Vi Khuẩn HP Bao Tử Có Nguy Hiểm Không? Cách điều Trị | TCI Hospital

Vi khuẩn HP bao tử (hay HP dạ dày) có tên gọi đầy đủ là Helicobacter pylori. Theo thống kê có tới 70% người Việt Nam nhiễm loại vi khuẩn này. Đây là tác nhân chính dẫn đến các bệnh lý dạ dày – tá tràng như viêm loét, xuất huyết, đặc biệt là ung thư dạ dày. Hãy tham khảo bài viết để hiểu rõ hơn mức độ nguy hiểm của vi khuẩn HP và cách điều trị của bệnh

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Vi khuẩn HP bao tử là gì?
  • 2. Khả năng lây truyền của HP bao tử
    • 2.1. Vi khuẩn HP bao tử lây qua đường nào?
    • 2.2. Ai có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn HP bao tử?
  • 3. HP bao tử có nguy hiểm không?
  • 4. Cách phát hiện tình trạng nhiễm vi khuẩn HP
  • 5. Hướng điều trị vi khuẩn HP dạ dày

1. Vi khuẩn HP bao tử là gì?

Vi khuẩn HP sống được trong dạ dày nhờ tiết ra loại enzyme Urease có khả năng trung hòa acid dạ dày. Chúng phát triển, có thể tấn công vào niêm mạc dạ dày gây tình trạng viêm kéo dài.

Ở hầu hết trường hợp, HP có thể tồn tại trong dạ dày đến nhiều thập kỷ. Phần lớn những người nhiễm HP bao tử không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, ngay cả khi đã bị viêm đại tràng mạn tính.

Trong số những người mắc vi khuẩn HP, khoảng 10 – 20% trong đó sẽ tiến triển thành loét dạ dày – tá tràng, đau dạ dày. Vi khuẩn này cũng liên quan đến nguy cơ ung thư dạ dày, chiếm tỷ lệ 1 – 2%. Bên cạnh đó, gần 1% người nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ mắc ung thư hạch MALT.

Vi khuẩn HP bao tử là một trong những nguyên nhân chính gây các bệnh lý dạ dày như viêm, loét, ung thư

Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân chính gây các bệnh lý dạ dày như viêm, loét, ung thư

2. Khả năng lây truyền của HP bao tử

2.1. Vi khuẩn HP bao tử lây qua đường nào?

Hp là loại vi khuẩn rất dễ lây lan từ người sang người, qua 3 con đường chính như sau:

– Qua đường miệng – miệng (đường lây bệnh chủ yếu): Vi khuẩn truyền qua người lành do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc dịch tiết đường tiêu hóa của người bệnh. Chính vì vậy, nguy cơ lây truyền là rất cao nếu trong gia đình có thành viên nhiễm vi khuẩn HP.

– Lây qua đường phân – miệng: Trong phân người bệnh chứa vi khuẩn HP, có thể nhiễm vào đất và nguồn nước khi đào thải ra ngoài. Từ đây, vi khuẩn có thể lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt thông qua các tác nhân như gián, chuột, ruồi,… Người lành có thể dễ dàng nhiễm HP bao tử nếu có thói quen ăn uống đồ tái, sống, chưa chế biến chín kỹ.

– Lây qua đường khác như sử dụng chung thiết bị y tế (nội soi dạ dày, soi tai mũi họng), dụng cụ nha khoa chưa được vệ sinh tiệt trùng.

2.2. Ai có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn HP bao tử?

Mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm khuẩn HP, do đó số người mắc bệnh rất lớn trên toàn cầu nói chung. Theo ước tính, hiện nay có khoảng 50% dân số thế giới nhiễm loại vi khuẩn này. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm bệnh còn bị chi phối bởi một số yếu tố như tuổi tác, thói quen sinh hoạt, khu vực địa lý, chất lượng sống.

Sau đây là những trường hợp có khả năng cao nhiễm vi khuẩn HP:

– Trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HP dạ dày cao. Nguyên nhân là bởi nhiều gia đình có thành viên nhiễm bệnh thường hôn môi trẻ, mớm thức ăn cho trẻ,…

– Người dân các nước kém phát triển hoặc đang phát triển.

– Người có thói quen ăn đồ tái hoặc sống; sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh; dùng chung bát đũa, bàn chải đánh răng với người khác.

