Về Những "Ông Trời Con"ở Việt Nam - Greenspun

Về Những "Ông Trời Con"ở Việt Nam

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread
Về Những "Ông Trời Con"ở Việt Nam

Trich tu www.lmvntd.org

Nhà dột từ trên nóc dột xuống ... Tình trạng tham nhũng tại Việt Nam đã trở thành quốc nạn và người dân không còn im hơi lặng tiếng nữa. Dân chúng khắp nơi đổ xô lên Ủy Ban Nhân Dân, lên dinh thủ tướng, lên quốc hội ... để tố cáo tham nhũng, tố cáo những bất công ngày càng chồng chất. Vụ án Thủy Cung Thăng Long đã tố cáo thẳng thừng những đầu mối tham nhũng, nêu đích danh một số cán bộ cao cấp như Phạm thế Duyệt, Ðinh Hạnh... Và huyết tâm thư của 11 cựu đảng viên đảng CSVN phổ biến vào tháng 5/98 lại bồi thêm một danh sách những đảng viên cao cấp tham nhũng và nhiều vụ tố cáo khác đã được tiếp tục phổ biến.

Nhà dột từ trên nóc dột xuống... Không phải chỉ có đảng viên tham nhũng mà gia đình của họ cũng ăn ké, đảng viên càng cao cấp thì gia đình, vợ chồng, con cái càng được hưởng nhiều ơn mưa mốc, mặc sức tung hoành với sự hỗ trợ của những chiếc ô dù thật đáng giá. Chúng ta hãy điểm lại sơ sơ những "nhân vật gia đình" của một số đảng viên cao cấp nổi tiếng của đảng CSVN. Ðúc kết này chỉ gom góp được một phần rất nhỏ trường hợp những "bà", những "cậu", những "cô" khét tiếng, không ai không thể không biết trong môi trường phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

Bà Cầm, cậu Nam, vợ và con trai cựu thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt

Ai cũng biết bà Cầm là vợ chính thức thứ hai của ông Võ Văn Kiệt. Tên tuổi bà vang lừng từ Bắc chí Nam, khắp hang cùng ngõ hẻm, từ bần dân cho tới đại phú gia, ai ai cũng biết. Bà Cầm thường được người dân trong nước nhắc đến qua câu vè "Cái bà Cầm cần ông Kiệt không có, cái ông Kiệt có bà Cầm không cần".

Câu vè này đã được Hai Cù Lần, tác giả của một bài phiếm luận được gửi đi từ trong nước trong vài tháng qua, diễn giải như sau : "Tiền mà bà Cầm cần thời ông Kiệt hổng có, những lời la lối um xùm chống tham nhũng mà ông Kiệt ưa xài thời bà Kiệt hổng cần".

Hai Cù Lần cho biết bà Cầm có cả một lũ đệ tử, toàn giám đốc công ty, hãng xưởng, liên doanh... Riêng trong công trình thiết kế đường dây tải điện Bắc Nam, bà và các đàn em đã có mặt tham gia rất nhiều hợp đồng : mua sắt, mua sứ cách điện, máy biến thế, mua cáp điện, mua xi măng, xây dựng trạm điện, cột điện... Kết quả là số tiền huê hồng ăn chia phần trăm trên các hợp đồng như thế đã giúp cho bà Cầm kiếm được không biết bao nhiêu là tiền. Hợp đồng đáng chú ý nhất là nhà nước CSVN đã ký hợp đồng mua sắt với một công ty Ðại Hàn đắt gấp đôi giá tiền đề nghị của một công ty Liên Xô cũ.

Bất cứ hợp đồng lớn nhỏ nào bà cũng đều bao thầu hết, cho nên thiên hạ đồn vợ chồng ông Võ Văn Kiệt giàu nứt vách đổ tường. Khi chương trình xây xa lộ Bắc Nam bị ngưng lại, bà tiếc hùi hụi vì đã mất đi một công trình có thể ăn dài dài từ Bắc chí Nam.

Riêng về "cậu" Nam, con riêng của ông Võ Văn Kiệt, cũng nổi tiếng trong làng buôn nhập lậu xe hơi. Cậu Nam tốt nghiệp phó tiến sĩ Liên Xô, nhưng về nước đã vứt ngay mảnh bằng để thành lập một công ty xây dựng để làm bình phong mua bán xe hơi lậu qua biên giới, con số lên đến hàng sáu, bảy trăm chiếc một lúc, con số thu vào lên tới vài chục triệu đô. Hai Cù lần cho rằng Cậu Nam còn trẻ lắm, mới xấp xỉ tứ tuần, nên những người nhìn xa trông rộng dự đoán trong chính trường tương lai, lớn nhỏ chưa biết, nhưng thể nào cũng có mặt cậu. Như thế thì cơ may làm ăn của Cậu vẫn còn hy vọng phát triển đều đặn.

