VỀ NHỮNG LOẠI HÌNH TIỀN GIẤY TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ
Có thể bạn quan tâm
Tiền là một loại hàng hoá đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nhân loại. Bên cạnh chức năng là phương tiện thanh toán phục vụ trao đổi hàng hoá và dịch vụ của một quốc gia hay một nền kinh tế thì tiền còn mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc - phản ánh sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của một quốc gia, một dân tộc trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.
Tại Bảo tàng Quảng Trị, hiện đang trưng bày sưu tập tiền gồm các loại hình và mệnh giá khác nhau được phát hành, lưu thông qua các giai đoạn lịch sử. Trong đó có 53 hiện vật là tiền giấy Đông Dương và Việt Nam dân chủ cộng hoà được phát hành từ năm 1929 đến 1954. Trong bộ sưu tập tiền của Bảo tàng Quảng Trị tiền giấy có sớm nhất là tiền Đông Dương do Pháp in ấn. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh cho phép Bộ tài chính phát hành “Giấy bạc Việt Nam” cùng lưu hành với tiền giấy Đông Dương. Đó là những loại hình tiền giấy đầu tiên được in ấn, lưu hành rộng rãi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung.
1. Nhóm tiền giấy Đông Dương gồm các mệnh giá
Một đồng/Une Piastre (2 tờ)
Tiền giấy loại một đồng có dạng hình chữ nhật, nền giấy màu trắng đục, mực màu xanh nhạt và đỏ, kích thước 12cm x 19cm. Mặt trước, phía trên là hàng chữ “Institut D’emission des Etats Du Cambodge, Du Laos et Du Viet Nam’’; ở giữa ngoài mệnh giá tiền in bằng tiếng Pháp “Une piastres” là hình tượng 3 cây gỗ cao lớn thẳng đứng, phía dưới là rừng cây thấp hơn. Mặt sau, ở giữa là hình tượng ngọn nến, bên trái là hình ảnh ngôi chùa Luang Prabang (Lào) với ba tầng mái màu đỏ, bên phải in chìm hình một con voi; viền dưới là hàng chữ ghi mệnh giá tiền bằng 3 thứ tiếng Việt - Miên - Lào.
Hai chục bạc/Vingt Piastres (1 tờ)
Tiền giấy hai chục bạc hình chữ nhật với kích thước 21.3cmx14.3cm, trang trí bằng nhiều màu sắc khác nhau. Mặt trước, phía trên là hàng chữ “Banque De L' Indochine”; ở giữa in hình ảnh một người phụ nữ tay phải nâng trái đào, tay trái cầm một nhánh ô liu; bên trái in chìm hình ảnh một người đàn ông đầu đội khăn đóng tay cầm giáo; bên phải là chữ ký của Tổng thống Pháp và Thống đốc ngân hàng, liền dưới là con số “20”. Mặt sau là biểu tượng tháp Bayon với vị thần bốn mặt ở Angkor và hai hàng chữ Hán "Nhị thập nguyên" và "Đông phương hối lý Ngân hàng".
Giấy Hai chục đồng vàng/Vingt Piastres (1 tờ)
Giấy Hai chục đồng vàng có dạng hình chữ nhật, kích thước 8,6 x 16cm, nền màu trắng đục, mực màu nâu. Mặt trước, phía trên là hàng chữ “Banque De L'Indochine” và mệnh giá tiền in bằng số “20”; chiếm hết khung giữa là hình ảnh bà đầm đội vương miện hai tay nâng vòng nguyệt quế, bên trái có chữ ký của Tổng thống và Thống đốc ngân hàng cùng mệnh giá tiền viết bằng tiếng Pháp “Vingt Piastres”; bên phải in hình bà đầm chìm. Mặt sau, ở giữa in hình ảnh bà đầm đội vương miện tay nâng vòng nguyệt quế; bên trái in hình bà đầm chìm và 2 con sư tử; bên phải là 2 hàng chữ Hán và Miên; mép dưới là dòng chữ ghi mệnh giá tiền “Giấy hai chục đồng vàng”.
Một trăm bạc/Cent Piastres (1 tờ)
Tiền giấy bạc có kích thước tương đối lớn 21.3cm x 14.3cm, trang trí bằng nhiều màu sắc khác nhau. Mặt trước, chiếm hầu hết không gian trang trí là biểu tượng Phường Môn phía trước Điện Thái Hòa (kinh thành Huế), ngay trên cổng chính là hàng chữ “Cent Piastres”; bên trái có in hình chiếc lư; bên phải in chìm tượng bán thân người đàn ông đầu đội khăn đóng; phía trên in hàng chữ “Banque De L'Indochine”. Mặt sau, trung tâm là hình tượng bán thân của Tổng thống Pháp và hàng chữ Hán với nội dung “Đông phương hối lý Ngân hàng”, ở hai bên đề mệnh giá tiền viết bằng 3 loại chữ Việt - Hán - Miên, mệnh giá tiền viết bằng số “100” ở chính giữa mép trên.
