Về Những Tồn Tại, Hạn Chế Trong Phát Triển Du Lịch ở Tỉnh Ta

(QBĐT) - Hoạt động du lịch ở tỉnh ta những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, có thể đánh giá chưa đáp ứng với xu hướng phát triển, tiềm năng và yêu cầu đề ra. Điều đó thể hiện qua việc du lịch ở tỉnh ta bộc lộ khá nhiều tồn tại, hạn chế và yếu kém. Đáng nói là vấn đề này không mới và tồn tại trong thời gian dài, nhưng lại rất chậm hoặc chưa được khắc phục xử lý triệt để. Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến vấn đề đó qua góc nhìn, kết quả giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách của HĐND tỉnh từ năm 2007-2013.

Bất cập và buông lỏng trong quản lý, quy hoạch...

Vấn đề đầu tiên xin đề cập đến đó là công tác quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh ta thời gian qua chưa thật sự chặt chẽ và còn khá nhiều bất cập. Điều đó thể hiện qua việc thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2006-2010, không có việc sơ kết hàng năm và tổng kết cả thời kỳ để đánh giá những kết quả đạt được nhằm phát huy, nhân rộng; đánh giá những tồn tại hạn chế cần khắc phục, để qua đó đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển du lịch bền vững hơn.

Đáng nói hơn là sau khi kết thúc Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2006-2010, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch không tham mưu cho UBND tỉnh để xây dựng Chương trình phát triển du lịch giai đoạn tiếp theo mà tổ chức thực hiện chủ yếu theo phương hướng nhiệm vụ hàng năm. Vì vậy đã dẫn đến việc công tác chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh cũng như sự phối kết hợp giữa các ban, ngành chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả từ hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Từ thực tế đó cũng đưa đến hệ quả là công tác quy hoạch du lịch manh mún, thiếu sự liên kết, thiếu không gian phục vụ khách du lịch, nhất là thiếu các điểm dừng chân, mua sắm; trong nội bộ ngành du lịch chưa xây dựng được sự liên kết, hợp tác giữa các đơn vị kinh doanh du lịch. Không những thế còn có biểu hiện chồng chéo trong hoạt động và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh du lịch. Các công ty kinh doanh lữ hành trong tỉnh trực tiếp khai thác các tour quốc tế còn hạn chế, chưa tạo sự khép kín các tour du lịch. Công tác tổ chức loại hình du lịch cộng đồng chưa mạnh, chưa được đầu tư thích đáng. Loại hình du lịch tâm linh còn kém phát triển. Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chưa mang tính chuyên nghiệp cao, chưa xây dựng được chiến lược xúc tiến một cách bài bản.

Công trình đường và hệ thống điện chiếu sáng trục 32m đường Phong Nha (Sơn Trạch-Bố Trạch) có tổng vốn đầu tư 33 tỷ đồng lại được bố trí ở khu vực chưa có dân cư nên hiệu quả khai thác chưa có và gây lãng phí.
Công trình đường và hệ thống điện chiếu sáng trục 32m đường Phong Nha (Sơn Trạch-Bố Trạch) có tổng vốn đầu tư 33 tỷ đồng lại được bố trí ở khu vực chưa có dân cư nên hiệu quả khai thác chưa có và gây lãng phí.

Cũng liên quan đến công tác quản lý nhà nước, đó là công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch ở tỉnh ta thực hiện quá chậm khi mà Đề cương nhiệm vụ và Dự toán quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 quy định tiến độ hoàn thành trong năm 2008 nhưng đến năm 2011 mới được phê duyệt. Bất cập nữa đó là chỉ tiêu đóng góp của du lịch vào GDP của tỉnh tại quy hoạch chưa phù hợp với thực tế phát triển du lịch của tỉnh và quy hoạch quốc gia.

Cụ thể, mục tiêu tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GDP của quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 chiếm 7%, nhưng quy hoạch của tỉnh ta chỉ đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GDP của tỉnh đạt xấp xỉ 2% vào năm 2020 trong khi tỉnh ta lại xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng đó, kế hoạch và lộ trình thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch chưa được xây dựng nên việc quan tâm lĩnh vực du lịch còn chung chung, chưa có điểm nhấn và mục tiêu phấn đấu phát triển du lịch theo từng giai đoạn.