Hoàng Ty, con trai đương kim thủ tướng CSVN Phan Văn Khải

Cũng ở một vị thế tương tự như cậu Nam, "cậu" Hoàn, hiệu là Ty, thường được kêu bằng Hoàn Ty, con trai đương kim thủ tướng Phan Văn Khải. Ngay từ thời cha mới nhậm chức phó thủ tướng, tiếng tăm Hoàn Ty đã nổi như cồn.

Ông Hoàn Ty này nổi tiếng ăn chơi trác táng, cầm đầu một băng đảng toàn thành phần "con ông cháu cha". Vào khoảng năm 1994-1995, xảy ra một vụ giết người ở Ðồ Sơn mà thiên hạ đồn rằng Cậu Ty là một trong những thủ phạm. Nhưng nhờ ô dù của ông bố, nên không ai dám truy tố. Một số nguồn tin hành lang còn cho rằng ông Phan Văn Khải đã phải "trục xuất" cậu Hoàng Ty ra khỏi nước một thời gian, để có "quậy" thì "quậy" ở nước ngoài, không cản trở ông bước lên ngồi ghế thủ tướng.

Ðứng về mặt thương trường trong nước, Hoàn Ty giữ một "cửa" (1) được đánh giá là chắc ăn vào bậc nhất. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam khi bắt đầu "đổi mới", doanh nhân nước ngoài hăm hở vào Việt Nam đầu tư trong các ngành ăn xổi như xây cất khách sạn, những khu giải trí như sân gôn... và họ mau chóng hiểu biết rằng muốn có chân đứng phải tìm được sự hậu thuẫn của những người đang nắm chính quyền. Sau một thời gian, họ đã tìm ra "cửa" của Hoàn Ty, vừa chắc ăn, vừa giá phải chăng. Mỗi hồ sơ đầu tư họ chỉ cần chi cho Hoàn Ty sơ sơ năm ba phần trăm là đủ, chứ không phải tới 10% như một vài cửa khác.

Ngoài ra, Hoàn Ty còn là chủ nhân hai khách sạn thật "xịn" có tên là Hoàng Gia và Planet. Mọi dễ dãi dành cho khách hàng của hai hôtel này được thông báo đến tận cửa hải quan ở phi trường : ai xuất trình giấy đặt phòng ở hai khách sạn này thì chắc chắn không bị hạch sách, xách gói đi vào như chỗ không người. Ngược lại, dù có ngoan ngoãn kẹp vài tờ giấy xanh nhỏ trong hộ chiếu, du khách vẫn có thể bị rầy rà như thường, bị bắt khai tới khai lui, có khi còn cắt giảm thời hạn visa tại chỗ.

Hai Cù Lần còn cho biết thêm là vì tăm tiếng của Cậu Hoàng Ty quá lẫy lừng nên đã bị ông bố Khải yêu quí cấm không cho tham gia ngành kinh tế nữa mà phải trở lại với nghề cũ, đó là nghề công an. Cậu Hoàn Ty mà trở về làm "bạn dân" trong hoàn cảnh này thì dân chỉ còn có nước kêu Trời không thấu.

Phương, con rể cựu tổng bí thư CSVN Ðỗ Mười.

Nhìn đồng nghiệp có con trai, có vợ tham gia kinh tế thật là "hồ hỡi, phấn khởi", ông Ðỗ Mười thì lại vô phúc, có mỗi mụn con trai tên Thắng mà cả nước đều biết hơi khùng khùng nên xếp Ðỗ Mười bèn ra tay tế độ thằng con rể yêu dấu tên Phương.

Hai Cù Lần mô tả cậu Phương như sau : ở lứa tuổi cậu Hoàn Ty, cậu Phương này cao lớn lồng lộng, về mặt đẹp trai ăn đứt cậu Hoàn Ty, còn về tài kinh doanh thời một chín một mười. Thời ông Ðỗ Mười mới lên chức tổng bí thơ, có vụ sửa sang khu vực văn phòng cho khu Liên hiệp Super Phốt phát Lâm Thao. Liên hiệp tìm cậu, nhờ xin tín dụng 10 tỉ đồng. Cậu bằng lòng giúp từ A tới Z. Trong cú áp phe đầu tay này, tổng kết lại "cậu" kiếm được trên 2 tỉ đồng...

