Vì đất Nước Cần Một Trái Tim... - Tuổi Trẻ Online
Có thể bạn quan tâm
Phóng to |
Ca sĩ Thái Hòa - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Ca sĩ - kiến trúc sưNguyễn Hữu Thái Hòa là người xa xứ (quốc tịch Canada, làm việc tại Hong Kong), anh là tác giả của cuốn sách Vườn xưa - hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn (NXB Trẻ), người đã có một hành trình miệt mài trong việc sưu tập, phát triển gia tài nhạc Trịnh Công Sơn ở cả trong nước lẫn nước ngoài. Anh cũng đã thực hiện 7 CD nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn.
Những CEO Việt ở Châu Á“Đò đưa” âm nhạc Trịnh Công Sơn Nghe trực tuyến album Mẹ - cánh chim cô đơn
Phóng to |
Nhà văn Phùng Lệ Lý tại buổi giao lưu trực tuyến sáng 31-3 - Ảnh: Thanh Đạm |
Bà Phùng Lệ Lý (Le Ly Hayslip): Tác giả cuốn sách Đảo lộn đất trời (When heaven and earth changed places), đã được đạo diễn Oliver Stone dựng thành bộ phim nổi tiếng Trời và đất. Bà cũng là người sáng lập Tổ chức Đông Tây hội ngộ - một tổ chức từ thiện có nhiều đóng góp cho Việt Nam.
Người phụ nữ giữa "Đảo lộn đất trời"Lệ Lý về quê
Nội dung giao lưu
* Xin được đặt câu hỏi với nhà văn Phùng Lệ Lý: Vì động cơ thúc đẩy nào mà từ một người "ra đi" bây giờ lại trở về quê hương, đất nước và đóng góp cho quê hương? (PHAN LAC DONG QUAN, 46 tuổi, quanphan_52@...)
* Xin hỏi bà Lệ Lý quê ở đâu? hiện nay bà có còn sống ở Mỹ hay đã định cư hẳn ở Việt Nam? (Hương Giang, 45 tuổi, vohuonggiangsaigon@...)
- Nhà văn Phùng Lệ Lý: Quê hương tôi ở Quảng Nam - Đà Nẵng. 3 tháng nay tôi ở Việt Nam, nhưng cũng sắp phải trở về Mỹ rồi lại quay trở lại VN vào tháng 10 sau mùa hè nóng bỏng để đón những ngày mưa tầm tã của miền Trung. Cũng có thể tôi sẽ trở về Đông Nam Á để nghỉ hưu lúc tuổi già, nhưng ở đâu thì vẫn chưa có dự định.
Động cơ trở về là do tôi sinh ra trong gia đình nghèo, thất học vì chiến tranh. Sau khi tôi rời làng Quảng Nam tôi vào thành phố Sài Gòn không có công ăn việc làm tôi chỉ đi làm mướn cho người kiếm sống qua ngày mà thôi.
Sau khi rời Việt Nam qua bên Mỹ năm 1970 vốn liếng chủ yếu là kinh nghiệm trường đời còn học đường thì không có. Do đó tôi phải phấn đấu kiếm sống để nuôi 3 đứa con, đấy là điều mà người mẹ phải làm. Sau khi thành đạt được trở về Việt Nam 1986, tôi thấy còn rất nhiều trẻ em Việt Nam cần sự giúp đỡ và từ đó đến nay tôi nguyện xả thân giúp ích cho đời. Hi vọng tương lai của các em sẽ sáng sủa hơn tôi. Cảm ơn câu hỏi của em.
Chương trình Giao lưu "Mẹ - cánh chim cô đơn" do ca sĩ Thái Hòa phối hợp cùng Công ty Văn hóa Phương Nam và một số anh chị em nghệ sĩ khác như Bích Hồng, Nguyệt Ca, Richard Fuller, Thế Vinh, Thủy Tiên... tại Cà phê sách Phương Nam (3 Nguyễn Oanh - Q. Gò Vấp) vào lúc 20g ngày 1-4 nhằm gây quỹ ủng hộ Hội bảo trợ trẻ em nhiễm dioxin Việt Nam tại Pháp và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. |
- Kiến trúc sư - Ca sĩ Thái Hòa: Rất cám ơn bạn. Tôi rất hiểu sự lắng lòng của bạn... Hơn 10 năm nay tôi sống và làm việc mạnh mẽ là nhờ những phút lắng lòng như thế. Anh nhìn xem mặt sau của album Mẹ, đó là hình ảnh chụp qua cửa sổ của cánh máy bay, mỗi khi đáp xuống TSN lòng tôi lại bồi hồi nhớ về Mẹ và quê nhà. Đó cũng là nỗi niềm của Cánh chim cô đơn của một đứa con xa Tổ quốc...
* Cho tôi hỏi bà Phùng Lệ Lý: Được biết bà rất thân với đạo diễn Oliver Stone, hồi năm ngoái tôi có nghe nói đạo diễn đang làm bộ phim về vụ thảm sát Mỹ Lai - Pinkville, không biết bộ phim đang thực hiện đến đâu rồi? (Hùng Khương, 31 tuổi, Khuonghung1978@...)
