Về Vĩnh Long, Tôi đã đốt đuốc Lá Dừa để Ra đình Làng Coi Hát Bội
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Nếu ai có hỏi chuyến về Vĩnh Long vừa rồi tôi thích nhất điều gì? Thì chắc chắn câu trả lời đó là: được trải nghiệm đốt đuốc đi bộ trên đường làng tối om để ra đình coi hát bội. Như người ta nói “hát bội làm tội người ta”, tôi nghĩ điều đó thật, ít nhất đúng với chính mình. Hát bội làm tôi cứ day dứt để phải nghĩ mình sẽ làm một điều gì đó trong nay mai…
Háo hức để đến Vĩnh Long, vượt Cổ Chiên
Một ngày giữa tháng 9 (2020), cũng như một số anh chị trong đoàn khảo sát hôm ấy, tôi háo hức vì lịch trình sẽ dừng lưu trú tại Vĩnh Long. Đã nhiều lần chỉ đi lướt ngang qua đất này vì nghỉ chắc là không có gì ấn tượng đâu. Nếu trên đường đi Cần Thơ hoặc Cà Mau theo trục QL1A thì xuyên qua tỉnh này chưa hết một giờ đồng hồ (tính từ cầu Mỹ Thuận đến chân cầu Cần Thơ). Muốn dừng chân nghỉ ngơi cũng ngại mất công vì gắng xíu là đã đến Tây đô rồi ấy mà! Trong tiềm thức, chính xác tôi có nhận định tỉnh này chỉ là thế, không hơn không kém. Chắc cũng vì điều đó mà trước chuyến đi này tôi có tâm trạng tò mò và háo hức, để xem thử Vĩnh Long có gì!?
Sau một ngày rong ruổi khảo sát các điểm trên đất Tiền Giang, trời vừa sập tối là lúc chúng tôi đến Vĩnh Long, vùng đất địa linh sinh nhân kiệt. Chiếc tàu du lịch với trang bị khá tiện nghi và đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn theo quy định đã đợi sẵn từ lúc nào. Dòng Cổ Chiên là đây, đứa con lớn của sông Tiền đã ôm một lượng nước khổng lồ và chính thức thoát ly từ sông mẹ ngay sau khi chui qua cầu Mỹ Thuận để đổ ra biển Đông theo hai cửa Cung Hầu và cửa Cổ Chiên.. Chỉ hơn 15 phút vượt sông Cổ Chiên, tàu cập bến Cù lao Minh – cù lao đầu tiên mà dòng sông Tiền tạo ra sau khi chui qua cầu Mỹ Thuận. Đây có lẽ là cù lao lớn nhất của dòng sông mẹ Mekong khi chảy vào Việt Nam. Nó chính là một trong ba cù lao để tạo thành tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, phần đầu của Cù lao Minh thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long người ta gọi là Cù lao An Bình.
Trải nghiệm ngủ Homestay trên Cù lao An Bình
Đoàn lưu trú tại một homestay điển hình, đạt chuẩn Asean có tên là Út Trinh. Cảm giác ấn tượng với cơ sở lưu trú này có ngay từ…cầu tàu, bởi nụ cười hào sảng và đôn hậu của vợ chồng gia chủ. Vừa qua khoảng sân nhỏ, tôi cảm nhận ngay không khí gia đình với ngôi nhà truyền thống kiểu cũ, không gian phòng khách theo đặc trưng nhà xưa Nam bộ, khá thoáng. Sự đón tiếp niềm nở của chủ nhà, đặc biệt bữa ăn tối rất ngon với các món đặc sản được chế biến từ nguồn nguyên liệu sẵn có ngay trong vườn nhà. Mệt, đã đến được chỗ nghỉ. Đói, đã được ăn ngon. Chính vì lẽ đó mà cái háo hức cho chương trình “đốt đuốc xem hát bội” được giới thiệu từ trước dường như lúc này không còn ưu tiên trong tâm trí nữa. Cho nên khi đến giờ tập trung, ừ đi, theo đoàn thì ai cũng thế mà. Trong đầu vừa suy nghĩ thế, vừa miễn cưỡng lê lết cái thân nặng mùi do chưa tắm nguyên ngày đi xuống tàu.