Hai trăm đồng/Deux Cents Piastres (1 tờ)
Tiền giấy loại 200 đồng kích có kích thước lớn 20.5cm x 11.2cm, màu xanh - nâu -hồng, chữ được in bằng mực màu đỏ. Mặt trước, ở giữa in cổng ngôi chùa, bên trái là hình ảnh Bảo Đại mặc âu phục, bên phải ghi mệnh giá tiền bằng 3 thứ tiếng Việt - Miên - Lào; mép trên là hàng chữ “Viện phát hành” và mệnh giá tiền bằng số “200”; mép dưới ghi hàng chữ “Hình luật phạt khổ sai những kẻ nào làm giả mạo giấy bạc do viện phát hành Việt Nam - Cao Miên và Ai Lao phát ra”. Mặt sau, ở giữa là ngôi đền Angko - một biểu tượng của đất nước Campuchia, bên trái là hình ảnh con voi to lớn, bên phải hình hai con trâu và người nông dân đang cày trên đồng ruộng; phía trên, ở giữa là các hàng chữ “Institut D’émission des États Du Cambodie, Du Laos et Du Viet Nam - Deux Cent Piastres”, ở hai góc ghi mệnh giá tiền bằng số ‘‘200’’.
Giấy năm trăm đồng vàng/Cinq Cents Piastres (1 tờ)
Tiền giấy loại 500 đồng vàng có kích thước vừa phải 18cm x 7.8cm, màu xanh vàng. Mặt trước, trung tâm là bức ảnh 6 người đàn ông đang tát nước bằng gàu giai bên cạnh mái đình, cây đa; phía trên in hàng chữ “Banque De L'Indochine” phía dưới là hàng chữ “Cinq cent piastres”. Mặt sau, trung tâm là hình con rồng vàng ẩn mình trong mây; hai bên ghi mệnh giá tiền bằng số “500”, dưới số 500 bên trái là hai dòng chữ Hán "Ngũ bách nguyên", dưới số 500 bên phải là dòng chữ Miên; gần với viền ngoài phía trên là dòng chữ Hán "Đông phương hối lý Ngân hàng" và phía dưới ghi mệnh giá Giấy năm trăm đồng vàng. Mép dưới ở cả hai mặt của tờ tiền có hàng chữ Phạm Ngọc Khuê (ở góc trái) và gốc phải là I. D.E.O Hà Nội (1).
Giấy năm trăm đồng/Cinq Cents Piastres (1 tờ)
Tiền giấy loại 500 đồng có kích thước lớn 18.9 cm x 10.3cm, màu trắng đục. Mặt trước, trung tâm là hình ảnh người phụ nữ và đứa trẻ đang nghiên cứu quả địa cầu; viền ngoài phía trên là hàng chữ “Banque De L'Indochine” ở giữa và hai góc ghi mệnh giá tiền bằng số “500”, chữ và số được in mực màu xanh và đóng trong khung hình chữ nhật; ô bên trái in mệnh giá tiền bằng tiếng Pháp “Cinq Cent Piastres”; bên phải in chìm hình ảnh người phụ nữ có thể nhìn thấy ở cả 2 mặt tiền. Mặt sau, trung tâm cũng là hình ảnh người phụ nữ và đứa trẻ đang nghiên cứu quả địa cầu (như mặt trước nhưng ngược chiều), phía sau là hai con voi to lớn; bên phải là hai hàng chữ Hán "Đông phương hối lý Ngân hàng" và "Ngũ bách nguyên"; mép trên của tờ tiền in mệnh giá bằng chữ “Năm trăm đồng” (ở giữa) và bằng số “500” (ở hai phía) đóng trong khung hình chữ nhật, chữ và số được in bằng mực màu đỏ.
2. Nhóm tiền giấy Việt Nam gồm các mệnh giá
Giấy một đồng (2 tờ)
Tiền giấy 1 đồng kích thước 6,4cm x 11,4cm, in bằng mực màu xanh lục trên nền giấy màu trắng đục. Mặt trước, chính giữa là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; hai bên in mệnh giá của tờ giấy bạc bằng số “1” và chữ ký của giám đốc ngân khố Trung ương, Bộ trưởng bộ Tài chính; phía trên là 2 dòng chữ Việt và Hán với nội dung“Việt Nam dân chủ cộng hoà”; viền dưới là dòng chữ “Giấy một đồng”. Mặt sau, ở giữa in hình ảnh người nông dân đang cấy lúa ở bên trái và mệnh giá tiền bằng số “1” ở bên phải ; ở 4 góc in mệnh giá tiền bằng số “1”; phía trên có hàng chữ “Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam, kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá hoại tờ giấy bạc của chính phủ sẽ bị trừng trị theo quân pháp”; phía dưới là dòng chữ “Giấy một đồng”.
