Vì Sao Các Nước Trung Ðông Không Lên án Nga?

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN)

Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tuần rồi đã khiến các đồng minh phương Tây ngạc nhiên khi bỏ phiếu trắng cho dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Ðộng thái này không khác gì tuyên bố giữ lập trường trung lập của một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Ðông đối với xung đột hiện nay ở Ukraine.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình Ukraine. Ảnh: UN News

Anwar Gargash, cố vấn ngoại giao của tổng thống UAE, cho rằng chọn phe “chỉ dẫn tới tình trạng bạo lực hơn” và ưu tiên của nước này là khuyến khích tất cả các bên sử dụng con đường ngoại giao và đàm phán để đạt được giải pháp chính trị. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1-3, Thái tử Abu Dhabi, Mohammed bin Zayed Al-Nahyan (người thực tế đang lãnh đạo UAE) nhấn mạnh UAE kêu gọi “giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine theo cách đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia của tất cả các bên”.

Không chỉ UAE, các nước Arab khác cũng tránh lên án hành động quân sự của Nga tại Ukraine. Saudi Arabia, quốc gia coi Nga là đối tác chính trong liên minh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), khẳng định nước này ủng hộ những nỗ lực giảm căng thẳng ở Ukraine. Trước đó, Liên đoàn Arab kêu gọi xuống thang căng thẳng, nhưng không đưa ra thông cáo chung. Liên đoàn này cũng không lên án hành động quân sự của Nga tại quốc gia Ðông Âu. “UAE chưa tìm ra cách lèo lái thế giới mới đa cực. UAE cùng các nước vùng Vịnh khác đang đánh giá lại quan hệ với Mỹ, quốc gia mà theo quan điểm của những nước này là thất hứa trong việc cung cấp an ninh”, Cinzia Bianco, chuyên gia tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại, nhận định.

UAE hướng đến chính sách ngoại giao độc lập diễn ra trong bối cảnh Abu Dhabi bất mãn với cách chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden giải quyết những vấn đề quan trọng đối với quốc gia này. Ngay sau khi nhậm chức tổng thống đầu năm 2021, ông Biden đã loại phong trào Houthi ở Yemen ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế. Chưa đầy một năm sau, Houthi mở chiến dịch tấn công bằng tên lửa gây thương vong tại Abu Dhabi. Phía Mỹ cam kết tăng cường năng lực phòng thủ cho UAE, nhưng Abu Dhabi chỉ muốn đưa Houthi trở lại danh sách các tổ chức khủng bố.

Hồi tháng 12-2021, UAE đã đình chỉ các cuộc đàm phán với Mỹ về việc mua 50 chiến đấu cơ F-35 trong thỏa thuận trị giá 23 tỉ USD. Trong tháng rồi, UAE thông báo họ sẽ lần đầu tiên mua các máy bay chiến đấu của Trung Quốc.

Trong khi đó, quan hệ UAE - Nga lại phát triển mạnh hơn. Hai năm trước, Thái tử Al-Nahyan từng đón tiếp Tổng thống Putin tới thăm Abu Dhabi bằng một buổi lễ hoành tráng. UAE và Nga khi ấy đã ký 6 thỏa thuận, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ cao, trị giá 1,3 tỉ USD. Ðược biết, lần gần nhất một tổng thống Mỹ công du UAE cách đây đã 14 năm, khi ông George W. Bush là chủ nhân Nhà Trắng. Ðó cũng là lần duy nhất lãnh đạo xứ cờ hoa thăm UAE.

Theo Hãng thông tấn TASS, kim ngạch thương mại giữa UAE và Nga ở mức khiêm tốn nhưng đã tăng trưởng gấp 10 lần kể từ năm 1997. Nga năm 2021 cũng trở thành nhà cung cấp lúa mì lớn nhất của UAE, chiếm khoảng 50% thị phần.

Trong ngày cuối cùng của phiên họp đặc biệt về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Ðại hội đồng LHQ hôm 2-3 đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine. Nghị quyết nhận được 141 phiếu thuận trong tổng số 193 nước thành viên LHQ, đạt tỷ lệ đồng thuận 73%. Trung Quốc là một trong 35 quốc gia bỏ phiếu trắng và 5 nước bỏ phiếu chống gồm Eritrea, Triều Tiên, Syria, Belarus và Nga.

Từ khóa » Vì Sao Uae Bỏ Phiếu Trắng