Về Lái Thiêu Mà Nhớ Nhà Vườn - Báo Tuổi Trẻ

Về Lái Thiêu mà nhớ nhà vườn - Ảnh 1.

Miệt vườn Lái Thiêu vẫn còn màu xanh xen lẫn nhà cửa, và nhiều người mong giữ được nhà vườn - Ảnh: T.T.D.

Từ Cầu Ngang rẽ qua con rạch Vàm Búng, những vườn cây trái Lái Thiêu thuộc TP Thuận An (Bình Dương) thấp thoáng xanh mát. Thế nhưng thay vì những tấm bảng nhà vườn du lịch, đập vào mắt chúng tôi là bảng môi giới nhà đất và đội quân cò đất dễ dàng bắt gặp trên đường.

Thời tươi đẹp

Nhắc về ngày cũ, người già ở vùng đất này cho biết cha ông mình tới đây sinh sống từ lâu đời. Lái Thiêu trở thành địa danh trù phú với những vườn măng cụt, sầu riêng... ở phường Hưng Định, Bình Nhâm, An Thạnh và xã An Sơn thuộc TP Thuận An.

Cầm cây liềm cắt mớ cỏ trước nhà, ông Nguyễn Văn Trai (67 tuổi, ngụ xã An Sơn) cho biết hồi mình còn nhỏ cây trái quanh đây "sung" lắm: "Nhiều gốc măng cụt hơn trăm năm, vòng tay ôm không hết. Rồi Mỹ ném bom, tụi tui phải trồng lại...".

Còn ông Nguyễn Văn Dội (60 tuổi, chủ nhà vườn 99, phường Hưng Định) kể gia đình mình ở đây từ thời ông cố, ông sơ.

"Hồi trước từ chỗ tui ngồi kéo dài tới rạch Vàm Búng chỉ có hai nóc nhà. Đường đi là cái lối mòn chút xíu, chứ đâu rộng rãi như bây giờ. Mấy tấm ván làm nhà thợ để tuốt ngoài mé sông, khiêng vô muốn chết", ông nhớ lại.

Ông Dội kể chừng 30 năm trước là thời điểm du lịch vùng này khởi sắc: "Chỗ Cầu Ngang bán vé tham quan, đường nhỏ quá nên khách phải lội bộ vô. Họ thuê nệm ngồi quá trời ngoài vườn. Có khi 4h chiều nhà hết gạo mắm, tui cũng đành chịu vì đâu có đi mua được, do khách trong vườn ra kẹt cứng ở ngoải".

Về hưu sớm để thay cha mẹ chăm vườn, ông Dội dọn cỏ, khơi mương, làm hơn chục căn chòi để khách có chỗ nếm những món đặc sản: gỏi măng cụt, gà, cá lóc nướng...

Thời đó, khu vực ông ở có hơn 10 vườn kinh doanh du lịch. Khách cũng có thể vào các vườn khác tham quan, trả tiền nếu mua trái cây. Mà trái cây Lái Thiêu thời ấy thì người khó tính cỡ nào cũng không chê được, cứ thèm thuồng ăn căng bụng rồi mua cả giỏ đem về...

Bây giờ, trở lại Lái Thiêu, hỏi địa chỉ nhà vườn, người dân vẫn chỉ qua Cầu Ngang nhưng chẳng còn bao nhiêu hộ làm dịch vụ. Bên phía xã An Sơn và mấy phường khác, những tấm bảng nhà vườn hầu như vắng bóng. Khu vực phường Hưng Định "vàng son một thuở" của ông Dội, ngoài ông ra chỉ còn 3 - 4 vườn kinh doanh du lịch.

Về Lái Thiêu mà nhớ nhà vườn - Ảnh 2.

Đất vườn được rao bán ở xã An Sơn, TP Thuận An, Bình Dương - Ảnh: YẾN TRINH

Anh chị mua miếng này ngon đó, ngang 32m dài 40m, chỉ 16 tỉ đồng nhỉnh chút. Chính chủ gửi, không sợ lướt sóng mua đi bán lại như mấy miếng khác.

"Cò" Minh chỉ tay về phía miếng đất vuông vức ở ấp An Mỹ, xã An Sơn.

