Về Việc Thu Phí Thi Hành án Hay Không Thu Phí đối Với Khoản Tiền Có ...

Đăng nhập Từ thực tiễn

Về việc thu phí thi hành án hay không thu phí đối với khoản tiền có trước khi xét xử

30/06/2018
Thời gian qua, trên phạm vi cả nước trong Hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự ý kiến trao đổi, bình luận, quan điểm khác nhau về việc có hay không thu phí thi hành án đối với khoản tiền có trước khi xét xử khi chi trả cho người được thi hành án. Mặc dù, chưa có văn bản hướng dẫn chính thức nội dung này nhưng tài liệu tập huấn năm 2017 của Tổng cục Thi hành án dân sự tại Hà Nội, trang 256 có nêu: “Một số trường hợp, bị cáo hoặc gia đình đã tự nguyện nộp tiền trước giai đoạn Tòa án xét xử để khắc phục thiệt hại do hành vi vi phạm do mình gây ra. Sau khi bản án có hiệu lực thi hành, người được thi hành án đề nghị được nhận khoản tiền mà bị cáo đã nộp trước đó, cơ quan thi hành án đã thực hiện việc thu phí thi hành án đối với khoản tiền này là chưa phù hợp”. Cũng tại trang 256 mục 2.3 tài liệu tập huấn có nêu ví dụ: “A đã tự nguyện nộp 800 triệu đồng cho Cơ quan Điều tra trước giai đoạn Tòa án chuẩn bị xét xử để khắc phục thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra, sau đó Tòa án mới ra bản án tuyên A phải thi hành số tiền 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Trong trường hợp này, khi cơ quan điều tra chuyển số tiền đương sự đã nộp trước đó cho cơ quan thi hành án thì cơ quan thi hành án phải tính toán dựa trên số đã khắc phục được 800 triệu đồng, sau đó chỉ thu thêm 200 triệu đồng, nếu đương sự tự nguyện nộp trong thời hạn thì không thu phí thi hành án. Trường hợp đương sự không tự nguyện nộp số tiền còn lại 200 triệu đồng, cơ quan thi hành án ra Quyết định thi hành án thì người được thi hành án nộp số phí trên số tiền thực nhận là 200 triệu đồng”. Trên cơ sở này, hiện nay các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đang thực hiện không thu phí đối với “tất cả các khoản tiền có trước khi xét xử” khi người được thi hành án nhận được khoản tiền trên. Về quan điểm cá nhân tôi nhận thấy những trường hợp không phải chịu  phí thi hành án dân sự đã được Thông tư 216/2017/TT-BTC ngày 09/12/2017 của Bộ Tài chính quy định rõ gồm: 1. Tiền cấp dưỡng; tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động. 2. Khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục của nhân dân không vì mục đích kinh doanh mà người được thi hành án được nhận. 3. Hiện vật được nhận chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi. 4. Tiền hoặc giá trị tài sản theo yêu cầu thi hành án không vượt quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định. 5. Khoản thu hồi nợ vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong trường hợp Ngân hàng cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. 6. Bản án, quyết định của Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử. 7. Tiền, tài sản được trả lại cho đương sự trong trường hợp chủ động thi hành án quy định ttại điểm khoản 2 Điều 36 Luật thi hành án dân sự. 8. Tiền, tài sản mà đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 45 Luật thi hành án dân sự. Như vậy, chỉ khi nào rơi vào các trường hợp từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 6 của Thông tư thì cơ quan thi hành án dân sự mới không được thu phí thi hành án. Đối với “khoản tiền có trước khi xét xử” nếu như có quan điểm kết luận “tất cả các khoản tiền này” khi người được thi hành án có yêu cầu nhận tiền, cơ quan thi hành án chi tiền đều không thu phí thi hành án dân sự, theo quan điểm cá nhân tôi là chưa đúng với quy định của pháp luật hiện hành, bởi các lý do sau: Thứ nhất, về nguyên tắc, cơ quan thi hành án dân sự chỉ được thu phí hoặc không thu phí đối với các trường hợp mà pháp luật có quy định rõ ràng. Ví dụ: khoản 1 Điều  6 Thông tư quy định rất rõ ràng khi chi trả tiền cấp dưỡng…người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án. Đối với khoản tiền có trước khi xét xử, hiện nay chưa có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh, nên không thể áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, suy diễn, suy luận…mà phải tuân theo các quy định tại Thông tư 216 của Bộ Tài chính. Thứ hai, luồng ý kiên không thu phí thi hành án đối với khoản tiền trên chắc chắn sẽ viện dẫn quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư “…đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện…” hoặc lý luận theo cách: cơ quan thi hành án không phải tác nghiệp nên không thu phí thi hành án. Về mặt lý luận:  nếu áp dụng quy định “…đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện… để không thu phí là chưa chính xác, chưa đủ căn cứ để áp dụng mà chúng ta chỉ ghép tình huống này vào để áp dụng không thu phí mà thôi vì theo quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư không điều chỉnh trường hợp “tiền có trước khi xét xử”. Khoản 8 Điều 6 Thông tư quy định “…đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện…” thì không thu phí thi hành án. Có nghĩa là người phải thi hành án tự nguyện thi hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ. Ví dụ: ngày 01/01/2018 cơ quan thi hành án dân sự ra Quyết định thi hành án theo yêu cầu của A. Buộc B phải trả cho A số tiền 10 triệu đồng. Ngày 02/01/2018 Chấp hành viên tống đạt Quyết định thi hành án cho B. Thời hạn tự nguyện thi hành án của B là 10 ngày sẽ được tính từ ngày 03/01/2018 đến hết ngày 12/01/2018 (thời hạn được tính theo quy định Bộ luật dân sự). Vì vậy, khoản tiền “có trước khi xét xử” không phải là người phải thi hành án tự nguyện nộp trong khoảng thời gian tự nguyện thi hành án (từ ngày 03/01đến hết ngày 12/01/2018). Tuy nhiên, chúng ta không máy móc mà cứ ghép vào để xem như người phải thi hành án tự nguyện nộp trong thời hạn tự nguyện để không thu phí thi hành án. Còn, nếu suy luận theo kiểu “cơ quan thi hành án không tác nghiệp nên không thu phí thi hành án” thì cần phải sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 6 của Thông tư vì hiện nay chưa có quy định nào quy định cơ quan thi hành án dân sự không phải tác nghiệp thì không thu phí thi hành án. Thứ ba, nội dung rất quan trọng và theo tôi là nội dung để xác định có thu phí hay không thu phí đó là xác định các “khoản tiền có trước khi xét xử” gồm các loại tiền nào? có phải