Trong đêm, tôi đốt đuốc lá dừa để ra đình xem hát bội
Tàu cập một bến nhỏ bên một dòng kênh đào. Cả đoàn vừa lên bờ là được gửi ngay những bó đuốc làm bằng lá dừa đã chuẩn bị sẵn, bó buộc khá cẩn thận. Trời, cái gì đây? Tôi không nghĩ trên tay lại được “chạm” vào ký ức một thời của người miền Tây như thế. Nếu có thoáng nghĩ qua thì cũng mường tượng ra những cây đuốc làm bằng nùi giẻ nhúng dầu hôi, miễn sao có lửa để “diễn” là chính. Tôi không phải dân miền Tây, nhưng đọc các bài viết có nói ngày xưa khi chưa điện đài thì đuốc là nguồn ánh sáng chính để soi rọi trong đêm. Những vùng có trồng dừa thì nguyên liệu chính làm đuốc lá lá dừa khô. Chỉ cần lấy nắm lá dừa tách đôi làm hai rồi trở ngược đầu áp vào nhau sao vừa vặn nắm tay cầm là được. Để định hình bó đuốc thì cột vài ba cái vòng quanh bó đuốc, gọi là nút, dây cột nút cũng là từ dừa luôn.
Sau khi châm đuốc cháy lên, thấy chúng tôi hơi “ngơ ngơ” nên các anh chị địa phương hướng dẫn kỹ cách cầm và sử dụng đuốc sao cho an toàn. Khi cầm đuốc phải chú ý đến hướng gió, nếu lửa yếu thì cầm đuốc ngược gió là lửa bùng lên, cũng chú ý sao cho tàn tro không bị gió thổi bay vào người khác. Về cách nới nút dây cũng cần chú ý, để đuốc không bị tắt khi đến chỗ nút chặt thì nới hoặc mở ra. Hoặc nếu đuốc cháy mau quá nguy cơ chưa đến nơi đã hết đuốc thì điều chỉnh nút dây chặt lại chút để kiềm chế ngọn lửa…
Ngọn đuốc lá dừa soi vào ký ức…
Với đoạn đường làng dài gần 1km, chúng tôi đã thích thú với trải nghiệm trong tay đong đưa ngọn đuốc, huơ huơ chút ánh sáng héo hắt để soi đường mà đi tới. Đâu đó, các chú, các anh lớn còn ôn lại những câu chuyện thuở xưa của họ, mà giờ đã là kỷ niệm chắc chỉ còn trong sách. Những câu chuyện về đêm tối trời, tụi con trai choay choay hò nhau đi soi đồng, bắt ếch nhái. Rồi nghĩa xóm tình làng nơi thôn ấp tuy nghèo khó nhưng lúc nào cũng “tối lửa tắt đèn” có nhau….Tất cả, có thể lắm chứ, sẽ mãi là ký ức nằm sâu đâu đó dưới những xếp chồng bởi trầm tích của thời gian. Càng thấy rằng, những trải nghiệm như thế này là đáng quý biết bao nhiêu. Bởi lẽ, những cái đẹp, những kỷ niệm hay dù sẽ mai một nhường đường cho dòng chảy phát triển của cuộc sống. Nhưng nếu phũ phàng mà rũ bỏ, xóa nhòa, thì đời sống tinh thần của con người ta chắc sẽ khô cứng và khó trụ vững trước những biến thiên cuộc đời….
Xem hát bội ở đình trên Cù lao An Bình
Câu chuyện ôn cố tri tân vẫn còn râm ran, thì chúng tôi đã đến Đình làng An Thành, thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cũng giống như bao ngôi đình làng khác ở Nam bộ, đây là chốn thiêng liêng để người dân trong làng thờ Thần Thành hoàng. Đình nào cũng vậy, hàng năm có tổ chức nhiều lễ tế khác nhau, trong đó lớn nhất là Lễ Kỳ yên. Mà dường như là tục lệ bất thành văn, có cúng Kỳ yên thì thế nào cũng phải có hạt bội.