Bán mảnh đất truyền đời

Vài năm nay, phong trào bán đất rộ lên ở Lái Thiêu, hòa chung cơn sốt đất nhiều nơi. Các cơ sở môi giới bất động sản mọc lên. Tại quán cà phê, các "cò" tay ngang sẵn sàng giới thiệu những mảnh vườn cần sang tên đổi chủ.

Nhận môi giới đất người quen, "cò" Phước (ngụ xã An Sơn) nói với chúng tôi: "Chị cứ yên tâm vì đây là những miếng "ép 0", chính chủ, không sợ bị đẩy giá. Diện tích thì vô tư, cỡ 1 sào (1.000m2) trở lên, tha hồ đầu tư hay cất nhà nghỉ dưỡng".

Sau cú alô của Phước, "cò đất" tên Sơn rề xe tới, giới thiệu mình làm môi giới đã vài năm nên nắm nhiều miếng giá từ chục tỉ đồng. Theo lời Sơn, đất An Sơn còn rẻ, có khi chỉ bằng một nửa so với các phường Hưng Định, Bình Nhâm.

Về Lái Thiêu mà nhớ nhà vườn - Ảnh 4.

Món gỏi măng cụt đặc sản ở nhà vườn Lái Thiêu - Ảnh: YẾN TRINH

Về Lái Thiêu mà nhớ nhà vườn - Ảnh 5.

Chỗ ngồi ăn uống và món gỏi măng cụt đặc sản ở nhà vườn Lái Thiêu - Ảnh: YẾN TRINH

Chúng tôi ráp nhóm với "cò" Minh đi cùng nhà đầu tư tên Hùng. Tới một miếng đất đường vào chưa thảm bêtông, nhà đầu tư tên Hùng tính toán: "Miếng này ít gì cũng phân được 4 lô, mỗi lô cỡ 3 tỉ. Có triển vọng". Hùng yêu cầu xem thêm mấy vườn ở phường Hưng Định, mặt tiền hướng ra rạch Vàm Búng, rồi rẽ qua một miếng gần 800m2 sát bờ bao rạch Bà Lụa...

Không nhờ tới giới cò kéo, một số chủ đất tự tay rao bán cho... khỏe. "Mua đất hả? Tui bán nè, qua tui cho coi sổ. Đất một sào sáu (1.600m2), tới 3 mặt tiền", bà Quản Thị Gót (ngụ xã An Sơn) hồ hởi. Dẫn chúng tôi qua mảnh vườn trồng măng cụt và dâu xiêm, bà ra giá chắc nịch 23 tỉ đồng.

Trước đó, bà cũng đã bán một miếng. Tương tự, ông Trai cho biết đang rao bán vườn 5 sào của chị gái nhưng chưa có người mua vì đất rộng, số tiền bỏ ra không nhỏ: 50 tỉ đồng - hơn 2 triệu đôla.

Vì đâu bà Gót và những người khác lại bán mảnh vườn truyền đời? Ngoài nguyên nhân đất lên giá, bà Gót nói: "Gia đình có 5ha đất vườn, nay tuổi ngoài 60, tui lớp bán lớp chia cho 6 đứa con. Mình để đất miết, không có tiền làm gì".

Tương tự, em bà cũng đang rao căn nhà vườn hơn 700m2. Ông Trai cho biết chị gái trên Sài Gòn buôn bán thua lỗ nên muốn bán đất. Phần ông đang ngụ trên mảnh vườn 7 sào và dự định chia cho hai người con.

Về Lái Thiêu mà nhớ nhà vườn - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Dội với gốc măng cụt hơn trăm năm tuổi may mắn còn giữ được - Ảnh: YẾN TRINH

Có cứu được những vườn cây?

Muốn giữ những vườn cây thì phải có người làm vườn, yêu vườn. Khi được hỏi con có nối nghiệp, mặt ông Trai rầu rầu: "Mấy đứa nhỏ giờ có công chuyện làm ăn hết rồi, đâu chịu làm nông như mình hồi xưa".