là đương sự, bị can, bị cáo, tự nguyện nộp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để khắc phục hậu quả hay không để xác định là đương sự tự nguyện thi hành án. Thực tế, khoản tiền có trước khi xét xử không chỉ riêng loại tiền này mà còn có loại tiền khác. Theo tôi, cần phân ra hai loại như sau: Một là: đương sự, bị can, bị cáo, tự nguyện nộp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để khắc phục hậu quả thì đây được xem là đương sự tự nguyện để không thu phí thi hành án là hợp lý như tài liệu tập huấn của Tổng cục. Tuy nhiên, để trách tình trạng khó hiểu, không phải áp dụng pháp luật theo kiểu suy luận, người áp dụng, áp dụng được thống nhất, chính xác thì cần phải sửa đổi quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư để điều chỉnh hết các tình huống phát sinh trong thực tế. Loại tiền có trước khi xét xử thứ hai: Quá trình điều tra, khám xét, Công an thu giữ tiền là tang vật vụ án…Ví dụ: quá trình điều tra vụ án lừa đảo chiếu đoạt tài sản đối với ông A Công an thu giữ số tiền của bị can 10 triệu đồng là tang vật vụ án. Sau khi xét xử Tòa án tuyên tạm giữ số tiền 10 triệu đồng của ông A để đảm bảo thi hành án. Như vây, số tiền này về nguyên tắc chưa thể xem là đương sự tự nguyện thi hành án vì bản chất là Công an thu giữ tang vật, ý chí của bị can lúc đó sẽ không có sự tự nguyện, thậm chí sẽ muốn phi tang số tiền đó. Ngoài ra, khi tổ chức thi hành bản án, quá trình tổ chức thi hành nội dung này cũng khác với thi hành bản án có nội dung “đương sự, bị can, bị cáo, tự nguyện nộp trong quá trình điều tra, truy tố xét xử để khắc phực hậu quả”. Cụ thể: Khi tổ chức thi hành bản án có nội dung đương sự đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả trước khi xét xử thì khi ra quyết định thi hành án, tùy vào từng trường hợp cụ thể cơ quan thi hành án dân sự có thể xem xét căn cứ vào yêu cầu của người phải thi hành án trước đó để ra quyết định mà không cần chờ người được thi hành án có yêu cầu. Khi tổ chức thi hành thì Chấp hành viên có quyền chi trả cho người được thi hành án ngay mà không cần phải thông qua người phải thi hành án nữa vì trước đó theo ý chí của họ đã tự nguyện nộp tiền để thi hành án. Ngược lại, đối với trường hợp Công an thu giữ tiền là tang vật sau đó Tòa án tuyên tạm giữ để đảm bào thi hành án thì khi ra quyết định thi hành án đối với khoản thi hành theo yêu cầu, bắt buộc người được thi hành án phải có yêu cầu thi hành án. Khi tổ chức thi hành án, về nguyên tắc Chấp hành viên chưa có quyền xử lý số tiền là tang vật của vụ án bị tuyên tạm giữ bảo đảm thi hành án của đương sự trong thời hạn tự nguyện thi hành án nếu không có sự đồng ý của họ. Vì, tạm giữ có nghĩa là đang áp dụng biện pháp để bảo đảm, mà muốn xử lý các bước tiếp theo thì phải hết thời hạn tự nguyện nếu họ không tự nguyện thi hành án hoặc là có sự đồng ý của người phải thi hành án cho xử lý số tiền tạm giữ trong thời hạn tự nguyện thi hành án thì chúng ta mới được xử lý. Như chúng ta đã biết, tang vật trong vụ án hình sự là rất quan trọng, không thể thay đổi cái này bằng cái khác vì trực tiếp liên quan đến hành vi phạm tội. Vì vậy, trong quy định pháp luật hiện hành về quản lý kho tang vật. Đối với tang vật là tiền sẽ không được nhập quỹ tiền mặt mà phải niêm phong, gửi…theo quy định. Chính vì thế, có trường hợp, mặc dù bản án tuyên tạm giữ tiền mặt để đảm bảo thi hành án nhưng đương sự sẽ không đồng ý để xử lý số tiền trên mà sẽ tự nguyện nộp tiền thi hành án để lấy số tiền đó về, dùng cho mục đính khác của họ. Ví dụ như họ không đồng ý với các bản án đã có hiệu lực pháp luật, nên họ dùng cho mục đính giám đốc thẩm, tái thẩm….Chính vì vậy, về nguyên tắc Chấp hành viên không có quyền xử lý tiền là tang vật tạm giữ đảm bảo thi hành án trong thời hạn tự nguyện thi hành án nếu không được sự đồng ý của họ. Từ những phân tích trên, theo tôi cấp có thẩm quyền cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng đúng với các quy định của pháp luật hiện hành như sau: Đối với khoản tiền có trước khi xét xử là đương sự, bị can, bị cáo, tự nguyện nộp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để khắc phục hậu quả thì đây được xem là đương sự tự nguyện để không thu phí thi hành án. Đối với khoản tiền có trước khi xét xử là Cơ quan Điều tra thu giữ tang vật sau đó Tòa án tuyên tạm giữ để đảm bảo thi hành án thì tùy thuộc vào quá trình tổ chức thi hành án để làm căn cứ có thu phí hay không: Nếu sau khi ban hành quyết định thi hành án mà đương sự tự nguyện lấy số tiền đó để thi hành án trong thời gian tự nguyện thi hành án thì không thu phí thi hành án. Nếu sau khi ban hành quyết định thi hành án, hết thời hạn tự nguyện mà đương sự không tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án phải xử lý số tiền là tang vật tạm giữ đảm bảo thi hành án để thi hành án thì phải thu phí thi hành án. Còn theo luồng ý kiếnkhông thu phí thi hành án đối với tất cả các khoản tiền có trước khi xét xử viện dẫn quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư “…đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện…” hoặc lý luận theo cách cơ quan thi hành án không tác nghiệp nên không thu phí thì cần phải sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 6 Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10 /11/2016 của Bộ Tài chính quy định các trường hợp không phải chịu phí thi hành án dân sự theo hướng: Bổ sung thêm khoản 8 Điều 6 như sau: “Tiền, tài sản mà đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 45 Luật thi hành án dân sự và các khoản tiền có trước khi ra quyết định thi hành án”. Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi, rất mong được sự quan tâm đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp. Đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu xem xét để có giải pháp hiệu quả, áp dụng pháp luật thống nhất, không phải áp dụng theo cách suy luận, suy diễn. Đảm bảo nguyên tắc các văn bản pháp luật rõ ràng, điều chỉnh, bao trùm được các phát sinh trong thực tế, không như hiện nay, một nội dung phát sinh nhưng rất nhiều luồng ý kiên khác nhau.                                                             Nguyễn Đức Hiếu                                                       Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh In bài viếtIn bài viết

