Trích dẫn: Nguyên văn bởi huuhuetran HanParis thân mến, ngày xưa trong những đêm hành quân vùng sông nước Cửu Long, phải qua hàng chục cây cầu khỉ, tôi rất tâm đắc với câu ru dưới đây: Ầu ..ơ..ơ... Ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắt lẽo ghập ghình khó đi, Khó đi mượn chén ăn cơm, Mượn ve uống rượu ờ..., mượn ve uống rượu ờ... Mượn đờn kéo chơi ơ... Tôi đã ghi vào sổ tay của mình trước khi soạn giả Hà Triều Hoa Phượng đưa câu ru nầy vào vở cải lương Tuyệt tình ca... Không biết có chính xác không? | Anh Huệ nhắc đến Tuyệt Tình Ca là nhắc đến Ông Cò Q9 đây mà! Vở Tuyệt Tình Ca là một tuyệt tác theo tôi với nhiều phiên bản quốc nội, hải ngoại. Tôi thích nhất vẫn mà phiên bản trước 75 tại VN với diễn viên hùng hậu như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Sang, Phương Liên... Sau này khi ra hãi ngoại thì có phiên VK tại US với Việt Hùng, Kim Tuyến... Dù phiên bản nào, đó cũng là một vỡ đong đây nước mắt của tình cảm gia đình giữa vợ chồng và con cái. Và bài ví dầu cầu ván đóng đinh như anh nói đã được lòng vào CL Nam Bộ. Cổ nhạc có xuất xứ từ Bạc Liêu mà, thì những câu ca dao trữ tình thường gắn liền với nghệ thuật CL. Tôi vốn thích ST những tem bì nhạc cụ truyền thống, vì yêu thích CL, tôi thích nghiên kíu về những nhạc cụ của CL, của nhạc cổ. Một sư phụ có tên là Trần Văn Khê, ông từng sống tại Paris, tôi rất thích nghe ông kể chuyện về Nhạc Cụ Truyền Thống. Thật ra vào thập niên 80, tôi có quen mấy cô con gái của ông Trần Văn Trạch và cứ dụ mấy cổ cho gặp ông bác này vì tôi biết ông ta có nhiều kiến thức về nhạc cụ truyền thống. Đối với tôi soạn giả Hà Triều Hoa Phượng là người giỏi gian nhất đã sáng tác ra nhiều vỡ CL để đời dù loại kiếm hiệp Trung Hoa hay tình cảm xã hội khi xưa. Đúng như lời anh Huệ trong vỡ Tuyệt Tình Ca có bài Ví Dầu đó, anh quên thì xin mời đọc lại : Não nùng bản “Tuyệt Tình Ca” “Tuyệt Tình Ca” là một vở tuồng cải lương của hai soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Ðiệp, được trình diễn trên sân khấu Dạ Lý Hương của bầu Xuân. Vở hát thành công ngay lập tức, và thành công rất lớn. Nó đã được khán giả cải lương xếp lên hàng tuyệt phẩm ngang với các vở tuồng bất hủ khác như Nửa Đời Hương Phấn, Tấm Lòng Của Biển, Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, Tiếng Hạc Trong Trăng vv. Sơ lược cốt truyện: Ông giáo Nguyễn Văn Hương từ Mỹ Tho được đổi về dạy học tại Vĩnh Long. Dù đã có vợ con ở tại nguyên quán, ông vẫn dan díu với một bạn đồng nghiệp là cô giáo Lê Thị Lan và có thêm hai mặt con: Lê Thị Trường An và Lê Long Hồ. Sau đó vì việc nhà ông phải trở lại Mỹ Tho và chiến tranh đã làm ông mất liên lạc với gia đình người vợ thứ. Hai mươi năm sau, ông Hương nay là cảnh sát trưởng quận 9 tại Sài Gòn, vẫn thương nhớ người vợ lẽ biệt tăm, sống với vợ lớn trong một gia đình không được êm ấm. Vợ cờ bạc còn con trai lớn, Nhân, chỉ đua đòi ăn chơi, bỏ bê việc học. Nhân không bằng lòng với cuộc hôn nhân xếp đặt với Kim Hồng, con gái ông Sa, người bạn thân của gia đình. Nhân bắt tình với Thoa, trước đây là thư ký riêng của ông Sa. Bà Sa biết chồng có nhân tình, đến đánh ghen bắt được quả tang ông Sa và Thoa. Ông Hương vì nhiệm vụ phải gác tình bạn, thẩm vấn hai bị can. Ông khám phá ra Thoa chính là Lê Thị Trường An, con gái của ông nhưng chưa dám nhận. Hồ đến tìm chị tại bót cảnh sát, và đã tức giận bỏ ra về sau khi biết chị là một cô gái giang hồ. Trường An đưa ông Hương về gặp mẹ, đang bị bệnh nặng. Vợ chồng, cha con trùng phùng trong một hoàn cảnh đầy não nùng, đau khổ. Ông