Giấy năm đồng (2 tờ)
Giấy năm đồng có dạng hình chữ nhật, in bằng mực màu đỏ trên nền giấy trắng đục, kích thước 6,1cm x 12,5cm, các hoạ tiết hoa văn trên giấy bạc được bố cục theo chiều dọc. Mặt trước, trung tâm là dòng chữ “Giấy năm đồng’, phía trên là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía dưới đề mệnh giá tiền bằng số “5”; mép trên là dòng chữ Hán “Việt Nam dân chủ cộng hoà”; bốn góc in mệnh giá tiền bằng số “5”. Mặt sau, bốn góc in mệnh giá tiền bằng số “5”, khung chính bên trong được thể hiện với các nội dung: phía trên in dòng chữ “Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam, kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá hoại tờ giấy bạc của chính phủ sẽ bị trừng trị theo quân pháp” và mệnh giá tiền bằng số “5”; phía dưới là chữ ký của Giám đốc Ngân khố Trung ương và Bộ trưởng Bộ Tài chính và hình ảnh người phụ nữ ôm bó lúa và bé trai, sát viền dưới là dòng chữ “Năm đồng”.
Năm đồng (3 tờ), gồm hai loại hình:
Loại thứ nhất: gồm 2 đồng, kích thước tương đối lớn 8cm x 15cm, nền màu trắng đục, in mực màu nâu. Mặt trước, khung bên trong in Quốc huy và mệnh giá tiền bằng chữ “Năm đồng” (bên trái), chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh (bên phải) trên khung nền là cánh đồng có 3 chiếc máy cày đang làm đất; vền trên in hàng chữ “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa’’, viền dưới là hàng chữ “Ngân hàng quốc gia Việt Nam”. Mặt sau, bên trong là quang cảnh khai thác than bằng máy và xe cơ giới, viền trên in hàng chữ “Ngân hàng quốc gia Việt Nam”, viền dưới in mệnh giá tiền bằng chữ “Năm đồng” và năm phát hành “1958”.
Loại thứ hai: gồm 1 đồng, kích thước 8cm x 12,5cm, nền màu trắng đục, in bằng mực màu xanh. Mặt trước, bên phải là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và mệnh giá tiền bằng số “5”, liền phía trên có hàng chữ “Giấy bạc Việt Nam”; bên trái là dòng chữ “Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam, kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá hoại tờ giấy bạc của chính phủ sẽ bị trừng trị theo quân pháp” và mệnh giá tiền viết bằng chữ “Năm đồng”. Mặt sau, bên trái là hình ảnh người công nhân đang lao động tại nhà máy; bên phải là chữ kí của Giám đốc Ngân khố Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính và mệnh giá tiền bằng số “5”; phía trên ghi hàng chữ “Việt Nam dân chủ cộng hoà”, liền dưới là hàng chữ “Giấy bạc Việt Nam”; phía dưới ghi mệnh giá tiền dưới ghi mệnh giá tiền bằng chữ “Năm đồng”.
Mười đồng (1 tờ)
Tiền giấy Mười đồng có kích thước 6,2cm x 11,8cm nền màu trắng đục, in bằng mực màu nâu. Mặt trước, bên trái in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; bên phải ghi mệnh giá tiền bằng số “10”, phía trên là hai hàng chữ Việt và Hán“Việt Nam dân chủ cộng hoà”, phía dưới ghi mệnh giá tiền bằng chữ “Mười đồng”. Mặt sau, chính giữa là quang cảnh làng quê, đồng ruộng, người nông dân cày cấy và mệnh giá tiền bằng số “10”; viền trên là hàng chữ “Ngân hàng quốc gia Việt Nam”, góc trái in hình ngôi sao đóng trong khung tròn; phía dưới ở góc phải ghi mệnh giá tiền bằng chữ “Mười đồng” và hai chữ Hán ‘‘Thập nguyên’’.
Hai mươi đồng (5 tờ), gồm hai loại hình:
Loại thứ nhất: gồm 4 tờ với kích thước 5,7cm x 13,7cm, nền giấy màu trắng đục, mặt trước in bằng mực màu xanh, mặt sau màu nâu. Mặt trước, bên trái in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh kèm theo hàng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh”; ở giữa in mệnh giá tiền “20 đồng” bên phải in mệnh giá tiền bằng chữ “Hai mươi đồng”, các dòng chữ “Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam, kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá hoại tờ giấy bạc của chính phủ sẽ bị trừng trị theo quân pháp” và chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Giám đốc Ngân khố Việt Nam; viền trên là hàng chữ “Việt Nam dân chủ cộng hoà”. Mặt sau, ở giữa là hình ảnh nữ nông dân bên bó lúa và hai công nhân đang đập búa đe, phía sau là hình ảnh mặt trời đang nhô lên; phía trên là hàng chữ “Giấy bạc Việt Nam”; bên phải in mệnh giá tiền bằng chữ “Hai mươi đồng” và số “20”; góc trên bên trái in mệnh giá tiền bằng số “20”.