Có vốn liếng rồi cậu mới mở rộng kinh doanh: buôn xe hơi, buôn máy công cụ, buôn địa ốc... Cậu phất lên ào ào nhờ vụ lấp ao hồ Hà Nội... Mặt ao mặt hồ rẻ thúi, gần như hổng có giá, đổ ụp mấy xe cát xuống đã thành của quý, thay tên là mặt bằng. Trong cơn sốt địa ốc, giá khởi thủy một mét vuông mặt bằng chỉ có 4 chỉ vàng, vọt cái rụp lên 1 lượng, rồi 1,5 lượng, 2 lượng, tùy theo vị trí đẹp xấu.

Phương cũng nổi tiếng trong làng nhập lậu xe hơi và hiện nay có cả chục triệu đô trong tay. Tuy nhiên, từ ngày bố vợ Ðỗ Mười sa sút thì công việc làm ăn của ông cũng có ít nhiều bị cản trở. Thời ai nấy hưởng là vậy.

"Cậu" Quang, con của phó thủ tướng CSVN Ngô Xuân Lộc

Hai Cù Lần cũng không quên khẩn khoản nhắc tới Cậu Quang, con của ngài phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc :

Cậu Quang có bằng master thứ thiệt của Anh quốc, hiện làm chủ một Công ty tư vấn đầu tư xây dựng. Tuổi xấp xỉ các cậu khác, cậu Quang nổi tiếng làm ăn có bài bản, ăn đứt các "cậu" các "cô" con các vị trong Bộ Chính Trị. Vốn liếng cậu Quang, đáng tiếc là không nhiều, chỉ chừng hơn triệu đô là cùng. Cậu được biết đến trong vụ tranh thầu xây dựng hai đường ống khí đốt từ mấy giếng ngoài biển vô Vũng Tàu, có hai hãng là Samsung và Huyndai tham gia. Samsung ra giá 124 triệu đô, Huyndai ra giá 128 triệu đô. Ai chả nghĩ Samsung thắng. Vậy mà Huyndai lại trúng thầu vì được sự ủng hộ của cậu Quang, còn cậu Quang thì lại được sự ủng hộ của ông thân sinh.

"Cậu" Tuấn Anh, con của đương kim chủ tịch nhà nước CSVN Trần Ðức Lương

Hai Cù Lần kể rằng người ta được biết tới cậu Tuấn Anh qua vụ mở rộng nhà máy điện Phả Lại. Phía Nhật đã trúng thầu trong công trình này với giá cao gấp đôi phía Nga. Nga ra giá 320 triệu đô, thu tiền bằng cách đổi hàng. Trong khi đó, Nhật ra giá 550 triệu và lo luôn phần cho vay tiền để xây cất công trình. Lê Ðức Anh tức giận trước sự vô lý này, truy hỏi Ngô Xuân Lộc thì mới biết rõ ngọn ngành. Thì ra là vì phía sau phe Nhật có cậu Tuấn Anh, con trai tân chủ tịch nhà nước CSVN Trần Ðức Lương.

"Cậu" Vịnh, con út tướng CSVN Nguyễn Chí Thanh

Người đầu tiên mà mà Hai Cù Lần nhắc đến về phía các "cậu" con các ông quan quân đội là cậu Vịnh, con út tướng Nguyễn Chí Thanh, ông tướng quá cố đã nắm quân đội sau khi cho tướng Võ Nguyên Giáp ra rìa, về nhà ngồi chơi xơi nước.

Vịnh là người "tầm cỡ" trong công ty VASUCO, kiêm giám đốc công ty TOSECO, và kiêm luôn chức Vụ Trưởng Tổng Cục Tình Báo. Công ty VASUCO là một công ty quân sự ít người biết tới, nằm ngoài sự cạnh tranh với bất cứ công ty nào, chuyên môn mua bán vũ khí cho quân đội. Nhiều con cái các tướng lãnh cũng làm việc trong công ty nầy. Công ty có 3 phòng xuất nhập khẩu: hải quân, không quân, và thiết bị phụ tùng. Gọi là xuất nhập khẩu do thói quen, chớ công ty này chỉ có nhập chớ không có xuất, trừ đôi ba lần bán võ khí cũ của Hoa Kỳ thu gom được sau năm 1975.