Xuất phát từ công tác quản lý nhà nước về quy hoạch như nói trên, nên điều dễ hiểu là nhiều điểm du lịch đã được xây dựng và đã đưa vào khai thác nhưng lại chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng như làng du lịch văn hóa sinh thái Rào Đá, khu vui chơi giải trí cồn Soi Quán Hàu (Quảng Ninh); bãi tắm Ngư Thủy (Lệ Thủy)... nhiều khu, tuyến, điểm du lịch đã triển khai thực hiện quy hoạch và đã đưa vào khai thác nhưng lại chưa có quyết định phê duyệt điểm du lịch như: các bãi tắm biển Bảo Ninh, Quang Phú, Nhật Lệ; điểm du lịch tâm linh và thắng cảnh chùa Non núi Thần Đinh. Việc quy hoạch xây dựng nhiều khu du lịch chưa thực sự hợp lý cũng đã làm giảm hiệu quả sử dụng đất và khả năng khai thác tiềm năng du lịch, gây lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Điển hình tại TP. Đồng Hới một số dự án được giao đất xây dựng nhà nghỉ dưỡng, nhà làm việc xen lẫn với các dự án kinh doanh du lịch ở dọc bờ biển xã Bảo Ninh mà không tập trung theo từng khu vực, từng khu chức năng; bãi tắm Đá Nhảy, đơn vị chủ dự án đã xây dựng một số công trình làm án ngữ đường về bãi tắm và cảnh quan của khu du lịch.

Việc giới thiệu địa điểm thuê đất và cho phép neo đậu phương tiện chưa căn cứ vào quy hoạch đã dẫn đến việc vi phạm. Điển hình tại cửa biển Nhật Lệ vừa là di tích lịch sử vừa là một danh thắng nổi tiếng của tỉnh đã được khoanh vùng bảo vệ. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay có nhiều nhà hàng nổi (Biển Đông, Hải Đăng, Hải Dương...) đang sử dụng một phần diện tích trong khu vực bảo vệ để kinh doanh là vi phạm Quy chế bảo vệ di tích...

...Đầu tư, sử dụng, bảo vệ...

Bất cập trong công tác đầu tư và sử dụng cơ sở hạ tầng du lịch đó là quá trình triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa theo kịp yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Thể hiện rõ qua việc số cơ sở kinh doanh có các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao còn ít. Các dự án tại các địa bàn mới, loại hình dịch vụ du lịch mới, các khu vui chơi giải trí, các trung tâm mua sắm mới chậm được đầu tư; chưa quan tâm đầu tư phương tiện vận chuyển đưa đón khách du lịch; xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch lưu lại dài ngày... đã làm ảnh hưởng đến cơ cấu, loại hình sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh.

Nhiều nhà hàng nổi trên sông Nhật Lệ (Đồng Hới) vi phạm quy định bảo vệ môi trường và Quy chế bảo vệ di tích lịch sử.
Nhiều nhà hàng nổi trên sông Nhật Lệ (Đồng Hới) vi phạm quy định bảo vệ môi trường và Quy chế bảo vệ di tích lịch sử.

Khá nhiều dự án du lịch chậm đưa vào khai thác do các doanh nghiệp thiếu chủ động về tài chính trong lúc bố trí xây dựng, xây dựng dàn trải nên đã làm chậm cơ hội khai thác tài nguyên du lịch trong thời gian dài. Hệ quả là không chỉ làm lãng phí tài nguyên du lịch quý báu, mà còn mất nguồn thu từ du lịch rất lớn cho ngân sách tỉnh. Điển hình nhất là dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng Bang, dự án khu nghỉ mát và du lịch sinh thái PSEC, dự án khu du lịch Đá Nhảy... khởi công xây dựng đến nay cả gần chục năm, song hiện vẫn còn đang dang dở chưa đưa vào sử dụng được.

Bảo vệ môi trường là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến hoạt động du lịch. Bởi môi trường vừa ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch và khả năng thu hút khách du lịch vừa bảo đảm phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, điều đáng buồn, đáng trách là nhận thức và hành động về vai trò và sự phát triển bền vững du lịch của cộng đồng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Minh chứng là khá nhiều dự án đầu tư du lịch tuy đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, song lại chưa thực hiện giám sát môi trường định kỳ.

