Về Phương Pháp Luận Và Phạm Vi Của Nó
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm gần đây, ở nước ta, những vấn đề phương pháp và phương pháp luận đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Những cuộc thảo luận về phương pháp và phương pháp luận đang được tiến hành trong anh chị em làm công tác nghiên cứu và giảng dạy triết học cũng như các khoa học cụ thể chứng tỏ rằng việc nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề ấy đang trở thành một nhu cầu ngày càng bức thiết.
Song qua các cuộc trao đổi đó cũng như qua các tài liệu khoa học ở nước ngoài, sự thiếu nhất trí trong cách hiểu bản thân khái niệm phương pháp luận nổi lên rất rõ. Chẳng hạn, trong các tài liệu của Liên Xô và một phần nào của Bungari mà chúng tôi được biết, khái niệm này thường được dùng:
a) để chỉ học thuyết về phương pháp hay học thuyết triết học về phương pháp; có khi được dùng để chỉ một khoa học hay một lĩnh vực khoa học nghiên cứu về phương pháp (1).b) để chỉ một hệ thống các nguyên lý hoặc các lý thuyết đóng vai trò chỉ đạo các hoạt động nhận thức và cải tạo thực tiễn; có khi được dùng để chỉ sự vận dụng các nguyên lý thế giới quan vào quá trình nhận thức và thực tiễn (2).c) để chỉ bản thân phương pháp duy vật biện chứng hay tập hợp tất cả các phương pháp trong các ngành khoa học tương ứng (3). d) có khi là sự phối hợp của những định nghĩa khác nhau trên đây. Ví dụ, phương pháp luận là "a/ khoa học về phương pháp, về những phương pháp nghiên cứu; b/ tổng hợp những cách, những phương pháp tìm tòi dùng trong một ngành khoa học nào đó"(4) hay "phương pháp luận... là học thuyết triết học về các phương pháp nhận thức và cải tạo hiện thực; là sự vận dụng các nguyên lý thế giới quan vào quá trình nhận thức, vào sự sáng tạo tinh thần nói chung và vào thực tiễn" (5).
Như vậy, hiện nay khái niệm phương pháp luận còn đang được dùng theo nhiều nghĩa rất khác nhau. Các nhà triết học cũng như các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học cụ thể đã viết rất nhiều về phương pháp luận và những vấn đề phương pháp luận, song bản thân phương pháp luận là gì thì lại chưa được xác định thật rõ ràng. Phương pháp luận là mọi học thuyết về phương pháp hay chỉ là học thuyết triết học về phương pháp? Nó là hệ thống các nguyên lý thế giới quan hay chỉ là sự vận dụng các nguyên lý này vào trong hoạt động nhận thức và thực tiễn? Nó là phương pháp duy vật biện chứng hay là tập hợp các phương pháp được dùng trong một ngành khoa học nào đó? Nó là một chức năng của triết học hay là một khoa học riêng biệt?
Để giải quyết được những vấn đề này ta cần lưu ý rằng, bất cứ một bộ môn khoa học nào cũng phải có đối tượng nghiên cứu riêng, có phương pháp nghiên cứu riêng và có hệ thống tri thức riêng. Không có đối tượng thì không có và không thể có bất cứ bộ môn khoa học nào vì không có đối tượng thì không xác định được phải nghiên cứu cái gì? Nhưng sau khi xác định được đối tượng nghiên cứu rồi, mỗi khoa học còn cần phải tìm ra được những phương pháp nghiên cứu thích ứng. Các phương pháp đó không thể là tuỳ tiện. Các phương pháp của vật lý học được xác định bởi những đặc điểm của hình thức vận động vật lý của vật chất, bởi các quy luật và bản chất của nó. Tương tự như vậy, các phương pháp của một bộ môn khoa học này không thể dùng hoàn toàn để nghiên cứu một đối tượng khác của một bộ môn khoa học khác. Tuy nhiên, có thể có một số phương pháp nào đó của một bộ môn khoa học này được áp dụng để nghiên cứu rộng rãi trong một số lĩnh vực khác, chẳng hạn, một số phương pháp của vật lý học có thể được dùng để nghiên cứu trong hoá học, sinh vật học, khảo cổ học v.v.. Đó là do các đối tượng nghiên cứu của hoá học, sinh vật họe, khảo cổ học... bao gồm dưới dạng này hay dạng khác các hình thức vận động vật lý của vật chất. Như vậy, tuỳ thuộc vào đối tượng nghiên cứu của mình mà mỗi khoa học có các phương pháp nghiên cứu riêng của mình. Việc tìm tòi những phương pháp nghiên cứu thích ứng với mỗi bộ môn khoa học nhất định, xác định xem những phương pháp đó là những phương pháp nào, nội dung của mỗi phương pháp là gì, cách áp dụng nó ra sao, phạm vi áp đụng của nó đến đâu v.v. do lý luận về phương pháp của môn khoa họe này giải quyết. Lý luận về phương pháp đó chính là phương pháp luận.