- Nhà văn Phùng Lệ Lý: Rất tiếc sau khi Oliver Stone về đến Mỹ Lai để khảo sát và lúc đó tôi tìm kiếm rất nhiều phim cụ tại Sơn Mỹ để chuyển sang qua Thái Lan để dựng bộ phim ấy nhưng khi phim bắt đầu thì bên Mỹ có cuộc đình công. Vì vậy, phim phải hoãn lại. Đến nay lại gặp thời kỳ kinh tế khủng hoảng nên chưa biết được lúc nào phim mới được tiếp tục quay trở lại.
Phóng to |
Ca sĩ Thái Hòa tại buổi giao lưu trực tuyến - Ảnh: Thanh Đạm |
* Xin chào anh Thái Hòa! Theo anh, "cần một trái tim" của những người Việt trẻ đã đủ chưa khi có nhiều vấn đề của đất nước phải được giải quyết bằng "lý", chứ không chỉ bằng "tình". (Đàm Nhung, 22 tuổi, damthihongnhung@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Chào bạn, khi giải quyết bất cứ vấn đề gì (dù là lý hay tình) BẰNG TRÁI TIM thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Kinh nghiệm 12 năm làm việc ở phương Tây giúp tôi khẳng định như thế...
* Tôi rất vui khi Tuoitre Online có buổi giao lưu với anh Thái Hoà và bà Phùng Lệ Lý. Trước hết tôi chúc anh Thái Hoà và bà Lệ Lý sức khoẻ. Anh Thái Hoà, anh rất thành công ở nước ngoài, con người anh mang dòng máu Việt. Anh sẽ làm gì khi mỗi sáng thức dậy anh chợt nhớ mình là người Việt Nam ? (Nguyễn Văn Thế, 36t tuổi, hitekman200@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Rất đơn giản anh ạ. Một ngày của tôi bắt đầu bằng nụ cười của con gái cưng Trâm Anh và hai tiếng "ba Hòa ơi"... Một ngày bận rộn của cả gia đình nhỏ thường sẽ kết thúc cuối ngày bằng một câu hát của Trịnh Công Sơn: "và như thế tôi sống vui từng ngày" (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui)...
* Được biết bà Phùng Lệ Lý là người sáng lập Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ để làm từ thiện, vậy tổ chức đã làm những công trình từ thiện nào cho Việt Nam chưa? (Nguyễn Hoàng Cường, 28 tuổi, nguyenhoangcuongdanang@...)
- Nhà văn Phùng Lệ Lý: Năm 1986, tôi trở về nước sau 16 năm xa cách. Thấy quê hương còn quá nhiều khó khăn, nhiều thân phận quá xót xa nên bằng mọi cách tôi đã sáng lập tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước. Trong 10 năm đầu, tất cả tiền phim và sách của tôi đã ủng hộ cho tổ chức để họat động. Sau đó, tôi kiếm được nhà tài trợ khá lớn và Đông Tây hội ngộ đã có đủ khả năng tự đứng vững nên tôi rời tổ chức này.
Hiện nay, Đông Tây hội ngộ đã là một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất Việt Nam. Bạn có thể vào website: http://www.eastmeetswest.org/ để tìm hiểu thêm.
Tôi tiếp tục sáng lập tổ chức thứ 2 là tổ chức phi chính phủ Làng toàn cầu, chuyên về giáo dục qua tủ sách lưu động cho trẻ em ở các vùng sâu vùng xa. Bạn nên vào website của tôi là: http://www.globalvillagefoundation.org/
Trong hai website này, bạn sẽ tìm được những thông tin về các công trình từ thiện mà chúng tôi đã thực hiện. Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi.
* Em rất yêu thích dòng nhạc trữ tình, cụ thể là dòng nhạc của Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên dể hiểu được sự tinh túy và trầm lắng của thể loại này đòi hỏi người hát phải có chất giọng trầm và lắng đọng, du dương theo bản nhạc.
Em có một câu hỏi muốn giao lưu với anh Thái Hòa là động cơ nào đưa anh đến với dòng nhạc Trịnh. Tại sao anh lấy đêm giao lưu tại Book cafe Phương Nam với chương trình "Mẹ - Cánh chim không mỏi" làm chủ đề. Rất vui được giao lưu với anh Thái Hòa. Chúc Anh vui và thành công. (Minh Huy, 30 tuổi, ha.mai82@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Xin chào anh. Năm tôi 10 tuổi được mẹ dẫn đi nghe cậu Sơn hát Cánh chim cô đơn. Bài hát viết cho phim Đứa con bị từ chối. Tôi đã hỏi mẹ rằng: Má ơi, làm sao con chim có thể giấu nỗi buồn trong cánh?...
Đúng 30 năm sau, tôi là một cánh chim xa nhà, xa cha mẹ làm việc ở phương Tây, hiểu thấm thía nỗi buồn trong cánh chim sắt (cánh máy bay). Album này tôi dành tặng mẹ nhân sinh nhật 70 và tưởng niệm 8 năm ngày mất của NS Trịnh Công Sơn, một người bạn thời sinh viên của mẹ và cũng để nhắc lại kỷ niệm đầu đời nghe nhạc Trịnh của Thái Hòa.
* Tôi có đọc trên mạng thông tin rằng bà mới học đến lớp 3 trường làng, vậy sao bà có thể viết được những cuốn sách mà dịch ra 15 ngôn ngữ khác trên thế giới? Thông tin đó có chính xác không thưa bà. (Đoàn Tiến, 59 tuổi, thegioiphudu1950@...)
