Về Quần Thể Di Tích Lịch Sử - Danh Thắng Tràng Kênh, Bạch Đằng ...

Tràng Kênh vốn là tên gọi của một xã cũ thuộc huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay là địa phận thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên). Đây cũng là tên của dãy núi đá vôi thuộc thị trấn Minh Đức. Tràng Kênh – Minh Đức là vùng đất nằm giữa sông Giá và sông Bạch Đằng, là điểm nối giữa vùng non cao, rừng rậm Đông Triều - Yên Tử với vùng đồng bằng bát ngát, biển rộng sông dài của huyện Thủy Nguyên. Ở đây có địa hình đa dạng, địa tầng phức tạp, với những dấu tích khảo cổ nổi tiếng, đời sống văn hóa dân gian phong phú. Ngày nay, tên gọi của mỗi ngọn núi nơi đây đều gắn liền với những giai thoại, truyền thuyết, sự kiện lịch sử hoặc để tưởng nhớ các vị anh hùng góp phần làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 như: núi Hoàng Tôn, núi Phượng Hoàng, núi U Bò. Bên cạnh đó là một số ngọn núi, địa điểm, di tích có giá trị về mặt cảnh quan, văn hóa, lịch sử như: núi Ao Non, núi Nỉ, núi Rồng, núi Cheo (Áng Giong), núi Áng Gối...

Di tích –danh thắng Tràng Kênh, Bạch Đằng- Hải phòng

Cùng với thời gian, mạch ngầm văn hóa di chỉ Tràng Kênh dần được nhân dân phục dựng, trở thành quần thể các công trình kiến trúc, nghệ thuật tín ngưỡng, tâm linh. Đó là quần thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang được xây dựng từ năm 2008 - 2011 trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh, soi mình bên cửa sông Bạch Đằng. Khu Linh từ Tràng Kênh - Bạch Đằng, gồm các đền thờ Đức Ngô Vương Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành, Đức Thánh Trần Hưng Đạo và chùa thờ Phật. Đây là nơi tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc đã lãnh đạo quân, dân nước Việt lập nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, đánh bại giặc xâm lăng phương Bắc, giữ vững độc lập quốc gia. Khu vực này đang được dự kiến đầu tư mở rộng trở thành công viên Chiến thắng Bạch Đằng - tương lai sẽ trở thành địa điểm tổ chức lễ hội truyền thống kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.

Đền thờ vua Lê Đại Hành tại Tràng Kênh

Theo ông Ngô Đăng Lợi (Hội Khoa học lịch sử thành phố Hải Phòng), trong lịch sử, sông Bạch Đằng là cửa ngõ yết hầu từ phương Bắc vào nước ta. Xưa kia, đây là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc giữ gìn bờ cõi, chống giặc xâm lăng. Các nhà địa lý lịch sử đời Nguyễn khi biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí đã nhận xét: “Nước ta chống người phương Bắc chỗ này là chỗ cổ họng”. Nguyễn Trãi thì nói một cách hình tượng rằng, đây là nơi quan ải do trời đặt ra thế hiểm yếu khiến hai người có thể chống được cả trăm người; là nơi lập công danh của các bậc hào kiệt. Cuối năm 938, Ngô Vương Quyền đã làm nên cuộc chung kết lịch sử toàn thắng của dân tộc Việt Nam ta, kết thúc nghìn năm đô hộ của kẻ thù phương Bắc, trên vùng non nước Bạch Đằng. Tiếp đó, năm 981, Lê Hoàn đánh bại giặc Tống ở Bạch Đằng giang. Hơn ba trăm năm sau, vùng đất thiêng này là nơi diễn ra những trận thủy chiến oai hùng của quân đội nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đánh tan đội quân xâm lược Nguyên Mông – thế lực chưa từng vấp phải thất bại nặng nề nào như vậy trong quá trình xâm lăng khắp lục địa Á - Âu. Bạch Đằng giang đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào của dân tộc ta.