Do chỗ phương pháp nghiên cứu của mỗi bộ môn khoa học đều phụ thuộc vào bản chất và đặc điểm của đối tượng nghiên cứu của bộ môn khoa học đó nên muốn tìm ra được các phương pháp nghiên cứu thích ứng cần phải xuất phát từ bản thân đối tượng. Nhưng đối tượng nghiên cứu của mỗi bộ môn khoa học cụ thể chỉ là một bộ phận nhỏ, một "mảnh” nhỏ của thế giới hiện thực. Bộ phận nhỏ ấy, "mảnh" nhỏ ấy nằm trong một mối liên hệ qua lại chằng chịt hết sức phức tạp với các bộ phận khác, với các "mảnh" khác. Vì vậy, để xác định được hướng đi và cách đi thích ứng, để khỏi bị lạc trong mớ quan hệ chằng chịt các hiện tượng ấy, để luôn luôn nhắm trúng được đối tượng của mình, trước hết cần dựa vào các nguyên lý thế giới quan.
Là những quan điểm khái quát của con người về thế giới nói chung và về vị trí của con người trong thế giới ấy, các nguyên lý thế giới quan có tác dụng định hướng cho người nghiên cứu, không những định hướng trong quá trình tìm ra phương pháp mà còn định hướng ngay cả trong quá trình vận dụng phương pháp. Xuất phát từ những nguyên lý thế giới quan nhất định, những nguyên lý gắn liền với bản chất của đối tượng cần nghiên cứu, người nghiên cứu xác định được những phương pháp nghiên cứu thích hợp. Vì vậy, các nguyên lý thế giới quan chính là cơ sở của các phương pháp, có tác dụng soi sáng cho các phương pháp, đóng vai trò chỉ dẫn các hoạt động nhận thức và hoạt động cải tạo thực tiễn.
Thế giới quan đúng sẽ đảm bảo tìm ra các phương pháp nghiên cứu đúng. Ngược lại, nếu thế giới quan sai lầm thì các phương pháp nghiên cứu tìm được để nghiên cứu đối tượng đó cũng sẽ sai lầm. Chẳng hạn, xuất phát từ luận điểm cho rằng, lịch sử phát triển của xã hội là lịch sử đấu tranh giai cấp, những người mác xít đòi hỏi khi nghiên cứu các hiện tượng xã hội cần áp dụng phương pháp phân tích giai cấp, cần đứng vững trên quan điểm giai cấp. Ngược lại những người theo trường. phái tâm lý trong xã hội học lại xuất phát từ chỗ cho rằng, kinh nghiệm tâm lý và những xúc cảm của con người tạo nên bản chất của các hiện tượng và các quá trình xã hội, vì vậy, họ đòi hỏi phải nghiên cứu các hiện tượng xã hội bằng các phương pháp của tâm lý học và việc nghiên cứu phải được bắt đầu từ tâm lý cá thể là những đơn vị quan sát cơ bản. Rõ ràng là xuất phát từ những nguyên lý thế giới quan khác nhau, người ta đã đi đến khẳng định những phương pháp nghiên cứu khác nhau và tính chất đúng đắn hay sai lầm của thế giới quan có ảnh hưởng quyết định đến thành công hay thất bại của việc tìm tòi và vận đụng các phương pháp. Vì vậy, các nguyên lý thế giới quan tạo nên bộ phận quan trọng nhất trong nội dung của phương pháp luận.
Tuy nhiên, phải chăng toàn bộ các nguyên lý thế giới quan đều nằm trong nội dung phương pháp luận của một khoa học cụ thể nhất định? Không. Tất cả tuỳ thuộc ở đối tượng của mỗi bộ môn khoa học. Đối tượng đó chỉ là một bộ phận nhất định của thế giới hiện thực. Vì vậy, nội đung phương pháp luận của mỗi bộ môn khoa học chỉ bao gồm những nguyên lý thế giới quan nào trực tiếp hay ít nhiều trực tiếp liên quan đến đối tượng nghiên cứu mà thôi.
Ngoài các nguyên lý thế giới quan, trong nội dung phương pháp luận của mỗi bộ môn khoa học còn có một loạt nguyên lý khác. Đó là các nguyên lý chung về các cách xem xét, nghiên cứu sự vật, là các nguyên tắc chung về sự vận dụng các phương pháp, về việc sử dụng các tài liệu, sự kiện v.v. trong một ngành khoa học nhất định. Những nguyên lý và nguyên tắc chung này xuất phát từ những đặc điểm của đối tượng nghiên cứu. Chúng không phải là những nguyên lý thế giới quan nhưng cũng không trực tiếp nằm trong nội đung của các phương pháp. Chẳng hạn, đối tượng nghiên cứu của kibécnêtic là các hệ thống tự điều khiển với bất kỳ cấu trúc nào với bất kỳ nguyên tắc hoạt động nào và với bất kỳ thực thể vật chất nào (có thể đó là cơ thể sống, là các máy tính tự động, là các hệ thống điều khiển các quá trình kỹ thuật...)