Loại thứ 2: gồm 1 tờ, có kích thước 6,2cm x 12cm, nền màu trắng đục, mực màu nâu. Mặt trước, bên trái in chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh; bên phải ghi mệnh giá của tờ bạc cả chữ lẫn số chồng lên nhau; phía trên là hai hàng chữ Việt và Hán với nội dung “Việt Nam dân chủ cộng hoà”; phía dưới có 2 dấu đỏ của Ngân hàng quốc gia Việt Nam, khoảng giữa hai dấu là ba chữ Hán ‘‘Nhị thập nguyên’’. Mặt sau, khung chính bên trong mô tả quang cảnh của một bến thuyền trên dòng sông và hình ảnh anh bộ đội nhìn về phía bến đò, viền trên in dòng chữ “Ngân hàng quốc gia Việt Nam”, chính giữa viền dưới ghi năm phát hành “1951”, ở hai viền trái và phải là mệnh giá tiền bằng số “20”.
Năm mươi đồng (12 tờ), gồm hai loại hình:
Loại thứ nhất: gồm 9 tờ, tiền hình chữ nhật, nền màu trắng đục, mực màu xanh đậm, kích thước 6,5cm x 13,2cm. Mặt trước, bên trái in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh kèm theo dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” phía trên và 3 dòng chữ “Việt Nam dân chủ cộng hoà” bên dưới; bên phải, phía trên là dòng chữ lớn ghi mệnh giá tiền “Năm mươi đồng”, ở giữa là các dòng chữ nhỏ đề “Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam, kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá hoại tờ giấy bạc của chính phủ sẽ bị trừng trị theo quân pháp”; phía dưới là chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Giám đốc Ngân khố Quốc gia và dòng chữ lớn “Giấy bạc Việt Nam”. Ở hai mép trái và phải của tờ bạc có in hình 2 con phụng hướng đầu vào trong cùng với mệnh giá tiền viết bằng số “50”. Mặt sau, khung chính bên trong mô tả hình ảnh người công nhân vai vác búa, tay mang cuộn dây, anh nông dân tay ôm bó lúa, người phụ nữ tay bồng đứa trẻ, bên cạnh có thiếu niên đang ngồi đọc sách, bên dưới là ghi mệnh giá tiền ‘‘Năm mươi đồng’’ ở hai mép trái và phải in hình 2 con rồng và mệnh giá tiền bằng số “50”.
Loại thứ hai: gồm 3 tờ, tiền hình chữ nhật, nền màu trắng đục, mực màu xanh, kích thước 6,8cm x 12,6cm. Mặt trước, bên phải in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khung bầu dục, bên trái ghi mệnh giá của tờ tiền bằng chữ “Năm mươi đồng” và số “50”; viền trên là hàng chữ “Việt Nam dân chủ cộng hoà”, liền dưới là dòng chữ Hán có cùng nội dung; phía dưới có 2 dấu của Giám đốc và Phó giám đốc của Ngân hàng quốc gia Việt Nam. Mặt sau, khung chính bên trong thể hiện 2 nội dung là quanh cảnh bộ đội giúp dân gặt lúa và mệnh giá tiền bằng số “50”; phía trên ghi dòng chữ “Ngân hàng quốc gia Việt Nam”, phía dưới ghi năm phát hành “1951”.
Một trăm đồng (14 tờ), gồm hai loại hình:
Loại thứ nhất: gồm 4 tờ, tiền có dạng hình chữ nhật, nền màu trắng đục, mực màu nâu đỏ, kích thước 7,5cm x 16cm. Mặt trước, trung tâm là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và hình ảnh gia đình nông dân ở hai bên, góc trên bên trái ghi “Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam, kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá hoại tờ giấy bạc của chính phủ sẽ bị trừng trị theo quân pháp”; viền trên là dòng chữ “Việt Nam dân chủ cộng hoà”, viền dưới là hàng chữ Hán có cùng nội dung, 2 góc hai bên ghi mệnh giá tiền bằng số “100” kèm theo có 3 chữ Hán “Nhất bách nguyên”. Mặt sau, ở giữa là hình ảnh thể hiện nội dung “diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, viền trên là dòng chữ “Giấy bạc Việt Nam’’, viền dưới ghi mệnh giá tiền bằng chữ “Một trăm đồng”, ở 3 góc ghi mệnh giá đồng tiền bằng số “100”.