Đền thờ Ngô Quyền tại Tràng Kênh

Theo các nhà nghiên cứu, ở phương diện khác, Tràng Kênh là một di chỉ khảo cổ học, một công xưởng chế tác đồ trang sức bằng đá lớn nhất vùng Đông bắc Tổ quốc, có niên đại cách ngày nay gần mấy ngàn năm, thuộc sơ kỳ thời đại kim khí. Từ buổi khai sơn, phá thạch, tạo dựng cuộc sống, người Tràng Kênh với bàn tay khéo léo đã chế tác ra những đồ trang sức bằng đá tinh xảo, với những vòng tay, hoa tai, chuỗi hạt đa dạng, phong phú, đầy màu sắc. Thông qua các cuộc khai quật và nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã kết luận rằng: Tràng Kênh cách đây gần 4000 năm đã thực sự là một công xưởng chế tác đồ đá có quy mô lớn, sản phẩm của nó không chỉ được trao đổi ở nội địa, mà còn vượt biển tới các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á.Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, vùng đất này được coi là một phên dậu chống giặc ngoại xâm. Dấu ấn lịch sử để lại đến nay cho biết, Tràng Kênh là một trận địa quan trong trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 do Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo chỉ huy, đánh tan đội quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Với các địa danh đã đi vào sử sách dân tộc như núi U Bò, Hoàng Tôn, Phượng Hoàng hay cửa Bạch Đằng, nơi hợp lưu của 3 con sông đổ về, cùng các dấu tích về những trận địa cọc hay những địa danh như Áng Hồ, Áng Lác cho biết vùng đất này đã ghi dấu về một chiến trường do quân và dân triều Trần bày trận đòn đánh quân thù. Ngày nay dưới chân núi Hoàng Tôn trong hệ thống núi đồi ở Tràng Kênh còn ngôi đền thờ một vị tướng của vương triều Trần. Đó là đền thờ Trần Quốc Bảo. Ông thuộc tôn thất nhà Trần có công trong trận Bạch Đằng năm 1288, khi mất được nhân dân địa phương lập đền thờ. Theo nội dung tấm bia dựng vào niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8 (1626) đời vua Lê Thần Tông, ngôi đền được xây dựng ở nơi có thắng cảnh đẹp vào hạng thứ nhất của xứ Hải Dương.Tràng Kênh - Bạch Đằng, một địa danh lịch sử về một chiến công vĩ đại chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta cách đây trên 7 thế kỷ.

Đền thờ Trần Hưng Đạo tại Tràng Kênh

Như vậy, mỗi tên gọi của ngọn núi, di tích hợp thành quần thể hầu hết đều gắn liền với những giai thoại, truyền tích, sự kiện lịch sử hoặc dành để tưởng nhớ các anh hùng trong chiến thắng Bạch Đằng 1288 như: Núi Hoàng Tôn, núi Phượng Hoàng, núi U Bò; Khu đền thờ và lăng mộ Tướng quân Trần Quốc Bảo; Miếu thờ công chúa Lê, công chúa Nụ; Miếu thờ Tây Giang hầu, miếu thờ Đông Giang hầu Vũ tướng quân (các phó tướng của Trần Quốc Bảo);...

Di tích Hang Vua -Tràng Kênh cũng là nới đặt Sở Chỉ huy bộ đội Hải quân của ta trong chiến tranh chống Mỹ

Bên cạnh các công trình kiến trúc tín ngưỡng có lịch sử hàng trăm năm, vào những năm 2008 - 2011, một hợp thể kiến trúc với quy mô bề thế, khang trang đã được xây dựng giữa một bên là quần thể núi đá Tràng Kênh, một bên là ngã ba sông Bạch Đằng - sông Thải, đây là khu di tích dành để tưởng nhớ những chiến thắng trên sông Bạch Đằng vào các năm 938, 981, 1288 đã góp phần làm tôn thêm cảnh quan, giá trị của toàn bộ quần thể di tích, đồng thời cũng tạo thêm điểm đến hấp dẫn cho du khách khi có dip đến thăm thành phố Hải Phòng.

Với những giá trị thẩm mỹ, địa chất, đa dạng sinh học, khảo cổ học, di tích lịch sử và văn hóa dân gian… vùng đất Tràng Kênh - Bạch Đằng có sức hấp dẫn và lôi cuốn với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Quần thể di tích cần được tôn vinh xứng đáng và khai thác hợp lý, góp phần xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố sinh thái, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào những năm tới. Quần thể Di tích lịch sử - danh thắng Tràng Kênh, Bạch Đằng, một trong những thắng cảnh đẹp nhất của Hải Phòng được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1962, đang được thành phố Hải Phòng tích cực đề cử trở thành Di tích quốc gia hạng đặc biệt

Minh Vượng (giới thiệu)

TLTK: - Địa chí Hải Phòng

- Cổng thông tin điện tử Hải Phòng

Từ khóa » đền Tràng Kênh Tt. Minh đức Thủy Nguyên Hải Phòng