Do những đặc điểm đó nên ngoài các nguyên lý thế giới quan, nội dung phương pháp luận của kibécnêtic còn bao gồm những nguyên lý quan trọng khác đặc trưng riêng cho kibécnêtic: nguyên lý trừu tượng hoá khỏi những đặc điểm chất lượng tập trung sự chú ý vào việc tìm những đặc điểm chung trong hoạt động của các hệ thống tự điều khiển, nguyên lý chung về sự sử dụng như nhau của tất cả các công thức và lý thuyết toán học, không tuỳ thuộc vào loại hình hay sự phức tạp của các hệ thống tự điều khiển mà nó nghiên cứu v.v.. Rõ ràng các nguyên lý này không phải là các nguyên lý thế giới quan, tuy chúng gắn bó mật thiết với các nguyên lý thế giới quan, cụ thể ở đây với nguyên lý phản ánh; đồng thời chúng cũng không trực tiếp nằm trong nội dung của các phương pháp nghiên cứu của kibécnêtic, cụ thể là không trực tiếp tạo nên nội dung của các phương pháp mô hình hoá, phương pháp thuật toán hoá và phương pháp "hộp đen" là những phương pháp nghiên cứu cơ bản của kibécnêtic. Tuy vậy, chúng là cơ sở của các phương pháp này, là những nguyên lý chỉ đạo và có tác đụng định hướng rất lớn đối với người nghiên cứu trong lĩnh vực kibécnêtic khi thu thập, sử dụng các tài liệu cũng như khi vận dụng các phương pháp. Vì vậy, chúng cũng tạo nên một bộ phận rất quan trọng trong nội dung của phương pháp luận.
Các nguyên lý thế giới quan cũng như các nguyên lý và nguyên tập chung trên đây mới chỉ là những căn cứ những cơ sở cho các phương pháp và cho việc vận dụng các phương pháp trong một ngành khoa học nhất định. Để có thể thực sự sử dụng được các phương pháp ấy còn cần vạch rõ nội dung cụ thể của chúng, vạch rõ cách áp đụng, phạm vi áp dụng và mối quan hệ qua lại giữa chúng v.v.. Tóm lại, cần có lý luận trực tiếp về bản thân các phương pháp nữa. Lý luận này tạo nên bộ phận thứ ba trong nội dung của phương pháp luận.
Như vậy, khi nói rằng phương pháp luận là lý luận về phương pháp, là học thuyết về các phương pháp nhận thức và cải tạo hiện thực, là nói tới bản chất của nó. Nhưng bản chất chưa phải là toàn bộ nội dung, mặc dầu bản chất là những cái cơ bản nhất, chung nhất trong nội dung. Đứng về không phải đơn thuần chỉ là một hệ thống trình tự các quy trình và các biện pháp nghiên cứu, cũng không phải là một tập hợp tuỳ tiện các nguyên lý nào đó mà là một hệ thống lý luận chặt chẽ với những loại nguyên lý nhất định gắn bó hữu cơ với nhau: Thứ nhất, đó là các nguyên lý thế giới quan gắn liền với bản chất của đối tượng nghiên cứu. Thứ hai, đó là các nguyên lý chung về các cách xem xét, nghiên cứu sự vật, các nguyên tắc chung về việc vận dụng các phương pháp, về sự sử đụng tài liệu, sự kiện... trong một ngành khoa học nhất định; các nguyên lý và nguyên tắc chung này gắn liền với đặc điểm của đối tượng nghiên cứu. Cuối cùng, đó là lý luận về bản thân các phương pháp (về nội dung, phạm vi và mối quan hệ qua lại giữa các phương pháp) của ngành khoa học ấy. Tất cả các bộ phận này gắn bó mật thiết với nhau tạo nên một hệ thống lý luận chặt chẽ, thống nhất và là một thành phần không thể thiếu được của bất cứ bộ môn khoa học nào.
Vì vậy, phương pháp luận không phải là một tập hợp lý luận tuỳ tiện, càng không phải chỉ là một tập hợp đơn thuần các phương pháp được dùng trong một ngành khoa học nào đấy, nhưng đồng thời nó cũng không phải là một khoa học riêng biệt đứng độc lập như các khoa học khác. Phương pháp luận là một bộ phận không thể thiếu được của mỗi bộ môn khoa học, là học thuyết về các phương pháp. Chính vì thế, phương pháp luận không phải chỉ là một học thuyết triết học về các phương pháp như một số tác giả khẳng định.
Để hiểu rõ hơn thực chất của phương pháp luận, ta cần phân biệt kỹ hơn nửa phương pháp luận với phương pháp. Chú ý rằng phương pháp luận là lý luận về phương pháp, là học thuyết về phương pháp, còn "phương pháp là một hình thức quán triệt hiện thực về mặt lý luận và thực tiễn xuất phát từ những quy luật vận động của khách thể được nghiên cứu; là một hệ thống các nguyên tắc điều chỉnh của hoạt động cải tạo, thực tiễn hay hoạt động nhận thức, lý luận"(6).
