Về Giáo Dục Tư Nhân Và Triết Lý Giáo Dục Của Phần Lan | VietvaFin

Giáo dục tư

Cuối năm ngoái (2019), báo New York Time (Mỹ) đã đăng một bài viết với tiêu đề Phần Lan là Thiên Đường Của Chủ Nghĩa Tư Bản. Bài viết ngay lập tức đã gây tranh cãi và chỉ hai ngày sau đã có bài phản bác lại với tiêu đề: Không, Phần Lan không phải là “thiên đường của tư bản”. Mặc dù còn nhiều điều vẫn gây tranh luận, song về lĩnh vực giáo dục, tôi chia sẻ cái nhìn với tác giả của bài viết sau.

Bởi lẽ, không nghi ngờ gì về tính chất xã hội chủ nghĩa của nước này khi xây dựng một nền giáo dục bình đẳng, miễn phí cho tất cả mọi người dân ở mọi cấp học, từ giáo dục phổ thông, đến giáo dục đại học. Hơn thế nữa, học sinh ở bậc học cơ sở và phổ thông còn được cung cấp bữa ăn trưa nóng, miễn phí ở trường.

Vậy, ở Phần Lan có trường tư thục hay giáo dục tư không?

Trong một bài viết có tiêu đề “Bỏ trường chuyên có giúp ích cho giáo dục?” đăng trên Vnexpress ngày 5/7/2020, tác giả Nguyễn Xuân Khánh khẳng định: “Không như các quốc gia khác, Phần Lan không có trường chuyên (gifted schools, grammar schools) hay trường tư nhân (private schools) ở bậc phổ thông”. Báo này cho biết: TS Nguyễn Xuân Khánh là “thành viên tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), nhà nghiên cứu công nghệ giáo dục tại Đại học Oulu, Phần Lan”. Sau khi đọc bài báo này, tôi đã viết các thông tin mình được biết vào mục “ý kiến” dưới bài báo, để nói rằng khẳng định của tác giả bài báo là không chính xác, song Vnexpress đã không đăng.

Trước đó, Pasi Sahlberg, nhà giáo dục nổi tiếng của Phần Lan, tác giả sách “Finnish Lessons 2.0: What Can the World Learn from Educational Change in Finland?“ (đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản năm 2016) cũng tuyên bố trên trang web cá nhân của ông rằng ở Phần Lan: “Không có trường học tư, không đồng phục, rất ít trường tôn giáo – No private schools, no school uniforms, very few religious schools.”

Đọc những lời khẳng định trên đây của hai nhà giáo đều ở Phần Lan, người đọc dễ tin rằng ở Phần Lan không có trường tư và giáo dục tư nhân.

Nhưng, thực tế là ở Phần Lan có trường tư “Private schools”, thậm chí có khá nhiều. Cụ thể, theo Cục thống kê Phần Lan, năm 2017: “Trong số các cơ sở cung cấp giáo dục, 47% là các địa phương hoặc liên minh các địa phương, 6% các cơ sở thuộc chính quyền trung ương và 45% là tư nhân.” Theo Hiệp hội trường tư Phần Lan, hiện nay Hiệp hội này có 55 trường tư là thành viên của hội. Còn theo một blog thì Phần Lan “có khoảng 85 trường tư“. Phần lớn các trường tư thuộc tiểu học (khoảng 2% học sinh) và trung học (khoảng 10% học sinh).

Giờ học ngoài trời ở Trường Kielo International School – một trong những trường tư ở Helsinki

Như vậy, rõ ràng là ở Phần Lan có trường tư. Có điều trường tư hay đúng hơn là “trường độc lập” của Phần Lan không giống như trường tư ở nhiều nước khác, cũng như ở Việt Nam. Trường tư ở Phần Lan hoạt động không vì lợi nhuận; nhận được kinh phí từ địa phương và trung ương như trường công; dạy và học theo Khung chương trình chuẩn của quốc gia. Trường tư cũng chịu sự kiểm định và đánh giá của nhà nước.

Những năm gần đây một số trường tư ở khu vực thủ đô Helsinki đã thu học phí của người học. Chẳng hạn, Trường châu Âu tại Helsinki (Helsinki European School) thu phí từ 2 120 – 3 974€ một năm. Trường tiếng Anh ở Helsinki (Helsinki English School) thu học phí mỗi học sinh 673€ một năm học.

Triết lý giáo dục Phần Lan qua góc nhìn người Việt

Mấy năm gần đây ở Việt Nam một trong những cụm từ được nói đến nhiều nhất trong giáo dục là “triết ký giáo dục”, trong đó khá nhiều người đề cập tới triết lý giáo dục của Phần Lan, nhưng với những nội dung không giống nhau. Xin dẫn dưới đây một số ý kiến:

– “Lòng tin-Bình đẳng-Hợp tác” (http://soha.vn/ngam-nghi-triet-ly-giao-duc-cua-cac-nuoc-bai-1-phan-lan-tuyet-doi-tin-tre-20180917075047412.htm).

