Vì Sao Ca Tử Vong Do COVID-19 ở Ấn Độ Vẫn Không Giảm?

Chú thích ảnh
Người dân Ấn Độ xếp hàng chờ tiêm chủng phòng COVID-19. Ảnh: FT

Sau khi đạt mức cao chưa từng có, đường cong lây nhiễm COVID-19 dường như cuối cùng cũng đang đi xuống ở Ấn Độ. Với tỷ lệ mắc bệnh giảm xuống, các chuyên gia tin rằng làn sóng COVID-19 thứ hai chết chóc, được cho là do biến thể virus đột biến, dường như cuối cùng cũng sắp giảm.

Tuy nhiên, có một yếu tố tiếp tục gây lo ngại, là số ca tử vong vẫn không giảm tương ứng với ca nhiễm mới. Ngày 9/6, một kỷ lục đáng buồn lại được xác lập tại Ấn Độ, với hơn 6.100 người tử vong vì COVID-19 chỉ trong 24 giờ. Nguyên nhân của sự tăng đột biến về số người chết là do bang Bihar sửa đổi về số liệu người tử vong trong vòng 1 tháng qua. Ngày 9/6, bang này ghi nhận 3.971 người chết vì COVID-19 chỉ trong vòng 24 giờ sau khi tiến hành việc kiểm tra, đánh giá lại số liệu. Cùng ngày, Ấn Độ xác nhận số ca tử vong trong làn sóng dịch thứ hai (tính từ ngày 1/3) đã là trên 205.000 người. Tiếp đó, ngày 10/6, Ấn Độ ghi nhận trên 3.400 ca tử vong mới và ngày 11/6 là 4.000 ca.

Dễ dàng nhận thấy, bất chấp làn sóng COVID-19 thứ hai có dấu hiệu giảm xuống kể từ nửa cuối tháng 5 trên khắp Ấn Độ, số ca nhập viện vẫn ở mức cao và số ca tử vong không giảm xuống tương ứng.

Chú thích ảnh
Hình ảnh các bãi hoả thiêu nạn nhân COVID-19 ở Ấn Độ từng gây ám ảnh thế giới. Ảnh: Reuters

Tỷ lệ tử vong gia tăng hoàn toàn trái ngược với đợt dịch đầu tiên ở Ấn Độ, khi tỷ lệ hồi phục cao và tỷ lệ tử vong thấp hơn, so với mức trung bình toàn cầu.

Câu hỏi đặt ra là sự gia tăng số ca tử vong có thể chỉ đơn giản là do độc lực của biến thể virus mới? Hay có những yếu tố khác dường như đang thúc đẩy tỷ lệ tử vong cao trong khoảng thời gian này?

Hậu quả của việc nhập viện muộn

Mức độ nghiêm trọng do làn sóng dịch thứ hai gây ra đẩy các bệnh viện vào tình trạng bị lấp đầy nhanh hơn, khiến nhiều ca bệnh nặng phải chờ đợi đến lượt được chăm sóc y tế.

Trong khi các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường cơ sở hạ tầng y tế, các bác sĩ tuyến đầu cũng khẳng định rằng bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế cũng có thể làm tăng tỷ lệ tử vong cũng như đẩy tình trạng của bệnh nhân nghiêm trọng hơn.

Tiến sĩ Om Srivastava, Giám đốc phụ trách Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện và trung tâm nghiên cứu Jaslok, cho biết thêm rằng vẫn còn nhiều bệnh nhân đối mặt với rủi ro cao do chưa nhận biết các triệu chứng nghiêm trọng một cách kịp thời và tìm kiếm sự giúp đỡ ngay khi có thể.

“Nhận thức đã được nâng cao, nhưng mọi người vẫn tiếp cận sự trợ giúp muộn. Nhiều người gặp rắc rối, hoặc đơn giản là không nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo, thường chỉ đến với chúng tôi khi đã quá muộn. Đây là một trong những lý do tại sao chúng tôi nói với bệnh nhân phải để ý các ngày thứ 1, 3, 5 và 7 kể từ khi mắc bệnh và theo dõi bất kỳ sự xấu đi nào. Chăm sóc y tế rất quan trong, nhưng sự giúp đỡ kịp thời cũng thực sự có thể làm giảm nguy cơ biến chứng”.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được nhập viện tại Ấn Độ. Ảnh: AFP

Tiến sĩ Vasunethra Kasaragod, Bác sĩ tư vấn vùng Lồng ngực, Bệnh viện Vikram, Bengaluru cũng cho rằng tỷ lệ tử vong phụ thuộc nhiều vào tình trạng của bệnh nhân. Ông nói: “Chủng virus đột biến thực sự có sức tàn phá khủng khiếp. Chúng tôi thấy bệnh nhân đến vào ngày thứ 4 với ca nặng và một số bệnh nhân đến khi đã vào ngày thứ 10, 11 sau khi nhiễm bệnh. Các mốc thời gian phục hồi và tiến triển thực sự quan trọng và chúng tôi bắt đầu phán đoán khả năng ai sẽ vượt qua và ai có thể không may mắn như vậy. Do đó, việc chẩn đoán và tư vấn nên được thực hiện kịp thời”.

Xu hướng bệnh nhân “trẻ hoá”

Một câu hỏi khác là tại sao rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi lại thất bại trong cuộc chiến với bệnh tật và tử vong?

Làn sóng thứ hai dường như chết chóc hơn đối với các nhóm cư dân trẻ tuổi hơn. Nguy cơ bệnh nặng cao hơn, nhập viện và những cái chết đáng tiếc dường như tấn công mạnh vào những người nhiễm virus ở độ tuổi 20 và 30, nhóm vốn được coi là an toàn hơn và ít nguy cơ tử vong hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế tỉ lệ nhập viện và tử vong lại đang tăng mạnh ở những người trẻ tuổi. Các chuyên gia y tế tin rằng có nhiều lý do đằng sau xu hướng đáng ngại này.

Trước hết, việc tiêm phòng đường như đang đạt nhiều kết quả hơn ở những người lớn tuổi, trong khi những người trẻ chưa được tiêm phòng sẽ không chống chọi được với mối nguy hiểm từ biến thể virus mới và phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp.

Chú thích ảnh
Trẻ em Ấn Độ đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh: Timesofindia

Thứ hai, xuất hiện nhiều bệnh nhân trẻ tuổi rơi vào tình trạng giảm oxy (nồng độ oxy giảm đột ngột không gây suy nhược cơ thể hoặc không có triệu chứng), biến chứng ở phổi càng dẫn đến hậu quả nặng nề hơn. Đó là chưa kể đến các bệnh nền đi kèm và một số nguy cơ sức khỏe chưa được chẩn đoán cũng khiến những người trẻ tuổi dễ gặp nguy hiểm.

Từ khóa » Hình ảnh Người Chết ở ấn độ