi hung dữ của Đăm Săn bằng lời nói đã thể hiện bản lĩnh của người tù trưởng tài giỏi và đã khẳng định được vị trí xứng đáng của chàng trong lòng cộng đồng. Đồng thời, những chi tiết này còn giúp chúng ta cũng thấy một hoạt động văn hóa nổi bật của người Ê đê là thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà đầy khó khăn, vất vả đòi hỏi sự thông minh, dũng cảm, kiên cường.
Theo GS. Phan Đăng Nhật, khi nghiên cứu các sử thi của người dân vùng Tây Nguyên, ông nhận ra có ba nhiệm vụ nổi bật mà người anh hùng phải thực hiện đó là: “lấy vợ, làm lụng và đánh giặc, trong đó đánh giặc là nhiệm vụ trung tâm”. Như vậy, đánh giặc là nhiệm vụ lớn nhất, quan trọng nhất của người anh hùng. Người anh hùng chiến đấu vì sự giàu có, hùng cường, uy danh, hòa bình và yên vui của cộng đồng. Trong sử thi Đăm Săn, có hai cuộc chiến đấu không thể bỏ qua. Đó là trận chiến của Đăm Săn với M’tao Grứ (tù trưởng Kền Kền) và M’tao M’xây (tù trưởng Sắt). M’tao Grứ và M’tao M’xây là những tên tù tưởng háo sắc, vì đam mê sắc đẹp mà lập mưu bắt H’Nhí “đẹp như hoa K’truôl Jang, sáng như mặt trời”(20) về làm vợ. Do đó, mục đích Đăm Săn tham gia vào những cuộc chiến này trước hết là giành lại người vợ nối dây bị cướp. Nếu không dám chiến đấu giành lại vợ, sẽ bị coi là hèn nhất, bị mọi người khinh. Bảo vệ người vợ của mình đồng nghĩa với việc người anh hùng bảo vệ danh dự và uy tín cho chính bản thân mình. Các tù trưởng thù địch cướp vợ của Đăm Săn là hành động quấy phá buôn làng, cộng đồng của Đăm Săn. Chàng đã tiêu diệt kẻ thù, cứu vợ về, trả lại sự bình yên cho buôn làng của mình và làm nó trở nên giàu có, trù phú hơn. Trong quá trình chiến đấu, không chỉ có Đăm Săn mà cả buôn làng cũng cùng chung sức đấu tranh bảo vệ cộng đồng: “dân làng vứt cả cá, cả lưới xuống sông, đi theo Đăm Săn đông như đàn kiến đàn mối, vừa đi vừa nguyền rủa M’tao M’xây độc ác cả gan cướp vợ của chàng” (21). Như vậy, mạnh mẽ, dũng cảm, có ý thức đấu tranh bảo vệ cộng đồng là những nét phẩm chất nổi bật của người Ê đê. Nét phẩm chất ấy được đúc tạc, gửi gắm trong hình tượng người anh hùng Đăm Săn với những vẻ đẹp ngời sáng. Người anh hùng Đăm Săn điển hình cho hình tượng người anh hùng Tây Nguyên chăm chỉ lao động, luôn khát khao chinh phục tự nhiên và khẳng định bản thân mình. Họ không chỉ là những người mạnh mẽ trong các trận chiến bảo vệ cộng đồng mà họ còn là những người anh hùng trong lao động. Họ làm lụng để buôn làng giàu sang, lớn mạnh. Trong sử thi, Đăm Săn đã thực hiện nhiệm vụ làm lụng gắn với các hoạt động chăn nuôi, săn bắt, trồng trọt. Chàng cùng cộng đồng chặt cây, đốt rừng, làm rẫy: “Bây giờ lũ làng hãy theo ta đi chọn đất tốt làm nương, rẫy”, “mau mau đi phát cây làm nương rẫy, để rồi giờ đây chúng ta khỏi đói khát, để rồi đây chúng ta mãi giàu sang” (22). Hơn nữa, Đăm Săn