– Thực hiện các thủ thuật y tế như nội soi, thăm khám nha khoa tại các cơ sở kém uy tín, dụng cụ không đảm bảo sạch khuẩn.

Thói quen ăn chung, uống chung làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP bao tử

Thói quen ăn chung, uống chung làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP

3. HP bao tử có nguy hiểm không?

Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP rất cao, nhưng nhiều trường hợp nhiễm bệnh không hề có biểu hiện rõ ràng nào trên đường tiêu hóa. Chính vì thế mà người bệnh thường chủ quan, không biết bản thân nhiễm HP, khiến bệnh tiến triển xấu.

Vi khuẩn HP là “thủ phạm” gây ra nhiều bệnh lý như viêm dạ dày cấp tính hoặc mạn tính, viêm loét dạ dày – tá tràng, thậm chí là ung thư dạ dày. Cụ thể:

– Khoảng 90% đến 95% trường hợp loét tá tràng nhiễm vi khuẩn HP.

– Trên 70% trường hợp mắc bệnh loét dạ dày bắt nguồn từ vi khuẩn HP.

– Trên 50% trường hợp có tính trạng khó tiêu không loét có nguyên nhân là HP dạ dày.

– Khoảng 90% người bệnh ung thư biểu mô dạ dày có liên quan đến vi khuẩn HP.

4. Cách phát hiện tình trạng nhiễm vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP thường hoạt động thầm lặng, không có triệu chứng rõ ràng nên khó nhận biết. Người bệnh thông thường sẽ có những cơn đau vùng thượng vị, cảm giác đầy hơi, khó tiêu, rối loạn đại tiện,… Nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường như vậy, hãy đến cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra chính xác.

Các phương pháp giúp phát hiện vi khuẩn HP được áp dụng phổ biến gồm:

– Phương pháp không xâm lấn: Người bệnh thực hiện test hơi thở, xét nghiệm phân tì vi khuẩn HP hoặc xét nghiệm máu tìm kháng thể HP.

– Phương pháp xâm lấn: Người bệnh tiến hành nội soi dạ dày – tá tràng, qua đó bác sĩ sẽ sinh thiết mẫu mô để test nhanh vi khuẩn HP. Với phương pháp này, bác sĩ còn quan sát và đánh giá được tình trạng dạ dày – tá tràng, phát hiện các tổn thương nếu có. Bên cạnh test urease nhanh, mẫu sinh thiết còn có thể được làm xét nghiệm mô bệnh học hoặc nuôi cấy để thử tính kháng thuốc, áp dụng vào điều trị.

Chẩn đoán vi khuẩn HP bao tử bằng test hơi thở

Phát hiện sớm vi khuẩn HP qua các biện pháp xâm lấn và không xâm lấn góp phần tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh

5. Hướng điều trị vi khuẩn HP dạ dày

Không phải trường hợp nhiễm HP dạ dày nào cũng cần được điều trị diệt vi khuẩn. Việc điều trị chỉ áp dụng ở những đối tượng bị viêm loét dạ dày – tá tràng, thiếu máu do thiếu sắt, ung thư dạ dày đã được điều trị, xuất huyết giảm tiểu cầu.

Trong khi đó, các trường hợp cần điều trị dự phòng ung thư dạ dày gồm: người có polyp dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày dùng thuốc chống viêm không steroid kéo dài; gia đình có người mắc bệnh ung thư dạ dày hoặc người có mong muốn loại bỏ vi khuẩn HP.

Phương pháp điều trị vi khuẩn HP là kết hợp thuốc giảm tiết acid dịch vị và các loại kháng sinh. Một số tác dụng phụ của các loại thuốc này là tiêu chảy, phân đen, lưỡi đen, rối loạn vị giác dẫn đến cảm nhận vị kim loại, phản ứng cai rượu (còn gọi là hiệu ứng antabuse).

Như vậy, vi khuẩn HP bao tử là tác nhân chính gây ra các bệnh lý dạ dày, trong đó có ung thư. Mặc dù tỷ lệ vi khuẩn HP tiến triển thành ung thư không quá cao nhưng người bệnh tuyệt đối không được chủ quan. Mỗi người cần chủ động phòng tránh loại vi khuẩn này, thăm khám với bác sĩ thường xuyên để bảo vệ sức khỏe dạ dày.

Từ khóa » Vi Trùng Trong Bao Tử