Ông Dội cũng cho biết không có ý định bán đi mảnh vườn có mồ mả ông bà, nhưng làm vườn phải cực nhọc lắm mới sinh lợi. Có tổng cộng 5 sào, mỗi năm ông thu 100 - 200 triệu đồng tiền trái cây, "nhưng công sức bỏ ra không phải ít. Tới mùa tui phải thuê người dọn, trả công mỗi người 400.000 đồng/ngày. Tui còn thuê vườn người ta để làm, nhưng có năm cũng hẻo lắm", ông nói.

Thế còn hoạt động du lịch? Dù vẫn còn khách du lịch, ông Dội và các chủ vườn khác nhận xét không thể so với thời hoàng kim. Thực tế, du khách khó thấy hấp dẫn bởi diện tích nhà vườn bây giờ đã nhỏ hơn, có vườn dựng căn nhà xập xệ với mấy gốc măng cụt tong teo, dạo chưa tới 5 phút đã đụng mé ranh. Khách thắc mắc vườn chỉ thấy lá sao còn mấy rổ trái cây bán, nhân viên chỉ cười cười...

Theo ông Trương Công Thạch - phó Phòng kinh tế TP Thuận An, hiện diện tích vườn cây trái Lái Thiêu là 948,6ha, trong đó diện tích vườn măng cụt 661ha. Chúng tôi làm phép so sánh với số liệu năm 2014 là gần 1.300ha, thấy vườn đã mất đi không ít... Bộ mặt miệt vườn tương lai có lẽ khang trang hơn, nhưng không biết màu xanh của vườn có giữ được?

Cũng không thể trách người dân bởi họ cần sinh kế cụ thể hơn là ôm lấy mảnh vườn đang tăng giá, hoa lợi lại không đủ để sống một đời khấm khá. Họ yêu đất đai của mình đấy chứ, như ông Dội, ông Trai và bà Gót đã lặng lẽ giữ lại những gốc măng cụt trăm tuổi sau vườn.

Tạm biệt họ và nhìn người bán trái cây ngay cổng chào Cầu Ngang ngồi lẻ loi, chúng tôi vẫn mong Lái Thiêu giữ được màu xanh nhà vườn trăm năm dù biết rằng rất khó...

Về Lái Thiêu mà nhớ nhà vườn - Ảnh 7.

Nhiều nhà dân đang dần mọc thêm ở xứ nhà vườn Lái Thiêu - Ảnh T.T.D.

Về Lái Thiêu mà nhớ nhà vườn - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Văn Dội dọn dẹp khu đón khách khi mùa trái cây dần qua - Ảnh T.T.D.

Bình Dương nỗ lực giữ nhà vườn Lái Thiêu

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Bình Dương đã có nhiều biện pháp giữ gìn những vườn cây ăn trái và phục hồi du lịch.

Cây trái nơi miệt vườn Lái Thiêu - Ảnh: YẾN TRINH

Cây trái nơi miệt vườn Lái Thiêu - Ảnh: YẾN TRINH

Có thể kể đến việc hoàn thành hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu năm 2012; nạo vét kênh mương tránh ngập úng, nhiễm phèn; tổ chức lễ hội trái cây hằng năm cùng với con đường trái cây và các gian hàng.

Năm 2014, chương trình dán nhãn hiệu tập thể "Măng cụt Lái Thiêu" cũng trình làng. Trong chính sách giữ cây ăn quả giai đoạn 2017 - 2021, UBND tỉnh Bình Dương cũng hỗ trợ các chủ vườn về vật tư, cách chăm sóc, trồng mới, hỗ trợ khi mất mùa..

​Cứu những vườn cây Lái Thiêu trăm tuổi ​Cứu những vườn cây Lái Thiêu trăm tuổi

TT - “Khu vườn đẹp lá chen hoa/Nước biếc lơ thơ giọt nắng vàng/Chầm chậm cây gió vi vu/Trong vườn quả chín hương thơm...” - Một bức tranh vùng đất “cây lành trái ngọt” hàng trăm năm tuổi trong bài hát Về với Lái Thiêu đã in đậm trong tâm trí của người Sài Gòn và vùng Đông Nam bộ.

Từ khóa » Cầu Ngang Lái Thiêu Bình Dương