Về Làng Đường Lâm Ngắm 18 Cây Duối Linh Thiêng Hơn 1000 Tuổi ...

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 45km, làng cổ Đường Lâm vốn là nơi được nhiều người yêu thích khám phá bởi nét cổ kính và nhiều khung cảnh đậm chất làng quê Việt Nam.

Nằm cách khu di tích đền - lăng vua Ngô Quyền (thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm) khoảng 300m là 18 cây duối cổ có tuổi đời hơn 1000 năm. Tương truyền, đây là nơi Ngô Quyền buộc voi và ngựa chiến sau các cuộc tập trận cùng nghĩa quân để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán.

Về làng Đường Lâm ngắm 18 cây duối linh thiêng hơn 1000 tuổi, người dân không dám đốn hạ - 1

Rặng duối vốn từ trên sườn đồi thoai thoải xuống tận bến sông. Xưa kia, đây là vùng đất gò đồi với rừng cây rậm rạp, là nơi trú ngụ của thú dữ. Từ rặng duối đến đồi Gầm (ý nói là nơi hổ từng về gầm gừ suốt ngày đêm), tướng Ngô Quyền đã cho phát quang làm bãi huấn luyện quân lính. Rừng rú hết dần, thú dữ cũng không bén mảng đến nữa. Nay, con sông theo biến cố bể dâu đã bị lấp vùi, chỉ còn cánh đồng thấp trũng. Mười tám gốc duối đứng đó thành hàng, trang nghiêm cổ kính như bức tường thành che giông chắn bão, bảo vệ cho lăng mộ Ngô Vương và cho cả vùng đất của thôn Cam Lâm.

Lá của cây duối có hình trứng nhọn, dài khoảng 3-7 cm, rộng 1,5-2,5 cm, mép có răng khía. Mặt lá duối rất ráp nên người Việt Nam dùng như giấy nhám để làm nhẵn mặt gỗ. Do là loài đơn tính, mỗi cây duối chỉ trổ hoa đực hoặc hoa cái.

Rặng duối hơn 1000 tuổi này được dân làng Cam Lâm coi như bậc Thần linh, luôn bao bọc, chở che và giúp đỡ người dân trong vùng.

Người dân ở đây còn cho rằng rặng duối rất linh thiêng, mọi người đối với những gốc duối này bao giờ cũng phải có thái độ tôn kính, không ai dám tự động chặt phá. Trẻ con trong làng cũng được người lớn căn dặn kỹ càng, khi chăn trâu cũng không dám bứt lá bẻ cành, sợ bị quở phạt.

Về làng Đường Lâm ngắm 18 cây duối linh thiêng hơn 1000 tuổi, người dân không dám đốn hạ - 2

Sau này, do lâu năm, một số “cụ” duối bị chết, nhưng người dân không dám đốn hạ. Những bậc cao niên trong làng phải làm lễ, rồi mới cưa gốc và cho thợ mộc tiện thành những lọ lục bình, trang trí trong chính đền thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và đền vua Ngô Quyền.

Cùng với đền thờ và lăng Tiền Ngô Vương, rặng duối cổ ở Đường Lâm nằm trong quần thể di tích lịch sử quốc gia, hàm chứa giá trị to lớn về văn hóa, tâm linh của đất nước và con người Việt Nam.

Ngày 22/4/2011, rặng duối cổ gồm 18 cây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam.

Việc công nhận rặng duối là Cây di sản nhằm bảo tồn nguồn gien thực vật quý hiếm ở Việt Nam. Được biết, nước ta đã có gần 70 cây đa, thị, lim, nghiến, gạo, thông, duối, muỗm... được công nhận là Cây di sản.

Đến với làng cổ Đường Lâm, du khách giờ đây đã biết thêm một nơi để chụp ảnh check-in. Tuy nhiên vì ý nghĩa tâm linh, các bạn trẻ không nên leo trèo, bứt lá, bẻ cành hoặc ăn mặc, tạo dáng phản cảm khi chụp ảnh cùng những cây duối hơn 1000 tuổi này.

Chàng trai khoe cổng làng có 1-0-2, dân mạng bất ngờ khi biết tuổi đời của nóChàng trai khoe "cổng làng" có 1-0-2, dân mạng bất ngờ khi biết tuổi đời của nóNhiều người còn hào hứng khoe những chiếc "cổng làng" độc đáo và là niềm tự hào quê hương.Bấm xem >>

Cư dân mạng

Từ khóa » đền Cây Duối