Hương nay phải đứng trước lương tâm chánh trực của người cầm cân nẩy mực và hoàn cảnh xót xa của một người cha. Lúc đầu vở tuồng có tên là Người Đối Diện Lương Tâm, sau đổi là Tuyệt Tình Ca có lẽ vì tên nghe ăn khách hơn. Có người còn gọi là Ông Cò Quận 9 nhưng thật ra đó chỉ là vai diễn của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Ông đã quá xuất sắc nên khi nhắc đến Tuyệt Tình Ca là người ta nhớ ngay đến “Ông Cò Quận 9.” Hoa Phượng thường hay viết chung với Hà Triều, và cặp Bá Nha, Tử Kỳ này của sân khấu cải lương đã cho ra đời nhiều vở tuồng bất hủ như Nửa Đời Hương Phấn, Tấm Lòng Của Biển, Con Gái Chị Hằng, v.v. nhưng sau đó cặp soạn giả thiên tài Hà Triều và Hoa Phượng đã tách ra. Hà Triều ở lại đoàn Thanh Minh Thanh Nga còn Hoa Phượng về với đoàn Dạ Lý Hương. Và tuồng Tuyệt Tình Ca được hai soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Ðiệp (không phải Ngọc Diệp như trên bìa in DVD Tuyệt Tình Ca do Thúy Nga phát hành tại hải ngoại) hợp tác soạn ra. Vào thời đó thủ đô Sài Gòn chỉ được chia ra làm tám quận. Nếu đặt ông Hương vào làm cảnh sát trưởng của một trong tám quận thì đụng chạm quá. Rủi ông cảnh sát trưởng nào có tật giật mình lại càng nguy hơn nửa. Bởi vậy nên tuồng hát mới có quận 9. Ai dè về sau Sài Gòn lại có đến quận 11 nhưng chánh quyền miền Nam cũng dễ dãi nên cứ giữ luôn. Khi trình diễn trên sân khấu Dạ Lý Hương, Bạch Tuyết thủ vai Lê Thị Trường An, Hùng Cường vai Nhân, Thanh Sang vai Lê Long Hồ, Tư Rọm vai ông Sa, Mai Lan vai bà vợ lớn của ông Hương, Hồng Nga vai bà Lê Thị Lan, và vai quan trọng nhất là ông cò Hương do Út Trà Ôn thủ diễn. Về sau khi thu dĩa (hay thu băng), vai ông Sa do Văn Chung đóng và Út Bạch Lan thế vào vai bà Lan. Tất cả các diễn viên đều rất xuất sắc cả trên sân khấu lẫn trong băng, dĩa. Mỗi người mỗi vẻ, người nào cũng đóng tròn vẹn nếu không nói là tuyệt vời vai trò của mình. Văn Chung trong dĩa (băng) tuy có cái chất “dê xồm” của một ông chủ mất nết, lợi dụng hoàn cảnh túng ngặt mà đưa đẩy cô thư ký Trường An sâu vào đường sa ngã nhưng cái mĩa mai không bằng Tư Rọm khi gặp người bạn thân và cũng là ông sui hụt trong phòng thẩm vấn. Có lẽ vì Văn Chung đã chuyển sang vai hài nên chất hài thấm nhập nhiều hơn chăng? Tư Rọm chuyên về các vai độc, lưu manh nên đoạn đối thoại với ông cò Hương hay hơn chăng? Tuy nhiên cái khiếm khuyết nhỏ đó không tạo ra một tì vết nào trong sự diễn xuất của hai nghệ sĩ lớn nầy. Vai Nhân của Hùng Cường chỉ là vai phụ nhưng anh cũng đóng rất trọn. Thú vị nhất là cuộc đối thoại lúc anh gặp ông Sa, ông cha vợ hụt, ở phòng riêng của Thoa. Vừa dí dỏm, vừa ngang tàng. Soạn giả đã không đào sâu thêm vào vai trò của Nhân trong vở tuồng có lẽ để tránh một taboo là sự loạn luân, dù không cố ý, giữa hai anh em cùng cha khác mẹ. Và cũng tránh cho ông cò Hương thêm sự đau khổ trước khi tuồng hát bước vào “emotional climax” là cuộc tái ngộ đầy nước mắt với bà Lan. Đây là một điều hay vì thêm sự dày vò cho ông Hương lúc nầy sẽ đưa khán giả lên đỉnh cao cảm xúc quá sớm và hậu quả là làm giảm bớt cái xúc động tràn đầy khi cặp vợ chồng cũ gặp lại nhau sau hơn hai mươi năm cách biệt. Thanh Sang trong vai Lê Long Hồ đã rất thành công. Đây cũng là một vai đúng ni tấc của vở tuồng. Tôi nhớ lại một điều thật thú vị trong lần tuồng Tuyệt tình ca được trực tiếp truyền thanh trên đài phát thanh Sài Gòn. Lúc cậu Hồ gặp chị tại bót cảnh sát, cậu đã hỏi một cách tự nhiên: “Tại sao chị bị bắt? Chị làm tội gì? Có làm chánh trị không?” Tới đây khán giả trong radio cười rần lên, và thính