Về Luân Lí Xã Hội ở Nước Ta (Trích Đạo đức Và Luân Lí Đông Tây

I. Tiểu dẫn

- Phan Châu Trinh (1872 - 1926), tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hi Mã, quê ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kì (nay là thôn Tây Hồ, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Phan Chu Trinh chủ trương cứu nước bất bạo động, tuy không thành nhưng nhiệt huyết của ông ảnh hưởng sâu rộng đến phong trào ái quốc đầu thế kỉ XX.

- Thơ văn của Phan châu Trinh là thơ văn tuyên truyền, vận động đồng bào làm cách mạng cứu nước, cứu dân. Tác phẩm tiêu biểu: Tây Hồ thi tập, Giai nhân kì ngộ diễn ca, Thất điều trần, Đạo đức và luân lí Đông Tây…

Đoạn trích Về luân lí xã hội ở nước ta nằm ở phần ba của tác phẩm Đạo đức và luân lí Đông Tây.

II. Văn bản (SGK)

1. Cấu trúc và chủ đề tư tưởng của đoạn trích.

- Bố cục được chia làm 3 đoạn:

+ Đoạn 1: Khẳng định nước ta chưa có luân lí xã hội, mọi người chưa có ý niệm gì về luân lí xã hội.

+ Đoạn 2: Sự thua kém về luân lí xã hội của ta so với phương Tây.

+ Đoạn 3: Chủ trương truyền bá chủ nghĩa xã hội (CNXH) cho người Việt Nam.

- Ba phần của bài luận thuyết liên hệ chặt chẽ với nhau theo mạch diễn giải: Hiện trạng chung, biểu hiện cụ thể, giải pháp.

- Chủ đề tư tưởng của đoạn trích là cần phải truyền bá CNXH ở Việt Nam để gây dựng đoàn thể vì sự tiến bộ, hướng tới mục đích giành độc lập, tự do.

2. Cách vào đề của đoạn trích.

- Bài viết được tác giả trình bày trong buổi diễn thuyết tại nhà Hội Thanh niên ở Sài Gòn vào đêm 19/11/1925, cách đặt vấn đề của tác giả thẳng thắn, gây ấn tượng mạnh cho người nghe. Vấn đề được trình bày và khẳng định là: Ở Việt Nam chưa có luân lí xã hội.

- Để tránh người nghe ngộ nhận về sự hiểu biết của họ về vấn đề này, tác giả dùng cách nói phủ định "Xã hội luân lí thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến, so với quốc gia luân lí thì người mình còn dốt nát hơn nhiều". Lường trước khả năng hiểu đơn giản hay xuyên tạc vấn đề của nhiều người, tác giả đã khẳng định "Một tiếng bè bạn không thể thay cho xã hội luân lí được, cho nên không cần cắt nghĩa làm gì".

3. Tác giả đã so sánh điều gì của Việt Nam với Pháp?

- Trong phần 2, tác giả đã so sánh luân lí xã hội ở Việt Nam với Pháp, với châu Âu. Theo tác giả, quan niệm, nguyên tắc cốt yếu của luân lí xã hội là ý thức nghĩa vụ giữa người với người, là người này với người kia, mỗi người với mọi người, cá nhân với cộng đồng.

- "Cái xã hội chủ nghĩa bên Âu châu" là xã hội đề cao dân chủ, coi trọng sự bình đẳng của con người, không chỉ quan tâm đến từng gia đình, quốc gia mà còn cả thế giới.

- "Bên Pháp, mỗi khi người có quyền thế, hoặc chính phủ, lấy sức mạnh mà đè nén quyền lợi riêng của một người hay một hội, thì người ta hoặc kêu nài, hoặc chống cự, hoặc thị oai, vận dụng kì cho đến được công bình mới nghe". Nguyên nhân của hiện tượng đó là "vì người ta có đoàn thể, có công đức" (ý thức sẵn sàng làm việc chung, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau và tôn trọng quyền lợi của người khác).

- Còn "bên mình" thì "Người nước ta không hiểu cái nghĩa vụ loài người ăn ở với loài người", không biết cái nghĩa vụ của mỗi người đối với nhau, dẫn đến tình trạng ai sống chết mặc ai, người này không biết quan tâm đến người khác.

