Vẽ Thật Nhiều, Vẽ Thật Chăm, Nhưng đôi Khi Hãy Lười. - Monster Lab

“If you hear a voice within you say “you cannot paint” then by all means paint, and that voice will be silenced”. – Vincent Van Gogh

 Dịch nghĩa: Nếu bạn nghe thấy một giọng nói bên trong mình bảo rằng: “ngươi không thể vẽ”, thì hãy vẽ bằng mọi giá đi và giọng nói đó sẽ biến mất.

 Đã bao nhiêu lần bạn nhìn bức tranh của mình và cảm thấy chán nản, muốn bỏ cuộc? Đã bao nhiêu lần bạn hồ nghi rằng “hẳn phải có một bí quyết gì đó để họ vẽ được như thế” khi nhìn vào tranh của các họa sĩ khác? Bạn tôi ơi, “Học” kiến thức căn bản thường sẽ giống nhau nhưng “Hành” của mỗi người lại khác đấy. Bạn muốn vẽ đẹp như thần tượng của mình, vậy câu hỏi đầu tiên phải là họ đã trải qua những gì để vẽ được như thế?

 Các bạn hẳn có từng nghe đến câu chuyện khi Leonardo Da Vinci – một họa sĩ vĩ đại với câu chuyện vẽ trứng. Ve-ro-ki-o, người thầy của họa sĩ đã có những lời dạy vô cùng ý nghĩa không chỉ với Leonardo Da Vinci mà còn cả với các thế hệ sau này: 

“Con đừng tưởng vẽ trứng là dễ. Trong một ngàn quả trứng, xưa nay không có hai quả trứng nào giống nhau hoàn toàn đâu. Muốn thực hiện đúng hình dáng của từng quả trứng, người họa sỹ phải rất khổ công.

Tập vẽ đi vẽ lại quả trứng nhiều lần, con sẽ biết quan sát sự vật một cách tỉ mỉ và miêu tả nó trên giấy vẽ một cách chính xác. Đến lúc ấy, con muốn vẽ bất cứ thứ gì cũng đều có thể vẽ được như ý muốn.”

Hãy cầm bút vẽ trên giấy. Đây cũng là điều tôi khuyên các bạn phải làm, làm càng nhiều càng tốt. Vì sao?

Công nghệ là tiền đề phát triển cho các ngành công nghiệp Concept Art, Concept Game, Vẽ minh họa hiện nay. Nhưng thực tế tất cả những công cụ vẽ kỹ thuật số đều có xu hướng mô phỏng lại những chất liệu vẽ trong thực tế, mô phỏng càng giống càng tốt.

Con đường đi từ não bộ đến bàn tay nhanh nhất và thật nhất chính là thể hiện ngay trên giấy. Chúng ta học ký họa, học sketch để có kỹ năng thể hiện mọi thứ, cảm nhận mọi thứ bằng bàn tay và cây bút. Chúng ta học hình họa để tăng cường kỹ năng sử dụng bút, phân tích ánh sáng, màu sắc, không gian và trên hết là để các bạn luyện tập được cảm nhận của mình. Mỗi một con người là một bản thể khác nhau, viết chữ cũng khác nhau, nét vẽ cũng khác nhau. Chúng ta học kỹ thuật vẽ của họa sĩ này, họa sĩ kia nhưng không bao giờ vẽ được như họ vì chúng ta không phải là họ. Tiếp thu các kỹ năng mà họ chia sẻ nhưng hãy thể hiện nó bằng chính cảm nhận của mình.

Trong môi trường tôi được đào tạo, không có vẽ kỹ thuật số, cũng không có đánh giá nặng nề về mặt kỹ thuật vẽ như thế nào, vì mỗi người có cách thể hiện và cảm nhận khác nhau. Tuy nhiên những bức tranh – kết quả của sự thể hiện đó sẽ đại diện cho chính những gì chúng tôi có. Bức tranh có bố cục đẹp, vẽ đúng không được đánh giá cao bằng những tác phẩm có hồn. Nghe có vẻ trừu tượng nhưng các bạn hãy dành thời gian xem và cảm nhận những bức tranh của các họa sĩ lớn của cả Việt Nam và Thế giới, hãy học cách cảm thụ để chúng ta có thể đi vào chiều sâu hơn là chỉ loanh quanh với việc học kỹ nghệ đơn thuần. Bạn chỉ có một cách vẽ nhưng nó là của bạn và bạn vẽ nó thuần thục đến mức nó trở thành một phần con người bạn thì sẽ khác hoàn toàn với việc kỹ thuật của ai bạn cũng muốn học nhưng nó lại không phải của mình.

