Về Quan Niệm, Bản Chất, Giá Trị, đặc Trưng Của Nhà Nước Pháp ...

Để góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận của việc xây dựng chiến lược đó, bài viết này tìm hiểu về quan niệm, bản chất, giá trị, đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1. Về quan niệm và bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một giá trị vừa mang tính phổ biến vừa mang tính đặc thù.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phải là một kiểu nhà nước mà là một phương thức tổ chức quyền lực nhà nước dựa trên nền tảng Hiến pháp và pháp luật, vì dân chủ, con người, quyền con người, quyền công dân. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một trong những phương hướng cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, được xây dựng, hoàn thiện đồng thời với xây dựng, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dân chủ xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là ba trụ cột phát triển đất nước.

Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận và khẳng định điều đó.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mang tính chất dân chủ, nhân văn sâu sắc. Nhà nước pháp quyền Việt Nam mang tính chất “xã hội chủ nghĩa”, được thể hiện ở các quan điểm, mục tiêu, đặc trưng, giá trị, nội dung của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Về giá trị của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tồn tại, được hiện thực hóa, vận động và phát triển thông qua các giá trị của nó. Quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quá trình hiện thực hóa, làm sâu sắc, gia tăng các giá trị của nó.

Giá trị của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phẩm chất cao cả, có ý nghĩa mang tính mục tiêu, quan điểm, làm nền tảng chi phối quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một giá trị tích hợp, hàm chứa nhiều giá trị.

Đó là các giá trị cốt lõi: chủ quyền nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất; phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước; công bằng, công lý, quyền con người, quyền công dân; thượng tôn pháp luật; giá trị tối cao của Hiến pháp. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng tới, hiện thực hóa và gia tăng các giá trị đó.

3. Về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trên cơ sở vận dụng sáng tạo các quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp nước ta, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời gian qua, xu thế phát triển tất yếu của nó thời gian tới và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, có thể khái quát hóa các đặc trưng cơ bản vừa thể hiện tính phổ biến vừa thể hiện tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

Thứ nhất, Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Đặc trưng này thể hiện tính phổ biến của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nói về chủ quyền nhân dân, được thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Đặc trưng này đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện thể chế bảo đảm chủ quyền nhân dân, vai trò chủ thể, trung tâm của nhân dân; thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; mở rộng các hình thức thực hành dân chủ trực tiếp; phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân; có cơ chế phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

Thứ hai, quyền con người, quyền công dân là giá trị cao cả của xã hội, được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật

Đặc trưng này thể hiện tính phổ biến của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Để đáp ứng đặc trưng này đòi hỏi tiếp tục nâng cao nhận thức về quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế, thiết chế về quyền con người, quyền công dân; lấy việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; đưa nguyên tắc dựa trên quyền con người thành yêu cầu trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.

Thứ ba, Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật

Đây là đặc trưng mang tính phổ biến, xuyên suốt bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc trưng này đòi hỏi phải xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội; bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp.

Thứ tư, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp

Đặc trưng này thể hiện tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn với hệ thống chính trị Việt Nam, là sự thể hiện sinh động việc vận dụng sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta.

Đặc trưng này đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo hướng xác định rõ ràng, rành mạch chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các thiết chế quyền lực; tiếp tục xác định rõ, đầy đủ, đúng đắn về sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lực nhà nước; hoàn thiện cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Thứ năm, hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, hiện đại, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán và hiệu quả

Đặc trưng này thể hiện tính phổ biến của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Đây là điều kiện cần và đủ để bảo đảm xã hội có trật tự, kỷ cương, an toàn pháp lý cho con người, xác lập được vị trí tối thượng của pháp luật trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Xây dựng và thực hiện pháp luật để khẳng định, hiện thực hóa các giá trị, đặc trưng, nguyên tắc, nội dung của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong đời sống xã hội và Nhà nước.

Theo đặc trưng này, cần phải đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, hiện đại, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; chú trọng xây dựng pháp luật theo chiều sâu và nâng cao chất lượng pháp luật; hoàn thiện cơ chế gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật, tăng cường các nguồn lực thích đáng cho thực hiện pháp luật, bảo đảm thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán và hiệu quả; phát triển nguồn nhân lực pháp luật, nhất là nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ sáu, bảo đảm độc lập tư pháp

Đây là đặc trưng phổ biến, cốt lõi, được cộng đồng quốc tế thừa nhận như một giá trị không thể thiếu được của Nhà nước pháp quyền. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chức năng quan trọng của mình: thực hiện pháp luật công bằng, khách quan, nghiêm minh, nhất quán, bảo vệ hiệu quả các quyền con người, quyền công dân, duy trì và bảo vệ công lý.

Độc lập tư pháp được thể hiện ở ba mức độ: 1) vị trí độc lập của quyền tư pháp trong tương quan với quyền lập pháp và quyền hành pháp; 2) sự độc lập giữa các tòa án bên trong hệ thống của mình; 3) sự độc lập của các thẩm phán, hội thẩm khi xét xử.

Theo đặc trưng này, đòi hỏi phải tăng cường bảo đảm tính độc lập của quyền tư pháp trong cơ chế quyền lực nhà nước; tiếp tục hoàn thiện tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào các đơn vị hành chính; đổi mới quản trị tòa án; mở rộng thẩm quyền của tòa án; xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm; hoàn thiện thủ tục tố tụng tranh tụng; phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực của tòa án, nhất là đội ngũ thẩm phán.

Thứ bảy, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, tuân thủ pháp luật quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc

Đặc trưng này thể hiện tính phổ biến của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, tuân thủ pháp luật quốc tế và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đặc trưng này đặt ra nhiệm vụ chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế để tăng cường sự chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam; đổi mới mạnh mẽ, tạo ra sự thay đổi về chất trong hợp tác quốc tế về pháp luật; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, áp dụng pháp luật quốc tế, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hợp tác pháp luật quốc tế.

Thứ tám, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo

Đặc trưng này thể hiện tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với hệ thống chính trị Việt Nam.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tất yếu lịch sử, quy luật của xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nhân tố bảo đảm bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mang tính chính danh, tính chính đáng, hiến định. Đảng lãnh đạo, cầm quyền nhưng không đứng trên Hiến pháp và pháp luật mà đặt mình trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Các tổ chức của Đảng và đảng viên vừa phải gương mẫu, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện đường lối, chủ trương, các quy định của Đảng. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận và khẳng định điều đó.

Đặc trưng này đòi hỏi phải nâng cao năng lực, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và thể chế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo đảm các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là các tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước gương mẫu, đi đầu trong thực hành dân chủ và tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Quan niệm, bản chất, giá trị, đặc trưng tạo thành hệ thống các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được thể hiện xuyên suốt trong các quan điểm, mục tiêu, đột phá, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quá trình khẳng định, hiện thực hóa và làm gia tăng liên tục bản chất, các giá trị, đặc trưng của nó để nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được ngày càng đầy đủ bản chất, các giá trị, đặc trưng đó.

Từ khóa » đặc điểm Của Nhà Nước Xhcn