Phương pháp là cách thức mà theo đó, người ta hành động hay nhờ đó mà người ta nghiên cứu ra một hệ thống kiến thức về một đối tượng nhất định. Do đó sẽ rất sai lầm khi khẳng định rằng phương pháp luận - đó là phương pháp biện chứng, rằng phương pháp luận khoa học tổng quát - đó là phương pháp triết học để nhận thức và cải tạo hiện thực. Ở đây các tác giả đã lầm lẫn giữa lý luận về phương pháp với bản thân phương pháp. Thực ra chỉ có triết học với tư cách là một hệ thống lý luận về phương pháp mới có thể là cơ sở phương pháp luận của khoa học, hay nói chính xác hơn, là phương pháp luận chung nhất của khoa học, còn phương pháp triết học không hoàn thành được chức năng đó vì bản thân phương pháp triết học chỉ là sự vận dụng lý luận triết học vào hoạt động nhận thức và cải tạo thực tiễn, chỉ là một công cụ để nhận thức mà thôi.
Sự lầm lẫn giữa phương pháp luận với phương pháp có thế còn do nguyên nhân khác: do sự lầm lẫn giữa lý luận về phương pháp với lý luận được tóm tắt trong phương pháp, vì thực chất thì phương pháp - đó chính là lý luận đã được thực tiễn xác nhận và lại hướng trở lại thực tiễn nghiên cứu. Mọi lý luận đúng đắn được nghiên cứu đầy đủ đều hoàn thành hai chức năng: một mặt, nó là sự phản ánh một lĩnh vực thực tại nhất định, mặt khác, nó có thể được dùng với tính cách là phương pháp. Nó sẽ được dùng với tính cách là phương pháp khi nào nó được dùng làm phương tiện để đi từ cái đã biết đến cái chưa biết, là phương tiện giải thích các sự kiện và quy luật mới phát hiện được, là công cụ để hoạt động thực tiên. Trong những trường hợp ấy bao giờ lý luận cũng phải được thể hiện ra bằng hệ thống các quy tắc và các biện pháp nhất định. Chẳng hạn, những công trình nghiên cứu của Buden và Kiếcsôp vào những năm 1859 - 1860 đã đi đến kết luận rằng: mỗi nguyên tố hoá học đều được đặc trưng bởi một phổ hoàn toàn xác định. Đó là lý luận; và khi người ta sử dụng lý luận ấy với tư cách là một công cụ nhận thức, nghĩa là thể hiện lý luận đó ra bằng hệ thống các quy tắc và biện pháp nhất định để đi tìm các nguyên tố mới hay phát hiện sự tồn tại của các nguyên tố trong các hợp chất thì nó biến thành phương pháp? cụ thể ở đây là phương pháp phân tích quang phổ rất phổ biến trong vật lý học và hoá học. Như vậy, lý luận nói rằng "mỗi nguyên tố hoá học đều được đặc trưng bởi một phổ hoàn toàn xác định" đã được tóm tắt trong phương pháp phân tích quang phổ, là cái lõi của phương pháp này. Còn lý luận về bản thân phương pháp phân tích quang phổ như nội dung cụ thể của nó là gì, bao gồm những quy tắc và biện pháp cụ thể nào, cách áp dụng cụ thể nó ra sao, phạm vi áp dụng của nó đến đâu, v.v., đó là những vấn đề của phương pháp luận, của lý luận về phương pháp phân tích quang phổ và không nên lẫn lộn nó với lý luận được tóm tắt trong phương pháp ấy.
Tương tự như vậy, bản thân từ thức về các quy luật chung của sự phát triển của thế giới khách quan được diễn đạt trong chủ nghĩa duy vật biện chứng dưới dạng các quy luật, các phạm trù v.v. chưa phải là phương pháp biện chứng. Đó mới là lý luận. Lý luận này trở thành phương pháp khi nào nó được ứng dụng vào thực tiễn nhận thức và cải tạo hiện thực. Lêmn viết: "Cái mà Mác và Ăng ghen gọi là phương pháp biện chứng - để đối lập với phương pháp siêu hình - chẳng qua chỉ là phương pháp khoa học trong xã hội học, phương pháp coi xã hội là một cơ thể sinh động, phát triển không ngừng (chứ không phải là một cái gì được kết hợp một cách máy móc và do đó có thể tuỳ ý phối hợp các yếu tố xã hội như thế nào cũng được); mà muốn nghiên cứu cơ thể đó thì cần phải phân tích một cách khách quan những quan hệ sản xuất cấu thành một kết cấu xã hội nhất định, và cần phải nghiên cứu những quy luật hoạt động và phát triển của kết cấu xã hội đó"(7). Như vậy, quan điểm coi xã hội là một cơ thể sinh động, phát triển không ngừng chứ không phải là một cái gì được kết hợp một cách máy móc, tuỳ tiện, là lý luận biện chứng. Khi lý luận ấy được vận dụng vào việc nghiên cứu xã hội thì nó biến thành phương pháp biện chứng trong xã hội học với tất cả những yêu cầu, những quy tắc cụ thể của phương pháp ấy: phải phân tích một cách khách quan những quan hệ sản xuất cấu thành một kết cấu xã hội nhất định, phải nghiên cứu những quy luật hoạt động và phát triển của kết cấu xã hội đó v.v..