- Nhà văn Phùng Lệ Lý: Chính xác nhất tôi là một cô chăn trâu không được cắp sách đến trường như các bạn ở thành thị mà chỉ được đi học ban trưa (bình dân). Nhưng sau khi tôi được ra nước ngoài, có điều kiện tự học vì trước 1975 thì ít có người Việt sống ở Mỹ. Bắt buộc tôi phải tự học lấy.
Khi tôi viết 2 cuốn sách Khi trời đất đổi thay và Đứa trẻ trong chiến tranh Phụ nữ trong thanh bình, hai cuốn sách này được dịch ra 17 thứ tiếng và đưa vào ngành giáo dục trên nhiều quốc gia.
Tôi vì thiếu học nên có cơ hội tự học lấy chứ không phải là người vô học. Dù ở phương nào tôi cũng nhờ người học cao hơn tôi giúp tôi như Ông Jay Wurts và con trai tôi đã giúp tôi hoàn thành những cuốn sách đã được chuyển thành phim do đạo diễn Olive Stone ra năm 1994. Chân thành cảm ơn câu hỏi của Đoàn Tiến và mong đón nhận những câu hỏi khác.
Phóng to |
Ca sĩ Thái Hòa đang trả lời các câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: Thanh Đạm |
* Sau đêm giao lưu gây quỹ ủng hộ Hội bảo trợ trẻ em nhiễm Dioxin thì anh Thái Hòa và cô Lệ Lý đã có những dự định gì để góp sức chung tay với quê hương không? (Mộng Vy, 28 tuổi, mongduoihoa1605@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Hai cô cháu chúng tôi đang chung tay xây dựng một kế hoạch 5 năm cho các trẻ em bị nhiễm dioxin. Trước mắt phải giải quyết hết những trường hợp cần phẫu thuật tim để những em còn khỏe mạnh có thể trở lại với đời thường nhanh nhất.
Trong công việc hiện tại của chúng tôi, chúng tôi có điều kiện kêu gọi những doanh nghiệp và mạnh thường quân giúp đỡ. Nhưng vấn đề tôi rất băn khoăn là làm sao sự giúp đỡ có thể đến trực tiếp, tốt nhất và nhanh nhất cho các nạn nhân.
* Xin hỏi anh Thái Hòa: ngoài dùng âm nhạc để đóng góp cho đất nước, trong tương lại, anh có dự định dùng nghề kiến trúc sư của mình để tiếp tục xây dựng và cống hiến cho đất nước, ví dụ: một dự án hoặc công trình thiết thực? (Lưu Huỳnh, 38 tuổi, luuhuynhbt@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Tôi đang tham dự vào việc tư vấn cho một số dự án lớn về kiến trúc và quy hoạch đón đầu của các khu công nghiệp Việt Nam theo tiêu chuẩn Eco-Industrial Zone (Khu công nghiệp xanh).
VN đi sau các nước nên phải biết tránh những sai phạm rất nghiêm trọng về môi trường trong việc hoạch định kiến trúc và các khu công nghiệp theo những tiêu chuẩn chất lượng mới của thế giới.
* Anh Thái Hòa đã trình bày rất nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn. Vậy tác phẩm nào để lại cho anh nhiều kỉ niệm nhất? Anh thích nhất ca khúc nào? (Hoàng Cúc, 40 tuổi, bongcucvang_bcv@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Mỗi ca khúc của NS Trịnh Công Sơn là một kỷ niệm của riêng ông nhưng cũng dễ dàng trở thành kỷ niệm của cả người hát lẫn người nghe. Bất cứ thời điểm nào chúng ta cũng có thể chọn một ca khúc yêu thích nhất của ông cho riêng mình.
Riêng tôi, ca khúc Còn tuổi nào cho em hát song ca với ca sĩ người Mỹ Jennifer Thomas là những kỷ niệm đẹp nhất vì được chính nhạc sĩ dàn dựng và chỉ dẫn cho chúng tôi từng câu chữ.
* Những ngày này về Việt Nam, tình yêu quê hương của anh Hòa và cô Lý có bị thử thách với những "lô cốt", kẹt xe, và cả tình trạng ô nhiễm môi trường? (Hồng Sam, 31 tuổi, hongsam@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Cảm ơn bạn. Chính xác là sáng nay chúng tôi trễ 15 phút vì lô cốt. Quả thật tôi cũng như bạn, rất bức xúc về tình trạng này. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là làm sao phải có những giải pháp tư vấn về quy hoạch và giao thông tốt nhất cho chính phủ hơn là chúng ta cứ "than thân trách phận". Tôi nghĩ các bộ, liên ngành cần làm ngay những "hội nghị Diên Hồng" về các giải pháp kỹ thuật và quy hoạch ngay trong năm nay chứ không nên để tiếp diễn tình trạng như vậy.
* Chắc hẳn anh đã đứng và biểu diễn trên rất nhiều sân khấu nước ngoài. Anh có thể chia sẻ những cảm xúc khác nhau khi đứng hát trên mảnh đất quê hương và ở xứ người? (Dạ Thảo, 25 tuổi, da_thao_tran@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Thú thật là đến thời điểm này, những người làm thuê quốc tế như chúng tôi không còn cảm thấy những biên giới về không gian và thời gian như trước đây.
Trong năm 2008, tôi phải bay hơn 140 ngày ở châu Á và châu Úc; ở mỗi nơi đều có những đêm nhạc Trịnh nho nhỏ cho đến những show nhạc tưởng niệm hoành tráng. Nhưng thật lòng không thể nào hát hay bằng khi đứng trên sân khấu ở quê nhà. Đó cũng là một lý do tôi rất ít xuất hiện trên sân khấu ở VN để nuôi dưỡng cái vốn liếng cảm xúc hết sức thiêng liêng này dành cho riêng mình và nhạc Trịnh.
