Về Mức Phí đường Cao Tốc TP. HCM - Trung Lương

Xe ôtô đang lưu thông trên đường cao tốc TP HCM-Trung Lương. Ảnh: Chinhphu.vn

Hơn 10 ngày qua, ngoài việc thực hiện thu phí trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CPIM) cũng đã tổ chức đếm xe và khảo sát tình hình giao thông trên tuyến quốc lộ 1A, đồng thời cho tổng hợp các ý kiến phản ánh của báo chí, ý kiến của các nhà chuyên môn. Trên cơ sở đó trong thời gian tới CIPM sẽ phân tích và có đề xuất đến cấp có thẩm quyền.

2 ưu điểm nổi trội

Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương là một bộ phận của Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, thuộc hệ thống đường trục cao tốc Bắc - Nam. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/giờ, với quy mô 8 làn xe (giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 4 làn xe). Tổng kinh phí đầu tư 9.884 tỷ đồng.

Được đưa vào khai thác từ tháng 2/2010, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương là tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam dành riêng cho ôtô, đáp ứng cho khoảng 50.000 lượt xe qua lại mỗi ngày. Với việc đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc này, thời gian từ TP Hồ Chí Minh đi Tiền Giang được rút ngắn chỉ còn khoảng 30 phút thay vì 90 phút như trước đây. Đây là ưu điểm rất lớn cho việc chạy xe.

Ưu điểm thứ hai là tuyến đường đã góp phần giảm áp lực giao thông ở cửa ngõ phía Tây TP Hồ Chí Minh, thúc đẩy phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa - xã hội của các địa phương có tuyến đường đi qua và toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Sau 2 năm đi vào hoạt động, ngày 25/2/2012, CIPM chính thức thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đối với các phương tiện giao thông lưu thông trên tuyến đường cao tốc này.

Trên toàn tuyến được bố trí 4 trạm thu phí, trong đó 2 trạm chính là Chợ Đệm và Thân Cửu Nghĩa (đầu và cuối tuyến cao tốc) và 2 trạm phụ Bến Lức và Tân An.

Căn cứ thông tư số 14/2012/TT-BTC ngày 7/2/2012 của Bộ Tài chính, CIPM thu phí trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương theo số “km” phương tiện chạy trên đường với các mức cụ thể 1.000 đồng/km, 1.500 đồng/km, 2.200 đồng/km, 4.000 đồng/km và 8.000 đồng/km cho từng loại xe khác nhau.

Theo đó, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận chuyển công cộng có mức phí 10.000 - 40.000 đồng.

Xe từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe tải có trọng tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có mức phí 15.000 - 60.000 đồng. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có trọng tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 22.000 - 88.000 đồng.

Đối với xe tải có trọng tải từ 10 đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet sẽ là 40.000 - 160.000 đồng. Xe tải từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet mức phí là 80.000 - 320.000 đồng.

Lượng lưu thông: Xe tải nặng có giảm nhưng xe du lịch, xe tải nhẹ và trung tăng

Liên quan đến việc thu phí tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương những ngày qua, nhiều ý kiến cho rằng mức phí mà CIPM áp dụng hiện nay quá cao, nhất là mức phí đối với xe tải trên 18 tấn hoặc xe chở hàng bằng container 40 feet.

Tuy nhiên, ngày 6/2, ông Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc CIPM trả lời phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ cho biết Đề án thu phí đường ô tô cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương do Công ty Phát triển đường cao tốc (BEDC) thuộc Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) tính toán trên cơ sở tổng mức đầu tư là 9.884 tỷ đồng và thời hạn thu phí là 25 năm. Với điều kiện đầu vào như vậy nên BEDC đã xác định đơn giá cho 1km/xe tiêu chuẩn là 1.000 đồng.

Đơn giá này đã được Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính thẩm định, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long là đơn vị thực hiện sau khi nhận bàn giao lại từ BEDC.

Theo ông Dương Tuấn Minh, ngày đầu thu phí số lượng xe qua tuyến cao tốc khoảng 17.900 xe, các ngày tiếp theo khoảng 18.000 xe và các ngày gần đây đạt 20.000 xe/ngày đêm. So với thời gian trước khi thu phí thì lượng xe tải nặng có giảm một ít, tuy nhiên số xe du lịch, xe tải nhẹ và trung lại tăng.

Hơn 10 ngày qua, ngoài việc thực hiện thu phí trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, CIPM cũng đã tổ chức đếm xe và khảo sát tình hình giao thông trên tuyến quốc lộ 1A, đồng thời cũng đang cho tổng hợp các ý kiến phản ánh của báo chí, ý kiến của các nhà chuyên môn.

Trên cơ sở đó trong thời gian tới CIPM sẽ phân tích và có đề xuất đến cấp có thẩm quyền. Mục đích cuối cùng là giúp cho việc giao thông được thuận tiện, đảm bảo an toàn và khai thác có hiệu quả tuyến đường cao tốc này.

Mạnh Hùng

Từ khóa » Giá Vé Cao Tốc Hcm Trung Lương