Vệ Sinh Các Chất Thải Trong Công Nghiệp Và Trong Sinh Hoạt?

Khái niệm

Chất thải công nghiệp bao gồm chất thải rắn, nước thải và khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hay sinh hoạt của một doanh nghiệp.

Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người.

Chất thải rắn công nghiệp là chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó bao gồm chất thải rắn nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Nước thải là nước đã bị thay đổi đặc điểm, tính chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

Sản phẩm thải lỏng là sản phẩm, dung dịch, vật liệu ở trạng thái lỏng đã hết hạn sử dụng hoặc được thải ra từ quá trình sử dụng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác. Trường hợp sản phẩm thải lỏng được thải cùng nước thải thì gọi chung là nước thải.

Khí thải công nghiệp là chất thải tồn tại ở trạng thái khí hoặc hơi phát sinh từ hoạt động sản xuất, dịch vụ công nghiệp.

Vệ sinh các chất thải trong công nghiệp và trong sinh hoạt

Chất thải trong công nghiệp và trong sinh hoạt nếu không được xử lý sẽ gây ra nhiều tác hại cho môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Khí thải sinh ra từ các đống rác sẽ làm ô nhiễm môi trường không khí, gây mùi hôi; nước rỉ rác sinh ra sẽ chảy xuống ao hồ, làm ô nhiễm nguồn nước. Hơn nữa, môi trường ô nhiễm sẽ tạo nơi trú ngụ và phát triển lý tưởng của các loài gây bệnh hại cho người và gia súc.

Do đó, pháp luật quy định vấn đề vệ sinh các chất thải trong công nghiệp và trong sinh hoạt nhằm bảo vệ sức khỏe con người tại Điều 10 Luật của Quốc hội số 21-LCT/HĐNN8 ngày 30/06/1989 về bảo vệ sức khỏe nhân dân (sau đây gọi tắt là Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989):

"Điều 10. Vệ sinh các chất thải trong công nghiệp và trong sinh hoạt.

1- Các xí nghiệp, các cơ sở sản xuất của Nhà nước, tập thể, tư nhân phải thực hiện những biện pháp xử lý chất thải trong công nghiệp để phòng, chống ô nhiễm không khí, đất và nước theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

2- Các tổ chức Nhà nước, tổ chức xã hội, tập thể, tư nhân và mọi công dân không được để các chất phế thải trong sinh hoạt làm ô nhiễm môi trường sống ở các khu dân cư."

Theo đó, các xí nghiệp, các cơ sở sản xuất của Nhà nước, tập thể, tư nhân phải thực hiện những biện pháp xử lý chất thải trong công nghiệp để phòng, chống ô nhiễm không khí, đất và nước theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 04 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu.

Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải.

Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm:

a) Công nghệ chế biến phân hữu cơ;

b) Công nghệ đốt;

c) Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh;

d) Các công nghệ tái chế, thu hồi năng lượng, sản xuất sản phẩm từ các thành phần có ích trong chất thải rắn sinh hoạt;

đ) Các công nghệ khác thân thiện với môi trường.

Thu gom, xử lý nước thải

a) Các khu công nghiệp phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm đủ công suất xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh của các cơ sở trong khu công nghiệp và phải được xây dựng, vận hành trước khi các cơ sở trong khu công nghiệp đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp gần nhau có thể kết hợp sử dụng chung hệ thống xử lý nước thải tập trung.

b) Các khu đô thị, khu dân cư tập trung, tòa nhà cao tầng, tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại phải có hệ thống thu gom nước mưa và thu gom, xử lý nước thải theo quy hoạch và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.

c) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có hệ thống thu gom nước mưa và thu gom, xử lý nước thải theo các hình thức sau:

- Tự xử lý tại hệ thống xử lý nước thải của cơ sở đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường;

- Bảo đảm yêu cầu nước thải đầu vào trước khi đưa vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp hoặc làng nghề theo quy định của chủ sở hữu hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp hoặc làng nghề;

- Chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý bên ngoài cơ sở phát sinh theo quy định: Đối với nước thải nguy hại thì được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Chương II Nghị định 38/2015/NĐ-CP; đối với nước thải không nguy hại thì chỉ được phép chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý.

Đặc biệt, các tổ chức Nhà nước, tổ chức xã hội, tập thể, tư nhân và mọi công dân không được để các chất phế thải trong sinh hoạt làm ô nhiễm môi trường sống ở các khu dân cư.

Theo Khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2012/TT-BCA ngày 27 tháng 04 năm 2012 của Bộ Công an quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự, khái niệm khu dân cư được định nghĩa là:

“Khu dân cư là nơi tập hợp người dân, hộ gia đình cư trú tập trung trong phạm vi một khu vực nhất định, bao gồm: Thôn, xóm, làng, bản, ấp, buôn, phum, sóc, khóm, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương.”

Khu dân cư là nơi nhiều người dân cùng nhau sinh sống, nếu các chất phế thải trong sinh hoạt làm ô nhiễm môi trường khu dân cư thì điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của một cá nhân mà ảnh hưởng tới sức khỏe của cả một cộng đồng dân cư.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết Luật của Quốc hội số 21-LCT/HĐNN8 ngày 30/06/1989 về bảo vệ sức khỏe nhân dân

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Khái Niệm Chất Thải Công Nghiệp