trực tiếp lên Trời xin giống lúa về cho dân làng trồng trọt với mong muốn giúp cho hoạt động lao động, sản xuất của buôn làng mình phát triển hơn. Sau khi xin được giống lúa, Đăm Săn “làm chòi giữ rẫy, làm nhà chứa lúa, để cho người ở đó ngày đêm canh giữ cho thú rừng khỏi phá hoại hoa màu”, “Chòi làm xong. Đăm Săn ở lại giữ rẫy, để đuổi lợn rừng, hươu nai, công gà đến phá rẫy” (23). Khi có thời gian rảnh rỗi, chàng thường cùng dân làng “sáng đi câu cá, chiều đi bắt tôm” (24). Ta thấy, nhân vật người anh hùng Đăm Săn là hiện thân của một cộng đồng người Ê đê chăm chỉ làm lụng quanh năm, nhiệt tình trong công việc đồng áng. Ngay buổi đầu sơ khai hình thành cộng đồng, người Ê đê ngoài chăn nuôi, săn bắt, hái lượm, đánh cá, đan lát, dệt vải họ đã gắn bó với hoạt động làm nương rẫy. Họ đã làm nên văn minh nương rẫy. Đăm Săn chính là biểu tượng của của nền văn minh đó. Đặc biệt, chàng luôn vươn lên khẳng định bản thân mình. Đăm Săn là vị tù trưởng may mắn, chàng lấy được những người vợ đẹp “các ngón tay thuôn như lông con nhím” (25), “rạng rỡ như mặt trời”, “cổ chân tròn như bắp chuối”, “bắp đùi sáng muốt, sáng chói như ánh chớp” (26). Điều này khiến các tù trưởng khác vô cùng ghen tị. Thế nhưng, Đăm Săn vẫn muốn lên đường chinh phục, bắt nữ thần Mặt Trời về làm vợ để “trở thành một tù trưởng giàu mạnh có nhiều chiêng núm chiêng bằng, trên đời không ai bì kịp” (27). Khát vọng của chàng mang ý nghĩa khẳng định sức mạnh của bản thân mình, đặt sức mạnh con người sánh ngang với tự nhiên. Vì lẽ đó, ai can ngăn chàng cũng không từ bỏ ý định. Đăm Săn quyết tâm đi trên con đường “đầy cọp, đầy rắn độc” (28). Cuối cùng, với quyết tâm sắt đá và nghị lực phi thường, Đăm Săn đã được gặp gỡ nữ thần Mặt Trời. Đứng trước nữ thần Mặt Trời vô cùng xinh đẹp, chàng đã nói rõ ý định của mình: “Tôi đến đây tìm người dệt chăn cho tôi, dệt áo dệt khố cho tôi mặc, tìm người nấu cơm cho tôi ăn” (29). Nhưng nữ thần Mặt Trời đã từ chối. Chàng thất vọng lên ngựa trở về, nhưng ngựa của Đăm Săn không chạy đua kịp với tốc độ của ánh sáng mặt trời nên cuối cùng chàng chết ngập trong rừng đất đen đang tan chảy của bà H’Sun Y Rít. Tổng kết cuộc đời oai hùng của tù trưởng đầu đội khăn kép, vai mang nải hoa, có thể thấy đây là lần duy nhất người anh hùng gặp thất bại. Cái chết của Đăm Săn thấm đẫm sự bị tráng, tràn đầy lý tưởng anh hùng cao cả thể hiện ý thức khẳng định mình vô cùng mãnh liệt. Người anh hùng đã hy sinh nhưng lý tưởng thì vẫn được tiếp nối mãi với sự xuất hiện của Đăm Săn cháu sau này. Và không chỉ có Đăm Săn cháu, mà còn rất nhiều những người dân Ê đê khác sẽ tiếp tục đi tiếp con đường của chàng Đăm Săn, tiếp tục hoàn thiện lý tưởng, khát khao khẳng định mình, chinh phục thiên nhiên, những miền đất lạ để mở rộng sự giàu có, trù phú của buôn làng mà người anh hùng này đã mở ra trước đó…