– “Hệ thống giáo dục Phần Lan dựa trên triết lý LESS IS MORE” (http://vietnamtimes.info/2017/09/12/triet-ly-giao-duc-phan-lan-it-hon-co-nghia-la-nhieu-hon/).

– “Triết lý nền giáo dục hạnh phúc của Phần Lan. Nền giáo dục mở, học sinh được phát triển toàn diện (https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/triet-ly-nen-giao-duc-hanh-phuc-cua-phan-lan-3902604-b.html)

– “Giáo dục Phần Lan vận hành theo một triết lý (tư tưởng) giáo dục độc đáo, thể hiện ở quan điểm đối với HS và giáo viên: hai chủ thể quan trọng nhất này của nhà trường phải được quan tâm và tôn trọng hết mức. Một nội dung nữa của triết lý giáo dục Phần Lan là toàn thể học sinh phổ thông trong cả nước phải được hưởng nền giáo dục như nhau.” (http://tiasang.com.vn/-giao-duc/huyen-thoai-giao-duc-phan-lan-5064)

– “Triết lý giáo dục của đất nước này tin rằng giáo viên phải được đào tạo bài bản bởi vì họ sẽ phải biết họ thật sự cần làm gì với sự tự do mà nền giáo dục nước này trao vào tay người làm nghề giáo dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học.” (http://giaoduc.net.vn/GDVN/Bi-mat-trong-tuyen-chon-va-dao-tao-giao-vien-Phan-Lan-post179429.gd)

– “Triết lý giáo dục của đất nước này cho rằng mỗi đứa trẻ đều đặc biệt, và được hưởng một nền giáo dục chất lượng và công bằng.” (http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/su-khac-biet-ve-giao-duc-giua-phan-lan-viet-nam.html)

Là người sống ở Phần Lan và có quan tâm, tìm hiểu hệ thống giáo dục của nước này, tôi không thấy cụm từ “triết lý giáo dục” được những người trong cuộc nói và viết nhiều. Qua theo dõi, tôi chỉ tìm thấy cụm từ này được hai người Phần Lan đề cập tới. Đó là:

– Stuart Patton, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục của Phòng Thương Mại Phần Lan ở Hồng Kong (FinnCham Education Committee): “Triết lý giáo dục cơ bản của Phần Lan là tập trung vào trẻ em, trong đó mục tiêu là cung cấp một cách tiếp cận giáo dục một cách cân bằng và toàn diện.” (https://www.polkuni.fi/single-post/2018/05/30/The-role-of-FinnCham-Education-committee-in-Hong-Kong-to-support-the-Finnish-education-philosophy), và

– Pasi Sahlberg “Có lẽ phần đáng ngạc nhiên nhất trong triết lý giáo dục của Phần Lan là vai trò trung tâm của trẻ em trong cuộc sống của trẻ, cả trong và ngoài trường học” (https://pasisahlberg.com/the-finnish-paradox/).

Như vậy “triết lý giáo dục” của Phần Lan được nhiều người (cả ở Việt Nam và Phần Lan) phát biểu mỗi người một kiểu, không giống nhau.

Tìm đến Luật Giáo dục Cơ sở (Peruskoulu laki) của Phần Lan, tôi không thấy có cụm từ “philosophy of education” trong văn bản luật này. Thay vào đó, ở chương 1, điều 2 chỉ nói đến mục tiêu của giáo dục, với 3 nội dung là:

1. Mục đích của giáo dục được đề cập trong luật này là giúp đỡ học sinh phát triển nhân bản và trở thành thành viên có trách nhiệm, đạo đức của xã hội và để cung cấp cho họ kiến thức và kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Hơn nữa, mục đích của giáo dục tiền tiểu học, như một phần của giáo dục mầm non, là nâng cao năng lực học tập của trẻ em.

2. Giáo dục sẽ thúc đẩy văn minh và bình đẳng trong xã hội và các điều kiện tiên quyết của học sinh để tham gia vào giáo dục và phát triển bản thân trong suốt cuộc đời của họ.

3. Mục đích của giáo dục sẽ là bảo đảm sự công bằng về giáo dục trong cả nước.

Như vậy có thể thấy rằng với người Phần Lan, mục đích của giáo dục mới là quan trọng, còn những điều mà nhiều người thường nói đến, như: “Less is more – Ít hơn là nhiều hơn”, “Small is big – nhỏ là lớn” và “Trust – Lòng tin” là quan niệm và tính cách, nguyên lý sống của người Phần Lan, không chỉ trong giáo dục mà cả trong kinh doanh cũng như tất cả các lĩnh vực khác.

Võ Xuân Quế

——-

Bài đã đăng tại: https://tamnhin.net.vn/ve-giao-duc-tu-nhan-va-triet-ly-giao-duc-cua-phan-lan-91932.html

Đánh giá:

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Từ khóa » Triết Lý Giáo Dục Phần Lan Là Gì