Một điểm xúc động nữa là những đêm nhạc Trịnh phản chiến ở châu Âu trong giai đoạn Mỹ tấn công Iraq, chúng tôi và những anh em ở Pháp, Ý như sống lại cùng Trịnh Công Sơn để hát lên những tiếng ca chống lại chiến tranh và chết chóc.
* Cơ duyên nào đưa bà gặp đạo diễn Oliver Stone và trở thành bạn thân của nhau? (Thế Tài, 25 tuổi, nguoivetunghintrung@...)
- Nhà văn Phùng Lệ Lý: Trong thời gian đạo diễn Oliver Stone ra cuốn phim Trung đội bày tỏ số phận người lính Mỹ chiến đấu ở Việt Nam, tôi đã đi xem và tự hỏi còn số phận người dân Việt Nam thì sao? Từ đó, tôi quyết tâm kể lại cuộc chiến thảm khốc trên đất nước mình.
Vào năm 1989 cuốn sách Đảo lộn đất trời (When heaven and earth changed places) được ra đời, bán chạy nhất ở Mỹ và Nhật thì đạo diễn Oliver Stone tìm tôi mua cuốn sách ấy để chuyển thành phim. Từ đó, chúng tôi gặp gỡ trao đổi về tâm linh, và tự hỏi nhân loại có mặt trên trái đất này để làm gì.
Trong thời gian dựng phim, chúng tôi làm việc chung với nhau và tôi hướng dẫn ông nghiên cứu về Phật giáo để trả lời câu hỏi đó. Nhờ vậy, hiện nay ông không những là bạn thân của tôi mà còn trở thành một Phật tử thuần túy và đã quy y, pháp danh "Minh Đức". Ông rất hãnh diện với tên gọi đó của mình.
* Nhiều người nói: doanh nhân làm bất kỳ việc gì, dù nghệ thuật hay từ thiện cũng đều ít nhiều mang tinh chất lợi nhuận. Với đêm giao lưu này, ngoài tình cảm hướng về đất nước, về Trịnh, anh có muốn nhiều người biết đến tên anh, "thuơng hiệu" của anh? Thật sự, em hay nghe Trịnh, nhưng với em, tên anh còn hơi lạ. (xuanhien, 21 tuổi, hienphan88@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Xin cảm ơn bạn. Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn bằng cùng một câu tôi mới trả lời hôm qua cho câu hỏi rất thẳng thắn của phóng viên báo VietNamNet "Có phải anh muốn đánh bóng thương hiệu nên mới làm đêm nhạc từ thiện?".
Tôi đã trả lời thế này: Với một doanh nhân, việc PR là vô cùng cần thiết. Nhưng một doanh nhân có lương tâm đứng trước hình ảnh của các trẻ em bị nhiễm dioxin như tôi đã được chứng kiến thì khi đó thương hiệu và lợi nhuận đã nhường chỗ cho sự xúc động hết sức mãnh liệt của một con người.
Thú thật tôi cảm ơn một nhân duyên rất tình cờ đã đưa tôi đến gặp một nạn nhân dioxin đã từng sống hơn 35 năm đời sống thực vật tại Hà Nội. Từ buổi gặp gỡ đó, tất cả những việc tôi làm và sẽ làm với âm nhạc Trịnh Công Sơn và với nhiều dự án kinh doanh khác nữa sẽ có một phần kinh phí dành cho những nạn nhân dioxin tại VN.
Tôi cho rằng nếu đánh bóng thương hiệu để có thêm tiền giúp cho những nỗi đau trần thế như vậy thì rất mong các đại gia nên đánh bóng nhiều thêm chút nữa.
Đối với Thái Hòa, một người không sống bằng âm nhạc và với những ai đã biết tôi qua công việc làm hiện tại, có lẽ sẽ hiểu được tình cảm hướng về đất nước của một người trẻ sống xa nhà.
* Nhạc Trịnh có hàng trăm bài hát thế tại sao trong Album Mẹ - Cánh Chim Cô Đơn, anh lại chọn một bài ca thiếu nhi. Bài hát đó có kỉ niệm hay ấn tượng gì đặc biệt với anh phải không? (Hoàng Tâm, 30 tuổi, tuanhoang85@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Trong album có bài hát Em là hoa hồng nhỏ, là một bài hát rất nhiều kỷ niệm với gia đình tôi. Năm 2002, nhân sinh nhật 1 tuổi của con gái tôi tại Pháp, tôi và bạn bè đã dịch bài hát này ra ba thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức để hát cho các bạn bè người ngoại quốc đến dự tiệc.
Khi đó chúng tôi mới ngỡ ngàng về tài năng và ca từ "phù thủy" của Trịnh Công Sơn. Trong cả ba phiên bản dịch, nhân vật "em" hóa thân thành ba ngôi thứ khác nhau là tôi (ich), em (toi) và em ấy (she). Ngoài ra, ca từ của Em là hoa hồng nhỏ còn là những lời nhắn nhủ hết sức thánh thiện cho những người không còn nhỏ.
* Thưa bà Lệ Lý, có khi nào bà phải thuyết phục các đạo diễn Mỹ thay đổi quan điểm khi họ đưa vào phim những cái nhìn không đúng về Việt Nam hay chưa? (Giap Thị Liễu, 32 tuổi, giapthilieu@...)