Loại thứ hai: gồm 10 tờ, tiền có dạng hình chữ nhật, nền màu trắng đục, mực màu xanh, kích thước 6,1cm x 12,1cm. Mặt trước, bên phải in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; bên trái ghi mệnh giá của tờ tiền bằng số “100” và bằng chữ “Một trăm đồng”; phía trên là hàng chữ “Việt Nam dân chủ cộng hoà” bằng tiếng Việt, liền dưới là hàng chữ Hán có cùng nội dung. Mặt sau, khung chính bên trong là hình ảnh một công binh xưởng đang chế tạo vũ khí, hai bên có in mệnh giá tiền bằng số “100”; viền trên ghi dòng chữ “Ngân hàng quốc gia Việt Nam”, ở rìa trái có ghi năm phát hành “1951”.
Hai trăm đồng (2 tờ), gồm 2 loại hình:
Loại thứ nhất: 1 tờ, tiền hình chữ nhật, nền màu trắng đục, mực màu đỏ nâu, kích thước 6,5cm x 12,5cm. Mặt trước, bên trái in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên phải hình ảnh lực lượng quân đội đang luyện tập trên thao trường, viền trên là hàng chữ “Việt Nam dân chủ cộng hoà” bằng tiếng Việt, liền dưới là hàng chữ Hán có cùng nội dung; phía dưới ghi mệnh giá tiền bằng chữ “Hai trăm đồng” và mệnh giá tiền bằng số “200”. Mặt sau, khung chính bên trong thể hiện 2 nội dung: bên trái là quang cảnh bộ đội cùng nhân dân đang gánh lúa về làng, bên phải là đề mệnh giá tiền bằng số ‘‘200’’ trong khung tròn; ở 3 góc ghi mệnh giá tiền bằng số “200”, viền trên ghi dòng chữ “Ngân hàng quốc gia Việt Nam”, viền dưới ghi năm phát hành “1951”.
Loại thứ hai: 1 tờ, nền giấy màu trắng đục, mực màu nâu và xanh nhạt, kích thước 6,3cm x 15,6cm. Mặt trước, bên phải là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên trái là chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng giám đốc ngân khố Việt Nam và mệnh giá tiền bằng số ‘‘200’’, ở giữa là các dòng chữ “Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam, kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá hoại tờ giấy bạc của chính phủ sẽ bị trừng trị theo quân pháp”, liền dưới là bốn chữ ‘‘Giấy bạc Việt Nam’’; viền trên là dòng chữ “Việt Nam dân chủ cộng hoà” bố cục theo hình sóng nước, viền dưới là dòng chữ ‘‘Hai trăm đồng’’, góc phải đề mệnh giá tiền bằng số ‘‘200’’. Mặt sau, in hình anh bộ đội tay cầm súng để bảo vệ mùa màng cùng với khung cảnh nông đan đang gặt lúa và gánh lúa về làng.
Năm trăm đồng (2 tờ)
Tiền giấy Năm trăm đồng có dạng hình chữ nhật, nền màu trắng đục, mực màu xanh, kích thước 8,4cm x 14,7cm. Mặt trước, bên trái in chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh, bên phải in hình ảnh bộ đội đang kéo pháo vào trận địa, phía trên là hàng chữ “Việt Nam dân chủ cộng hoà” bằng tiếng Việt, liền dưới là hàng chữ Hán có cùng nội dung, phía dưới ghi mệnh giá tiền bằng chữ “Năm trăm đồng” và mệnh giá tiền bằng số “500” ở hai góc. Mặt sau, khung chính bên trong thể hiện hoạt động khai hoang phục hóa và mệnh giá tiền viết bằng số “500”; hai góc trên ghi mệnh giá tiền bằng số “500”, phía trên ghi dòng chữ “Ngân hàng quốc gia Việt Nam”, chính giữa viền dưới ghi năm phát hành tờ bạc “1951”.
Một nghìn đồng (1 tờ)
Tiền giấy Một nghìn đồng có dạng hình chữ nhật, nền màu trắng đục, mực màu nâu, kích thước 7,9cm x 14,3cm. Mặt trước, bên trái là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; bên phải là hình ảnh bộ đội đang hành quân; phía trên là hàng chữ “Việt Nam dân chủ cộng hoà” bằng tiếng Việt, liền dưới là hàng chữ Hán có cùng nội, phía dưới ghi mệnh giá tiền bằng chữ “Một nghìn đồng”, mép phải ghi mệnh giá tờ tiền bằng 3 chữ Hán. Mặt sau, khung chính bên trong là hình ảnh công nông binh ở bên trái và mệnh giá tiền viết bằng chữ “1000” bên phải; viền trên ghi dòng chữ “Ngân hàng quốc gia Việt Nam”, viền dưới có ghi năm phát hành “1951”.
