Vẽ Lại Câu Chuyện Cuộc đời Bạn - Mystic Cat Lady

Một trải nghiệm về chữa lành và chuyển hoá bản thân mà mình nhận ra là: Những câu chuyện về bản thân (dù là về quá khứ, hiện tại hay tương lai) mà ta tạo ra trong nhận thức – đều có ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ tới cuộc sống của ta hiện tại và sau này, cụ thể hơn, những gì bạn kể về bản thân bạn trong quá khứ sẽ trở thành câu chuyện lặp lại trong hiện tại và tương lai. Và việc quay về quá khứ để viết lại câu chuyện cũng tạo ra những tác động thực sự tới cuộc sống và định mệnh của cuộc đời ta.

Nghe thì có vẻ khó hiểu, nên mình sẽ đưa ra một trải nghiệm của bản thân làm ví dụ. Lúc nhỏ, mình từng trải nghiệm việc bị “bắt nạt”, luôn là một đứa trẻ yếu đuối, mong manh, cần dựa dẫm vào người anh người chị mình để không bị bắt nạt bởi những đứa trẻ cùng lớp khác. Ký ức của mình về tuổi thơ là một đứa trẻ lầm lũi đi theo chân những kẻ bắt nạt, không có tiếng nói, không dám phản kháng, và điều này vẫn ảnh hưởng đến tâm lý của mình hiện tại – có cảm giác mong manh, bất an, thiếu sức mạnh (powerless) vẫn hiện diện đâu đó trong mình, trước những sự kiện cuộc đời, cảm thấy khó kết nối với xung quanh. Và chỉ khi mình kể lại với người bạn mình về “câu chuyện cuộc đời” mình, câu chuyện về tuổi thơ, về lúc còn là học sinh mẫu giáo, mình mới nhận ra câu chuyện của “đứa trẻ bên trong” này vẫn đang ám ảnh lấy mình tới hiện tại, và mình quyết định “du hành thời gian” và thay đổi câu chuyện, và thay đổi nhận thức của mình về cuộc đời.

Cách mình “du hành thời gian” đơn giản là mình gợi lại những ký ức tuổi thơ ấy, về khoảnh khắc bị bắt nạt, là đứa con nít lầm lũi không dám bộc lộ tiếng nói của bản thân, ấm ức mà không thể lên tiếng. Mình ngồi thiền, nhắm mắt lại, gọi “đứa trẻ bên trong” đến và để em ấy đưa ra những hình ảnh mà em từng trải qua, và mình quan sát trải nghiệm đó. Lúc thiền, mình thấy một đứa trẻ đang bị một đứa trẻ khác ép phải ăn một món ăn mà em không thích, mình hóa thân vào đứa trẻ đó, nhắc nhở em: “Em là đứa trẻ hết sức mạnh mẽ. Em có quyền đứng lên nói ra sự thật của mình và được tôn trọng với sự thật đó”. Thế là em bé trong ký ức kia – thay vì lại “ăn món ăn nó ghét trong ấm ức”, em ấy từ chối đứa trẻ chuyên đi bắt nạt kia, kiên quyết nói: “Mình không ăn đâu” và ra đi một cách tự tin, như cách đứa trẻ đấy luôn là.Và kỳ lạ thay, là sau trải nghiệm chữa lành ký ức “bị bắt nạt” này, những nhận thức, tư tưởng về việc “bị bắt nạt” hay là “kẻ yếu ớt” không còn ảnh hưởng gì tới mình nữa, không còn làm mình thấy khó chịu hay buồn bã như trước, như thể quá khứ đã thực sự thay đổi, kéo theo sự thay đổi ở hiện tại và cả tương lai – rằng mình sẽ không bao giờ còn để bất kỳ ai bắt nạt, hay là một đứa bé yếu ớt cần phải dựa dẫm sau lưng ai nữa cả.