Quá trình thực hiện đầu tư, nhà đầu tư chỉ quan tâm những phần việc thi công công trình mà không chú trọng bảo vệ môi trường. Điển hình nhất qua giám sát tại dự án khu du lịch Bang cho thấy: Suối nước khoáng nóng có độ sôi trên 1050C có chất lượng bậc nhất quốc gia, nhưng tài nguyên du lịch và chữa bệnh ở đây đã bị phá vỡ, làm ô nhiễm nguồn nước, hiện nay chưa đưa vào khai thác, gây lãng phí nên làm thất vọng cho nhiều du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng, chữa bệnh, song chưa được cơ quan chức năng xử lý.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch của một số đơn vị chưa thực hiện theo đúng quy định khi mà còn khá nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng chưa thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Điển hình năm 2011 đã phát hiện một số nhà hàng vi phạm bảo vệ môi trường đã bị xử phạt hành chính (nhà hàng: Bình Yên, Hải Đăng, Biển Đông, Hải Dương...). Cùng đó, khá nhiều khu, điểm du lịch công tác bảo vệ môi trường không những không được quan tâm đúng mức, mà còn buông lỏng đã dẫn đến việc rác thải chưa được thu gom triệt để gây mất mỹ quan du lịch và gây ô nhiễm môi trường sống. Điển hình là ở bến thuyền và bãi đỗ xe Trung tâm du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng, điểm du lịch chùa Non núi Thần Đinh và một số bãi tắm ở các huyện...

Một thực trạng không thể không đề cập đến đó là nguồn nhân lực cho du lịch ở tỉnh ta không chỉ thiếu mà còn yếu nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Biểu hiện rõ nét nhất là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quảng bá, kỹ năng giao tiếp tiếng nước ngoài hạn chế, đặc biệt là chưa có tác phong làm việc chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động về du lịch chủ yếu sử dụng hợp đồng lao động ngắn hạn và hoạt động theo thời vụ nên chưa quan tâm, chú trọng công tác đào tạo kỹ năng phục vụ, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Điển hình nhất là tại Trung tâm du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng, nơi đón nhiều du khách đến tham quan, trong đó có nhiều du khách từ nước ngoài, song đội ngũ nhân viên chưa được đào tạo bài bản, ngoại ngữ yếu nên chất lượng hướng dẫn, phục vụ có phần hạn chế...

...Hiệu quả hoạt động từ du lịch thấp

Từ những vấn đề đã đề cập nói trên, thì điều dễ hiểu là tuy lượng du khách đến tỉnh ta đều tăng trưởng qua hàng năm, nhưng thời gian lưu trú quá ngắn nên hệ số đạt thấp, mức độ sử dụng các dịch vụ hạn chế do thiếu hạ tầng du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác, do đó việc thu ngân sách từ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua chưa nhiều, nếu không muốn nói là không đáng kể bởi hiệu quả đưa lại từ hoạt động này còn rất thấp khi chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế nguồn lực du lịch vốn có.

Minh chứng điển hình và rõ nét nhất đó là Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng và suối nước nóng Bang là những điểm du lịch có điều kiện khắc phục tính mùa vụ du lịch của tỉnh ta. Tuy nhiên, hiện chưa phát huy hiệu quả, đặc biệt là dự án suối nước nóng Bang có thể nói là quá chậm chạp trong triển khai thực hiện đã làm lãng phí tài nguyên du lịch hết sức quý báu. Còn tại khu du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng được xác định là một trong bốn khu du lịch quốc gia trong vùng với hướng phát triển là tham quan, nghiên cứu; du lịch sinh thái; du lịch văn hoá lịch sử do đó có nhiều công trình đã được ngân sách nhà nước hết sức ưu ái quan tâm đầu tư nhưng hiệu quả đưa lại chưa cao.

Cụ thể, công trình đường và hệ thống điện chiếu sáng trục 32m đường Phong Nha có tổng vốn đầu tư 33 tỷ đồng lại được bố trí ở khu vực chưa có dân cư nên hiệu quả khai thác là chưa có và gây lãng phí; khu xử lý rác thải và phương tiện vận chuyển rác đã được đầu tư mới, kinh phí bảo vệ môi trường đã được ngân sách phân bổ theo kế hoạch hàng năm nhưng công tác vệ sinh môi trường đô thị chưa bảo đảm; hệ thống công trình nước sạch Phong Nha đã được đầu tư 7,2 tỷ đồng nhưng đến nay chưa sử dụng được...

Đức Thành

Từ khóa » Nhược điểm Của Du Lịch Văn Hóa