Tín phiếu năm trăm đồng (1 tờ)
Tín phiếu Năm trăm đồng được làm bằng giấy màu trắng đục, mực màu xanh, kích thước 7,3cm x 12,5cm. Mặt trước, bên phải là chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh, bên trái chữ ký của đại diện Chính phủ Trung ương và chữ ký của đại diện Uỷ ban Hành chính Trung bộ; ở giữa là biểu tượng công - nông đang làm việc, bên trên là dòng chữ ‘‘Tín phiếu năm trăm đồng” và chữ số “500” ở bên dưới; viền trên đề quốc hiệu ‘‘Việt Nam dân chủ cộng hòa’’, Mặt sau, trên nền phong cảnh miền Trung là mệnh giá tín phiếu được viết bằng chữ “Năm trăm đồng” và bằng số “500”.
Tín phiếu một nghìn đồng (1 tờ)
Tín phiếu Một nghìn đồng được làm từ giấy màu trắng đục, mặt trước mực màu nâu đỏ, mặt sau mực màu nâu đỏ và xanh dương, kích thước 6,2cm x 13,4cm. Mặt trước, bên phải là chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh, bên trái là mệnh giá tiền viết bằng số “1000” với cỡ chữ lớn; ở giữa là chữ ký đại diện của Chính phủ Trung ương và Ủy ban hành chính Trung bộ; phía trên là quốc hiệu ‘‘Việt Nam dân chủ cộng hòa’’ viết bằng hai loại chữ Việt và Hán; phía dưới là hàng chữ “Tín phiếu một nghìn đồng” với cỡ chữ lớn. Mặt sau là hình ảnh dân công đang tải đạn và mệnh giá của tín phiếu được in bằng chữ và số.
Từ những đặc điểm vừa trình bày ở trên có thể nhận thấy các hiện vật tiền giấy đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị mang đậm tính lịch sử, bởi mỗi một hiện vật đều mang trong mình những thông tin lịch sử nhất định gắn liền với lịch sử dân tộc. Mặc dù số lượng hiện vật không nhiều, loại hình chưa đầy đủ, phong phú, đặc biệt là số lượng tiền giấy Đông Dương còn ít nhưng cũng đã giúp cho chúng ta có cái nhìn rõ hơn về lịch sử tiền tệ lưu hành tại Quảng Trị và rộng hơn là trên đất nước Việt Nam qua những biến động của lịch sử dân tộc giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khởi thủy từ việc người Pháp đánh chiếm Việt Nam vào năm 1858 và kéo dài cho đến năm 1954.
Sau khi chiếm được lục tỉnh Nam Kỳ, Quốc hội Pháp ban hành đạo luật ngày 24/6/1874 quy định sự phát triển các ngân hàng thuộc địa, đến ngày 21/1/1875 thì có sắc lệnh thành lập ngân hàng Đông Dương, tiếng Pháp gọi là Banque De L' Indochine. Đến năm 1883, sau khi hoà ước Quý Mùi được ký kết, thực dân Pháp đã ép triều đình nhà Nguyễn phải cho các đồng tiền của ngân hàng Đông Dương được lưu hành song song với tiền Việt Nam trên toàn cõi Việt Nam. Vì thế Ngân hàng Đông Dương đã cho phát hành tiền giấy lần đầu tiên với 3 thứ tiếng Pháp - Anh - Hán với các mệnh giá 1 đồng bạc, 5 đồng bạc, 20 đồng bạc và 100 đồng để lưu hành trên toàn cõi Đông Dương. Như vậy, tại Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng thời kỳ này ngoài việc lưu hành tiền truyền thống của Việt Nam do triều Nguyễn đúc, còn có cả những đồng bạc của các nước như tiền Trung Quốc, đồng bạc Pháp, tiền giấy Đông Dương... tất cả đã tạo nên “một mớ hỗ lốn thật sự về tiền tệ”.
Vào những năm cuối của thập kỷ 20, người Việt đã quen dùng tiền giấy Đông Dương, tiếng quốc ngữ lại bắt đầu phát triển và ảnh hưởng kinh tế thương mại sang Lào, Campuchia nên Ngân hàng Đông Dương đã phát hành tờ giấy bạc mới với 4 thứ tiếng Pháp - Hán - Việt - Miên, khởi đầu cho bạc giấy có ghi chữ Việt và chữ Miên.