giả ở ngoài cũng cười vui vẻ, khoái trá. Thật đáng yêu làm sao cái tính mộc mạc, hồn nhiên của người Sài Gòn thuở đó. Cậu Hồ thương chị lắm nhưng không thể chấp nhận việc làm tồi bại của người chị. Tính bộc trực đưa đến sự bốc đồng không suy xét khi đòi xé bỏ bằng Tú Tài có được công nuôi dưỡng và đồng tiền của chị. Đứa con vô cùng hiếu thảo đã suy nghĩ lại sau khi nghe lời khuyên của mẹ. Không muốn sự giúp đỡ của cha để tránh thêm bi đát cho mẹ mình nhưng không nghĩ rằng điều từ chối đó có thể làm mọi người càng đau khổ thêm. Cậu Hồ là một hình ảnh của người miền Nam, luôn luôn theo trái tim trước khi dùng đầu óc. Những đoạn rất hay là khi cậu kể lại kỷ niệm ấu thời như ngày mẹ dắt con đi thi và nhất là “lúc mới hồi cư, người ta không cho má đi dạy học, nhà mình nghèo má phải đi bán chuối chưng. Nhiều bữa trời mưa bán ế, thấy tụi con ăn chuối thay cơm, má cắn môi mặt quay vào vách cho suối lệ tuôn tràn.” Đoạn nầy đã làm chảy không biết bao nhiêu nước mắt của những người dân lam lũ, buôn gánh bán bưng, thấu hiểu vô cùng cảnh tình của những ngày ế ẩm.Giọng ca của Thanh Sang không có được cái uyển chuyển như Hữu Phước, Tấn Tài hay cái hùng hồn, bức phá của Thành Được, Hùng Cường và hình như lúc nào cũng có vẻ buồn rười rượi. Chính vì không có sự cao vút, uyển chuyển đó mà ta cảm thông hơn với cái cơ cực và nỗi băn khoăn lo lắng của cậu Hồ cho người mẹ bất hạnh. Không chát chúa khi tức giận với chị, và làm mủi lòng người nghe khi tâm tình với mẹ. Trong làng cải lương Việt Nam có bao nhiêu giọng ca hay hơn, mùi hơn nhưng có lẽ không ai diễn tả cậu Lê Long Hồ được như Thanh Sang. Trên sân khấu Dạ Lý Hương, Bạch Tuyết là đào chánh thường hay đóng cặp với Hùng Cường. Dù có nhiều vai nổi bật khác nhưng khi nhắc đến Lê Thị Trường An là khán giả cải lương đều liên tưởng ngay đến Bạch Tuyết. Lê Thị Trường An do Bạch Tuyết diễn vẫn chưa tìm được người thay thế hay hơn. Từ sự bướng bỉnh trong lần gặp gỡ ông cò Hương lần đầu tiên cho đến lúc diễn tả nỗi xấu hổ không dám khai tên cha mẹ ở lúc thẩm cung. “Ông mà nói nữa là tôi cắn lưỡi tự tử cho ông coi.” Đau đớn cho người con gái hiếu thảo vì cảnh đời nghiệt ngã mà phải lỡ bước sa chân, như một nàng Kiều tân thời. Xưa bán mình chuộc cha, nay bán thân lo cho mẹ bệnh và nuôi em ăn học. Nhưng khi ông cò thẩm vấn thản thốt nói đúng tên cha và mẹ, cô Lê Thị Trường An-Bạch Tuyết đã quỵ xuống: “Hồi sáng nầy... bác nói... bác có quen với người ở Vĩnh Long mà!” Giọng diễn tả đầy nước mắt của nỗi mừng nhận được người quen, nỗi lo sợ và xấu hổ đã làm lấm lem danh dự cha mẹ. Bao nhiêu cái cứng rắn, ngang bướng của một người phải tự chống chỏi với cuộc đời đen bạc nay đã hoàn toàn sụp đổ qua câu nói ấy. Và không phải chỉ ở Trường An mà ông cò Hương cũng bị cuốn theo trong nổi đau đớn. Người cha trước nỗi bất hạnh của “đứa con gái mà ngày xưa ảnh cưng như ngọc như vàng mà ngày nay đã quen cùng sương gió” cũng chỉ biết cắn răng đau khổ. Ai nở lòng trách móc! Ai nở tâm làm tình làm tội! Từ phút nầy về sau, tâm hồn của ông Hương được phơi bày rõ ràng hơn, những dằn vật của lương tâm hiện ra, không cần dấu diếm ở “đêm đêm nằm trằn trọc một mình đối diện với lương tâm.” Cho đến nay chưa ai có thể diễn tả xuất sắc hơn Bạch Tuyết. Từ Phượng Liên khi còn trong nước cho đến Kim Tuyến sau nầy ở hải ngoại. Vai bà Lê Thị Lan, người vợ thứ, chỉ xuất hiện ngắn ngủi ở màn cuối nhưng có thể nói là một vai thật nổi bật, gần như ngang hàng với vai Lê Thị Trường An. Nổi bật vì đó là nguyên nhân mấu chốt của những ray rức mà ông cò Hương phải