Bước vào trong đình đã thấy Đoàn tuồng chờ sẵn, cùng với một số bà con lớn tuổi và cả các em nhỏ chắc nhà gần đó. Ngay nhà Võ ca đã chuẩn bị sẵn một sân khấu có nền cao được lót bằng gạch tàu, đây là nơi diễn ra hát tuồng tối nay. Sân khấu tuy không hoành tráng nhưng có màu sắc đặc trưng bởi phông màn là các tấm vải xanh đỏ theo phong cách cổ cổ, có thêu rồng phượng và gắn kim sa, mắt gà lấp lánh. Ở ngay phần phía trên tấm màn chính giữa sân khấu là dòng chữ Đoàn tuồng cổ Đồng Thinh – tên của đoàn. Nói thêm, ngày xưa, ngoài các dịp hát ở đình có sẵn sân khấu thế này; các gánh hát đi ghe thuyền lưu diễn khắp nơi, nếu không có điều kiện bài bảng mà dân sở tại có nhu cầu thì chỉ cần dựng tạm vài ba cây cột giữa ruộng, treo tấm phông màn là đã có sân khấu để diễn rồi.
Chúng tôi được hướng dẫn ngồi trên những băng ghế dài và ghế đá được đặt ở gian giữa (gọi là nhà chầu). Hồi hộp, đợi chờ.
Hát bội là niềm vui, là món ăn tinh thần của người Nam bộ
Hát bội là một loại hình nghệ thuật có lịch sử gần ngàn năm của dân tộc ta. Có giả thuyết cho rằng hát bội du nhập vào nước ta từ thời thế kỷ XIII, sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ 2 của quan quân nhà Trần. Nhưng chắc chắn nhất, sự kiện đánh dấu sự phát triển sang một giai đoạn mới của nghệ thuật hát bội đó là vào khoảng cuối thế kỷ XVII thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Khi ấy cụ Đào Duy Từ trong hành trang vào Đàng trong đã mang theo loại hình nghệ thuật độc đáo này dâng cho chúa Nguyễn. Qua năm tháng, với chính sách Nam tiến, bao thế hệ lưu dân miền Trung đã vào khai khẩn phương Nam và mang theo món ăn tinh thần này theo dấu chân của họ. Đầu thế kỷ XIX, Tả quân Lê Văn Duyệt là người vốn yêu thích hát bội, với tầm ảnh hưởng của mình đã chắp cánh cho hát bội trở thành tài sản chung cho toàn dân Nam bộ.
Hát bội ban đầu vốn giới hạn trong chốn cung đình cho giới quan lại thưởng thức, thì khi vào Nam nó đã là món ăn bình dân cho tất cả. Từ kẻ giàu có đến người bần tiện, bất kể nam phụ hay lão ấu, nơi giồng cao hay chốn sông sâu; ai ai cũng có thể thưởng thức một cách bình đẳng. Đây chính là tính nhân văn, đặc trưng đáng quý nhất của hát bội ở miền Nam. Nó phản ánh đúng bản tính phóng khoáng, hào sảng, bao dung của những con người đi khai mang bờ cõi cho đất nước. Có thể nói, hát bội là một trong những nguồn vui, đem đến động lực sống, sự mạnh mẽ cho người dân Nam bộ trên vùng đất mới lúc đó khi thường xuyên phải đối đầu với nhiều hiểm nguy “dưới sông sấu lội, trên bờ cọp đua”. Nói như trong truyện “Hát bội giữa rừng” của nhà văn Sơn Nam thì “Bởi vậy chỉ có hát bội là cách giải trí độc nhứt của người đi khai phá đất mới”.
Trước khi xem hát bội nhớ người xưa
Chúng tôi chờ đợi và hồi hộp để được xem các nghệ sĩ hát tuồng bằng xương bằng thịt sẽ xuất hiện và diễn trên sân khấu như thế nào. Trong lúc chờ đợi có vị trong ban nhạc bật mí với chúng tôi là có thể vô trong cánh gà để tận mục sở thị xem các nghệ sĩ hóa trang. Với tuồng, để hóa thân thành một nhân vật, khắc họa rõ tính cách của người đó thì người nghệ sĩ phải đầu tư nhiều thời gian để chuẩn bị, nhất là hóa trang.