Vì phương pháp, về thực chất, là lý luận đã được kiểm nghiệm và được thể hiện ra bằng hệ thống những quy tắc và trình tự các biện pháp nhất định, trong khi đó phương pháp luận ngoài lý luận về bản thân phương pháp lại còn bao gồm những nguyên lý thế giới quan và những nguyên tắc chung về các cách xem xét, nghiên cứu sự vật nên việc sử dụng phương pháp bao giờ cũng phải đưa vào phương pháp luận.
Phương pháp là công cụ ở trong tay nhà nghiên cứu, còn phương pháp luận thông qua nhà nghiên cứu mà điều khiển công cụ ấy. Chính vì thế, trong mối quan hệ qua lại giữa phương pháp luận và phương pháp, phương pháp luận đóng vai trò chỉ đạo, chi phối đối với phương pháp. Phương pháp luận trực tiếp ảnh hưởng đến việc lựa chọn đối tượng và phương pháp nghiên cứu, đến cách chọn lọc tài liệu ban đầu, đến việc phân định cái chủ quan và cái khách quan trong các hiện tượng, đến phương thức kết hợp các phương pháp nghiên cứu v.v.. Tóm lại, nó trực tiếp chi phối việc lựa chọn và vận dụng các phương pháp. Do vậy, nếu có sai lầm xảy ra thì sai lầm thường không phải ở trong bản thân phương pháp mà ở phương pháp luận. Ví dụ, xã hội học thực nghiệm hiện nay sử dụng rất nhiều phương pháp nghiên cứu như quan sát, phỏng vấn, thu thập số liệu thống kê, các phương pháp toán học v.v.. Bản thân các phương pháp này không sai lầm.
Chúng được Ăng ghen dùng khi viết "Tình cảnh giai cấp công nhân Anh", được Lênin dùng khi viết "Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga”. Như vậy, bản thân các phương pháp này có thể được sử dụng một cách có hiệu quả với điều kiện là người nghiên cứu phải đứng trên lập trường đúng đắn, có phương pháp luận đúng đắn. Trường hợp phương pháp luận sai lầm thì dù sử dụng chính những phương pháp đó nhưng kết quả nhất định vẫn sẽ sai lầm. Chẳng hạn, khi nghiên cứu các tầng lớp xã hội, nhiều nhà xã hội học đứng trên lập trường của chủ nghĩa tâm lý(8), lấy đó làm phương pháp luận chỉ đạo công tác nghiên cứu của mình, đã sử dụng các phương pháp phỏng vấn và trưng cầu ý kiến một cách rất chủ quan. Ví dụ, nhà nghiên cứu hỏi đối tượng nghiên cứu: "Anh tự cho mình thuộc về giai cấp nào?". Câu trả lời được coi là căn cứ duy nhất để xếp người đó vào một giai cấp nhất định. Đó chính là cách làm của những theo chủ nghĩa tâm lý ở Trường Đại học Xoócbon. Cho nên cái sai ở đây không phải do bản thân phương pháp trưng cầu ý kiến mà là do lập trường xuất phát, do phương pháp luận của người nghiên cứu.
Vậy có trường hợp nào phương pháp sai lầm không? Có, song đó là trường hợp cá biệt. Về vấn đề này P.V.Cốpnhin đã có nhận xét rất đúng: "Vì phương pháp khoa học dựa trên hệ thống lý luận khách quan đúng đắn nên về bản chất nó không thể sai lầm; sai lầm chỉ có thể ở chỗ sử dụng nó trong thực tiễn, đặc biệt ở chỗ mở rộng phạm vi tác động quá giới hạn của đối tượng mà các quy luật của đối tượng ấy được phản ánh trong hệ thống lý luận là cơ sở của phương pháp đó”(9). Bản thân phương pháp chỉ sai lầm khi nó được xây dựng trên hệ thống tri thức sai lầm. Song không một nhà khoa học nghiêm túc nào lại xây dựng phương pháp trên những tri thức mà người ta biết chắc chắn là sai lầm. Do vậy,phương pháp sai lầm chỉ là trường hợp cá biệt. "Thường thường sai lầm không phải ở phương pháp, mà ở phương pháp luận”.
Như đã nói ở trên, các nguyên lý thế giới quan tạo nên bộ phận quan trọng nhất trong nội dung của phương pháp luận. Song điều đó không có nghĩa rằng thế giới quan hoàn toàn đồng nhất với phương pháp luận, ngay cả khi các nguyên lý thê giới quan nằm trong nội dung của phương pháp luận.
