Về Việc Dùng Từ Ngữ Hán - Việt - Tuổi Trẻ Online

Ít năm trước đây, khi mới có vài người dùng từ “thăm quan” ở những chỗ trước đó là “tham quan”, thì một số người mê chữ Hán đã nhảy dựng lên như thể thấy một thảm họa cho công cuộc bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Thời gian trôi đi, bây giờ thì trên các phương tiện truyền thông uy tín khó tính nhất như các đài phát thanh và truyền hình trung ương, các báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Thanh Niên, Tiền Phong... người ta đã thấy “thăm quan” đường hoàng song hành với “tham quan”.

Nhân danh bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, một số ý kiến liên tục gợi lên vấn đề dùng từ ngữ Hán - Việt trong tiếng Việt. “Thăm quan” chỉ như giọt nước tràn ly sau những đọc giả, bày trí, chuẩn đoán, ca thán, tồi bại, cớ sự, đảo ngũ... và rất xưa rồi là thống kê (vốn là độc giả, bài trí, chẩn đoán, ta thán, đồi bại, cơ sự, đào ngũ, thống kế).

Tại sao không thể đến lúc nào đó thăm quan, bày trí... cũng sẽ trở thành quen dùng như thống kê? Chuyện này không chỉ được áp dụng cho từ Hán - Việt mà cho cả từ gốc Ấn - Âu nữa: mát-xa thành mát-xoa (xoa bóp chứ làm gì có chuyện xa hay gần!), các-táp thành cặp-táp (cái cặp đựng hồ sơ, sách vở). Đây là những cách giải thích thường được gọi là từ nguyên học dân gian. Dân gian (đại đa số người sử dụng ngôn ngữ) có cách giải thích của họ, có khi khác với cách giải thích của các nhà ngôn ngữ học, vì quan tâm của người sử dụng ngôn ngữ là mục đích giao tiếp đạt được qua sự tiết kiệm sức lực tối đa (phát âm, vận dụng trí nhớ...).

Từ Hán - Việt có nhiều loại, trong đó có loại mượn trực tiếp từ tiếng Hán, trong số này không ít từ người Hán mượn lại của người Nhật mà vẫn được người Nhật gọi là từ gốc Hán. Ví dụ trong khi người Hán chưa có từ để dịch economy, thì người Nhật lấy cụm từ kinh bang tế thế của người Hán để rút tắt thành kinh tế, hoặc như lúc đầu người Hán dùng từ quần - học để dịch sociology, nhưng sau thấy người Nhật dùng xã hội học hay hơn thì bỏ luôn từ quần - học. Người Nhật dùng chữ Hán để tạo ra từ tiếng Nhật có gốc Hán.

Người Việt cũng vậy, dùng những yếu tố Hán để tạo ra từ tiếng Việt có gốc Hán, như nhạc trưởng (Trung Quốc gọi là nhạc đội chỉ huy, chỉ huy gia), sáng kiến (Trung Quốc gọi là xướng nghị, chủ động tính), truyền thần (có nghĩa là vẽ chân dung, trong khi người Trung Quốc hiểu là rất giống, sinh động), điểm chỉ (Trung Quốc: đả thủ ấn), đa phương (Trung Quốc: đa biên)... Như vậy có thể nói không phải tất cả từ Hán - Việt đều là từ mượn của tiếng Hán. Do đó, không nhất thiết phải tuân theo qui tắc cấu tạo từ của tiếng Hán.

Điều đáng lưu ý là rất ít thấy các nhà Việt ngữ học và Hán - Nôm học có uy tín phát biểu chính thức về cách dùng từ ngữ Hán - Việt (phán xét cái gì là đúng, cái gì là sai). Có điều gì đó cần phải thận trọng hơn hay còn có gì khó nói. Có lần, cố giáo sư Hoàng Phê - nhà từ điển học và chuyên gia về chính tả tiếng Việt hàng đầu của nước ta - sau khi đã tập hợp đầy đủ tư liệu, bèn tiến hành một cuộc điều tra ngẫu nhiên.

Nhân một cuộc liên hoan của một cơ quan nọ, vui câu chuyện, ông chợt hỏi mấy thanh niên ngồi quanh: “Các bà, các cụ rủ nhau đi thăm chùa chiền, đi thăm cảnh đẹp thiên nhiên thì người Hà Nội các bạn gọi là gì nhỉ?”. Tất cả trả lời “vãn cảnh”. Ông hỏi lại: “Xin lỗi, tôi người Quảng Nam nghe phát âm Hà Nội không rõ, vãn cảnh thì vãn là en-nờ hay en-nờ-giê?”. Tất cả “en-nờ”.

Lúc ra về, ông nói với tôi: “Vậy là đã rõ. Theo thống kê, tuyệt đại đa số trường hợp ghi được đều là “vãn”, chỉ có một vài trường hợp “vãng”. Đặc biệt là không có nhà văn có uy tín nào lại viết “vãng” cả”. Sau đó ông trầm ngâm, nửa như muốn tìm lời kết luận: “Phải chăng đã có lúc “ngoạn” đọc là “vãn”?”. Không phải ông Hoàng Phê không biết hai chữ Hán “vãn” và “vãng”. Đối với các trường hợp diệu nghệ/điệu nghệ, đa số/đa phần... cũng vậy.

Có lẽ vì những nhà Việt ngữ học và Hán - Nôm học uyên bác có nghĩ đến cái sợ biết một mà không biết mười nên chưa muốn phát biểu gì nhiều. Quả vậy, nếu chỉ dựa vào mấy chữ thăm quan, bày trí, vãn cảnh, điệu nghệ... để phán xét thì xử lý làm sao với hàng ngàn, chục ngàn trường hợp khác: phiên hiệu (tiếng Hán: bộ đội đại hiệu), siêu cường (siêu cấp đại quốc), xuất ngoại (Hán - Việt là ra nước ngoài, Hán là ra khỏi nhà), thượng tuần (sơ tuần, 10 ngày đầu tháng), công tác phí (sai lữ phí), thông tin đại chúng (truyền bá môi giới), chí công vô tư (đại công vô tư), đầu lâu (độc lâu), nước phát triển (phát đạt quốc gia), phòng thân (Hán - Việt là đề phòng thiếu thốn, cơ nhỡ, Hán là tự vệ trước đối thủ), cấu tứ (cấu tư)..., chưa kể những từ ngữ cũng đã quá quen thuộc mà không ai nghĩ đến chuyện phê phán nữa, như đinh ninh (Hán là dặn dò), tử tế (Hán là tỉ mỉ kỹ càng).

Từ khóa » Dê Tiếng Hán Việt Là Gì