5. Sử thi Đăm Săn là một trong những tác phẩm quan trọng trong kho tàng văn học dân tộc. Người anh hùng Đăm Săn là nhân vật trung tâm của thời đại sử thi. Qua hình tượng Đăm Săn, chúng ta hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa và con người Ê đê vùng đất Tây Nguyên. Sử thi Đăm Săn đã tô đậm thêm những nghi thức, nghi lễ độc đáo với những tập tục đặc biệt của tộc người Ê đê không thể trộn lẫn với các dân tộc khác. Các nghi lễ đều bắt nguồn từ tín ngưỡng sùng bái thần linh, tin tưởng vào các thế lực siêu nhiên phù trợ cho sức khỏe. Các giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của người Ê đê càng cần được giữ gìn bảo tồn và phát huy trong bối cảnh hội nhập ngày nay. Trong những giá trị vĩnh hằng cần giữ gìn và phát huy thì vẻ đẹp tâm hồn của những con người mạnh mẽ, dũng cảm, có ý thức đấu tranh bảo vệ cộng đồng; những con người khát khao được khẳng định bản thân mình trước thiên nhiên, thần linh; những con người yêu thích sự tự do, phóng khoáng trong buổi đầu sơ khai gây dựng buôn làng cần được nhân rộng hơn nữa trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên ngày hôm nay (30).
_______________
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29. Linh Nga NiêkĐăm - Y Khem, Y Wang Mlô Duôn Du, Bài ca chàng Đăm Săn, Nxb Văn hóa dân tộc, 2012.
30. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đề tài mã số B2020 - TNA -09.
Tài liệu tham khảo
1. Thùy Chang, Văn hóa Tây Nguyên - kết tinh của văn minh nương rẫy, luhanhvietnam.com.vn, 16-4-2019.
2. Hoàng Ngọc Hiến, Bài ca chàng Đăm San như là một tác phẩm anh hùng ca, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 1980, tr.26-35.
3. Bá Thắng, Chuyện về những chiếc ché của người Ê đê, baodantoc.vn, 15-3-2020.
4. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1999, tr.40
Tác giả: PGS, TS Ngô Thị Thanh Quý - Nguyễn Thu Huyền
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021
Từ khóa » Vị Trí Và ý Nghĩa Của Sử Thi đăm Săn
-
Phân Tích Sử Thi Đăm Săn (ngắn Gọn Nhất) - TopLoigiai
-
TOP 11 Bài Phân Tích Nhân Vật Đăm Săn Hay Nhất
-
Ý Nghĩa Của Cuộc Chiến đấu Giữa Đăm Săn Với Mtao Mxây
-
Đam San – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cảm Nhận Về Vẻ đẹp Của Đăm Săn Trong đoạn Trích Chiến Thắng ...
-
Chiến Thắng Mtao Mxây | Tác Giả - Tác Phẩm Lớp 10
-
Tìm Hiểu Văn Bản: Chiến Thắng Mtao Mxây (trích Sử Thi Đăm Săn)
-
[Sách Giải] Văn Mẫu: Chiến Thắng Mtao Mxây (trích Đăm Săn)
-
Tìm Hiểu đoạn Trích Chiến Thắng Mtao Mxây - SoanBai123
-
Cảm Nhận Về Nhân Vật Đăm Săn
-
Phân Tích Nhân Vật Đăm Săn Trong đoạn Trích Chiến Thắng Mtao Mxây
-
Phân Tích Nhân Vật Đăm Săn Trong đoạn Trích Chiến Thắng Mtao Mxây
-
Phân Tích Nhân Vật Đăm Săn Trong Chiến Thắng Mtao Mxây
-
Phân Tích ý Nghĩa Chiến Thắng Của Đăm Săn Trước Mtao Mxây