Vì Sao ánh Sáng Là Yếu Tố Quan Trọng Trong Các Tác Phẩm Nghệ Thuật ...

“Nói về điểm cốt lõi thì sử dụng ánh sáng chính là khả năng kiểm soát được thế nào là sáng và thế nào là tối, từ đó khiến cho các tác phẩm nghệ thuật có khả năng truyền tải được câu chuyện của chính nó.” – HannaH Crowell

Nếu coi nghệ thuật là ngôn ngữ giao tiếp thì ánh sáng là một trong những phương tiện để ta trao đổi ngôn ngữ ấy. Không có ánh sáng mọi thứ chìm trong màu đen, và mọi vật sẽ chỉ như nằm trên mặt phẳng 2D. Có thể nói ánh sáng chính là khởi nguyên cho tất cả. Với nghệ thuật, ánh sáng là nguồn cội cho màu sắc và hình khối xuất hiện. Mặc dù ánh sáng luôn hiện hữu xung quanh ta nhưng để hiêu rõ về nó thì không phải ai cũng tường tận. Như nghệ sĩ James Turrell chia sẻ “Ánh sáng luôn ẩn chứa những bí ẩn, bởi vì nó đem đến rất nhiều bất ngờ cho chúng ta khám phá”

Nhắc đến nghệ thuật là chúng ta nhắc đến các yếu tố thị giác, chúng tác động vào cảm xúc người xem tạo nên những trạng thái tâm lí khác nhau. Nhờ điều này mà nghệ thuật luôn lôi cuốn người thưởng ngoạn cũng như chính nghệ sĩ tạo nên tác phẩm. Vậy nên nếu muốn bảo toàn tính chân thực trong tác phẩm thì người nghệ sĩ cần nắm rõ những kiến thức cơ bản về ánh sáng.

Bên trong bảo tàng Louvre Abu Dhabi với thiết kế sử dụng ánh sáng tự nhiên làm điểm nhấn

Hành trình của ánh sáng theo dòng thời gian

Hội họa là bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời sử dụng ánh sáng, vừa là chủ thể vừa là công cụ để tạo nên những hiệu ứng nhất định khơi gợi cảm xúc. Ánh sáng quyết định màu sắc, bóng tối và cấu trúc vật thể. Vậy nên nó không chỉ giới hạn trong trường phái hiện thực, trừu tượng mà còn cần thiết trong mọi phong cách trong hội họa. Vẻ đẹp của ánh sáng được sử dụng như công cụ để xây dựng biểu tượng. Bằng cách chiếu sáng vào một yếu tố trong tranh như bàn tay, bông hoa hoặc vật dụng cũng đã tạo nên câu chuyện đằng sau đó.

Thời trung cổ, ánh sáng là hình ảnh ẩn dụ cho thần thánh. Với những lá vàng được dát trên bề mặt tranh trong kinh thánh có lẽ là phổ biến nhất để biểu tượng cho sự linh thiêng. Quầng sáng bằng vàng khiến độ tương phản giữa ánh sáng với bóng tối rõ ràng, biểu thị sự đối lập của thiện và ác. Ngoài ra việc sử dụng vàng cũng tạo nên hiệu ứng lật trang với người xem, và cho họ cảm giác trân trọng và sùng kính hơn.

Trích đoạn tác phẩm “The Branchini Madonna” – 1427

Đến thời kì phục hưng, Leonardo Da Vinci là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về đặc tính của ánh sáng. Ông quan sát những ảnh hưởng của mức độ sáng khác nhau lên các vật thể và ảnh hưởng của khoảng cách đến cách cảm nhận ánh sáng và bóng tối trong phong cảnh. Nhờ những phát hiện đó, ông sử dụng để tạo ra phối cảnh, không gian và xây dựng cảm giác nhạy bén về vị trí, xa gần dựa trên ánh sáng.

‘Sfumato’ là kỹ thuật đặc biệt mà Da Vinci sử dụng rất nhiều trong các tác phẩm nổi tiếng của mình. Kỹ thuật này được hiểu là người họa sĩ làm mờ đường viền giữa các đối tượng, từ đó tạo nên cảm giác không gian cho bức tranh.

  • Lady with an Ermine – Leonardo Da Vinci (1489-1490).
  • Madonna and Child with the Infant Saint John the Baptist

Sau thời kì phục hưng, ánh sáng trong các tác phẩm hội họa đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và có những đột phá nhất định ở thế kỷ 16 và thế kỷ 17. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, và phát kiến vĩ đại của Isaac Newton về ánh sáng, các bức tranh có chiều sâu và hình khối rõ ràng hơn, nổi bật nhất đó là danh họa Caravaggio (1571 – 1610). Với ông, ánh sáng là phương tiện để khơi gợi cảm xúc của con người, hướng tâm trí người xem đến những trạng thái khác nhau. Mức độ sáng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng và bầu không khí của không gian, thay đổi cách chúng ta phản ứng với môi trường và cả con người. Bằng kỹ thuật Chiaroscuro, sử dụng sự tương phản mạnh mẽ giữa sáng và tối để mang đến hiệu ứng thị giác cực kì hiệu quả cho người xem. Với kĩ thuật này, Caravaggio không chỉ phô diễn được kỹ năng sử dụng màu sắc của mình, mà chúng còn mang đến rất nhiều cảm xúc từ ngạc nhiên, mong đợi cho tới run sợ, lo âu tới người xem.

The Calling of Saint Matthew – Caravaggo (1599-1600 ) .
  • Crucifixion of Saint Peter – Caravaggio (1600)
  • The Supper at Emmaus – Caravaggio (1601)

Sang thế kỷ 20, khi mà ánh sáng nhân tạo xuất hiện, những sáng tạo đã vượt xa khỏi khuôn khổ trong hội họa. Điêu khắc, kiến trúc, điện ảnh,… coi ánh sáng là con đường để nghệ sĩ dẫn dắt người xem vào câu chuyện của mình. Từ đây ánh sáng trong nghệ thuật bước sang thời kì mới, đóng vai trò là nguồn cảm hứng trong công việc của chúng ta. Con người sáng tạo thêm những nguồn sáng mới và dùng chính những nguồn sáng ấy để tạo nên tác phẩm kì vĩ, ngỡ ngàng cho người xem.

Ánh sáng đã trải qua nhiều thời kì khác nhau và luôn là dấu ấn đậm nét đối với nghệ thuật. Đây cũng là miền đất sáng tạo cho những con người đam mê khám phá. Ở phần 2, chúng ta cùng tìm hiểu thêm những điều thú vị xoay quanh ánh sáng nhé !

(còn tiếp)

Thực hiện bởi: Hoàng

Chủ đề liên quan:

  • Thư viện ở Pontivy và ‘bản hòa ca’ tương phản nhịp nhàng giữa sáng – tối
  • teamLab và sự mê hoặc từ nghệ thuật ánh sáng
  • Khám phá trường phái Baroque lộng lẫy (Phần 1)

Từ khóa » Trong Sáng Có Tối Trong Tối Có Sáng