- Nhà văn Phùng Lệ Lý: Nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam mọi người có cái nhìn riêng, nhưng đối với tôi là dân quê và lúc đó tôi còn nhỏ nên chỉ kể lại cuộc đời mình và những gì đã thấy. Đạo diễn Mỹ họ dựa theo những cuốn tiểu thuyết và kinh nghiệm từng cá nhân một.
Vì vậy, là một trong những nạn nhân của chiến tranh, tôi rất may mắn được kể lại trung thực những gì đã xảy ra trong đời mình. Theo tôi biết, Trời và Đất là cuốn phim đầu tiên đưa tiếng nói của người dân Việt Nam ra toàn thế giới, kêu gọi nhân loại hãy ngừng chiến tranh và lấy Việt Nam làm bài học quý giá để Mỹ đừng tiếp tục sai lầm khi xâm chiếm những nước khác.
* Chào anh Nguyễn Thái Hòa, em có câu hỏi dành cho anh đây: Anh nghĩ thế nào về hậu quả của chiến tranh đã để lại, đặc biệt là chất độc dioxin với đất nước chúng ta. Nếu được đề nghị ký vào đơn kiện những người đã gây ra thảm họa này thì anh có ký không? Cám ơn anh! (Phan Hue, 28 tuổi, jmjphanhue@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Nước Mỹ - một đất nước văn minh và có nhiều điều tốt đẹp nhưng riêng việc giải quyết hậu quả chất độc dioxin là một vết nhơ đối với những nhà chính trị và nhân bản học ở Mỹ. Tôi rất buồn khi nghe tin họ bác đơn của những nạn nhân khiếu kiện các công ty hóa học của Mỹ.
Là một người có cơ hội làm việc toàn cầu, tôi nhất định sẽ tìm những cơ hội để đánh động lương tâm của thế giới về việc này cho đến khi nào vẫn còn thở được.
Phóng to |
Nhà văn Phùng Lệ Lý đang giao lưu cùng độc giả - Ảnh: Thanh Đạm |
* Xin vui lòng cho biết: cảm tưởng của chị khi về đất nước hôm nay, một đất nước sau bao nhiêu năm chiến tranh... Khác gì so với lời đồn đại của những phần tử cực đoan ở hải ngoại đưa tin? Xin cám ơn chị. (PHAN LAC DONG QUAN, 46 tuổi, quanphan_52@...)
- Nhà văn Phùng Lệ Lý: Cảm tưởng của tôi là đất nước mình đã đổi thay quá sức tưởng tượng, cái tốt thì nhiều nhưng cũng có những cái cần sửa đổi. Tôi biết đất nước đã trải qua bao nhiêu năm chiến tranh thì dân chúng phải trải qua nhiều giai đoạn mới thành công.
Về số anh chị em nước ngoài cực đoan chống đối, tôi cho rằng họ không nhận được những thông tin chính xác và chưa hiểu đất nước mình đã thay đổi và mở rộng cửa như thế nào. Tôi rất mong muốn chúng ta cùng nhau nối nhịp cầu giữa đồng bào trong và ngoài nước, khuyến khích mời các anh chị em ở nước ngoài để về thăm đất nước và gia đình. Từ đó họ sẽ thay đổi và hàn gắn vết thương lòng. Hi vọng họ sẽ thương yêu dân tộc mình một cách đúng cách hơn.
* Tôi vẫn theo dõi những công trình của Hòa, nhất là đối với nhạc Trịnh. Có thể nói Thái Hòa là một trong những người đam mê nhạc Trịnh vào hàng số 1, và với những khả năng và điều kiện của mình, Hòa đã góp phần "truyền bá" nhạc Trịnh đến cho mỗi người ở phạm vi quốc tế. Thái Hoà có thể tâm sự về nguyên nhân hay hoàn cảnh dẫn đến sự "say đắm" này không và nó có ảnh hưởng thế nào đến nếp sống, nếp suy nghĩ của anh. (Vũ Trung Kiên, 45 tuổi, juse_trungkien@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Cảm ơn anh. Đúng là do điều kiện công việc, Thái Hòa đã có cơ hội đi hơn 20 nước ở châu Âu và châu Á. Nhờ vậy việc gặp gỡ và giới thiệu âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng rất rộng. Có người cho rằng tôi đã góp công rất nhiều để truyền bá "đạo" Trịnh nhưng thật ra đối với tôi là điều ngược lại: chính nhạc Trịnh Công Sơn đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn VN của một thanh niên sống bôn ba ở nước ngoài.
Có những đêm ngồi cùng bạn bè hát Chiều trên quê hương tôi ở Pháp, chúng tôi cảm nhận được rất rõ ràng trong lồng ngực mình một trái tim VN vẫn chung nhịp đập với đồng bào ở quê nhà.
* Sau đêm giao lưu gây quĩ ủng hộ Hội bảo trợ trẻ em nhiễm Dioxin thì anh Thái Hòa và cô Lệ Lý đã có những dự định gì để góp sức chung tay với quê hương không? (Mộng Vy, 28 tuổi, mongduoihoa1605@...)