Tương tự, một câu chuyện khác về việc “quay về quá khứ” để “thay đổi định mệnh” là những niềm tin của mình về Tình yêu và Hôn nhân. Tuổi thơ mình lớn lên với những ấn tượng sâu sắc về những mối quan hệ tình cảm chỉ gây tổn thương lẫn nhau, những cảnh vợ chồng bất hoà ăn sâu vào tâm trí của một đứa trẻ mới 3,4 tuổi. Những hình ảnh sứt mẻ tình cảm này đã tạo ra những niềm tin sai lệch của mình về vấn đề Tình cảm, rằng tình yêu là đau đớn, rằng người phụ nữ luôn phải chịu đựng, nhẫn nhục, không có sức mạnh, và luôn bị kiểm soát. Những niềm tin sai lệch trong vô thức này đã thu hút vào cuộc sống của mình những mối quan hệ phản ánh đúng niềm tin đó, đầy tính sở hữu và kiểm soát, đầy nỗi sợ và sự phán xét, và chỉ khi mình quay lại quá khứ, vỗ về em bé bên trong, và dạy cho em rằng: “Tình yêu đích thực không phải là bạo lực, giận dữ, khổ đau. Tình yêu đích thực là sự trân trọng, nâng niu, vỗ về, quan tâm, thấu hiểu. Đấy là tình yêu mà em xứng đáng nhận được” – và khi mình thay đổi lại những niềm tin sâu trong tiềm thức, chất lượng các mối quan hệ của mình cũng thay đổi hoàn toàn, luôn thu hút vào cuộc sống những người thực sự trân trọng mình, còn những người không biết cách tôn trọng người khác thì họ sẽ tự động rời đi, không cần phải vật vã cắt đứt liên lạc như trước.

Theo giáo sư Tâm lý học Dan Adams trong cuốn “Sổ tay APA về Nhân cách và Tâm lý Xã hội”:

“Câu chuyện cuộc đời (mà chúng ta tự kể ra) không đơn giản là phản ánh tính cách, mà chính nó là nhân cách của ta, hay cụ thể hơn, chúng phản ánh những phần quan trọng của nhân cách, bên cạnh những phần khác như đặc điểm, mục tiêu và giá trị của ta.”

Một câu chuyện cuộc đời mà mình luôn kể với bản thân và người khác rằng: “Mình từng là kẻ bị bắt nạt, yếu ớt, phải dựa dẫm vào người khác để thấy được bảo vệ“. Tuy rằng câu chuyện có vẻ “rất thật” dựa trên trải nghiệm hồi mẫu giáo của mình, nhưng chính điều này đã tạo ra một vòng lặp của cuộc đời mình, liên tục trong vị thế của kẻ không có sức mạnh, luôn yếu ớt và bị đàn áp bởi kẻ khác, một câu chuyện mà mình luôn phải đặt câu hỏi: “Tại sao mình lại đặt bản thân vào tình cảnh này?”, để rồi nhận ra, đấy là một phần nhân dạng đã ăn sâu trong tiềm thức mình, chỉ đến khi người bạn của mình hỏi mình chia sẻ về tuổi thơ, mình mới nhận ra cách kể câu chuyện cuộc đời của mình đã ảnh hưởng sâu sắc thế nào tới cuộc sống hiện tại, dù đã hàng chục năm trôi qua kể từ thời điểm mình còn học mẫu giáo.

Tuy nhiên, một điều may mắn là: bạn không bao giờ là nạn nhân của hoàn cảnh. Như câu nói của nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung: “Tôi không phải là những gì xảy đến với tôi, mà tôi là người tôi lựa chọn trở thành”, bạn hoàn toàn có thể vẽ lại câu chuyện quá khứ của bạn, thay đổi cách bạn kể câu chuyện cuộc đời, từ đó thay đổi cả cuộc đời bạn.

Một cách để vẽ lại cuộc đời là ngồi đối thoại với bản thân, xem lại cách bạn đang kể lại câu chuyện cuộc đời, những niềm tin của bạn về cuộc đời. Một vài câu hỏi để bạn suy ngẫm:

1. Tuổi thơ, quá khứ của bạn như thế nào? Kể ra câu chuyện về quá khứ của bạn tới người bạn thân của bạn, hoặc tự viết ra giấy – để nhận thức được bạn có niềm tin gì bên trong về quá khứ của bạn?

2. Thế giới có đáng tin cậy không? Con người có đáng tin cậy không? (Nếu bạn có những niềm tin rằng thế giới không đáng tin, bạn sẽ có xu hướng mất kết nối với mọi người, khó xây dựng được các mối quan hệ bền vững. Tất nhiên niềm tin cần được bồi đắp theo thời gian, nhưng nếu bạn không cho ai cơ hội chứng minh với bạn là họ đáng tin chỉ vì những sợ hãi bên trong, bạn đang tự đánh mất cơ hội kết nối và yêu thương cho chính mình)

3. Chọn 3 từ để đánh giá chung về câu chuyện cuộc đời bạn? – Chủ đề chính trong cuộc đời bạn là gì? Nếu cuộc đời bạn là một bộ phim, đấy là bộ phim gì? Bài hát nào phản ánh câu chuyện của bạn?