Thế giới quan vừa thống nhất với phương pháp luận, vừa khác biệt với nó. Chúng thống nhất với nhau (nhưng không trùng nhau hoàn toàn) về mặt nội dung nhưng khác nhau về mặt chức năng. Đứng về mặt nội dung mà xét thì trong phương pháp luận của một khoa học cụ thể nhất định, mọi luận điểm thế giới quan đều đồng thời là luận điểm phương pháp luận, nhưng ngược lại thì không phải như vậy vì trong nội dung của phương pháp luận ngoài các luận điểm có tính chất thế giới quan còn có những luận điểm chung không mang tính chất ấy. Về mặt chức năng thì thế giới quan làm nhiệm vụ giải thích thế giới và vạch rõ vị trí của con người trong thế giới ấy, còn phương pháp luận thì làm nhiệm vụ hướng dẫn cho hoạt động nhận thức và hoạt động cải tạo thực tiễn của con người. Vì vậy, khi nằm trong nội dung của phương pháp luận, các nguyên lý thế giới quan không làm nhiệm vụ giải thích thế giới mà làm nhiệm vụ chỉ đạo cho hành động. Không những thế, khi nằm trong nội dung của phương pháp luận, các nguyên lý thế giới quan cũng không được vận đụng như một công cụ, không thể hiện ra bằng các biện pháp, các quy trình cụ thể, nghĩa là không biến thành một phương pháp. Trong phương pháp luận, các nguyên lý thế giới quan được vận dụng với tư cách là những nguyên lý hướng dẫn cho việc vận dụng các phương pháp, cho việc xác định các con đường nghiên cứu. Với tư cách là những nguyên lý chung, các nguyên lý thế giới quan có thể chỉ ra về đại thể phương hướng giải quyết các vấn đề trước khi các vấn đề này được giải quyết cụ thể bằng những phương tiện cụ thể của một ngành khoa học nhất định. Cho nên chỉ có thể hiểu luận điểm nói rằng phương pháp luận thực chất là sự vận dụng các nguyên lý thế giới quan vào trong hoạt động nhận thức và cải tạo thực tiễn theo nghĩa đó chứ không thể theo nghĩa vận dụng chúng như một công cụ. Khi đã được vận dụng như một công cụ thì chúng đã biến thành phương pháp. Chẳng hạn, tư tưởng của Lê nin về sự vô cùng tận của điện tử là một nguyên lý thế giới quan, nhưng đó đồng thời cũng là một trong những nguyên lý phương pháp luận cực kỳ quan trọng của vật lý học hiện đại. Nó không được vận dụng như công cụ, như một phương pháp, mà được vận dụng với tính cách là một nguyên lý chỉ đạo và thực tế thì nó đang là ngọn cờ chỉ đường cho sự nghiên cứu trong vật lý học hiện đại.
Vì các nguyên lý thế giới quan đóng vai trò chỉ đạo rất lớn đối với các hoạt động nhận thức và cải tạo thực tiễn nên bất cứ phương pháp luận nào cũng phải dựa trên nền tảng thế giới quan nhất định, đều phải xây dựng từ những luận điểm thế giới quan nhất định. Song, như ta đã biết, thế giới quan có thể đúng, cũng có thể sai, có thể khoa học, cũng có thể không khoa học. Tính chất đúng đắn hay sai lầm, khoa học hay không khoa học này của thế giới quan quyết định tính chất đúng đắn hay sai lầm, khoa học hay không khoa học của phương pháp luận và do đó có ảnh hưởng quyết định đến thành công hay thất bại của việc tìm tòi và vận dụng các phương pháp. Vì vậy, nhiệm vụ của những người nghiên cứu là phải biết lựa chọn và vận dụng một cách có ý thức phương pháp luận nào khoa học nhất, đúng đắn nhất để tránh được những sai lầm, tránh phải đi đường vòng trong các nghiên cứu khoa học cụ thể của mình.
Vì phương pháp luận không phải là một khoa học riêng biệt đứng độc lập như các khoa học khác mà là một bộ phận không thể thiếu được của mỗi bộ môn khoa học, là lý luận về các phương pháp được sử dụng trong bộ môn khoa học ấy nên có thể nói rằng mỗi khoa học đều có phương pháp luận của mình. Song điều đó không có nghĩa là phương pháp luận của các khoa học hoàn toàn tách biệt với nhau và không tồn tại một phương pháp luận chung cho mọi khoa học. Cũng tương tự như với các phương pháp, phương pháp luận có nhiều loại: có phương pháp luận riêng, chỉ đúng cho từng bộ môn khoa học nhất định, có phương pháp luận chung áp dụng được cho một số môn khoa học và có phương pháp luận chung nhất, phổ biến nhất, áp dụng được cho mọi bộ môn khoa học.
Phương pháp luận chung nhất, phổ biến nhất đó là triết học, vì, một mặt, triết học là bộ phận quan trọng nhất của thế giới quan, mà thế giới quan, như ta đã biết, lại tạo nên phần quan trọng nhất trong nội dung của phương pháp luận; mặt khác triết học nghiên cứu và xây dựng căn cứ lý luận cho các loại phương pháp nhận thức - các phương pháp triết học chung nhất cũng như các phương pháp khoa học cụ thể. Dĩ nhiên, triết học không nghiên cứu và không thể nghiên cứu tất cả các phương pháp của tất cả các bộ môn khoa học cụ thể, - vả lại đó cũng không phải là nhiệm vụ _của nó mà là nhiệm vụ của các khoa học cụ thể, - nhưng triết học đưa ra lý luận chung nhất về các phương pháp, lý luận chung đó sẽ giúp các khoa học cụ thể xây dựng lý luận về phương pháp cho trường hợp cụ thể của mình.