Bất chợt tôi nhớ đến cái đoạn trong bộ phim bất hủ Đất Phương Nam khi bọn trẻ chen nhau nhìn qua khe hở ván tường để vừa nhìn vừa châm chọc thằng An đang hóa trang.
Nếu ai đã từng xem phim này thì chắc cũng là 8X về trước hết rồi nhỉ? Ai đó còn nhớ không? Trên đường gian nan đi tìm cha, sau pha phối hợp móc túi cùng anh Út Lục Lâm bất thành, nhân vật chính An “Giang Hồ” của chúng ta đã bị bọn lính truy đuổi và vô tình phải chạy trốn trong một cái đình. Trời thương, nơi này lại có Thầy Bảy (thầy cũ của An) và gánh hát tuồng của ông đang chuẩn bị diễn. Ông thầy đã nhận ra cậu học trò quý mến năm nào và cứu cậu thoát cảnh truy bắt. Từ đó đường đời đưa đẩy cậu được trở thành một thành viên của đoàn hát bội, với vai để đời đầu tiên là…đóng làm con ngựa cho quân vương cưỡi. Xem tập phim này khán giả cũng sẽ hiểu thêm phần nào về nghệ thuật hát bội.
Tận mắt xem hát bội “làm tội người ta” như thế nào?
Đang miên man, thì bỗng “Trống đánh thùng thùng. Kèn thổi tò ti te” – lời nhà văn Sơn Nam. Suốt gần 30 phút đồng hồ, tôi cũng như các khán giả trong đoàn gần như bị cuốn vào tầng tầng lớp lớp các động tác, điệu bộ, lời thoại, tiếng nhạc cụ…Hôm ấy các nghệ sĩ biểu diễn một trích đoạn trong vở tuồng kinh điển có tên “Câu thơ yên ngựa”. Chỉ một sân khấu nhỏ, thời gian có hạn, vài vai diễn lên sân khấu, nhưng các nghệ sĩ đã tái hiện rất sống động một thời kỳ hào hùng của dân tộc. Những Nguyên phi Ỷ Lan, Lý Thường Kiệt…được các nghệ sĩ hóa thân xuất sắc, toát lên được cái hồn, cái thần thái của các nhân vật lịch sử nổi tiếng này. Kết tiết mục, nghệ sĩ Vũ Linh Tâm – linh hồn của đoàn – hóa thân thành vị Anh hùng họ Lý đọc bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà”. Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của cả dân tộc đã được thể hiện rất hùng hồn như lời khẳng định, kết tinh và tự hào của hồn thiên sông núi nước Nam. Kết thúc rồi mà dư âm cứ văng vẳng đọng lại nơi tai…
Trân quý một gia đình có 5 thế hệ giữ nghề hát bội ở Vĩnh Long
Sau khi hoàn thành biểu diễn, thay mặt các nghệ sĩ, NSƯT Vũ Linh Tâm run run xúc động nói những chia sẻ về đoàn hát của mình. “Đoàn tuồng cổ Đồng Thinh” là tên chính thức của gánh hát. Được thành lập từ năm 1987, cho đến nay đã có 05 thế hệ trong gia đình ông đã và đang theo nghề, giữ nghiệp. Đặc biệt so với các gánh hát bội khác ở miền Tây, đoàn Đồng Thinh đa số là các thành viên trong một gia đình. Gánh hát sở dĩ còn duy trì được cho đến ngày hôm nay dưới bao áp lực của cơm áo gạo tiền và thị hiếu khán giả, sợi dây tình cảm có lẽ là động lực và chất keo kết dính. Gánh hát cứ lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác theo kiểu cha truyền con nối, từ ông, cha, con, dâu rễ đến cháu, chắt…
Tôi trộm liếc nhìn sang Nguyên phi Ỷ Lan, lúc diễn thấy chững chạc quá, giờ nhìn kỹ mới nhận ra nghệ sĩ này khá đẹp và…trẻ. Chủ gánh hát mới tiết lộ đây là cháu nội của ông, bé Diễm Hằng mới chỉ có 15 tuổi thôi. Tiếp nối truyền thống gia đình, em cũng rất đam mê với tuồng và quyết tâm đi theo nghề của ông cha để góp phần lưu giữ bộ môn nghệ thuật này không bị mai một.