4. Niềm tin của bạn về tài chính? Câu chuyện mà bạn thường kể với mọi người về vấn đề tài chính? (Ví dụ: Nếu gia đình bạn khó khăn về tài chính, bạn có thể có niềm tin rằng tiền rất khó kiếm, từ đó nó ảnh hưởng tới vấn đề tài chính của bạn, và đây là niềm tin mà bạn cần thay đổi)

Tương tự, hãy tìm hiểu thêm những câu chuyện bạn tạo ra về sự nghiệp, về con người, về các mối quan hệ, về tình yêu, đặc biệt đào sâu những vấn đề mà bạn cảm thấy khó khăn và vướng mắc trong cuộc sống. Càng quan sát mô thức suy nghĩ của bản thân và câu chuyện bạn đang tự kể ra, bạn sẽ càng nhận ra: Chính bạn là người đang tự vẽ ra cuộc đời bạn, số phận của bạn, chứ không phải ai khác.

Khi nhận ra những câu chuyện này bên trong rồi, tiếp theo, bạn có thể sử dụng phương pháp như mình hướng dẫn ở trên – “quay trở lại thời gian” – để vẽ lại câu chuyện cuộc đời, bằng cách như sau:

1. Ngồi xuống thiền, thả lỏng, thư giãn sâu

2. Đặt câu hỏi: “Nguồn gốc của niềm tin [… – điền niềm tin của bạn vào đây] bắt nguồn từ khi nào?”

3. Quan sát câu chuyện, ký ức quay về

4. Vẽ lại quá khứ, bằng cách trở thành nhân vật trong câu chuyện đó, và hành xử khác đi để đem lại kết quả mới

Ví dụ, như câu chuyện mình quay lại tuổi thơ, lúc mình còn 3-4 tuổi, thay vì để những đứa trẻ khác chèn ép, buộc mình phải làm điều mình không muốn, mình sử dụng trí óc và nhận thức của mình hiện tại để nói “Không, tôi không muốn làm điều này”, và ra đi một cách tự tin. Tương tự, với những người có niềm tin thiếu thốn về tài chính, hãy quay về quá khứ và thay đổi góc nhìn của bạn về vấn đề tài chính, học cách nhìn vào sự đủ đầy nhiều hơn. Hay với những người có vấn đề về mối quan hệ, bạn hãy xem lại trong quá khứ, điều gì đã tạo ra những niềm tin gây ảnh hưởng tới mối quan hệ tình cảm của bạn (ví dụ, niềm tin “tôi không được yêu thương”, “tình yêu là khổ đau”,…) – để từ đó thay đổi góc nhìn quá khứ, thay đổi câu chuyện cuộc đời, từ đó thay đổi cả hiện tại và tương lai của chính bạn.

Một lưu ý về bài tập thiền này, đấy là nếu bạn có kinh nghiệm thiền sẵn thì việc quay về quá khứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Hướng dẫn thiền dành cho bạn tại đây: Thiền: Phương pháp chữa lành cảm xúc

Việc thực hành bài tập “quay về quá khứ” đã giúp mình thay đổi rất nhiều khuôn mẫu, vòng lặp của cuộc sống, cải thiện cuộc sống mình ở mọi mặt – từ tài chính, tình cảm, mối quan hệ xã hội, và đặc biệt là thế giới bên trong và bên ngoài của mình ngày càng nhiều màu sắc, nhiều tình yêu thương, sự đủ đầy và kết nối hơn bao giờ hết, để mình thực sự trở thành Nhà sáng tạo cuộc đời, vẽ lên cuộc đời mình khao khát với sức mạnh cá nhân thực sự.

Còn bạn thì sao? Bạn đang vẽ ra câu chuyện cuộc đời gì trong vô thức? Và bạn sẽ làm gì, để vẽ lại cuộc đời theo cách mà trái tim, linh hồn bạn thực sự khao khát?

Chúc bạn bình yên trong giây phút này!

Quỳnh Anh – Mystic Cat Lady

Nguồn tư liệu:

Story of My Life: How Narrative Creates Personality – The Atlantis

https://www.psychologytoday.com/us/blog/fixing-families/201811/whats-your-story-life-narrative

BLOG/ TRANG FACEBOOK CỦA MÌNH:

https://fb.me/mysticcatlady – MYSTIC CAT LADYGhé thăm nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển/ Thấu hiểu bản thân, Chữa lành, Tâm linh, Tâm lý học nhé.

Bạn có thể donate cho Mèo nếu bạn muốn hỗ trợ và thể hiện lòng cảm ơn tới bài viết ❤️ STK Vietcombank: 0301000388545 (Nguyễn Quỳnh Anh)

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Related

Từ khóa » Cách Viết Về Câu Chuyện Cuộc đời