- Nhà văn Phùng Lệ Lý: Sau đêm giao lưu này chúng tôi sẽ ngồi lại lên dự án 5 năm sắp tới để giúp đỡ các em nạn nhân nhiễm chất độc da cam về việc mổ tim, giáo dục và tìm cách dạy nghề như: vi tính, âm nhạc... và giúp các em vượt khỏi đời sống khó khăn như hiện nay. Ngoài ra, tổ chức Làng toàn cầu của chúng tôi đang hoạt động mạnh tại Việt Nam qua những tủ sách lưu động vùng sâu vùng xa cho các em.(http://www.globalvillagefoundation.org/projects.html)
* Các anh/chị đều là những người đi, sống và trải nghiệm nhiều ở nước ngoài. Xin cho hỏi với một thế giới trở nên "phẳng" hơn, sự gắn bó với quê hương của những "công dân toàn cầu" có gì khác hơn so với trước? Làm thế nào để sợi dây kết nối ấy được bền vững? (Gia Khánh, 32 tuổi, khanh1237@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Thế giới đúng là đang phẳng về cả không gian và thời gian. Nhưng bạn ơi, sâu thẳm trong trái tim mỗi người là một thế giới khác không thể nào san bằng được. Sợi dây kết nối tất cả mọi người đó là chữ Tâm mà nếu cứ soi vào đó để quyết định tất cả các việc trong đời, bạn hãy tin rằng mỗi đêm nằm xuống, bạn có thể đi vào một giấc ngủ ngon và ít trăn trở về những việc mình đã làm.
Hiện nay, khi đất nước còn ngổn ngang, rất nhiều vấn đề lớn, từ văn hóa, giáo dục đến cả khoa học kỹ thuật và công nghiệp, những người có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài nhiều như chúng tôi rất tha thiết được đóng góp một phần vào sự nghiệp chung của đất nước.
Tôi rất may mắn được đích thân Bộ trưởng Bộ KH-CN mời về cộng tác trong một dự án nâng cao hệ thống quản lý chất lượng cho các tập đoàn VN, để nâng tiềm lực cạnh tranh của VN trong vùng Đông Nam Á lên tầm thế giới. Vì thế hiện tại, mỗi tháng tôi đi về như con thoi giữa VN, Hong Kong và Pháp cho công việc này.
* Xin hỏi cô Lệ Lý, muốn tìm đọc những cuốn sách của cô tại Việt Nam thì có thể tìm ở đâu? Sắp tới, cô có dự kiến xuất bản cuốn sách nào tại Việt Nam hay không? (Đạt Nguyên, 36 tuổi, dangtuyen35@...)
- Nhà văn Phùng Lệ Lý: Những cuốn sách của cô bằng tiếng Anh thì có đã bán khắp nẻo đường đất nước nhưng chưa dịch sang tiếng Việt, đó là cũng thiệt thòi cho cô và cho độc giả là người Việt của mình. Cô cũng đang muốn xuất bản số sách về hoạt động xã hội của cô.
Còn hai cuốn sách Khi trời đất đổi thay và Đứa trẻ trong chiến tranh - Phụ nữ trưởng thành trong thanh bình thì phải chờ một thời gian nữa mới làm được.
* Có thể nói nhạc Trịnh đã nuôi dưỡng tình yêu quê hương của anh không, anh Thái Hòa? Và cụ thể nó đã nuôi dưỡng như thế nào? (Hồng Sam, 31 tuổi, hongsam@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Tôi cảm ơn cuộc đời này đã đưa nhạc Trịnh vào tâm hồn tôi từ những ngày còn ấu thơ. Có thể nói, dòng nhạc Trịnh không những đã nuôi dưỡng tình yêu quê hương trong tôi khi sống ở nước ngoài mà còn giúp tôi luôn nhận rõ mình là ai. Như lời nhà thơ Đỗ Trung Quân đã nói trong giỗ ba năm của Trịnh Công Sơn: "Nhạc Trịnh đã đánh thức những thân phận đang ngủ quên trong tủi nhục, giúp chúng ta giải phóng tư tưởng hèn thấp trước đã, để có thể ngẩng cao đầu làm người VN. Giá trị nhân văn của những ca khúc Da vàng là thế".
* Xin được đặt câu hỏi với ca sĩ Thái Hoà: Xin hỏi anh nghĩ gì với đa số giới trẻ ở Việt Nam (trong đó có cả sinh viên,công nhân viên chức) chỉ thích nghe nhạc thị trường với những ca từ nhạt thếch, trần trụi đôi lúc phản cảm. Bản thân tôi nhìn những đứa cháu ruột suốt ngày ra rả những ca từ vô vị đó tự nhiên tôi đâm ra sợ cho cả một thế hệ Việt nam sau này tâm hồn sẽ nghèo đi trong việc cảm thụ nghệ thuật. Anh nghĩ rằng nhạc Trịnh sẽ "sống" được thời gian bao lâu nữa trong tương lai? (lyly, 27 tuổi, rose_viet82@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Anh ơi, tôi cũng có một đứa con gái chỉ mới 6 tuổi nhưng cũng đã rất lo giống như anh khi nhìn cháu của anh vậy. Cách duy nhất là chúng ta phải tạo ra những không gian cho các em được thường xuyên tiếp cận với những dòng nhạc hiền hòa, đầy nhân bản như âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Tôi tin rằng dòng nhạc Trịnh sẽ sống mãi trong lòng của công chúng cho đến khi nào thế giới này vẫn còn những bất công và chia cắt giàu nghèo trong xã hội như lời của Michico Yoshi (một cô gái Nhật đã làm tốt nghiệp cao học tại Pháp bằng chủ đề âm nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn): "Ngày nào Trái đất này vẫn còn tiếng bom đạn và những đau khổ của chiến tranh và lòng thù hận, thì âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ còn vang tiếng hát, và sẽ mãi mãi còn vang tiếng hát để nối liền những nỗi đau trần thế trên da thịt con người".