chịu đựng bao nhiêu năm qua. Cuộc chia tay tại bến sông Mỹ Thuận vẫn không làm phai nhạt được tình yêu thắm thiết trong lòng hai người. Soạn giả đã dựng vai bà Lan rất hay với sự thể hiện tánh ý thông thường của người phụ nữ. Bà cũng ghen dù chỉ với lời trách móc, hờn lẩy ông chồng: “Nhưng chồng của tôi lại quá đỗi bạc tình Về với vợ lớn rồi, không trở lại thăm mẹ con tôi .... Từ Mỹ Tho xuống Vĩnh Long chỉ có một đoạn đường Tôi chờ đợi mỏi mòn, anh Hương vẫn không thèm xuống Bỏ tôi lạc lỏng, giữa chợ đời với lũ con thơ Sống vất vưởng bơ vơ, với cái nghèo bữa đói bữa no.” hay khi “kể lể” cho chồng nghe nỗi khổ cực đơn độc nuôi con “Ba con An còn nhớ hôn, ngày xưa thấy tôi cực khổ mình thường ví tôi với loài chim dương nga.” Mình thấy không, lúc có mình tôi còn khổ như vậy thì lúc mình ra đi bỏ mẹ con tôi, tôi còn cực nhọc dường nào. Nhưng mình ơi, trách thì trách vậy nhưng lòng tôi vẫn một mực với mình.Tôi vẫn thương, tôi vẫn yêu mình trong suốt mấy chục năm dài. Bao nhiêu nước mắt khán giả đã đổ ra khi nghe cảnh tình vô cùng cảm động của một người vợ quá thương yêu người chồng xa cách đến độ gìn giữ, tâng tiu từng kỷ niệm, kỷ vật của chồng: “Đây, bộ bà ba lụa lèo mà chồng tôi bận hai mươi năm về trước Lượt sau cùng ảnh bận là buổi tối mà sáng ra ảnh ra bến Mỹ Thuận để về tỉnh Mỹ Tho Hơi hám của chồng tôi, tôi còn giữ tới bây giờ Hễ cứ mỗi lần trở xuân Gợi niềm luyến nhớ bâng khuâng Hồi xưa ảnh ra đi tôi xếp lại y trang Để khi buồn ôm ấp làm vui Tôi luống những ngậm ngùi Nhớ thương chồng tôi vần chừa nguyên vẹn Bộ bà ba kỷ niệm, tấm mồ hôi của ảnh tới bây giờ” Bởi vậy đừng hỏi tại sao mà ông Hương không thương, không nhớ? Đừng hỏi tại sao mà “Mỗi khi nhắc đến người Vĩnh Long để thương để nhớ Ảnh ngọt ngào dùng ba cái tiếng “má con An”” Ba tiếng “má con An” đã nói lên tấm lòng trìu mến của người chồng dành cho người vợ thủy chung. Người miền Nam nhà quê hay gọi vợ hay chồng bằng “má thằng Tèo, ba con Tý” hay khi trọng tuổi hơn một chút “má bầy trẻ, ba xấp nhỏ.” Thật tuyệt vời khi tiếng gọi đằm thắm và chân thật đó được soạn giả đặt vào miệng của ông Hương. Soạn giả đã thiên vị thì ta chớ thắc mắc khi ông Hương gọi người vợ lớn, má cậu Nhân, bằng “bà” nhưng lại ngọt lịm ”má con An” với người vợ thứ. Hỏi làm sao mà bà vợ lớn lại phải trách: “Trồng trầu thì phải khai mương Làm trai hai vợ mà ông thương không đồng Chim quyên ăn trái nhản lồng Lia thia quen chậu mà vợ chồng sao ông lại quên hơi” Một điều rất đặc biệt là Út Bạch Lan chỉ thủ vai bà Lan thu thanh trong dĩa (hay băng), Hồng Nga thủ vai bà Lan trên sân khấu và trên đài truyền hình nhưng nếu nhắm mắt lại để thưởng thức thanh âm của bà Lan-Hồng Nga và bà Lan-Út Bạch Lan ta mới thấy tại sao có sự thay đổi khi tuồng hát được thu thanh lại. Sự chuyển đổi tuy có hơi bất công với Hồng Nga nhưng rất đúng, rất thích hợp. Một sự lựa chọn hoàn hảo, làm tăng thêm giá trị của một vai tuồng vốn dĩ đã xuất sắc. Qua sự diễn tả quá tài tình của Út Bạch Lan, ngày nay nhiều người vẫn lầm tưởng rằng đó là vai ruột của cô trên sân khấu. Sau nầy cô có đóng vai bà Lan trên sân khấu, được trung tâm Thúy Nga phát hành trên DVD tại hải ngoại. Tôi chưa được xem nên không có ý kiến tại đây nhưng đó là một vấn đề khác mà tôi có thể nói đến trong một lần sau. Hồng Nga diễn vai bà Lan rất hay nhưng giọng ca của cô hơi khàn, không có được cái êm dịu, ngọt ngào, mùi mẩn của Út Bạch Lan. Chất giọng của Hồng Nga thích hợp hơn với các vai bị đè ép, uất hận, đau khổ kêu gào đòi hỏi (công lý) hơn là một đào thương. Bà Lan trước