Mối quan hệ giữa phương pháp luận phổ biến - triết học với phương pháp luận của các khoa học cụ thể là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Các phương pháp luận của các khoa học cụ thể chính là những biểu hiện cụ thể của phương pháp luận phổ biến trong mỗi khoa học nhất định. Nội dung của chúng vừa thống nhất với phương pháp luận phổ biến, vừa có những nét đặc thù riêng nảy sinh từ đặc điểm của đối tượng, và do đó, từ đặc điểm nhận thức đối tượng ấy trong mỗi khoa học nhất định. Vì "cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng", và "bất cứ cái riêng nào cũng không được bao quát hoàn toàn trong cái chung"(11).
Cho nên không thể nào tách biệt phương pháp luận phổ biến với phương pháp luận riêng trong các khoa học cụ thể cũng như trong mỗi hoạt động nghiên cứu khoa học được.
Phương pháp luận phổ biến của tất cả các khoa học cụ thể là triết học. Nhưng triết học có nhiều loại: có triết học đúng đắn, khoa học, có triết học sai lầm, phản khoa học. Vậy trong tình hình phát triển như vũ bão của khoa học hiện nay, khi trong khoa học nhiều quan niệm cũ đang bị đảo lộn, nhiều thành tựu mới cùng những khó khăn mới mà khoa học vấp phải đang đòi hỏi phải có một cách nhìn mới đối với sự vật thì thứ phương pháp luận nào có thể là phương phán luận phổ biến duy nhất khoa học, duy nhất đúng đắn, đáp ứng được đầy đủ nhất những yêu cầu của khoa học? Thực tiễn phát triển của khoa học hiện đại chứng tỏ rằng một phương pháp luận như thế chỉ có thể là triết học Mác - Lênin, hơn thế nữa, đó là toàn bộ triết học Mác - Lênin chứ không phải chỉ có một bộ phận nào đó của nó lý luận nhận thức, lôgíc học hay chủ nghĩa duy vật biện chứng) như một số tác giả khẳng định.
Hiện nay triết học Mác - Lênin đang đóng vai trò là phương pháp luận phổ biến, đồng thời là phương pháp luận phổ biến duy nhất đúng đắn của khoa học hiện đại vì nó được xây dựng và được khái quát hoá lên từ những thành tựu của khoa học và của thực tiễn. Nó vạch ra những quy luật phát triển chung nhất của thế giới, và do đó, nó vũ trang cho con người phương pháp đúng đắn nhất để nhận thức và cải tạo hiện thực. Lý luận của triết học Mác - Lênin là lý luận duy vật và biện chứng, mà ngày nay, như Ph.Ăng ghen đã chỉ rõ, "Chính phép biện chứng là một hình thức tư duy quan trọng nhất đối với khoa học tự nhiên, bởi vì chỉ có nó mới có thể là cái tương đồng và do đó mới đem lại phương pháp giải thích những quá trình phát triển diễn ra trong giới tự nhiên, giải thích những mối quan hệ chung, những bước quá độ từ một lĩnh vực nghiên cứu này sang một lĩnh vực nghiên cứu khác... Chỉ có phép biện chứng mới có thể giúp cho khoa học tự nhiên thoát ra khỏi những khó khăn về lý luận"(12).
Sự phát triển mãnh liệt của khoa học hiện đại ngày càng chứng tỏ rằng chỉ có triết học Mác xít, mà theo lời Lênin, những khái niệm của nó "mềm dẻo, linh động, liên hệ mật thiết với nhau, thống nhất trong các mặt đối lập, đặng thâu tóm được thế giới" mới có khả năng vũ trang cho các khoa học cụ thể một phương pháp nhận thức đúng đắn duy nhất, mới có khả năng giải thích được các đặc điểm và các kết quả của nhận thức khoa học hiện đại; chỉ có nó mới xác định đúng được khuynh hướng của khoa học, chỉ ra được về đại thể phương hướng đúng đắn của sự tìm tòi khoa học trong mỗi lĩnh vực, hiện tượng nhất định, vạch ra được các hình thức và các phương pháp làm phong phú nó bằng các kết quả mới. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà hiện nay triết học Mác - Lênin ngày càng tranh thủ được trái tim và khối óc của nhiều nhà khoa học ngay ở các nước tư bản, nơi mà các trường phái triết học duy tâm đủ loại đang giữ địa vị thống trị. Nhà sinh vật học Anh nổi tiếng G.B.C.Khônđêin sau khi được đọc "Biện chứng của tự nhiên" của Ăng ghen đã viết rằng, nếu ông sớm được làm quen với tác phẩm này thì chắc chắn ông đã tránh được nhiều lầm lẫn trong công tác nghiên cứu của mình. Còn Pônlănggiơvanh, nhà vật lý học người Pháp vĩ đại, ngay từ năm 1945 đã viết: "Tôi nghĩ rằng chỉ có triết học duy vật biện chứng mới có thể là sợi chỉ dẫn đường cho chúng ta trong những công việc đầy khó khăn và lâu dài sắp tới"(13). Ngay cả một số nhà khoa học duy tâm, chẳng hạn, A.Eđinhgơtơn, có lúc cũng phải thừa nhận: "Nhà vật lý học hoàn toàn tin vào thế giới hiện thực bên ngoài chừng nào ông ta còn tư duy với tính cách là một nhà vật lý học"(14). Tất cả những điều đó càng chứng tỏ rằng chỉ có triết học Mác-Lênin, chỉ có lý luận duy vật biện chứng mới có thể thực sự là phương pháp luận phổ biến duy nhất đúng đắn của khoa học hiện đại.