Có một điều nữa chúng tôi được học là vẽ từ thực tế, vẽ mẫu thật, ký họa thật và học cách cảm nhận tự nhiên. Công nghệ có thể giúp chúng ta chụp lại ảnh của mọi thứ, từ phong cảnh đến con người… nhưng mọi thứ đều được biến thành một mặt phẳng. Các bạn học vẽ qua ảnh thực ra chỉ là chép lại những thứ máy tính đã xử lý và không còn là thực tế nữa. Bố cục của bức ảnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận của bạn và bạn cứ vẽ, cứ cố chép sao cho giống ảnh là xong. Chính sự tiện lợi đó lại là cái tai hại, chúng ta ngồi trong phòng và cảm nhận thế giới qua một màn hình điện tử mà không nhận ra mọi thứ mình đang nhìn đều là giả. Hãy bước ra ngoài để vẽ, nhìn một không gian thực tế, một đồ vật thực tế để vẽ, bạn sẽ thấy được nhiều điều. Đừng cố đuổi theo những bức ảnh nữa mà hãy khám phá thế giới thực đi. Họa sĩ chúng ta khác cái máy ảnh ở chỗ có thể đưa tâm hồn và phong cách của mình vào bức hình chứ không chỉ là tái hiện nó.

Đừng mải mê chạy theo số lượng.

 Đây là bức tranh “Đám rước tôn giáo ở tỉnh Kursk” của Repin – một họa sĩ nổi tiếng người Nga. Tại sao tôi nói đến bức tranh này vì đây là một tác phẩm mà tác giả mất nhiều năm để xây dựng. Từng nhân vật trong bức tranh đều được họa sĩ tìm hiểu rất kỹ về cả tạo hình, thân phận cũng như trạng thái cảm xúc. Một bức tranh mà mất nhiều năm mới hoàn thành nhưng nó lại là một kiệt tác của hội họa thế giới. Vẽ tốn thời gian như thế thì để làm gì? Một bài hình họa vẽ vài buổi là xong. Tôi hoàn toàn có thể hiểu những điều các bạn suy nghĩ, tuy nhiên nghiên cứu sâu là điều mà tôi khuyên các bạn nên làm, hãy cố gắng tận dụng thời gian của mình thật hợp lý. Đừng cố gắng để làm ra 1 sản phẩm, hãy cố gắng để tạo ra 1 tác phẩm. Bạn có thể vẽ 100 bức chân dung hay 500 bàn tay bàn chân hoặc chép lại 1000 dáng người nhưng quan trọng hơn là sau đó bạn có thể tự tin tự xây dựng 1 tác phẩm của mình từ tờ giấy trắng hay không? Tôi là một người thầy, cũng là một người anh, đồng nghiệp với các bạn. Thực sự tôi nhìn thấy nhiều điều các bạn hơn thế hệ tôi, nhưng cũng thấy được những mặt hạn chế của các bạn. Chăm chỉ thực sự rất tốt nhưng hãy chăm đúng cách để chúng ta đạt được kết quả. Các bạn chỉ cần vẽ nghiêm túc, hoàn chỉnh một bài hình họa theo đúng nghĩa của nó thì tôi nghĩ các bạn sẽ học được rất nhiều. Máy tính, wacom, hay cái bút chì, bút bi, tờ giấy cũng chỉ là công cụ để chúng ta thể hiện tác phẩm mà thôi vì vậy đừng bao giờ nói rằng tôi chỉ vẽ được bằng wacom hay ipad, tôi không vẽ được trên giấy đâu. Các họa sĩ minh họa danh tiếng đương thời hay chính những người thầy của các bạn cũng đều trưởng thành từ những bức vẽ trên giấy cả.  Tác giả: Đào Nguyên Vũ – Giảng viên MonsterBiên tập và thiết kế: Monster Lab

 

Từ khóa » Cách Vẽ Trứng Lười