Vịnh lo phần trang thiết bị cho hải quân. Cậu lo từ việc mua thiết bị (chủ yếu là từ các nước Liên Xô) cho việc tu sửa, đóng mới các quân hạm, hoặc mua tàu nguyên con để tăng cường cho hạm đội. Cứ mỗi hợp đồng mua bán, Vịnh được hưởng từ 10 tới 20 phần trăm trên giá thanh toán, có khi hơn.

Chính vì được ăn hưởng quá dễ dàng nên Vịnh sẵn sàng mua máy móc mà không cần quan tâm đến chất lượng. Việc ăn chia này liên quan đến rất nhiều đầu mối ăn nằm tận bên Nga, họ phải nộp cho Vịnh hoặc các "cậu" khác từ 30 đến 50 % để chen chân vào các vụ mua bán với VASUCO. Thí dụ như máy tàu cho hải quân do các đầu nậu ở bên Nga mua về bán, mua bao nhiêu không cần biết, nhưng nếu giá bán mỗi cái là 160.000 đô thì họ thu được 110.000 đô là may. Mỗi năm, Việt Nam phải chi từ 100 tới 200 triệu đô thiết bị riêng cho hải quân. Tuy còn phải chia chác với các chủ đường dây, ta cũng đủ thấy mức thu nhập của Vịnh riêng trong lãnh vực này là bao nhiêu.

"Cậu" Diễn, con Trai đương kim tổng bí thư CSVN Lê Khả Phiêu

Người thứ hai mà Hai Cù Lần nhắc tới là cậu Diễn, con trai đương kim tổng bí thư CSVN Lê Khả Phiêu : cha cậu lên chức, cậu mới bắt đầu hoạt động mạnh trong thương trường; cậu cũng ở công ty VASUCO, cũng làm công việc nhập hàng cho hải quân. Nhưng lo cho hải quân thì đã có cậu Vịnh, lãnh thổ đã được phân chia nên không thể dẫm chân lên nhau. Do đó cậu đành thi thố tài năng trong lãnh vực xây dựng. Trong lãnh vực này, cậu kiếm được không nhiều, ký hợp đồng xong là chuyển ngay cho người khác, gọi là "ký hộ", để ăn phần trăm. Từ ngày cha cậu lên chức, cậu kiếm được giỏi lắm là sáu bảy trăm ngàn đô. So với người khác là kém.

"Ông" Công, em nguyên tổng tham mưu trưởng CSVN Ðào Ðình Luyện

Một người khá nổi tiếng khác trong giới doanh gia quân đội được Hai Cù Lần điểm danh là "ông" Công, em nguyên tổng tham mưu trưởng CSVN Ðào Ðình Luyện :

Ông Công hoạt động trên mọi mặt trận, tài giỏi hơn hẳn con cái các ông tướng đã được nhắc tới ở trên. Người ta đồn ông Công có 50 triệu gửi ở các ngân hàng nước ngoài, không kể số tài sản có sẵn ở trong nước. Ông chuyên nhập hàng cho không quân. Mà không quân ở Việt Nam hiện nay thì như trẻ con mới lớn, ăn hoài không biết no, lớn vù vù, quần áo phải luôn luôn thay mới. Ðộng cơ máy bay loại "second hand", giá tầm cỡ 100.000 đô, cũng do các tay buôn ở Nga thầu về, ký với VASUCO là 150.000 đô, phải lại quả cho VASUCO 50.000 đô. Còn các thứ bự như máy bay SU-27, giá mua 26 triệu một chiếc, cũng là second hand, mà đã là "second hand" thì chỉ có trời biết nó đáng giá bao nhiêu. Tin mật lọt ra từ VASUCO cho biết người bán phải "lại quả" 2,5 phần trăm. Tiền mua sắm tính ra cả trăm triệu, số phần trăm như vậy coi cũng được.

"Cậu" Trương Gia Bình, con rể của tướng Võ Nguyên Giáp

Nói đến Internet Việt Nam, có lẽ không thể nhắc tới công ty FPT, một trong ba công ty được phép cung cấp dịch vụ Internet trong toàn quốc. Và người sáng lập, cũng là tổng giám đốc công ty này chính là Trương Gia Bình, con rể của tướng Võ Nguyên Giáp.