Khán giả được trải nghiệm hát bội khi học vào các vai diễn
Không chỉ được xem hát bội, điều vô cùng thích thú với một du khách như tôi đó là phần học cách biểu diễn, tìm hiểu các đặc trưng và trải nghiệm với các động tác ngay trên sân khấu. Hát bội là nghệ thuật kết hợp của ca, kịch và các động tác biểu diễn. Với đặc trưng là tính ước lệ để chuyển tải các tuồng tích. Người dân Nam bộ đã dựa vào những tích xưa để lồng vào đó các câu chuyện mang tính nhân văn, đạo đức, đề cao các giá trị làm người như: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Đặc biệt là giáo dục lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm, bài trừ những cái xấu.
Với một cây roi có gắn chùm lông để tượng trưng cho con ngựa, khán giả sẽ được học cách nào là cho ngựa chạy phi nước đại, phi nước kiệu…Hay các động tác đánh võ, múa thương…nhìn tưởng đơn giản mà thực ra khá phức tạp. Để biểu diễn đẹp mắt và thành thục trên sân khấu đòi hỏi người nghệ sĩ phải tập luyện trong nhiều thời gian.
Đốt đuốc lá dừa rọi đường làng để ra đình xem hát bội là một trải nghiệm thú vị khi đến Vĩnh Long. Hãy thử một lần để được trở về với không gian sống Nam bộ ngày xưa, nhất là thời khai hoang lập ấp của tiền nhân. Đúng lắm chứ, đây là một cách tìm hiểu về văn hóa – lịch sử rất sống động, giúp chúng ta cảm được cái hồn của một vùng đất, cái tình của con người ở nơi mà chúng ta đang khám phá.
Một buổi tối được thu hoạch quá nhiều thứ, vượt qua sự mong đợi; tôi lâng lâng cho đến những ngày sau. Bất giác, nhận ra mình thật hổ thẹn với cái cảm giác miễn cưỡng lúc lê lết xuống tàu. Thì ra, chúng ta vô tình (có khi là cố ý) bỏ qua hoặc xem thường những giá trị truyền thống xung quanh chúng ta; những điều mà không ít lần chúng ta khinh khỉnh là cũ xưa lắm rồi. Nếu chúng ta vội quên đi những gì hay ho của ngày hôm qua, thì chắc chắn các thế hệ sau này cũng mau giũ bỏ những gì chúng ta cho là tinh túy của ngày hôm nay.
Điệp Cao
Từ khóa » Cầu Sao được đuốc Lá Dừa Lại Soi
-
Đuốc Lá Dừa - Giá Trị Văn Hóa Với Cuộc Sống Của Người Dân Nam Bộ
-
Bài Thơ: Đuốc Lá Dừa (Bế Kiến Quốc) - Thi Viện
-
Nhớ đuốc Lá Dừa - Báo Bạc Liêu
-
Nhớ đuốc Lá Dừa - Tin Tức Miền Tây
-
“Đuốc Lá Dừa” đã Tắt - Báo Thanh Niên
-
Những Bài Thơ Về Dừa, Cây Dừa Hay - Dolatrees
-
ĐUỐC LÁ DỪA | Thư Viện Nguyễn Đình Chiểu Tỉnh Bến Tre
-
Những Bài Thơ Về Cây Dừa - Diễn Đàn Chia Sẻ
-
Đuốc Lá Dừa - Thư Viện PDF
-
Tập Thơ Cuối Rễ đầu Cành (1994) – Bế Kiến Quốc - Luật Trẻ Em
-
Tập Quán Cho đuốc Của Cư Dân Xứ Dừa, Bến Tre - .vn
-
Miền Tây Bình Yên Trong Mắt Khách Nước Ngoài - VnExpress Du Lịch
-
Hình ảnh Cây Dừa Trong Ca Cổ, Thơ Ca Nam Bộ