Các tin khác

  • Đôi điều về phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự
  • Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thi hành án tín dụng, ngân hàng tại Hà Nội cần được giải quyết
  • Một số khó khăn, vướng mắc và bài học rút ra từ thực tiễn xác minh điều kiện thi hành án
  • Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự
  • Chuyển nhượng tài sản khi bản án, quyết định bị tuyên hủy
Chỉ đạo điều hành Văn bản chính sách mới Hoạt động của tổng cục THADS Hoạt động của THADS địa phương Hoạt động của đảng đoàn thể Nghiên cứu trao đổi Từ thực tiễn Thông tin chung Thi đua khen thưởng thông báo
  • Quyết định, Kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp năm 2024
  • Quyết định, Kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp năm 2024
cổng thông tin điện tử tổng cục thi hành án dân sự - Bộ tư pháp

Địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 02432 444 269 - Fax: 02432 444 214. Email: banbientapthads@moj.gov.vn

Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Văn Lực - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự

Giấy phép cung cấp thông tin trên internet số 28/GP-BC ngày 25/03/2005.

® Mọi thông tin phát hành lại từ cổng thông tin này phải ghi rõ nguồn “Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp: thads.moj.gov.vn”.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Từ khóa » Phí Thi Hành án Dân Sự Ai Chịu