Liên Xô cũ thời kỳ cuối những năm 80 bị các nước phương Tây cấm vận kỹ thuật cao nên mặc dù rất cần, nhưng không thể mua được các dàn máy điện toán tự do như họ muốn. Chính vì thế mà những người Việt Nam năng động, khôn ngoan đã dựng lên một đường dây buôn các dàn máy từ Ba Lan sang bán với lãi suất khổng lồ khó tin được. Ông con rể tướng Giáp cũng không ngu đần gì, lợi dụng ngay những quan hệ rộng rãi của ông bố vợ ký hợp đồng mua máy điện toán của công ty ý Olivetti để nhập về Việt Nam. Số máy này được chuyển về qua đường Liên Xô và khi về tới Việt Nam lại hóa ra sắt thép xây dựng, xe Uoát, hàng tiêu dùng, kim loại màu ...

Sao mà tài vậy ? Có gì đâu, máy điện toán của hãng Olivetti đã "tuột xích" ở lại Nga với giá chừng 7000 - 8000 Mỹ kim một chiếc (lãi suất gần 100 %). Số tiền bán máy quay ra mua hàng của Nga với giá ưu đãi và nhập về Việt Nam miễn thuế nên đã đem lại lợi nhuận không lồ. Chỉ trong vòng khoảng hai năm kinh doanh, Trương Gia Bình đã kiếm được khoảng ba triệu Mỹ kim, và khi thị trường nước Nga hoàn toàn mở cửa thì ông Bình cũng ôm tiền tếch về Việt Nam lập ra công ty FPT. Hiện nay ông là một trong những tay độc quyền trong hệ thống Internet Việt Nam.

Các "cô, cậu", con những cựu đảng viên CSVN thời trước

Ðến đây chúng ta đã điểm danh một số nhân vật còn đang "đâm chồi nảy lộc". Thật sự ra, chuyện tham nhũng đã có từ lâu lắm rồi, nhất là trong giai đoạn mới vừa đổi mới. Nhưng thời ấy vì bưng bít thông tin, còn bắt nạt dân đen được nên các con ông cháu cha tha hồ "ăn nhậu" mà không ai dám tố cáo.

Các "cậu" con của cựu Bộ Trưởng CSVN Trịnh Tam Tỉnh.

Qua một tài liệu do nhóm Nối Kết (2) phổ biến, người ta khám phá ra ông Trịnh Vạn Thiện, nhân vật chỉ có nửa tỉ đồng mà được phép đầu tư xây cất khu vui chơi rộng 21 hecta ở Hồ Tây, là con giòng hai của ông Trịnh Tam Tỉnh. Mà ông Tỉnh lại là bạn chiến đấu của các ông Lê Ðức Thọ, Võ Chí Công, từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Xây Dựng Cơ Bản Bộ Ðiện-Than, sau này chuyển sang bộ Năng Lượng. Nhờ địa vị và quen biết, ông đã gây dựng được cơ đồ cho các con.

Con cả của ông Tỉnh là Trịnh Ðông A, có thời là giám đốc nhà máy bán dẫn quân đội Z.181, về sau ngoi lên làm Tổng Cục Phó Tổng Cục Ðiện Tử. Khi còn ở Z.181, Ðông A kết hợp với một vài Việt kiều "yêu nước" ở Pháp kiếm chác được khá tiền trong vụ mua máy móc của Pháp trang bị cho nhà máy. Ðông A ăn đút, nhắm mắt ký bừa hợp đồng mua cả đống máy cũ lẫn mới mang về, bất chấp hiệu quả kinh tế. Năm 1985-1986 Trịnh Ðông A đã suýt bị bãi khỏi chức vụ phó tổng cục trưởng Tổng Cục Ðiện Tử. Nhiều người đã tận mắt nhìn thấy tờ quyết định miễn nhiệm Ðông A do "Phó Thủ Tướng Thường Trực" Tố Hữu ký vào chiều thứ bảy, dấu son đỏ chót, lưu hồ sơ. Thế nhưng sáng thứ hai đầu tuần, Trịnh Ðông A, mặt vẫn tươi tỉnh đến cơ quan trước con mắt ngơ ngác của văn võ bá quan. Thì ra chỉ trong ngày chủ nhật, ai đó trong Bộ Chính Trị đã kịp thời ra tay can thiệp, giúp đứa con ông Tỉnh "đội mồ sống lại" khiến cho các quan chức Tổng Cục Ðiện Tử (và ở cấp cao hơn) chỉ còn biết... nuốt nước bọt.