- "Đi đường gặp người bị tai nạn, gặp người yếu bị kẻ mạnh bắt nạt cũng ngơ mắt đi qua, hình như người bị nạn khốn ấy không can thiệp gì đến mình". Có hiện tượng ấy là do "người nước mình" thiếu ý thức đoàn thể.

4. Tác giả đả kích chế độ vua quan chuyên chế ra sao?

- Ở các đoạn sau của phần 2, tác giả đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng dân không biết đoàn thể, không trọng công ích.

- Tác giả khẳng định, từ hồi cổ sơ, ông cha ta cũng đã có ý thức đoàn thể, cũng biết đến công ích (việc lợi chung), biết "góp gió thành bão, giụm cây làm rừng". Nhưng rồi lũ vua quan phản động, thối nát "ham quyền tước, ham bả vinh hoa", "muốn giữ túi tham mình được đầy mãi" nên tìm cách "phá tan tành đoàn thế của quốc dân".

- Tác giả hướng mũi nhọn đả kích vào những "bọn học trò", "kẻ mang đai đội mũ", "kẻ áo rộng khăn đen”, "bọn quan lại", "bọn thượng lưu", "đám quan trường"... qua cách gọi tên, có thể thấy sự căm ghét cao độ của Phan Châu Trinh với tầng lớp quan lại.

- Bọn chúng không quan tâm đến cuộc sống của nhân dân, dân càng tối tăm, khốn khổ thì chúng càng dễ bề thống trị, dễ bề vơ vét. Để thêm giàu sang phú quý, chúng "rút tỉa của dân", "lấy lúa của dân mua vườn sấm ruộng, xây nhà làm cửa...".

- Dân không có ý thức đoàn thể nên chúng lộng hành "cũng không ai phẩm bình, không ai chê bai". Thấy làm quan lợi lộc đầy đủ mà không bị tố cáo, lên án, đánh đổ, nên bọn người xấu đua nhau tìm đủ mọi cách "nào chạy ngược nào chạy xuôi" để được làm quan "đặng ngồi trên, đặng ăn trước, đặng hống hách thì mới thôi".

- Theo tác giả, chế độ vua quan chuyên chế vô cùng tồi tệ, cần phải phủ định triệt để "Có những kẻ mang đai đội mũ ngất ngưởng ngồi trên, có kẻ áo rộng khăn đen lúc nhúc lạy dưới"; "Những bọn quan lại… là lũ ăn cướp có giấy phép vậy".

- Tác giả khẳng định, chỉ có xóa bỏ chế độ vua quan chuyên chế, gây dựng tinh thần đoàn thể vì sự tiến bộ, "truyền bá chủ nghĩa xã hội" mới là con đường đúng đắn, tất yếu để nước Việt Nam có tự do, độc lập.

5. Cách kết hợp yếu tố biểu cảm với nghị luận trong đoạn trích.

- Nổi bật trong bài văn là yếu tố nghị luận; cách lập luận chặt chẽ, logic, chứng cứ cụ thể, xác thực; giọng văn mạnh mẽ hùng hồn; biểu hiện lí trí tỉnh táo, tư duy sắc sảo.

- Tác giả phát biểu chính kiến không chỉ bằng lí trí mà còn bằng trái tim dạt dào cảm xúc, thấm thía nỗi xót đau trước tình trạng tăm tối, thê thảm của xã hội Việt Nam đương thời. Điều đó biểu hiện ở những câu cảm thán "Thương hại thay!... Dân khôn mà chi! Dân ngu mà chi!.”; những cụm từ ẩn chứa tình đồng bào, tình dân tộc sâu nặng, thắm thiết (người nước ta, người trong nước, người mình, ông cha mình, anh em, người trong một làng đối với nhau…).

- Lời văn nhẹ nhàng, từ tốn “Là vì người ta có đoàn thể, có công đức biết giữ cái lợi chung vậy... Đã biết sống thì phải bênh vực nhau, ông cha mình ngày xưa cũng đã hiểu đến...". Những yếu tố biểu cảm làm cho lí lẽ của bài diễn thuyết tăng thêm sức thuyết phục, lay chuyển mạnh mẽ nhận thức và tình cảm ở người nghe.

Từ khóa » đạo đức Và Luân Lý đông Tây