kia là một cô giáo nên người nghe thường theo cliché cho là bà phải có một giọng êm đềm, dịu dàng hơn dù rằng không có bằng chứng nào cho thấy rằng các cô giáo đều phải có giọng êm đềm, dịu dàng cả. Giọng cô Út Bạch Lan đã vô cùng khích khao vào cliché đó. Ngoài ra vào thời điểm đó, nhân vật Lê Thị Lan chỉ vào khoảng trung tuần 40, và ông Hương chừng 50 tuổi nhưng giọng của Hồng Nga lại già trước tuổi, hơi khó thuyết phục người nghe. Trong khi đó giọng Út Bạch Lan tuy đằm thắm, nhẹ nhàng hơn nhưng không kém phần cay đắng, diễn tả hoàn toàn nổi lòng đau khổ của một người đàn bà quá thương chồng, phải chịu đựng trong kiếp “làm thân vợ bé, chồng đã bỏ về với vợ lớn phải vất vả nuôi con mà bia đời còn nguyền rủa.” Mối quan hệ tuy bất chánh nhưng không ai đành lòng trách cứ mà cứ “xót thương cho một kiếp hồng nhan khổ lụy vì tình.” Thính giả tuy không nhìn thấy nhưng cũng nín thở, hồi hộp chờ đợi như cùng bà Lan nhìn vào người đàn ông đối diện: "Chiếc cà rá ấy... bàn tay... và mùi thơm da thịt của chồng tôi Đây là ánh mắt...” Và nước mắt của nhiều người đã tuôn rơi khi bà Lan-Út Bạch Lan kêu lên tiếng “Mmmmình!” trong nghẹn ngào nức nở. Đây là một trong những đoạn bất hủ của cải lương Việt Nam. Có lẽ vì Út Bạch Lan là cô đào thương thượng hạng nên tiếng khóc của cô nghe quá tự nhiên và sao mủi lòng quá. Có thể nói rằng từ trước đến nay trên sân khấu cải lương Việt Nam chưa có cô đào thương nào khóc mùi mẫn, khóc não nuột, khóc bi thiết như Út Bạch Lan. Danh hiệu “sầu nữ” mà báo chí và khán giả cải lương tặng cho cô thật là đúng, thật là hay. Trong lãnh vực phim ảnh thế giới, có những vai “để đời” đã tạo cho người được may mắn thủ diễn một vinh dự bất tử trong lòng khán giả mộ điệu. Không ai có thể quên được Vivien Leigh trong vai Scarlet O’Hara của Gone With the Wind, Audrey Hepburn với vai công chúa Ann trong Roman Holiday và nhất là Marlon Brando xuất thần trong vai Vito Corleone của The Godfather. Sân khấu cải lương Việt Nam cũng có những trường hợp tương tự: Út Bạch Lan vai Hương trong Nửa đời hương phấn, Hữu Phước vai cậu Tư Kiên trong Con gái chị Hằng, Thành Được vai tướng cướp Thi Đằng trong Tiếng hạc trong trăng, Việt Hùng vai Thân trong Đoạn tuyệt, v.v. Tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là Út Trà Ôn trong vai ông giáo/ông cò Nguyễn Văn Hương trong vở tuồng Tuyệt tình ca. Ông diễn hay và nhập vai đến độ sau này mọi người đều gọi ông là ông cò quận 9. Nhắc đến Út Trà Ôn là phải nhắc đến ông cò quận 9 và ngược lại. Sau này tại hải ngoại, vì nhu cầu, vai này đã được Việt Hùng thủ diễn trong một băng video vào thập niên 80, và Thành Được trong một trích đoạn trên băng nhạc Thúy Nga nhưng cả hai nghệ sĩ lớn này vẫn không thể thay được một Út Trà Ôn hoàn hảo. Cứ thử xem hay nghe cảnh mùi mẫn và bi ai nhất của tuồng hát là lúc ông Hương gặp lại bà Lan là ta đủ thấy sự xuất sắc của Út Trà Ôn và tất cả những lời khen tặng dành cho ông không phải là quá đáng. Việt Hùng có tuổi tác hợp với vai nhưng ông chưa bao giờ là một kép ca mùi nhất là không thể bằng Út Trà Ôn, người được mệnh danh là Vua Vọng Cổ. Khi đóng trích đoạn đã nói trên với Phượng Liên, Thành Được đã qua thời vàng son, không còn chất giọng để gánh vác được những xúc động của vai trò trong lúc đó. Một phần vì khi trình diển trích đoạn mà thường là các đoạn chánh của vở tuồng, diễn viên bị đưa vào ngay trên đỉnh cao cảm xúc của nhân vật mà không có thời giờ nhập vai như lúc trình diễn nguyên tuồng hát. Khuyết điểm này thường thấy nhất là ở các vai mà diễn viên chưa từng