Nói về Trịnh Vạn Thiện, trong những năm 1985-1989 khi làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan về lập trình máy tính, Thiện học thì ít mà mua bán thì nhiều. Lúc cao hứng, Thiện kể lại chiến tích móc mối với bọn đầu cơ người Ba Lan thu gom thuốc Tây đã hết hạn sử dụng (quá đát) mang về bán lại tại Việt Nam kiếm được khá nhiều tiền. Vì thế vào năm 1990 Thiện đã xây được căn nhà khá to ở Hồ Tây. Thiện làm việc tại Viện Ðiện Tử trực thuộc Viện Kỹ Thuật Quân Sự (VKTQS).

Năm 1992 Thiện được lãnh đạo Viện Ðiện Tử cử sang Nga "thực hiện nhiệm vụ" chuyển xe máy cho người Việt Nam có tiêu chuẩn gửi về nước miễn thuế theo quyết định số 156. Số xe máy này chuyển về theo địa chỉ Viện Ðiện Tử, giao xe tại ngay sân bãi của Viện. Công ty mà Thiện thành lập tên là EITRUSS (ghép từ EIT và RUSS nghĩa là viện Kỹ Thuật Ðiện Tử tại Nga), văn phòng đặt tại căn hộ hai buồng nhỏ, tiền thuê 50 USD/tháng vừa làm văn phòng vừa làm chỗ ở.

Vào năm 1992, mỗi người Việt Nam làm việc tại nước ngoài được phép gửi một xe máy về nước miễn thuế. Giá xe máy ở ngoài thị trường tự do là 2400 USD, trong khi đăng ký mua tại Moscow, nhận tại Hà Nội chỉ nộp 2000 USD. Nhưng không phải bất kỳ ai trong số 300.000 người Việt Nam tại Nga cũng đủ tiền gửi mua xe theo tiêu chuẩn QÐ 156 nói trên. Thiện mua của Thái Công Khanh, tham tán lãnh sự tại Moscow, 50 USD/giấy chứng nhận để Viện Ðiện Tử có cơ sở nhập xe miễn thuế. Xe được bán ra theo giá tự do, tiền chênh lệch "cưa đôi" với lãnh đạo Viện. Khi mối xe máy hết chạy, Thiện quay sang mua bán phụ tùng ôtô từ Nga về Việt Nam.

"Cậu" Thành, con cố tổng bí thư CSVN Lê Duẩn.

Tài liệu của Hai Cù Lần cũng cho biết Thành Duẩn, tức là "cậu" Thành, con cố tổng bí thư CSVN Lê Duẩn cũng có được một chỗ đứng nhỏ xíu. Cậu tốt nghiệp trường hàng không Liên Xô, nhưng không phải phi công, mà là kỹ sư hàng không mặt đất. Thỉnh thoảng những người hùng mới nổi cũng nể tình cha cậu ngày trước, gạt lại cho cậu vài phi vụ màu mỡ. May thay, những hợp đồng dính líu tới hàng không thường là tiền bạc triệu nên phần trăm dù nhỏ cũng rất nhiều tiền.

Còn đối với một số thành phần con ông cháu cha khác thì "thời oanh liệt nay còn đâu", như các con của ông Trường Chinh - ông Ðặng Xuân Kỳ thì đã mất chức trong Trung ương đảng, còn ông Bắc thì chỉ còn làm chủ xí nghiệp may xuất khẩu ở Sài Gòn; Phạm Hà, con của Phạm Hùng giờ đây cũng chỉ là một chủ hãng taxi; còn "cô" Hồng, con gái ông Lê Duẩn, lúc nào cũng tiếc nuối những năm 1994 và trước đó, cái thời còn ăn được 800 đô cho mỗi hộ chiếu bán cho người Việt tại Nga.

*****

Con bệnh tham nhũng đã ăn vào đến tận xương tủy của cơ cấu đảng và nhà nước CSVN từ trên xuống dưới. Do đó, muốn sửa cho căn nhà Việt Nam thực sự hết dột, chỉ còn giải pháp duy nhất là toàn đảng CSVN phải rút khỏi guồng máy độc quyền thống trị.

Nguyên Thanh tổng hợp

(1) Cửa mở vô những nơi có quyền xét duyệt các chương trình đầu tư (2) Nhóm Nối Kết : tên của một nhóm bạn trẻ chuyên phổ biến những tin tức hoặc tài liệu nóng bỏng từ trong nước ra hải ngoại qua mạng lưới điện tử Internet. -- Khao Khat Cho VN Duoc TU DO (Khao_Khat_Cho_VN_Duoc_TU_DO@hn.vnn.vn), June 03, 2004

Moderation questions? read the FAQ

Từ khóa » Hoàng Ty Là Ai