Dĩ nhiên, triết học Mác - Lênin không phải là một đơn thuốc vạn năng chứa sẵn mọi cách giải quyết cụ thể cho tất cả mọi vấn đề cụ thể của khoa học cũng như của đời sống.
Nhưng, với tính cách là một phương pháp luận khoa học nhất, đúng đắn nhất, đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu của khoa học hiện đại nhất, nó đã và đang giúp các nhà khoahọc trong việc tìm hiểu nhiều vấn đề khó khăn và đã dẫn nhiều người đến những kết quả lý thú.
Đứng vững trên lập trường của triết học Mác - Lê nin, mặc dù đội ngũ còn ít ỏi, thời gian đi vào công tác nghiên cứu khoa học chưa lâu nhưng các nhà khoa học của chúng ta đã có những cống hiến nhất định. Chắc chắn rằng với đội ngũ ngày càng đông đảo, lại được vũ trang bởi phương pháp luận khoa học tiên tiến nhất của thời đại - phương pháp luận mác xít Lêninít, - các nhà khoa học của chúng ta sẽ ngày càng có nhiều cống hiến lớn lao hơn nữa, góp phần đắc lực vào việc thực hiện những nhiệm vụ mà thực tiễn cách mạng nước ta đang đặt ra.(1) Xem: Những vấn đề phương pháp luận của các khoa học xã hội. Nxb Trường đại học Tổng hợp Leningrat, 1968, tr. 40, 44; Lênin và khoa học tự nhiên hiện đại (Chủ biên: M. E. Omêlianôpxki), Matxcova, 1969, tr. 17; Từ điển tóm tắt về triết học (Chủ biên: I. V. Blaubécgơ, P. V. Cốpnhin, I. K. Pantin), Matxcova, 1966, tr. 158(2) Xem: Xtêphannốp, Lý luận và phương pháp khoa học xã hội. Matxcova, 1967, tr. 138; Những vấn đề phương pháp luận của khoa học, Matxcova, 1964, tr. 14(3) Xem: “Những vấn đề triết học", số 10, 1960, tr.27-31.(4) Từ điển Triết học. Hà Nội, 1960, tr. 648.(5) Bách khoa triết học của Liên Xô, t.3, tr.420.(6) Sđd, t. 3, tr.409(8) Chủ nghĩa tâm lý: lý luận phản khoa học về sự phát triển của xã hội. Lý luận này cho rằng tâm lý của con người quyết định sinh hoạt kinh tế và chính trị của xã hội.(9) P.V.Cốpnhin. Về các cơ sở khách quan của phương pháp triết học và mối quan hệ của nó với các phương pháp của các khoa học cụ thể. Tạp chí Các khoa học triết học, số 6, 1967, tr. 68 (10) P. V. Cốpnhin, Sđd, tr. 68(11) V. I. Lênin. Bút ký triết học. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1963, tr. 384.(12) C.MáC Và Ph.Ăng ghen. Toàn tập, t.22, tr.367 (tiếng Nga)(13)(14) Dẫn theo. Chủ nghĩa duy vật biện chứng và khoa học tự nhiên của M. M. Carơpốp, Mát xcơva, 1961, tr. 46, 39
Từ khóa » Ví Dụ Phương Pháp Luận Triết Học
-
Phương Pháp, Phương Pháp Luận Và Vai Trò Của Phương Pháp Luận ...
-
Ví Dụ Về Phương Pháp Luận Triết Học - Hàng Hiệu
-
Phương Pháp Luận Là Gì? - Luật Hoàng Phi
-
Phương Pháp Luận Là Gì? Ý Nghĩa Và Phân Loại Phương Pháp Luận
-
Ví Dụ Về Phương Pháp Luận Triết Học - Bàn Làm Việc - Ghế Văn Phòng
-
Cho Ví Dụ Về Thế Giới Quan Và Phương Pháp Luận Của Triết Học Mác ...
-
Ví Dụ ý Nghĩa Phương Pháp Luận - Thả Rông
-
Ví Dụ Về Phương Pháp Luận- Trang Tổng Hợp Tư Liệu Nghệ Thuật Sống
-
Phương Pháp Luận Là Gì? Vai Trò, Tầm Quan Trọng Của ... - TopLoigiai
-
Phương Pháp, Phương Pháp Hệ, Phương Pháp Luận Là Gì? Nội Dung ...
-
Phương Pháp Luận Siêu Hình Là Gì ? Dấu Hiệu Cơ Bản Của Phương ...
-
Phương Pháp Luận Và Vai Trò Của Phương Pháp Triết Học Trong ...
-
Ví Dụ Về The Giới Quan Và Phương Pháp Luận - Hỏi Đáp