Đến năm 1930, Ngân hàng Đông Dương cho phát hành hệ thống tiền giấy mới gọi là “đồng vàng” như “Giấy một đồng vàng”, “Giấy năm mươi đồng vàng”, “Giấy hai mươi đồng vàng”… Các loại tiền giấy này lưu hành cho đến thế chiến thứ 2 khi nền kinh tế khó khăn, chính phủ Pháp đã bỏ chế độ chuyển hoán (tiền giấy không đổi ra vàng được nữa). Mặc dù vậy, loại hình tiền này vẫn được phát hành cùng với các loại tiền mới như “Giấy mười đồng”, “Giấy một trăm bạc”, “Giấy năm trăm bạc” nhưng với mẫu khác trước. Đến năm 1948, sau khi Quốc hội Pháp phê chuẩn đạo luật thu hồi quyền phát hành tiền tệ của Ngân hàng Đông Dương và thành lập Viện phát hành Liên Quốc đã cho in loại tiền giấy “Một đồng” với 3 thứ tiếng Việt - Miên - Lào. Về sau, cứ mỗi lần phát hành tiền giấy sẽ in 3 bộ tờ mặt trước hoàn toàn giống nhau nhưng 3 mặt sau thì in hình 3 nước, như loại “Une piastre” - “Giấy một đồng” của Việt Nam thì in hình quốc trưởng Bảo Đại, 1 Riel của Campuchia in hình Quốc vương Sihanouk, 1 Kip của Lào in hình Quốc vương Sisavang Vong. Và, tuy mang hình ảnh riêng của mỗi nước nhưng tất cả đều có giá trị lưu hành cả 3 nước với hối suất: 1 piastre = 1 đồng = 1 riel = 1 kip. Tất cả những loại tiền này tồn tại cho đến năm 1954, sau khi thực dân Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, chấm dứt thời kỳ đô hộ trên bán đảo Đông Dương.
Trở lại với giấy bạc Việt Nam, ngay sau khi giành được chính quyền tháng 8/1945, Đảng và Chính phủ ta đã chăm lo việc phát hành tiền để tạo lập một nền tiền tệ độc lập, tự chủ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Ngày 31/1/1946, Hồ Chủ Tịch ký Sắc lệnh 18.SL cho phép Bộ Tài chính phát hành “Giấy bạc Việt Nam” ở Nam Trung Bộ từ vĩ tuyến 16 trở vào. Các loại tiền này in trên nền giấy bổi bằng võ cây say do Sở ấn loát Tài chính Trung Bộ cùng Uỷ ban Tổng phát giấy bạc Việt Nam in ấn. Nơi chọn phát hành đầu tiên là các tỉnh Nam Trung bộ, vì ở đây không có quân đội nước ngoài chiếm đóng, chính quyền cách mạng hoàn toàn làm chủ và phong trào cách mạng của quần chúng rất mạnh. Tiền Tài chính này dần lan ra Hà Nội, nên ngày 13/8/1946 có Sắc lệnh số 154.SL cho phép tiếp tục phát hành giấy bạc Việt Nam ra miền Bắc, Trung Bộ (từ vĩ tuyến 16 trở ra), lưu hành song song với tiền giấy ngân hàng Đông Dương cũ với tỷ giá 1:1. Đến tháng 11/1946, tại kỳ họp Quốc hội thứ II, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã quyết định cho phát hành giấy bạc Việt Nam trong cả nước. Đến ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), các loại giấy bạc đã được phát hành gồm: loại 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 50 đồng,100 đồng; về sau có thêm loại 10 đồng, 200 đồng, 500 đồng. Riêng tiền 5 đồng, 20 đồng và 100 đồng có nhiều loại khác nhau do in ở các vùng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Tuy nhiên, giai đoạn này Chính phủ Pháp vẫn xem vấn đề tiền tệ thuộc chủ quyền của mình nên tuyên bố không chịu trách nhiệm gì về tiền do Việt Nam in ra. Từ đó, Chính phủ Việt nam cũng phản đối việc Pháp cho phát hành thêm tiền mới. Giữa lúc sự giao thiệp về tiền tệ giữa 2 chính phủ Việt - Pháp đang trở nên căng thẳng thì ngày 19/12/1946 Pháp nổ súng đánh chiếm nước ta trở lại, ở những vùng Pháp kiểm soát cấm lưu hành tiền giấy Hồ Chí Minh (1). Chính vì vậy giai đoạn này dân gian đã truyền tụng nhau khổ thơ:
Bạc Đông Dương kẻ thương người ghét
Bạc Cụ Hồ người nhét kẻ thu
Ra tay ta chống quân thù
Dù cho bây có đốt hết
Bạc chiến khu ta lại... chở về!
Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh ác liệt đã gây cho ta những trở ngại lớn trong việc in ấn, vận chuyển, phát hành và lưu thông đồng tiền thống nhất trong cả nước, vì vậy Chính phủ đã cho thành lập 3 khu vực tiền tệ và cho phép phát hành các đồng tiền khu vực.
Khu vực tự do Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ lưu hành tiền do Bộ Tài chính phát hành.
Khu vực Nam Trung Bộ ngày 18/7/1947, Chính phủ cho phép phát hành các loại tín phiếu ghi quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và hình ảnh Bác Hồ, nhưng có 2 chữ ký đại diện Chính phủ Trung ương và đại diện Ủy ban Hành chính Trung bộ gồm các loại 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng và 1.000 đồng với hình thức tương tự Giấy bạc Việt Nam nhưng được thay bằng chữ “Tín phiếu”.