* Em xin được hỏi nhà văn Phùng Lệ Lý: nhạc của Trịnh Công Sơn mang tính chất triết lý sống, hướng về tình yêu con người, mang khát vọng hòa bình... Nhưng tuổi trẻ hiện nay đang chuộng nhạc thị trường hiện nay rất ít bạn trẻ thích nghe nhạc Trịnh. Bà có cảm tưởng như thế nào về vần đề này? (la văn trường, truongptnt.vn@...)
- Nhà văn Phùng Lệ Lý: Đây là một trong những bổn phận của những người yêu mến nhạc Trịnh, phải khiến những giá trị của nó sống động trở lại.
Ví dụ: Mẹ cô là một trong những người hát hò khoan chuyên nghiệp. Khi bà mất vào năm 102 tuổi (năm 2006), ngoài nỗi buồn mất mẹ, cô vô cùng tiếc rẻ vì bà đã mang cả kho tàng dân ca miền Trung đi theo. Bà đã để lại cho các con một số bài thơ, bài ca do bà sáng tác, nhưng các anh chị của cô cũng đã trên 70 tuổi và cũng sẽ lần lượt mất đi.
Chúng ta phải có trách nhiệm để âm nhạc của cha ông sống lại, để nó mất hẳn đi là vô trách nhiệm. Lớp trẻ hôm nay phải đi theo tốc độ phát triển của đất nước, nhưng thế hệ trước cần giữ cái hồn của nhạc Trịnh vì nó mang năng lượng, trí tuệ, mang cho mỗi người nhiệt huyết phải sống để đưa đất nước và con người đến nơi toàn thiện toàn mỹ.
* Xin hỏi kiến trúc sư Thái Hòa: Tôi đã có cơ hội được nghe anh hát từ những đêm nhạc đầu tiên tổ chức tại Hội Quán Hội Ngộ sau ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, tôi cũng từng đọc một số bài báo về anh. Cho tôi hỏi nhân duyên nào đưa anh hội ngộ cùng âm nhạc Trịnh Công Sơn, một quá trình "mưa dầm thấm đất" hay nhân duyên đặc biệt nào đó? Tôi xin cám ơn, chúc anh luôn thành công trên mọi lĩnh vực. (Đỗ Thị Hồng Thắm, 31 tuổi, tham.dth@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Như tôi đã trả lời trên đây, âm nhạc Trịnh Công Sơn đã đến với tôi từ vành nôi của mẹ trong những năm tháng tuổi thơ. Khi sống ở nước ngoài, dòng nhạc này lại là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất để nuôi một tâm hồn Việt. Tôi đã từng lập hàng loạt thư viện câu hỏi rất dài về những ca từ khó hiểu trong âm nhạc Trịnh Công Sơn để quay về hỏi trực tiếp tác giả và giúp ông hoàn thành hồi ký về cuộc đời mình.
Rất tiếc rằng những mong ước đó đã không thể thực hiện trong suốt 5 năm tôi ở gần gũi ông (1996 đến 2001). Ngày ông mất, ngoài nỗi đau về sự mất mát quá lớn của một ngọn núi trong âm nhạc VN, tôi còn bàng hoàng nhận ra rằng hoài bão "giải mã" một phần những ca từ trong nhạc Trịnh cũng không thành.
Suốt 8 năm qua, tôi đi tìm gặp hết những người thân quen chung quanh Trịnh Công Sơn, sưu tập, ghi chép và xin lại những mảnh rời kỷ niệm của ông để dần dần hình thành một bức tranh ghép rời rạc về một nhân cách lớn của âm nhạc VN.
Tập hai của Hành trình văn hóa âm nhạc Trịnh Công Sơn, tôi dự định xuất bản trong năm sau, sẽ có tiếng nói của hơn 100 nhà nghiên cứu, bạn bè, gia đình, người thân của Trịnh Công Sơn và cả những lăng kính rất khác của giới trẻ ngày nay với dòng nhạc Trịnh. Chủ đề của tập sách sẽ xoay quanh một câu hỏi: "Trịnh Công Sơn, ông là ai, là ai, mà yêu quá đời này...".
* Chào cô Lệ Lý, lúc nhỏ con được xem bộ phim “Trời và Đất”, con thực sự xúc động vì hình ảnh nhân vật Bảy Lý trong phim cũng như hình ảnh dân mình trong cuộc chiến. Hôm nay con thật vui vì được giao lưu cùng cô. Bây giờ, ngoài những hoạt động từ thiện không ngừng của cô đã đóng góp cho quê nhà, cô có dự dịnh sẽ viết một tác phẩm về sự thay đổi của đất nước mình sau chiến tranh để quảng bá hình ảnh đất nước mình cho bạn bè thế giới không? (Giới Kiệt, 31 tuổi, ketgioisu1908@...)
- Nhà văn Phùng Lệ Lý: Về chiến tranh Việt Nam nói không bao giờ hết, nhưng chiến tranh nay đã qua rồi, những cuốn sách đó cũng đã cũ xưa, nên cô thấy mình cần phải viết thêm những cuốn sách mới nói về đất nước hiện nay.