diễn qua lần nào. Út Trà Ôn được may mắn là vai ông cò quận 9 đến đúng vào lúc tuổi đời tương xứng với vai trò, giọng ca vẫn còn đang độ ở hàng đầu của sâu khấu cải lương miền Nam. Út Trà Ôn không phải là kép đẹp như Hùng Cường, Thành Được, Dũng Thanh Lâm nhưng ông có vóc dáng khá oai vệ của một ông Cảnh sát trưởng nhưng không đến độ quá “ngầu” hay “lạnh như tiền” nên người xem cảm thông ngay được với những nỗi khổ nội tâm của ông trong suốt vở tuồng. Đúng là chỉ có Út Trà Ôn mới diễn được một cách hoàn toàn ông cò quận 9. Không phải các nghệ sĩ khác không thể diễn được nhưng chắc chắn không ai bằng được Út Trà Ôn. Thử tưởng tượng Hùng Cường (lúc đó cũng là kép chánh của đoàn Dạ Lý Hương) hay Hữu Phước trong bộ áo ông cò thì ta sẽ thấy sự hợp lý trong việc chọn Út Trà Ôn vào vai ấy. Như đã nói trên, vở tuồng trước được đặt tên là Người Đối Diện Lương Tâm. Tên Tuyệt Tình Ca có mùi mẫn và đầy chất cải lương hơn thật nhưng theo tôi, “Người Đối Diện Lương Tâm” diễn tả đúng đắn hơn cốt truyện và tâm lý nhân vật. Phân tích kỷ, ta thấy rằng vai ông giáo và sau này là ông cò Nguyễn Văn Hương là vai chánh độc nhất của vở tuồng. Các vai khác như Nhân, Lê Thị Trường An, Lê Long Hồ hay bà Lê Thị Lan tuy đôi lúc có bật sáng trong các màn diễn hoặc có những thời khắc đáng kể trên sân khấu nhưng vẫn là các vai “vệ tinh” (satellite) xoay quanh ông Hương. Ông Hương là chủ chốt, là xương sống của vở tuồng. Không có ông, không vai tuồng nào có thể đứng đơn độc được. Nói theo giọng kiếm hiệp thì nhân vật ông Hương đều có ân oán giang hồ với tất cả mọi người và bởi vì vậy mà ông là người cô đơn, đau khổ nhất của vở tuồng. Với vợ lớn, ông là một người chồng thiếu sót. Với các con giòng lớn như Nhân, ông thiếu bổn phận đến độ “thằng Hiếu” phải chết trong lúc ông đang ấm êm bên cạnh bà thứ và Nhân thì bê tha, lêu lỏng. “Tao làm cò, má mày chứa cờ bạc còn mấy muốn làm du đảng phải không?” Với ông Sa, ông bị bứt rứt giữa tình cảnh bè bạn chí thân, bổn phận của người thi hành pháp luật và oái oăm nhất là giữa vai trò người cha với người bạn thân nhưng nay là kẻ dụ dỗ đứa con gái của mình. Với bà Sa, ông bị phân chia giữa bè bạn ân nhân và lương tâm phận sự. Với Lê Long Hồ, ngoài những ray rứt của người cha đã ra đi khi con trai còn nhỏ phải để cho bà vợ lo lắng trong hoàn cảnh thiếu hụt trăm bề, ông còn phải đối phó với tính cương trực của cậu con nay mong ông hảy để yên, đừng gặp lại mẹ cậu, người vợ thứ. Với Lê Thị Trường An, ngoài những khiếm khuyết trách nhiệm của một người cha mà ông đã phải lãnh lấy hậu quả khi đứa con gái sa chân vào đường tội lỗi, ông còn phải đối diện với lương tâm của một người cha và lương tâm của một ông Cò. Chẳng trách chi mà ông Hương cứ “đêm đêm nằm trằn trọc một mình đối diện với lương tâm.” Cuối cùng dù xót xa nhưng trách nhiệm với công chúng, pháp luật vẫn nặng hơn trách nhiệm và tình thương của một người cha. Với bà Lan, người vợ thứ, hình ảnh đã theo đuổi ông trong bao nhiêu năm xa cách, tình yêu của ông không mờ nhạt, vẫn như ngày còn sống chung: “Nỗi nhớ thương dằng dặc suốt hai mươi năm dài, Ra bờ sông đứng lặng mỗi ngày” Và sự hối hận dày vò của ông đã thể hiện ngay từ màn đầu của tuồng hát khi ông phân vân với người vợ lớn “Mỗi lần thấy bông ô môi điểm hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rả đón xuân sang. Mỗi lần có dịp về Vĩnh Long, đi ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An là mỗi lần tôi nhớ đến mùa xuân của đầu năm binh lửa. Nhớ đến dáng người vợ trẻ đã chèo xuồng qua sông Mỹ Thuận để đưa tôi