Khu vực Nam Bộ, do chiến sự bùng nổ từ cuối tháng 9/1945 nên chưa thể phát hành tiền Trung ương. Thời gian đầu Nam Bộ phải tạm dùng tiền giấy Đông Dương nhưng đóng dấu đỏ thị thực của vùng cách mạng quản lý để sử dụng. Ngày 1/11/1947, Chính phủ đã cho phép Uỷ ban hành chính Nam Bộ phát hành các loại “Tín phiếu Nam Bộ” và “Phiếu tiếp tế” do từng địa phương (tỉnh, liên tỉnh) phát hành. Mỗi địa phương có “Tín phiếu” và “Phiếu tiếp tế” khác nhau và chỉ có giá trị lưu thông tại địa phương mình.
Đến ngày 21/3/1948, Chính phủ ra Sắc lệnh số 147.SL cho phép phát hành tại Nam Bộ và lưu hành trên toàn quốc Giấy bạc Việt Nam. Ngày 14/4/1948 đình chỉ lưu hành tiền đồng thời phong kiến. Ngày 30/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tuyên bố các loại tiền giấy bạc của ngân hàng Đông Dương không có giá trị trong vùng cách mạng.
Cuối năm 1948, chiến sự căng thẳng lại thêm nạn làm giả giấy bạc Việt Nam nên Uỷ ban Hành chính Nam Bộ quyết định ấn loát tại chỗ và phát hành tiền giấy Nam Bộ gồm các loại 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng. Nét đặc trưng trên tiền giấy này là hàng chữ “Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam, kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá hoại tờ giấy bạc của chính phủ sẽ bị trừng trị theo quân pháp”.
Ngày 6/5/1951, Hồ Chủ Tịch ký sắc lệnh cho thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam và cho phép phát hành loại giấy bạc 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng và ấn định giá trị 1 đồng do Ngân hàng quốc gia Việt Nam phát hành ăn 10 đồng do Bộ tài chính in trước đây. Việc đổi tiền mới bắt đầu tiến hành từ ngày 1/6/1951.
Ngày 20/5/1953, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 296.TTg đình chỉ các loại tiền tài chính 100 đồng, 200 đồng và 500 đồng.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, do miền Nam còn tạm thời chịu sự kiểm soát của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, nên trước khi chuyển quân tập kết ra miền Bắc theo các điều khoản của hiệp định Giơ-ne-vơ, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện chủ trương thu đổi các loại tiền của chính quyền cách mạng đã phát hành ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ nhằm bảo vệ tài sản và ổn định cuộc sống nhân dân. Đồng tiền khu vực đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và đã để lại niềm tin đối với cách mạng trong nhân dân./.
Trần Thị Nhàn
Tài liệu tham khảo
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lịch sử tiền tệ Việt Nam. Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2010.
2. Nguyễn Anh Huy. Ngân hàng Việt Nam quá trình xây dựng và phát triển. Nxb Chính trị quốc gia, 1996.
3. Nhiều tác giả. Tiền Việt Nam. Nxb Văn hóa - Thông tin, 2011.
(1) Tờ bạc được in bằng kỹ thuật khắc nổi với nhiều màu tại nhà in I. D. E. Hà Nội do nhà chạm khắc lừng danh Phạm Ngọc Khuê chế tác.
(1) Tất cả Giấy bạc Việt Nam đều có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nên dân gian gọi là tiền Cụ Hồ và đều có chữ ký hoặc đại diện Bộ trưởng Bộ Tài chính nên dân gian cũng thường gọi là tiền Tài chính
Từ khóa » Tiền đông Dương 100 đồng Vàng
-
TIỀN XƯA Đông Dương 100 Đồng Vàng Hình Gánh Muối 1945 ...
-
TIỀN XƯA Đông Dương 100 Đồng Vàng Hình Gánh Muối ... - Tiki
-
Bộ 3 Tờ Đông Dương 1 5 100 đồng Vàng
-
Mua TIỀN XƯA Đông Dương 100 Đồng Vàng Hình Gánh Muối 1945 ...
-
Tổng Hợp 5 Đồng Vàng Đông Duong Giá Rẻ, Bán Chạy Tháng 7/2022
-
TIỀN XƯA Đông Dương 100 Đồng Vàng Hình Gánh ... - Điện Máy HC
-
Đồng Bạc Đông Dương – Wikipedia Tiếng Việt
-
TIỀN XƯA Đông Dương 100 Đồng Vàng Hình Gánh Muối 1945 ...
-
Tiền Tệ Việt Nam Thời Pháp Thuộc - Báo Kinh Tế đô Thị
-
Bộ Đông Dương 1925 đến 1945, Tiền đồng Vàng Đông Dương
-
[PDF] NGÂN HÀNG ĐÔNG DƯƠNG HOẠT ĐỘNG PHÁT HÀNH TIỀN VÀ ...
-
Tiền Giấy Đông Dương
-
Mua Tiền Xưa Đông Dương 5 Đồng Vàng Piastres Gò Mối Thần ...