Nhưng vì hoạt động xã hội nên cô không có thời gian nhiều để viết, hy vọng cô sẽ cố gắng. Con có thể cùng cô viết về đất nước con người Việt Nam mình hay không? Nếu được con e-mail: lhayslip2003@yahoo.com. Xin chân thành cám ơn câu hỏi của con.
* Chào anh Thái Hòa, anh có thể cho em biết một số thông tin cụ thể về buổi giao lưu “Mẹ - cánh chim cô đơn” sắp tới của anh và những hoạt động cụ thể của Hội Bảo trợ trẻ em nhiễm dioxin tại Việt Nam không? (Đan Vy, 29 tuổi, danvy28@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Tôi đang ngồi trả lời phỏng vấn trực tuyến cùng với cô Lệ Lý - một người đã rất nhiều năm làm từ thiện cho các nạn nhân dioxin tại Đà Nẵng và chị Trần Thị Mỹ Quyên, đại diện Hội bảo trợ trẻ em VN nhiễm dioxin (VNED - Vietnam les Enfants de la Dioxine) - hội đã có thâm niên hơn 15 năm trong việc quyên góp và hỗ trợ cho các nạn nhân dioxin từ hồ sơ của các VAVA địa phuơng (Hội bảo trợ nạn nhân dioxin của Bộ LĐ-TB&XH).
Phóng to |
Ca sĩ Thái Hòa và chị Trần Thị Mỹ Quyên, đại diện Hội bảo trợ trẻ em VN nhiễm dioxin tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 31-3 - Ảnh: Thanh Đạm |
Nguyên tắc làm việc của chúng tôi là trực tiếp chuyển tiền tài trợ từ các mạnh thường quân đến các nạn nhân theo từng hồ sơ bệnh án không qua trung gian, dưới sự giám sát của VNED. Mỗi ca phẫu thuật tim và các nạn nhân được nhận hỗ trợ sẽ được cập nhật vào báo cáo lại cho các nhà tài trợ theo từng quý.
Nội dung của đêm nhạc sẽ xoay quanh các bài hát về mẹ và những kỷ niệm của Thái Hòa cùng những nghệ sĩ từ xa về đối với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Xin mời bạn bấm vào đây để xem và nghe trực tuyến nội dung các nhạc phẩm của album Mẹ - Cánh chim cô đơn.
Đặc biệt đêm nhạc tưởng niệm ngày mai 1-4 sẽ có sự hiện diện của GS Trần Văn Khê, bố mẹ của Thái Hòa - KTS Nguyễn Hữu Thái, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, ca sĩ Bích Chiêu (từ Pháp về) và những nhà tài trợ đầu tiên đã đóng góp ủng hộ nạn nhân dioxin như Tập đoàn FPT thông qua anh Bùi Quang Ngọc tặng 100 triệu đồng.
Chúng tôi tin rằng sau bước đầu tiên thực hiện vận động cùng với Phương Nam Film và báo Tuổi Trẻ, chương trình ủng hộ nạn nhân dioxin sẽ được nối dài vòng tay ra nước ngoài và các đồng bào, bạn hữu yêu quý âm nhạc Trịnh Công Sơn trên toàn thế giới.
* Anh có cảm thấy thế hệ của anh là may mắn không, trong âm nhạc và trong cuộc sống? Nếu có thể nói một lời khuyên cho tuổi trẻ bây giờ, anh sẽ nói gì trong 10 từ. Cảm ơn anh. (Nguyễn Hoàng Giang, 29 tuổi, aerogiang@...)
- Ca sĩ Thái Hòa: Tôi không may mắn như bạn nghĩ đâu. Cuộc sống thời SV của tôi rất khó khăn và nhọc nhằn, nhưng nhờ vậy tôi đã trưởng thành và luôn luôn nung nấu ý chí vượt người của một thân phận nhược tiểu đến từ một đất nước bị tàn phá của chiến tranh như VN.
Nếu chỉ có một lời khuyên trong 10 từ, tôi xin được dùng một câu trong ca khúc Trịnh Công Sơn: "Hãy yêu nhau đi" và "Tôn vinh giá trị lao động".
10 bạn đọc có câu hỏi ấn tượng được nhận quà tặng:
|
Từ khóa » đất Nước Việt Nam Trong Trái Tim Em Là Gì
-
Tổ Quốc Trong Mỗi Trái Tim Người Dân Việt Nam
-
Học Văn Lớp 9 - Tổ Quốc Việt Nam Trong Trái Tim Em Đã Bao...
-
Việt Nam Trong Trái Tim Tôi - BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
-
Tổ Quốc Việt Nam Trong Trái Tim Hồ Chí Minh
-
Có Một Việt Nam Trong Trái Tim Tôi
-
Bài 3: Việt Nam Trong Trái Tim Tôi! (Tiếp Theo Và Hết)
-
Đất Nước ở Trong Tim đọc Hiểu - Top Lời Giải
-
Tổ Quốc Trường Tồn Trong Trái Tim Việt - Báo Thanh Niên
-
Văn 9 - Chủ đề: ĐẤT NƯỚC TRONG TIM TÔI - HOCMAI Forum
-
Đất Nước ở Trong Tim Đất Nước Mình Bé Nhỏ Vậy Thôi Em Nhưng Làm ...
-
M4S 8: Việt Nam Trong Trái Tim Tôi - Blog Radio
-
Việt Nam Trong Trái Tim Tôi?