rời tỉnh Long... Hồ” ... “ Phải đâu khi thuyền vừa tách bến sông là tôi đã chấm dứt tình thâm phụ tử.” ... “Chỉ tội nghiệp cho hai đứa kia Không biết nó sống chết ra sao Sống có được ấm no Chết có được yên mồ mã Trong khi ba của nó lên xe xuống ngựa Một cũng ông Cò, hai cũng ông Cò Ôi, ông Cò cũng là người cầm cân nẩy mực nhưng đối với các con tôi lại có sự bất công Quận này tôi có trách nhiệm vụ giữ trật tự an ninh mà trong lòng tôi lại không có an ninh trật tự.” Tâm lý nhân vật được phơi bày rõ ràng ra cho khán giả xem ngay từ lúc ấy. Tất cả các diễn biến về sau đều xoay quanh những cấu xé nội tâm đó. Soạn giả đã đưa người thưởng thức vào cảm xúc của vỡ tuồng qua nội tâm của ông Hương từ cuộc ghen tương của bà vợ lớn, đến lần đầu gặp cô Thoa, sang cuộc thẩm cung Lê Thị Trường An, và đến đỉnh cao nhất là cuộc tái ngộ đầy nước mắt giữa ông và bà Lan.Và ông lại phải thêm một lần đối diện đau xót với lương tâm. Tuyệt Tình Ca là một tuồng cải lương với một đoạn kết không“có hậu” (happy ending) nhưng cũng không đến độ bi thảm. Một kết cục lơ lửng, cho khán giả cái cảm tưởng như mới chỉ xem được phân nửa tuồng hát nhưng vẫn không khiến người xem tức anh ách mà chửi soạn giả là “thứ đồ chết gian, vô duyên, lảng nhách.” Cái tài tình của soạn giả là ở đó. Cái hay là tất cả mọi người đều thỏa mãn nhưng vẫn còn phải tự hỏi: “Rồi sao nữa?” Chồng vợ cha con đã gặp lại nhau sau bao nhiêu năm ly biệt nhưng rồi sao nữa? Ông Hương sẽ giải quyết ra sao về tình trạng song hôn của ông? Ông sẽ ăn nói ra sao với người vợ lớn? Chuyện tình của ông và bà Lan vẫn không được giải quyết dứt khoát. Chỉ biết là ông sẽ còn gặp gỡ bà Lan nữa để “thủng thỉnh rồi tôi sẽ nói cho mình nghe” chuyện của cô An. Cô An có bị vào tù không? Bên nguyên đơn (vợ ông Sa) có chịu bãi nại không? Với địa vị và lương tâm của một người giữ trật tự an ninh thì ông Hương sẽ xử sao để tránh việc “trong lòng lại không có an ninh trật tự”? Và cuộc đời cô An sẽ ra sao? Còn rất nhiều câu hỏi cần phải trả lời nhưng soạn giả cứ lờ đi và để khán giả ra về với bao nỗi thắc mắc trong lòng. Thật ra thì làm sao có một kết cuộc thỏa đáng cho tất cả mọi người, nhất là về mặt tình cảm giữa ông Hương và bà Lan. Không lẽ cho hai người tái hợp? Không được, vì vừa không hợp tình với bà lớn lại chẳng hợp lý với pháp luật khi chính ông là một người cảnh sát trưởng. Buộc họ phải xa nhau lần nữa ư? Nhẫn tâm quá. Hai người, nhất là bà Lan, chưa đủ khổ hay sao? Nếu soạn giả dám cho kết cục “thất nhân tâm” kiểu nầy thì thế nào có ngày hai ông cũng bị mấy bà già trầu xán guốc lên đầu. Các ông soạn giả hiểu tâm lý quý bà quá nên ngừng ở đây là phải. Ai muốn vở tuồng kết thúc ra sao thì tự mình thêm vào cái kết cục riêng như mình mong muốn. Hai đứa tôi (soạn giả) đã hoàn thành nhiệm vụ lấy hết nước mắt của các bà, nay xin phép rút lui. Bà nào có chồng theo vợ bé muốn trả thù thì cứ cho bà Lan lui đi, hay để cậu Hồ ngăn cha đến gặp hoặc nặng hơn nữa là cho bà Lan chết vì căn bệnh trầm kha hết thuốc chữa, bình oxygen hết khí không kịp mua. Còn bà nào “cảm thương một kiếp hồng nhan khổ lụy vì tình” thì cứ để ông Hương tiếp tục đến gặp bà Lan dài dài, hay nếu độ lượng hơn thì cho bà vợ lớn đón bà thứ về ở chung luôn như trong tuồng Lấy chồng xứ lạ. Một kiểng hai quê như truyện Tàu. Nhất gia đoàn tụ. Một vài điều thú vị trong vở hát: Các bạn hãy nghe trong màn đầu khi bà Sa đến nhờ ông cò Hương can thiệp: Ông Hương: “Quận nầy mới thành lập, tôi phải trừ đi cho tuyệt, cái nạn cờ bạc mải dâm” Bà Sa: “Chú mà trừ được, thì tôi xin bái phục” Lời tiên tri cho đến nay vẫn còn hiệu lực! Có lần tôi đọc được trên một bài báo tại hải ngoại, tác giả dẩn chứng một câu ca dao: “Ví dầu cầu ván đóng đinh Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi Khó đi mẹ dắt con đi Con thi trường học, mẹ thi trường đời” Tôi thích thú vì chắc có lẽ tác giả đã bị lậm nặng tuồng Tuyệt Tình Ca nên đã trích dẫn một câu hò trong tuồng hát nhưng lầm tưởng là câu ca dao. Đó là lúc cậu Hồ nói chuyện với mẹ nhắc lại thời niên thiếu, người mẹ dẫn đứa con trai nhỏ đi thi trong buổi sớm tinh sương trên con đường lộ đất, xa xa có tiếng người hát ru con bằng câu ca ấy. Câu ca dao đúng phải là: “Ví dầu cầu ván đóng đinh Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi Khó đi mượn chén ăn cơm Mượn ly uống rượu mượn đờn kéo chơi” nói lên bản tánh hiếu khách của người miền Nam. Một chi tiết nhỏ nhưng lý thú về diễn viên của tuồng Tuyệt Tình Ca: Phượng Liên là cô đào độc nhất thủ cả hai vai con và mẹ trong vở hát. Lê Thị Trường An trong DVD Tuyệt Tình Ca do Thúy Nga phát hành và bà Lê Thị Lan trong trích đoạn đã nói với Thành Được. Một điều thường thấy ở các vở hát và phim ảnh là sự lẫn lộn về thời gian tính. Tuyệt Tình Ca dù hoàn hảo về mặt tình tiết cũng không tránh khuyết điểm này. Điển hình là cuộc chia tay giữa ông Hương và bà Lan trên bến sông Mỹ Thuận. Chắc các bạn còn nhớ bà Lan tâm sự: “Đây, bộ bà ba lụa lèo mà chồng tôi bận hai mươi năm về trước Lượt sau cùng ảnh bận là buổi tối mà SÁNG ra ảnh ra bến Mỹ Thuận để về tỉnh Mỹ Tho” Và ông Hương đã nói: “Tôi đang đứng trước mặt mình đây. Tôi đứng đây mà tưởng như đang đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, khi mình quay xuồng tách bến để trở lại với hai con. Bờ cây xa mờ nhuộm khói HOÀNG HÔN, con nước lớn lục bình trôi rời rạt. CHIỀU đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương lẩn khuất giữa sông… đầy.” Bà nói ông đi buổi sáng, ông nói ông đi đi buổi chiều. Tuổi già nhiều khi lẫn lộn. Ngoài ra còn vấn đề tuổi tác của Nhân và Lê Thị Trường An, khoảng thời gian xa cách giữa ông Hương và bà Lan cũng không rành rẽ nhưng đó chỉ là những chi tiết nhỏ không đáng để ý trong một vở tuồng quá hay về mọi mặt. Ngày nay Tuyệt Tình Ca không còn được trình diễn nửa. Về phương diện thời cuộc, ta có thể hiểu được phần nào nhưng về phần nghệ thuật thì đành phải chấp nhận. Nhất là đối với những người đã được may mắn thưởng thức các tài danh Út Trà Ôn, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Thanh Sang diễn qua trên sàn gỗ Dạ Lý Hương. Thời điểm huy hoàng của cải lương vào những năm 60, 70 đã sản xuất một thế hệ đào kép xuất sắc trên mọi phương diện: đào thương, đào lẳng, đào độc, kép mùi, kép độc, v.v. Út Bạch Lan, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Diệu Hiền, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Kim Ngọc, Hồng Nga, Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước, Tấn Tài, Thanh Hải, Út Hiền, Dũng Thanh Lâm, Hoàng Giang, Văn Chung, v.v. Một thế hệ độc nhất vô nhị. Ấy vậy mà sau Út Trà Ôn, lúc đó không một ai dám nhận diễn vai ông cò quận 9 thì làm sao những nghệ sĩ ngày nay có thể đảm trách nổi vai trò bất hủ đó. Kỹ thuật ngày trước cũng không có để thu giữ lại buổi diễn trên đài truyền hình cho những khán giả ngày nay. Thật là đáng tiếc! Nguồn : https://www.facebook.com/permalink.p...76478665768588 __________________ 3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa Trăm Năm Trong Cõi Người Ta Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa Chõ Mồm Một Tí Nói Đùa Ace Ơi! |